Trăn trở tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài dân tộc thiểu số

Bài 1: Thiếu vắng những tác phẩm chất lượng

  • 07:36 | Thứ Ba, 21/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ trước đến nay, đề tài dân tộc thiểu số (DTTS) được ví như “mỏ vàng” của các tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT). Nhiều tác phẩm kinh điển về văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu... đều bắt nguồn từ chính "kho tàng" đặc sắc, đa dạng của các DTTS trên khắp cả nước. Với Quảng Bình, cũng đã có không ít các tác phẩm khai thác mảng đề tài này và gặt hái nhiều thành công. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, thách thức và nỗi niềm trăn trở của các văn nghệ sĩ để có thể khai thác tối đa sức sáng tạo từ “quà tặng” vô giá này. Và chắc chắn họ rất cần được tiếp sức ý nghĩa, kịp thời để tiếp tục theo đuổi.
 
Có thể khẳng định như chính chia sẻ của nhà điều khắc Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Bình rất tâm huyết và dành nhiều đam mê với đề tài DTTS. Vậy nhưng, chúng ta vẫn đang thiếu vắng những tác phẩm thực sự chất lượng, để lại ấn tượng sâu đậm trong công chúng, góp phần tôn vinh, gìn giữ, phát huy nét văn hóa bản sắc, độc đáo của đồng bào DTTS, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, toàn cầu hóa, đô thị hóa đang khiến không ít giá trị văn hóa của bà con bị phôi pha. Để lấp đầy “khoảng trống” này vốn dĩ không phải là điều đơn giản.
 
Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Đức Thành là một trong những nghệ sĩ dành nhiều tâm huyết cho đề tài DTTS. Anh chia sẻ, hơn 30% các tác phẩm của anh là tôn vinh những giá trị văn hóa tinh thần, đời sống độc đáo của bà con DTTS với những chủ đề đa dạng, hình thức thể hiện phong phú, từ ảnh chân dung, phong cảnh cho đến những thể loại mới mẻ, hiện đại.
 
Theo NSNA Đức Thành, để sáng tạo trong mảng đề tài này, ngoài đam mê, nhiệt huyết, người nghệ sĩ còn phải có vốn tri thức, hiểu biết về đời sống sản xuất, sinh hoạt của đồng bào DTTS, do đó, sự nghiên cứu, tích lũy đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra, sự hỗ trợ, chia sẻ từ những đội ngũ chuyên gia cũng sẽ tạo nhiều điều kiện hơn cho nghệ sĩ trong quá trình này.
Lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy (Lệ Thủy).
Lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy (Lệ Thủy).
Một tác phẩm khiến anh ấn tượng nhất và cũng là “điểm đỏ” (như cách anh ví von) để giúp anh đủ điều kiện xét vào Hội NSNA Việt Nam cũng chính là về đề tài DTTS. Tác phẩm mang tên “Âm vang giữa đại ngàn Trường Sơn” năm 2014. Thời điểm đó, anh cũng NSNA Thành Vương lặn lội một hành trình dài, vất vả để đến với xã Trọng Hóa (Minh Hóa). Sau khi được chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng giới thiệu đến nhà của già làng Hồ Khăm, ấn tượng với phong thái, cá tính riêng của người Bru-Vân Kiều toát lên từ già làng, anh đã xin phép lưu giữ hình ảnh của già làng và nhanh chóng tác nghiệp.
 
Sau nhiều trăn trở thử nghiệm, cuối cùng, NSNA Đức Thành đã có được một bức ảnh ưng ý về già làng bên cây đàn truyền thống của người Bru-Vân Kiều, mà theo anh là đã truyền tải đầy đủ thông điệp về bảo tồn các giá trị cốt lõi của bà con DTTS Quảng Bình, toát lên hình ảnh con người núi rừng. Tác phẩm sau này được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao, được tham gia triển lãm ảnh quốc gia.
 
Bởi lẽ đời sống văn hóa, lao động, sản xuất của đồng bào DTTS là “kho tàng” sáng tạo không chỉ đối với NSNA nói riêng, mà còn với các nghệ sĩ nói chung, nên dù hành trình đến với bà con vất vả, nhưng NSNA Đức Thành vẫn miệt mài tổ chức các chuyến đi thực tế với nguồn kinh phí tự mình bỏ ra. Anh chia sẻ, còn nhiều ý tưởng sáng tạo với mảng đề tài này nhưng thực sự các nghệ sĩ như anh rất mong muốn có sự hỗ trợ tích cực hơn để không “một mình” trong hành trình sáng tạo.
 
Bên cạnh đó, khâu quảng bá, truyền thông về các tác phẩm đề tài DTTS cũng rất cần được “giúp sức” để đến gần hơn với công chúng, nhất là người trẻ, góp phần “truyền lửa” bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống bản địa. Có một thực tế buồn như tâm sự của NSNA Đức Thành chính là “cơn lốc” đô thị hóa đang khiến bản sắc của đồng bào DTTS phôi pha, có những chuyến thực tế đến với bà con, anh và đồng nghiệp thậm chí phải đi thuê trang phục DTTS cho bà con mặc để tác nghiệp, bởi không ít gia đình DTTS không còn lưu giữ trang phục truyền thống.
 
Quảng Bình xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, vậy nên công tác quảng bá, giới thiệu về du lịch đóng vai trò rất quan trọng. Các tác phẩm VHNT về DTTS chính là một trong những cách thức hiệu quả để quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu về đời sống văn hóa đặc sắc với những lễ hội, phong tục độc đáo, trang phục, trang sức ấn tượng, ẩm thực riêng có... của đồng bào DTTS Quảng Bình đến với du khách gần xa.

Còn theo ông Đinh Minh Đấu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa, Chi hội trưởng Chi hội VHNT huyện Minh Hóa, đề tài DTTS có những sức hấp dẫn mãnh liệt với những nhạc sĩ như ông. Ông hào hứng chia sẻ, hầu hết các mảnh đất của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Minh Hóa ông đều có cơ hội đặt chân đến và cho ra đời những ca khúc ý nghĩa, mang đậm bản sắc của bà con nơi đây. Chủ đề ông tâm đắc chính là bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào.

Hơn 50% “kho tàng” sáng tác của ông là về đề tài này. Điểm khó nhất chính là phải hiểu sâu, hiểu rõ và gần gũi với đồng bào DTTS. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, từ trước đến nay, vẫn chưa có một chương trình, dự án hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ để sáng tác về mảng đề tài này và chỉ có một lần hiếm hoi từ những năm 2000, ông được hỗ trợ từ một dự án truyền thông về phòng, chống bệnh sốt rét để có cơ hội được đến với bà con DTTS ở xã Dân Hóa. Do đó, rất cần những nguồn hỗ trợ định kỳ, thường xuyên để chi hội có điều kiện sáng tạo về mảng đề tài DTTS và nhất là được tạo điều kiện nhằm triển khai 1 dự án sáng tác riêng về đề tài này cho chi hội.
 
Nghệ sĩ Trung Hoa (thị trấn Phong Nha, Bố Trạch), người gắn bó hơn 30 năm với nhiếp ảnh và rất tâm huyết với đề tài DTTS cũng cùng chung nỗi trăn trở về quá trình tác nghiệp. Anh cho biết, anh tham gia các trại sáng tác nói chung, trại sáng tác về đề tài DTTS nói riêng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng như đi sáng tác tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa Quảng Bình bằng nguồn kinh phí cá nhân.
 
Sáng tác về, việc quảng bá gặp nhiều khó khăn, chủ yếu anh gửi cho các báo, tạp chí địa phương, Trung ương với nhuận ảnh ít ỏi, hầu như chưa đủ đề bù đắp chi phí bỏ ra. Trong khi đó, mảng đề tài này chính là kênh hiệu quả để quảng bá du lịch tỉnh nhà, nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Quá trình sáng tạo ở miền núi cũng rất cần sự tạo điều kiện hỗ trợ của chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng... để thuận lợi và hiệu quả hơn.
 
Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho biết, với nguồn kinh phí hạn hẹp, nên không ít chuyến đi thực tế, chuyến đi sáng tác về đề tài DTTS phải tạm gác lại. Một trại sáng tác riêng về mảng đề tài này cũng là điều khó khăn để triển khai. Bên cạnh đó, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh phân bố rải rác, địa hình cách trở, nên đội ngũ sáng tác VHNT gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình tiếp cận. Sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, công nghệ thông tin cũng khiến bản sắc của bà con DTTS bị phôi pha, mai một ít nhiều. Chính vì vậy, để có được những tác phẩm xuất sắc, ấn tượng về đề tài DTTS không hề đơn giản, mà là thách thức lớn đối với đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà.
Mai Nhân
 
Bài 2: Mạnh dạn đổi mới, khơi mở sáng tạo

tin liên quan

Khi tóc thầy bạc

(QBĐT) - "Khi tóc thầy bạc, tóc em vẫn còn xanh/Khi tóc thầy bạc trắng, chúng em đã khôn lớn rồi...". Bài hát Khi tóc thầy bạc trắng ngân nga mãi trong lòng tôi, giữa những ngày thiêng liêng của tháng 11 này. 

Về lại mái trường xưa

(QBĐT) - Về lại mái trường xưa là về trong ký ức những kỷ niệm đẹp đẽ của thời học sinh, những ký ức tươi rói với bao sắc màu bao âm thanh, bao cung bậc yêu thương theo ta đi suốt cuộc đời không bao giờ quên được.

Dòng phấn trắng

(QBĐT) - Dòng phấn trắng như rãnh mòn
di chuyển trên mặt đất
long lanh tia nắng ban mai