Về lại mái trường xưa

  • 14:20 | Thứ Hai, 20/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Về lại mái trường xưa là về trong ký ức những kỷ niệm đẹp đẽ của thời học sinh, những ký ức tươi rói với bao sắc màu bao âm thanh, bao cung bậc yêu thương theo ta đi suốt cuộc đời không bao giờ quên được.
 
Từ mái nhà đến mái trường, từ mái trường ra với trường đời, từ học sinh đến phụ huynh. Suốt cuộc đời ta là một hành trình học, học chữ, học kinh nghiệm sống, “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Đường đời thì xa tít tắp và hành trang ban đầu vào đời chính là những năm tháng học trò, chính là bắt đầu bằng bài tập đọc tập viết, những chữ cái: Chữ O, chữ A. Những phép tính cộng trừ, nhân lên tình yêu và chia ra tình thương với cộng đồng xã hội từ một đến mọi người.
 
Ai đó ví người thầy giáo là người lái đò, con đò chở bao lứa học sinh rời bờ và cập bến. Con sông ấy, mái chèo ấy vẫn dạt dào vỗ sóng trong ta bao cộng hưởng, với bao lở bồi nhưng bao giờ vẫn ăm ắp phù sa nghĩa tình, hiếu học.
 
Về lại mái trường xưa ta tìm về cánh cổng trường đóng mở theo thời gian như bìa của một cuốn sách mở ra và khép lại. Tôi bồi hồi đứng trước cánh cổng đã ngả màu thời gian mưa nắng và tự hỏi: Có bao lớp người đã đi qua cánh cổng này. Những bước chân lạnh giá rét, những ríu rít ngày khai trường, cánh cổng trường là chứng nhân mở ra bao hy vọng và khép lại bao ký ức.
 
Về lại mái trường xưa là ước mong được nghe tiếng trống trường giục giã mà thong thả ngân vọng như nhịp đồng hồ quả lắc với dư âm ngân nga đều đặn, tiếng trống trường không già mà tươi trẻ mãi. Ai đã làm ra mặt trống căng bằng da trâu, ai đã làm ra tang trống bằng gỗ mít bóng nhẵn, ai đã chằm những nốt dây mây đã gửi gắm vào đó hồn quê, hồn vườn.
 
Tiếng trống là một náo nức, một trong trẻo, một dư âm như khúc vĩ thanh nối dài sau mỗi bài giảng của thầy cô, như lời dặn dò gửi gắm, lại như lời thúc giục động viên. Rằng: Có một thời xao xuyến, con tim rung nhịp, trang vở mực tím, lưu bút chia tay. Tiếng trống trường báo giờ nghỉ ra chơi, báo giờ vào lớp học, cứ đều đều cần mẫn đúng hẹn, đúng giờ. Âm thanh của tiếng trống trường và tiếng giảng bài của thầy cô khi trầm khi bổng đã tạo ra một hợp âm luôn háo hức, luôn hồ hởi, luôn tươi mới có sự cộng hưởng thiết tha lay thức, lay gọi…
 
Về lại mái trường xưa là về với bao màu hoa rạo rực sân trường, nổi bật nhất là cánh phượng hồng, phượng vĩ đã ngân lên thành giai điệu nhạc da diết: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/Em chở mùa hè của tôi đi đâu?”. Không hiểu sao sân trường lại nhiều hoa phượng, cái màu hoa đỏ thiết tha, từng chùm, từng chùm như muốn nâng niu, không chang chói gắt gao mà tưng bừng chia sẻ.
 
Phượng như một bó đuốc thắp sáng rực rỡ trong đấu trường Olympic của mùa thi hết cấp, lên lớp. Phượng như một lời chào nhắn gửi lưu luyến chia tay, phượng như là một khát khao hồn nhiên gợi mở, phượng như là một hứa hẹn niềm tin trong sáng. Phượng chính là cái dấu ấn, dấu triện đính xuống trang đời của tuổi học sinh như là chứng nhận, như một sự đồng hành, như một tin yêu hứa hẹn.
 
Về lại mái trường xưa, ta bâng khuâng nhìn vào ô cửa sổ, cửa lớp. Đâu rồi chiếc bàn ta ngồi học, có hộc bàn cất những món quà nhỏ: Củ khoai nướng, gói kẹo kéo bùi ngọt hay có khi là con ve giấu trong hộp diêm. Để rồi giờ ra chơi lại ríu rít chia nhau, chia nhau cả trò chơi đuổi bắt, chia nhau cả tung tẩy nhảy dây. Ôi, cái tuổi thần tiên cứ bay bổng, cứ mơ mộng, cứ hồn nhiên hết mình để rồi bây giờ ta cứ đứng thẫn thờ nuối tiếc.
 
Ngày xưa ấy lớp học có thể chưa khang trang như bây giờ, những bảng đen và phấn trắng ngày ấy và bảng trắng bút mực đen bây giờ, các sắc màu đen trắng ấy cứ ngỡ như tương phản nhưng chính đã hài hòa cặp đôi làm nổi bật những dòng chữ, những phép tính, những tri thức ban đầu theo ta suốt cuộc đời. Và nét mực xanh của trang giáo án thầy cô thì cứ xanh mãi, một sắc xanh nhói lòng khi ta nhìn thấymái tóc thầy đã bạc. Tóc thầy bạc thâu đêm thì giáo án thầy thêm xanh thắm ngày mới.
 
Về mái trường xưa là về với bệ phóng đầu đời truyền thêm năng lượng để đi tiếp đường đời, trường đời với bao niềm tin yêu khát vọng.
                            Nguyễn Ngọc Phú

tin liên quan