Bứt phá "đường thơ" Nguyễn Tiến Nên

  • 15:18 | Thứ Bảy, 12/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2022, trong khoảng thời gian tạm lắng dịch Covid-19, Nguyễn Tiến Nên đã tổ chức ra mắt tập thơ “Tái sinh” hết sức “hoành tráng”. Tại đây, tôi đã có dịp nói “bo” 45 phút về “đường thơ” của anh và tập “Tái sinh”. Tuy nhiên, tôi vẫn “mắc nợ” anh một cảm xúc thành văn. Năm 2023 này, Nguyễn Tiến Nên lại "song sinh" tập ký “Thao thức biển” và tập thơ “Lời thỉnh cầu từ đất”. Anh khiến tôi phải nhìn lại sự lười biếng, kém cỏi của mình mà xin có đôi dòng về “đường thơ" Nguyễn Tiến Nên.
 
Một tâm hồn đa cảm, đa đoan và đa năng
 
Nguyễn Tiến Nên tuổi Giáp Ngọ (1954), hơn tôi 10 tuổi. Không biết chữ “Giáp” trong thập can có ý nghĩa gì, nhưng tôi thấy những người mang can Giáp, lớn thì như nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, tầm tầm như anh và tôi cùng một số người nữa, trời đều bắt/cho đa cảm, đa đoan để mang vào nghiệp viết. Còn tài năng đến đâu thì thuộc về thiên bẩm.
 
Sau khi nghỉ hưu, Nguyễn Tiến Nên mới lao vào nghiệp viết với công việc của người làm báo không chuyên. Tôi biết anh cách đây hơn 10 năm, khi cùng sinh hoạt ở Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình. Lúc này, mới thấy anh xuất hiện và có giải trong các cuộc thi thơ Đường luật của hội. Sau đó, thi thoảng anh có thơ đăng báo, Tạp chí Nhật Lệ. Mãi đến năm 2017, khi đã 63 tuổi, anh mới đủ điều kiện để được kết nạp vào Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình. Nói thế để biết, anh đến với thơ rất muộn.
 
Con “đường thơ” của anh cũng đầy khúc khuỷu và anh cũng đã có sự “bứt phá” rất ngoạn mục. Chỉ trong vòng 5 năm (2018-2023) anh đã cho ra đời bốn tập thơ, chưa kể thơ in chung và hai tập ký. Trong đó, với tập “Tái sinh”, anh đã “ẵm” giải B (không có giải A) của Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lưu Trọng Lư tỉnh Quảng Bình. Một thành quả không dễ mấy ai đạt được.
 
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật từng nói đại ý, đang làm thơ, viết văn mà chuyển sang làm báo rất dễ bị “cứng bút”. Nguyễn Tiến Nên đang làm báo, lại chuyển sang làm thơ viết văn, rồi lại còn song hành thơ-báo. Theo dõi con “đường thơ” của anh, tôi đã từng thẳng thắn “thơ anh nhiều báo chí, ít cảm xúc nghệ thuật”. May mắn thay, anh là người ham học hỏi, đôi khi khiêm tốn trên mức cần thiết. Nhưng cái quan trọng là, trời đã cho anh một bản năng đa cảm, đa đoan, cái tố chất cần thiết của thi sĩ.
Tập thơ
Tập thơ "Tái sinh" của tác giả Nguyễn Tiến Nên.

 

Lợi thế là người làm báo và có sức khỏe, Nguyễn Tiến Nên lăn lộn mọi nẻo đường. Ở đâu có cái đẹp, có hoàn cảnh éo le, có nỗi đau, nước mắt anh đều tìm đến. Đến để có ảnh, có thông tin cho tuyên truyền. Nhưng hơn đó là để rung động, để cùng khóc bằng tiếng lòng, để dồn nén những tứ thơ đầy đa đoan, mỹ cảm chân thật. Tôi có một cảm nhận, cùng bắt gặp một sự kiện, hoàn cảnh, trong khi tôi đang loay hoay tìm cách thể hiện, thậm chí lãng quên thì anh đã viết được rồi. Đến đâu, anh cũng có thể có tác phẩm, từ một Mai Tư Khoa, tác giả thơ mà cơ thể tàn tật 91%, đến những “Em bé bản Troi” heo hút biên cương, từ một “Kiếp đò” lênh đênh đất Việt đến cả “Sau chuyện đôi giày” ở xứ Ấn Độ.
 
Thẳng thắn mà nói, trong nghiệp viết anh là người “ham hố”. Từ tin, bài, ký sự báo chí đến các loại ký văn học. Từ truyện ngắn đến lý luận phê bình. Thơ thì Đường luật, lục bát, tự do, cách tân đủ cả. Các tác phẩm của anh chưa đến tầm tài năng vượt trội, nhưng có thể khẳng định, anh là con người đa năng. Nếu lấy Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam làm tiêu chuẩn, thì Quảng Bình duy nhất anh có đăng đủ thơ, ký, phê bình. Bạn bè văn chương thường đùa, không biết gọi Nguyễn Tiến Nên bằng “nhà” nào, thôi thì gọi anh là “chung cư” vậy.
 
Từ “Tái sinh” đến “Lời thỉnh cầu từ đất”
 
Như đã nói trên, trong 5 năm, Nguyễn Tiến Nên cho ra đời 4 tập thơ. Tuy nhiên, với tôi “Hơn cả tình yêu”, Nhà xuất bản Thuận Hóa-2020 chỉ là những tập hợp thi pháp cũ cùng cảm xúc đầy tính “khẩu hiệu”. Dù tập thơ ra đời trước đó nữa là “Bến”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn-2018, anh đã hết sức dày công “chăm bẵm”, đã có những bài, câu được khen hay, thì đó cũng chỉ mới là của “người chơi thơ” mà thôi. Tôi cho rằng, bắt đầu từ “Tái sinh”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn-2020 mới là một Nguyễn Tiến Nên đích thực trên con đường thi sĩ.
 
Minh chứng cho những nhận định trên, tôi xin được trích dẫn “thú nhận” của anh trong “Tái sinh”: “thuở ấy anh chưa từng nghĩ mình sẽ làm thơ/lóng ngóng trắc bằng ngữ ngôn thực luận/mơ ước một câu thơ neo vào lòng biển/đóng cuốn vở thật dày mang theo lúc ra khơi...” (Tin). Và cho đến “Ở cái tuổi cổ lai hy” thì anh “vẫn không dễ dàng có một câu thơ như ý”. Cũng mở đầu cho “Tái sinh”  trước, trong khi “Khao khát” anh đã tự bạch: “vụng về/gieo đường cày hoang hoải… dụi mắt/ngắm mùa màng thiên hạ … tôi xa xót gặt về/xác ve…”. Vậy là anh đã bắt đầu biết so sánh, biết học hỏi, tìm tòi đổi mới cho con “đường thơ” của mình, anh đã: “lắng từng tiếng thở lão nông /và nghe em hờn dỗi”. Cho đến khi cái “tôi” của anh “bật dậy”, anh “thấy mình đã khác hôm qua” và bắt đầu: “… tỷ mẩn bóc tách/tỷ mẩn gieo…giọng điệu từng khao/khát!” (Khao khát). Thơ với anh là cánh đồng thâm canh, là biển khơi đầy giông gió “nhưng anh tin khi hóa thành loài nhạn trắng /biển sẽ hát cùng anh.”(Tin).
 
Khi đã có niềm tin vào bản thân, vào con đường đã chọn, Nguyễn Tiến Nên sẵn sàng dấn thân để hình tượng hóa thơ mình. Xin hãy đọc trọn vẹn bài thơ “Tái sinh” cũng là tựa đề của tập thơ:
chính là nó
dù hữu hình-vô hình cũng đích thị nó
 
nó sống bất phân định tĩnh-động
đồng hiện-bất đồng hiện
 
nó ra đời sau tôi phù thủy hơn tôi thích làm sư phụ tôi
tôi thấy mình như kí sinh cùng nó trên một con nộm
 
khi nó dư dật thể xác dư dật mọi thứ
tôi trở nên giàu có dèm pha và dị nghị
 
khi nó ngày càng mởn mơ thì tôi càng nhom nheo còm cõi
khi nó bị phỉ báng thì chính tôi cũng chịu trăm nỗi đau hành hạ
 
tôi đã vô tình để nó sống tầm gửi khác nào ốc tha gỗ mục
nó khoác lác rằng chính nó mới cực nhọc tha tôi
 
tôi cố tình tống khứ kẻ bần tiện
ai-tha-ai?
tự biết...
 
tôi ngộ ra khi không còn nó
tôi từ kiếp nộm tái sinh.
 
Xuất phát tự sự đớn đau thể xác do một vật ký sinh, anh nhận ra, bất cứ đâu có ký sinh, ở đó vật chủ cũng trở thành tầm gửi. Chỉ khi cắt bỏ được ký sinh thì vật chủ mới được tái sinh. Phải chăng, cũng từ đó, anh đã cắt bỏ được những sáo mòn “ký sinh” trong thơ mình, để “tái sinh” một con đường thơ mới.
 
Giờ thì mời bạn đọc quan tâm thẩm thấu một hình tượng thơ đẹp đến nao lòng:
 
“Trong gió biển ngạt ngào/những con bạch tuộc xanh hơn/chân cắm ngập bùn thơm/bật lên thành phương ngữ…” (Hơi thở Cà Mau). Hay những câu thơ khiến ta giật mình: “Singapore!/nơi không có chỗ cho bàn tay bẩn/những con mắt thần /luật pháp dựng bình minh” (Một thoáng Singapore). Và một thi ảnh của anh khi đến Malaysia khiến ta trăn trở: “gió từ đâu ngây ngất lạ quen/mắt tôi đọng cánh ao làng.” (Xứ sở hoa dâm bụt).
 
Những tứ thơ, hình tượng thơ hay, thi ảnh đẹp như trên xuất hiện chưa nhiều, nhưng cũng đủ để ta thấy con đường thơ của Nguyễn Tiến Nên đang rộng mở theo hướng cách tân, khi anh bước sang “Lời thỉnh cầu từ đất”. Lúc này, anh không còn thời kỳ “… thẩn thờ ao ước/cố công mọc cánh/cho mình” nữa. Bây giờ anh đã “có đôi cánh rồi” đã “bay theo đàn/hót tiếng/đồng loài” nhưng anh tự tin vào “…giọng/của/ riêng tôi.” (Mọc cánh).
 
Cũng ở trong “Lời thỉnh cầu từ đất” cái tôi của Nguyễn Tiến Nên đã được “Xác tín”: “Tôi đi giữa tôi và tôi và tôi.../nhìn đâu cũng thấy tôi và tôi và tôi.../những chuyển động hướng tâm li tâm/bát nháo/những xé giằng đa phương/suýt nữa tôi thành con quay /vô định-Hình như trong quỹ đạo không là quỹ đạo ấy/có tiếng chim lảnh lót/câu thơ mọc cánh”. Cuối cùng, anh đã tìm được mình, “tự nội soi tự giải phẫu mình” để rồi “sau cuộc vượt cạn bản thân/em đã giúp tôi xác tín/mình đang ở đâu/trong các phiên-dị bản/vây /quanh.”.
 
Trong bài viết ngắn này, tôi hoàn toàn không có ý định “Trích cú, tầm chương” để phân tích cái hay của cả hai tập thơ. Dù những câu thơ hay, như: “Mắt giả vờ đi ngủ/vẫn nhìn vào sâu xa” có rất nhiều, nhất là ở tập thơ “Lời thỉnh cầu từ đất”, đã có sự tiến bộ vượt bậc so với “Tái sinh”. Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến con đường làm mới tư duy, làm mới thơ ca của Nguyễn Tiến Nên. Tôi tin anh, dù đã bắt đầu ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn say sưa tìm tòi, sáng tạo.
 
Trong đời thường, Nguyễn Tiến Nên là người hết sức chỉn chu. Anh chỉn chu từ “tư tưởng, lập trường” đến nói năng hành xử. Điều này là thế mạnh cuộc sống, nhưng ở mặt nào đó lại là thế yếu của văn chương. Bởi vậy, như đã nói, với thơ anh có sự “bứt phá” nhưng chưa thấy “đột phá”. Làm thơ mà luôn sợ người đọc không hiểu mình, luôn muốn logic của logic, chứ không dám tìm cái logic trong phi logic thì làm sao mà “đột phá” được.
 
Tôi nghĩ, sự bình bình “Dĩ hòa vi quý” trong thơ của anh cũng cần được thay đổi. Cũng chính vì tư duy không dám vứt bỏ, nên anh đã làm việc đáng tiếc, là cho in lại trong “Lời thỉnh cầu từ đất” gần chục bài thơ của “Tái sinh”, dù đó là những bài thơ hay. Tôi cũng vừa phát hiện điều đáng tiếc nữa đó là, anh đã bỏ một câu thơ rất hay ở bản thảo ban đầu “Chị dồn hết phổng phao” để thay vào câu thơ cứng nhắc “Chị mang bản thể phồn sinh” khi in. Bởi vậy, ở trích dẫn sau, tôi vẫn muốn giữ như cũ.
 
Tôi hy vọng, Nguyễn Tiến Nên sẽ tiếp tục vượt qua cái bóng của mình, như anh hy vọng ở “Người đàn bà kéo bóng mình”: “mỗi sớm mai/chị dồn hết phổng phao/kéo bóng mình trên sông-như kéo niềm hy vọng/cho đời”.
Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

Xây dựng văn hóa đọc trong lực lượng Công an

(QBĐT) - Chăm lo đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua. 

Tập huấn "Kỹ năng sản xuất video clip cho báo điện tử trên thiết bị di động"

(QBĐT) - Sáng 11/8, Báo Quảng Bình phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí về "Kỹ năng sản xuất video clip cho báo điện tử trên thiết bị di động".

Mùa nấm tràm

(QBĐT) - Tuổi trẻ tôi
Rất hiếm một ngày no
Rất hiếm một ngày vui trọn vẹn