icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Giải bóng chuyền "đặc biệt"

  • 07:32 | Chủ Nhật, 07/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình vừa là tiền tuyến của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vừa là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam. Giữa khói lửa chiến tranh ác liệt, quân và dân Quảng Bình không chỉ sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi mà còn tổ chức hiệu quả các hoạt động tập luyện thể dục thể thao (TDTT). Để khích lệ tinh thần quân và dân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải bóng chuyền các tỉnh “Trên tuyến lửa anh hùng” đã được tổ chức tại Quảng Bình vào năm 1969.
 
Vừa chống giặc vừa tập luyện thể thao
 
Ngày 4/8/1964, đế quốc Mỹ dựng nên “sự kiện vịnh Bắc Bộ", cho máy bay ném bom bắn phá một số nơi trên miền Bắc. Ở Quảng Bình, chúng đánh phá nhiều địa điểm, như: Cảng Gianh, cửa Roòn, đèo Ngang, Cự Nẫm... Để bảo vệ Tổ quốc, quê hương, quân và dân Quảng Bình bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ với khí thế khẩn trương, chủ động, tự tin và quyết chiến, quyết thắng. Cùng chung tay chống giặc, đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) thể thao Quảng Bình vừa lao động, sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, vừa rèn luyện thể thao.
 
Tiêu biểu, chị Trần Thị Lý, VĐV đội bóng chuyền nữ Phú Hải (TX. Đồng Hới) đã lập công xuất sắc trong trận máy bay Mỹ đánh phá cầu Dài được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; anh Nguyễn Ngọc Lê, xã Lộc Ninh (TX. Đồng Hới), VĐV môn bóng chuyền đã hy sinh anh dũng khi cùng đồng đội đánh trả máy bay Mỹ.
 
Cùng với các môn thể thao, như: Bóng đá, bắn súng, chạy việt dã, bơi lội, phong trào tập luyện bóng chuyền ở Quảng Bình có bước phát triển mới với nhiều đội bóng được hình thành và giành thành tích cao tại các giải đấu. Môn bóng chuyền nữ bắt đầu phát triển ở nông thôn, như: Xã Quảng Kim (Quảng Trạch), xã Hàm Ninh (Quảng Ninh)... và 5/7 huyện, thị xã lúc đó có đội bóng chuyền nữ.
 
Trong thời gian này, đội bóng chuyền nữ Phú Hải (TX. Đồng Hới) đã đại diện cho tỉnh Quảng Bình, dưới sự huấn luyện của ông Nguyễn Thanh Đàm (quê ở xã Quảng Thanh, Quảng Trạch), Trưởng phòng TDTT (Ban TDTT tỉnh Quảng Bình) tham gia giải bóng chuyền nông thôn miền Bắc lần thứ nhất. Thi đấu với các đội bóng chuyền ở miền Bắc, các cô gái đến từ Quảng Bình với năng khiếu và đoàn kết đã liên tiếp vượt qua đội bạn để chung cuộc giành cúp vô địch. Tiếp đó, năm 1963, đội bóng chuyền nữ Phú Hải giành chức vô địch giải bóng chuyền toàn miền Bắc và được chuyển lên hạng A miền Bắc.
Cuộc gặp mặt truyền thống của các cựu tuyển thủ đội bóng chuyền xã Lý Ninh xưa. Ảnh: Đoàn Thị
Cuộc gặp mặt truyền thống của các cựu tuyển thủ đội bóng chuyền xã Lý Ninh xưa. Ảnh: Đoàn Thị
Giải bóng chuyền “đặc biệt” giữa thời chiến
 
Sau chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, quân và dân cả nước giành được những thắng lợi to lớn trên các mặt trận buộc đế quốc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra. Nhân dịp kỷ niệm 24 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9/1969, Ủy ban TDTT Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Bình tổ chức giải bóng chuyền các tỉnh “trên tuyến lửa anh hùng”.
 
Trong bài viết “Giải bóng chuyền các tỉnh trên tuyến lửa anh hùng” (sách 50 năm Thể dục thể thao Quảng Bình), tác giả Thanh Hùng nhớ lại: "Chiều 29/8/1969, các đội bóng chuyền nam, nữ của các tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An và khu vực Vĩnh Linh đã vượt qua bom đạn, khắc phục khó khăn của thời chiến để đến hội tụ đông đủ. Các VĐV gặp nhau tay bắt mặt mừng cứ như anh chị em ruột thịt đi xa nay trở về đoàn tụ. Trưởng đoàn bóng chuyền Nghệ An là đồng chí Vinh, Phó Chủ nhiệm Ban TDTT tỉnh. Đoàn bóng chuyền Hà Tĩnh do đồng chí Hoạt, Ủy viên Thường trực Ban TDTT làm trưởng đoàn. Trưởng đoàn bóng chuyền khu vực Vĩnh Linh là đồng chí Vui. Đoàn bóng chuyền Quảng Bình do đồng chí Trần Thiện Hùng, Phó Chủ nhiệm Ban TDTT tỉnh, Trưởng ban Tổ chức giải. Ủy ban TDTT Trung ương cũng đã cử đồng chí Lượng và đồng chí Tuất, bộ môn bóng chuyền trực tiếp vào chỉ đạo và chủ trì ban trọng tài. Tham gia giải có 8 đội bóng chuyền nam, nữ Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Địa điểm thi đấu tại sân bóng chuyền “dã chiến” ở xã Lý Ninh (nay là 2 phường Bắc Lý và Nam Lý, TP. Đồng Hới), nơi có phong trào bóng chuyền phát triển".
 
Là người mê bóng chuyền, ông Hà Ngọc Lũy (90 tuổi, ở phường Nam Lý, nguyên cán bộ Thị đội Đồng Hới) kể lại, để giải bóng chuyền diễn ra thành công, người dân xã Lý Ninh đã cùng chung tay giúp đỡ, giành nơi ăn ở, sinh hoạt, hầm trú ẩn cho các đội bóng. Ban Chỉ huy Xã đội Lý Ninh bố trí hệ thống hầm cá nhân, hào giao thông quanh khu vực thi đấu để bảo đảm an toàn. Một đội cứu thương gồm hai cán bộ y tế xã thường trực cùng với một tiểu đội dân quân canh gác, báo động khi phát hiện có máy bay địch.
 
Bộ phận hậu cần do Hội Phụ nữ xã Lý Ninh đảm nhận và cử nhiều chị em giỏi nấu ăn để giúp đỡ. Khó khăn nhất là bếp ăn cho gần 100 người phải được giấu kín. Khi nấu đường ống dẫn khói được che khuất bằng giàn lá ngụy trang. Theo ông Lũy, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn bởi cuộc sống thời chiến tranh nhưng được sự hỗ trợ của UBND tỉnh và các ngành, đơn vị hữu quan, nguồn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ các đoàn tham gia giải bóng chuyền khá đầy đủ. Ngoài gạo có thêm đậu, nếp, đường, sữa, bánh kẹo, thịt lợn, bột súp…
 
Sáng 31/8/1969, giải bóng chuyền các tỉnh “trên tuyến lửa anh hùng” được khai mạc. Ông Ngô Đình Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đến dự và cổ vũ các đội bóng chuyền nam, nữ thi đấu. Mặc dù diễn ra trong điều kiện máy bay Mỹ có thể đánh phá nhưng giải vẫn thi đấu trong 3 ngày với điều kiện bảo đảm an toàn tuyệt đối.
 
Giải diễn ra 6 trận thi đấu nam và 6 trận nữ theo thể thức vòng tròn tính điểm. Tham gia giải bóng chuyền này, các cầu thủ đội bóng chuyền nam Quảng Bình được chọn lựa từ các đội bóng của Tỉnh đội, Biên phòng và Công an. Đội bóng chuyền nữ được tuyển từ hai đội Lý Ninh và Phú Hải. Ông Nguyễn Thiết Thức được cử làm HLV trưởng của 2 đội bóng chuyền nam, nữ tỉnh Quảng Bình.
 
Với lối đánh biến hóa không để đối phương bắt bài, cộng với tinh thần đoàn kết, các trận đấu của giải bóng chuyền các tỉnh “trên tuyến lửa anh hùng” diễn ra hấp dẫn. Kết thúc giải, cả hai đội tuyển bóng chuyền nam và nữ Quảng Bình đã giành giải nhất. Buổi tổng kết giải diễn ra trong không khí rộn ràng, cầu thủ của các đội bóng chuyền ngồi lại bên nhau như anh em một nhà.
 
Tổ chức giải bóng chuyền “đặc biệt” này không chỉ động viên quân và dân vượt qua khó khăn trong những năm đất nước chiến tranh mà còn khích lệ phong trào sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi ở các địa phương vùng “cán soong” miền Bắc và là hậu phương trực tiếp của miền Nam. Giải cũng là dịp để Ban TDTT các tỉnh trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng và phát triển phong trào rèn luyện các môn thể thao trong thời chiến.
Tân Bình
 
Tài liệu tham khảo: Sách 50 năm Thể dục thể thao Quảng Bình, Sở Thể dục thể thao Quảng Bình, xuất bản năm 1996. 

tin liên quan

Xây dựng lại tuyển Việt Nam

Qua 1 năm được dẫn dắt bởi chiến lược gia người Pháp Philippe Troussier, tuyển Việt Nam đã thất bại khi áp dụng triết lý bóng đá của chiến lược gia này và đánh mất vị thế "anh cả" bóng đá khu vực Đông Nam Á. Giờ là thời điểm để xây dựng lại đội tuyển Việt Nam và lấy lại vị thế.

VFF chấm dứt hợp đồng với huấn luyện viên Philippe Troussier

Đêm 26/3, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã đưa ra thông cáo báo chí về việc Liên đoàn và huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Bóng đá Quốc gia Philippe Troussier cùng đi đến thỏa thuận chấm dứt hợp đồng kể từ ngày 26/3/2024.

Thành tích một số môn thể thao đã vươn tầm quốc tế

(QBĐT) - Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Thể dục-Thể thao Việt Nam và Ngày Bác Hồ viết bài "Thể dục và sức khỏe" kêu gọi đồng bào tập thể dục (27/3/1946-27/3/2024), phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Bích Thủy, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao về những thành tựu nổi bật của thể thao và hướng đi trong thời gian tới.