icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chiếc nỏ ở vùng cao

  • 07:25 | Chủ Nhật, 24/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ xa xưa, chiếc nỏ đã gắn bó với người dân huyện Minh Hóa để săn bắn thú rừng và tiêu diệt kẻ thù, bảo vệ quê hương. Khi đất nước thống nhất, chiếc nỏ vẫn gắn bó với người dân mỗi khi lên nương rẫy bảo vệ mùa màng. Giờ đây, bắn nỏ đã trở thành môn thể thao truyền thống được nhiều người dân vùng cao yêu thích.
 
Vũ khí lợi hại
 
Huyện Minh Hóa xưa kia được bao bọc bởi núi rừng hoang vu, rậm rạp nên có nhiều loài thú sinh sống và về làng tấn công con người. Để bảo vệ tính mạng, hầu như nhà nào cũng làm nỏ để phòng thân. Tuy nhiên, chiếc nỏ xuất hiện từ khi nào thì không ai nhớ, nhưng nó gắn bó với người dân nơi đây như “vật bất ly thân”, nhất là khi lên rừng.
 
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đinh Thanh Dự kể: “Ngày xưa, người dân ở Minh Hóa hầu hết đều biết bắn nỏ, bởi nỏ là loại vũ khí lợi hại dùng để săn bắn phục vụ cuộc sống hàng ngày và đánh giặc giữ làng. Tuy nhiên, mỗi dân tộc đều có cách làm nỏ khác nhau, nhưng đều hướng đến mục đích chung là bắn đi xa và độ chính xác cao. Mũi tên bắn các loại thú dữ, diệt giặc thường tẩm độc để nâng cao tính sát thương, tránh thú dữ bị bắn quay lại tấn công”.
VĐV Hồ Thị Xan tập luyện bắn nỏ chuẩn bị thi đấu tại Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội rằm tháng ba Minh Hóa năm 2024.
VĐV Hồ Thị Xan tập luyện bắn nỏ chuẩn bị thi đấu tại Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội rằm tháng ba Minh Hóa năm 2024.
Ông Đinh Như Phiên (85 tuổi), vốn là thầy giáo dạy Lịch sử, ở xã Xuân Hóa (Minh Hóa) cho biết: Trong các cuộc chiến đấu bằng nỏ phải kể đến hai cuộc chiến ở xã Tân Hóa và eo Lập Cập, xã Hóa Sơn (Minh Hóa) cuối thế kỷ thứ 19. Thời đó, thực dân Pháp đưa quân lên đóng đồn ở đây nhằm đàn áp, cướp bóc khiến người dân vô cùng căm hận. Không chịu khuất phục, bà con đã tập hợp đội quân với hàng chục trai tráng, giàu lòng yêu nước, bắn nỏ rất tài để đánh Pháp. Ban ngày, họ ẩn náu trong hang động, tối đến thì xuất hiện trên những ngọn lèn cao dùng nỏ bắn tên độc và phóng hỏa cháy lán trại khiến lính Pháp bị tiêu diệt khá nhiều. Những trận đánh bằng nỏ diễn ra liên tục khiến giặc Pháp hoảng sợ rồi rút khỏi Tân Hóa…
 
“Hay tại eo Lập Cập cũng từng là trận địa phục kích của quân ta trong việc ngăn chặn giặc Pháp truy kích vua Hàm Nghi. Giặc Pháp biết vua đến Hóa Sơn, chúng cử một đội quân đuổi theo để truy bắt. Chúng bắt một ông lý trưởng đi trước dẫn đường, đến eo Lập Cập, người dẫn đường không chịu đi trước vì sợ quân ta (chủ yếu là người dân Minh Hóa) phục kích bắn nỏ. Do đó, quân chúng cùng xông lên và tất cả tên lính Pháp bước qua “yếu hầu” Lập Cập đều bị tên độc của quân ta bắn trúng. Trong cuộc chiến đấu đó, nhiều binh lính Pháp trúng thương nên đành rút quân. Từ đó, vua Hàm Nghi và quan quân triều đình được dân làng che chở, xây dựng căn cứ, phát triển phong trào Cần Vương”, ông Đinh Như Phiên thông tin thêm.
 
Môn thể thao truyền thống
 
Khi đất nước thống nhất, bắn nỏ trở thành môn thể thao truyền thống được nhiều người dân Minh Hóa yêu thích. Đặc biệt, sau tái lập huyện Minh Hóa, Hội rằm tháng ba càng được tổ chức quy mô hơn và đưa nhiều môn thể thao truyền thống vào thi đấu, trong đó có môn bắn nỏ, thu hút nhiều vận động viên (VĐV) tham gia.
 
Xã Trọng Hóa (Minh Hóa) là nơi có nhiều người biết bắn nỏ, làm nỏ và đạt giải cao trong các hội thi. Việc làm nỏ, bắn nỏ bây giờ chủ yếu để tập luyện thể thao, làm hàng lưu niệm và một số ít mang theo lên rẫy bắn chim, chuột bảo vệ mùa màng. Hiện, trên địa bàn xã vẫn còn hàng trăm gia đình có nỏ và nhiều người bắn nỏ rất giỏi.
 
Anh Hồ My (34 tuổi), ở bản Ka Oóc, xã Trọng Hóa có thâm niên làm nỏ, bắn nỏ hơn 20 năm chia sẻ: “Chiếc nỏ thường có 4 bộ phận chính, gồm: Cánh, thân, cò, dây. Cánh nỏ thường làm bằng cây gỗ chua, dài từ 85-90cm. Loại cây này dẻo, cứng, không bị mối mọt, có sức đàn hồi tốt. Thân, cò được làm bằng cây nẻ. Thân nỏ dài 75-80cm, đầu trước có khoét hình chữ U, bên trên làm một đường rãnh để đặt tên lên bắn. Dây nỏ được làm bằng sợi cây gai, hoặc sợi cáp quang. Nỏ sau khi làm xong phần thô phải phơi khô, xông khói khoảng một tháng mới lắp ráp. Một chiếc nỏ hoàn chỉnh sẽ không bị co rút, lực bắn mạnh, chính xác. Tên bắn nỏ dài khoảng 45cm, được làm bằng cây nứa, gắn con bay hình thoi bằng lá dứa rừng”.
Các VĐV bắn nỏ tranh tài tại giải đấu cấp huyện.
Các VĐV bắn nỏ tranh tài tại giải đấu cấp huyện.
Mỗi năm, Hồ My làm bình quân khoảng 15 cái nỏ với giá bán tầm 1 triệu đồng/chiếc. Nỏ anh làm bắn xa từ 250-300m, bắn mục tiêu chính xác trong khoảng cách từ 20-30m. Từ khi còn học lớp 9, hàng ngày, anh mang nỏ lên rẫy bắn chuột rừng, sóc, chim để bảo vệ mùa màng, lúc ra sông bắn cá để cải thiện bữa ăn, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Đặc biệt, anh đã tham gia giải bắn nỏ cấp xã, huyện, tỉnh, khu vực miền Trung. Thành tích đáng nể của anh là đã 7 lần đoạt giải nhất cấp huyện. Hiện, Hồ My đang tích cực tập luyện để chuẩn bị thi đấu tại Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội rằm tháng ba Minh Hóa năm 2024. 
 
“Nỏ thủ” Hồ Thị Xan (SN 1996) ở bản Ka Định, xã Dân Hóa (Minh Hóa)-người đã có thâm niên bắn nỏ hơn 14 năm và giành nhiều giải thưởng-chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã theo ông nội đi săn chim, chuột, sóc trên rẫy. Mỗi lần thấy ông bắn trúng mục tiêu là tôi vui lắm. Sau nhiều lần đi, ông dạy tôi cách bắn nỏ, tôi dần yêu môn thể thao này luôn. Theo tôi, để bắn nỏ tốt, VĐV phải siêng năng tập luyện, có sức khỏe tốt, mắt sáng. Khi ngắm vào mục tiêu cần phải bình tĩnh, giữ tâm lý ổn định, tay không được run…”.
 
Hồ Thị Xan đã tham gia hàng chục giải bắn nỏ lớn, nhỏ khác nhau. Riêng giải cấp xã chị luôn đoạt giải nhất và 3 lần đoạt giải nhất cấp huyện. Giải cấp tỉnh, “nỏ thủ” này từng đoạt giải khuyến khích và 2 lần được chọn tham gia ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung...
Chủ tịch UBND xã Dân Hóa Đinh Văn Chinh cho biết: “Trên địa bàn xã có có nhiều người bắn nỏ rất giỏi, từng tham gia các giải đấu và đoạt giải cao. Hiện, xã cũng đang tuyển chọn VĐV tập luyện, thi đấu tại Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội rằm tháng ba Minh Hóa sắp tới”…
 
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thông huyện Minh Hóa Đinh Thanh Duẩn: “Phát triển các môn thể thao truyền thống, trong đó có môn bắn nỏ là hướng đi hiệu quả, giúp người dân rèn luyện sức khỏe và góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn. Vì vậy, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này, nhất là tại Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội rằm tháng ba Minh Hóa sắp tới. Qua các giải đấu, địa phương tuyển chọn, đào tạo những VĐV có năng khiếu tham gia các giải thể thao dân tộc do tỉnh, khu vực tổ chức”.

Xuân Vương

tin liên quan

Khai mạc giải vô địch bóng bàn thanh thiếu nhi tỉnh Quảng Bình năm 2024

(QBĐT) - Sáng 23/3, tại Nhà thi đấu Công an tỉnh, Tỉnh đoàn phối hợp với Liên đoàn Bóng bàn Quảng Bình tổ chức giải vô địch bóng bàn thanh thiếu nhi tỉnh Quảng Bình lần thứ I năm 2024.

 

Hơn 400 vận động viên tham gia giải việt dã năm 2024

QBĐT) - Sáng 23/3, Sở Văn hóa-Thể thao tổ chức thành công giải việt dã năm 2024.

Tuyển Việt Nam thất thủ tại Bung Karno, mất vị trí nhì bảng

Tuyển Việt Nam đã nhận thất bại 0 - 1 trên sân Bung Karno trước Indonesia trong trận đấu tại bảng F vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á. Thua Indonesia, Việt Nam đã rơi xuống vị trí thứ 3 ở bảng đấu.