Chó, mèo thả rông: Hiểm họa khôn lường

  • 07:31 | Thứ Hai, 15/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện nay, việc người dân nuôi chó, mèo nhưng không đeo rọ mõm, để chạy rông ngoài đường, không tiêm phòng vắc-xin diễn ra phổ biến trên địa bàn toàn tỉnh. Tình trạng này rất nguy hiểm, ngoài tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh dại, chó, mèo còn cắn, cào, gây thương tích cho người đi đường, trẻ em vui chơi tại các công viên, khu dân cư, thậm chí là người trong gia đình nuôi chó, mèo.
 
Lo sợ khi chó, mèo thả rông
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, phần lớn các hộ dân nuôi chó, mèo đặc biệt là khu vực nông thôn hầu như không để tâm đến những mối nguy hại mà chó, mèo gây ra. Nhiều hộ nuôi chó, mèo nhưng không bao giờ nhốt trong nhà với lý do nhà hẹp, gây mất vệ sinh, quan niệm nuôi nhốt chó, mèo mà nhốt lại sẽ khiến chúng trở nên hung dữ. Điều này dẫn đến, chó, mèo thả rông không chỉ cắn, cào mà nguy hiểm hơn là lây bệnh dại cho người…
 
Nói về việc chó, mèo thả rông, chị Hoàng Thị Hà, phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới) bức xúc cho biết: “Cách đây ít tháng, con tôi đang đi bộ đến trường thì một con chó hàng xóm trong nhà chạy ra nhảy chồm lên cắn xé tới tấp. May mắn khi đó có mấy người hàng xóm lấy gậy đuổi nó mới bỏ chạy. Tôi có đem cháu nhập viện băng bó vết thương và tiêm phòng vắc-xin dại. Đến nay, dù sức khỏe ổn định, song mỗi khi thấy chó, con tôi thường tỏ ra hoảng sợ. Hiện, nơi tôi sinh sống, đi vào các ngõ, hẻm, tình trạng chó thả rông rất nhiều, người và xe đi qua bị chúng rượt đuổi, rất nguy hiểm.”
 
Gần đây, một bé gái ở huyện Lệ Thủy khi đang chơi đùa cùng đàn chó con của nhà hàng xóm thì bất ngờ bị chó mẹ tấn công. Bé gái bị chó cắn nhiều vết ở vùng tay, mặt và chảy nhiều máu. Người nhà đưa cháu vào Bệnh viện Trung ương Huế (cơ sở 2) và được các bác sĩ ở đây tiến hành cấp cứu, khâu gần các vết thương hở trên người. Mặc dù đã được tiêm phòng uốn ván, phòng dại nhưng việc chó cắn sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cháu sau này. Đây không phải là vụ việc hi hữu mà là chuyện xảy ra nhiều tại các khu dân cư khi chủ nuôi chó, mèo không quản lý chặt và thả rông, không đeo rọ mõm.
Các địa phương tổ chức tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo.
Các địa phương tổ chức tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo.
Không chỉ các khu dân cư, tại các công viên, khu vui chơi, nhiều người dân thản nhiên dắt chó đi dạo mà không mang rọ mõm, một số giống chó lớn và dữ như Becgie, Phú Quốc… khiến người đi dạo, đi tập thể dục lo ngại về sự an toàn. Chưa nói đến việc, trẻ con thấy chó cảnh dễ thương thường sà vào ôm ấp, vuốt ve, tuy nhiên, lỡ bị chúng cắn hoặc liếm vào vết thương hở nếu không được phát hiện và tiêm phòng dại sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.  
 
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Trần Công Tám cho biết: Hiện, pháp luật không cấm các hộ nuôi chó nhưng cũng đã có những quy định đối với người nuôi chó, như: Phải đăng ký với UBND cấp xã để được cấp sổ quản lý chó; phải tiêm phòng vắc-xin bệnh dại định kỳ; nuôi chó trong nhà, không được thả rông; khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm… Quy định là vậy, nhưng thực tế rất khó thực hiện bởi không phải người dân nào cũng có ý thức chấp hành đầy đủ.
 
Công tác phòng bệnh dại vẫn còn nhiều khó khăn
 
Thời gian qua, cả nước đã xảy ra nhiều vụ chó dữ cắn người gây thương tích nặng, thậm chí là tử vong, kể cả chủ nuôi chó. Ở Quảng Bình, từ năm 2023 đến nay, xảy ra 4 trường hợp người chết do bệnh dại. Tuy nhiên, kết quả tiêm phòng vắc-xin bệnh dại cho động vật trong năm 2023 đạt thấp, một số địa phương có tỷ lệ tiêm phòng đạt dưới 25% so với kế hoạch, như: Bố Trạch, Lệ Thủy và Minh Hóa.
 
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại (PCBD) cho đàn chó, mèo, ngay từ đầu năm 2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tham mưu Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm, trong đó chú trọng vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo.
 
Các huyện, thành phố, thị xã căn cứ kế hoạch UBND tỉnh giao, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch của từng địa phương. Hiện, một số địa phương đang thực hiện khá tốt công PCBD cho đàn chó, mèo. Đơn cử như TX. Ba Đồn, tính đến ngày 8/4/2023, địa phương đã tiêm phòng dại cho 3.860/4.990 con chó, đạt 77,35%. Các xã, phường đạt tỷ lệ tiêm 95-100% như: Ba Đồn, Quảng Văn, Quảng Tân, Quảng Sơn, Quảng Phong, Quảng Tiên…
 
Bà Lê Minh Phương, Phó trưởng Phòng Kinh tế TX. Ba Đồn cho biết: Để công tác PCBD cho đàn chó, mèo đạt kết quả cao, thị xã đã chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi và số lượng chó, mèo; lập sổ theo dõi, thống kê chi tiết để có phương án, giải pháp cụ thể triển khai hiệu quả công tác tiêm vắc-xin phòng dại. Một số địa phương còn cử đội tiêm phòng theo dõi, đánh dấu số chó, mèo đã được tiêm và sẽ tiến hành xử lý nếu hộ gia đình không chấp hành các quy định phòng dại, thả rông chó, mèo ra đường.
 
Năm 2024, nhiều địa phương đã có chủ trương hỗ trợ 100% kinh phí mua vắc-xin phòng dại cho chó, mèo, như: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, TP. Đồng Hới, Quảng Trạch,Tuyên Hóa, Minh Hóa.
 
Ông Trần Công Tám cho biết: Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, đoàn thể, hiện nay công tác tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó, mèo đang diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như: Một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, vào tiêm miễn phí; một số địa phương còn thiếu lực lượng cán bộ thú y nên hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát thực hiện tiêm phòng; hầu hết các địa phương chưa thực hiện việc xử phạt chủ vật nuôi không chấp hành tiêm phòng vắc-xin dại cho vật nuôi, để chó, mèo thả rông hoặc không đeo rọ mõm ở nơi công cộng; công tác cung ứng, mua vắc-xin tại các địa phương còn lúng túng, chưa đồng nhất do không có hệ thống thú y cấp huyện…
 
Thực hiện Công điện số 01/CĐ-UBND của UBND tỉnh về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác PCBD, Sở NN-PTNT đang tích cực phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát tình hình bệnh dại trên động vật; kịp thời thông báo cho ngành Y tế khi có ổ dịch bệnh dại động vật, có nguy cơ lây nhiễm sang người; thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương tiêm phòng vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo có tỷ lệ đạt thấp; hướng dẫn triển khai các biện pháp PCBD và quản lý chó, mèo; tổng hợp, báo cáo tình hình, chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai các biện pháp PCBD hiệu quả...
Thanh Hoa
 
Hiện Quảng Bình có tổng đàn chó trên 74.600 con, kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh dại là 50.000 con. Đến nay, các địa phương đã đồng loạt triển khai và đã tiêm được hơn 8.000 liều vắc-xin phòng dại. Phấn đấu đến cuối tháng 4/2024, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại đạt 85% trong diện tiêm.

 

tin liên quan

Nguy cơ thiếu vắc-xin phòng bệnh dại trên người

(QBĐT) - Hiện đã có 16/63 tỉnh, thành ghi nhận ca bệnh dại trên người. Quảng Bình cũng đã ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh dại và số người bị chó, mèo cắn phải tiêm vắc-xin phòng dại tăng đột biến từ Tết Nguyên đán đến nay. Vì vậy, nguy cơ thiếu vắc-xin phòng dại đang hiện hữu, nếu không được bổ sung kịp thời.

Bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính trong công tác khám sức khỏe

Ngày 26/3, Bộ Y tế có văn bản số 1435/BYT-KCB yêu cầu thủ trưởng các đơn vị: Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện, viện… phổ biến, quán triệt, hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền thực hiện một số nội dung thay đổi tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.

Tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người

(QBĐT) - Sáng 27/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024.