Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về dân số-kế hoạch hóa gia đình

  • 07:43 | Thứ Năm, 21/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, ngành Y tế Quảng Bình xác định công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ).
 
Đa dạng các hình thức tuyên truyền
 
Thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ (Sở Y tế) đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm từng bước nâng cao nhận thức của người dân, tạo chuyển biến, thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ. Trong đó, tập trung triển khai sâu rộng đến các cấp, ngành, cơ quan, đoàn thể, tại cộng đồng, gia đình, dòng họ và nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Nội dung tuyên truyền thiết thực, sinh động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú thu hút sự quan tâm của mọi người.  
Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức truyền thông lồng ghép về dân số và phát triển.
Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức truyền thông lồng ghép về dân số và phát triển.
Trong năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức được gần 500 hội nghị tập huấn, tư vấn nói chuyện chuyên đề về quy mô, cơ cấu, nâng cao chất lượng DS với hơn 26.500 đối tượng tham gia. Chi cục đã chủ động phối hợp lồng ghép tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ với các ban, ngành, đoàn thể và đã tiến hành ký kết với các đơn vị báo chí địa phương, Ủy ban MTTQVN tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đến mọi người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác DS trong tình hình mới... Đồng thời, vận động toàn dân thực hiện tốt các chính sách về DS-KHHGĐ, chú trọng các vấn đề cần quan tâm, như: Sinh con thứ 3 trở lên, mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng DS...
 
Bên cạnh đó, chi cục đã tăng cường nhân bản các sản phẩm truyền thông và phân phối về cơ sở trên 8.200 bản tin DS-KHHGĐ, gần 1.400 quyển tài liệu “Hướng dẫn truyền thông trực tiếp về chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên”, gần 2.000 cuốn sổ tay “Hướng dẫn truyền thông DS-KHHGĐ vùng dân tộc thiểu số cho các đơn vị có đồng bào dân tộc”. Đồng thời, duy trì các chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục, phát nhiều tin, bài, phóng sự tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng cấp tỉnh và cấp huyện; xây dựng mới và sửa chữa các cụm pano tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ trên toàn tỉnh.
 
Đặc biệt, nhân các ngày: Thalassemia, Dân số thế giới, tránh thai thế giới 26/9, quốc tế người cao tuổi, quốc tế trẻ em gái, Tháng hành động quốc gia về DS và ngày DS Việt Nam…, trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức hơn 1.600 cuộc truyền thông tư vấn nhóm, tư vấn hộ gia đình về các nội dung nâng cao chất lượng DS-KHHGĐ; truyền thông hơn 4.000 buổi trên loa phát thanh xã, phường, thị trấn.
 
Song song với đó, công tác phối hợp với đơn vị y tế các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục được triển khai hiệu quả, các hoạt động truyền thông được xây dựng phù hợp với đặc thù dân cư từng vùng miền và điều kiện tình hình thực tế địa phương. Trong đó, tập trung tuyên truyền các nội dung nâng cao chất lượng DS thông qua hoạt động của các mô hình, đề án, như: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; kiểm soát tốc độ gia tăng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; nâng cao chất lượng DS dân tộc thiểu số…
 
Chi cục DS-KHHGÐ tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ DS các cấp, y tế cơ sở để tuyên truyền, vận động nhằm hình thành và duy trì bền vững hành vi tích cực về DS-KHHGĐ của các tầng lớp nhân dân... Qua đó, nhiều mô hình hay, điển hình tiên tiến về công tác DS-KHHGÐ đã được duy trì, nhân rộng, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và toàn xã hội, như mô hình “Khu dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên”, “Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh”, sinh hoạt câu lạc bộ “Sức khỏe sinh sản vị thành niên và tiền hôn nhân”… đã góp phần không nhỏ trong chuyển đổi hành vi thực hiện chính sách DS-KHHGĐ theo hướng tích cực của người dân trên địa bàn.
 
Còn nhiều thách thức trong công tác DS-KHHGĐ
 
Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Phan Nam Bình cho biết, nhờ làm tốt công tác truyền thông, kết hợp với việc củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, trong những năm qua công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Chất lượng DS ngày càng được nâng lên, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng ven biển...
 
Nổi bật là việc thực hiện chỉ tiêu các gói dịch vụ trong chiến dịch hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch: Trong năm 2023, tổng số các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trên 46.800 ca, đạt 107,6% kế hoạch. Số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên có chiều hướng giảm (năm 2023 có 2.362 cháu là con thứ 3, chiếm tỷ lệ 20,59%, giảm 0,98% so với năm 2022).
 
Tại 8 huyện, thị xã, thành phố tiếp tục duy trì sinh hoạt định kỳ của 33 câu lạc bộ sức khỏe sinh sản vị thành niên và tiền hôn nhân với sự tham gia của hơn 1.200 thành viên; đồng thời, thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi tại y tế cơ sở cho gần 26.000 cụ. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng ngày càng được triển khai đồng bộ và đa dạng các phương thức thực hiện, tạo điều kiện cho các cụ có cơ hội chia sẻ, trao đổi những kiến thức liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, góp phần giúp các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích… được cộng đồng dân cư đánh giá cao.
 
Theo Bộ Y tế, quy mô DS năm 2023 của Việt Nam khoảng 100,3 triệu dân, tốc độ tăng DS 0,84%. Số lượng và tỷ trọng DS đang trong độ tuổi lao động chiếm gần 70%, trong giai đoạn cơ cấu DS vàng. Chất lượng DS được cải thiện nhiều mặt về thể chất, tuổi thọ, trình độ văn hóa, tư vấn sức khỏe sinh sản; giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Tuy nhiên, mô hình DS Việt Nam đang có nghịch lý như mức sinh thay thế ở miền núi cao hơn đồng bằng, nông thôn cao hơn thành thị; nhóm đối tượng nghèo nhất thường sinh nhiều con hơn so với các nhóm còn lại. Tỷ số giới tính khi sinh vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên (104-106 bé trai/100 bé gái)...
Tuy nhiên, theo ông Phan Nam Bình, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác DS-KHHGĐ hiện vẫn còn những khó khăn, thách thức: Tỷ suất sinh năm 2023 là 11,71%o, tăng 1,4%o so với năm 2022; tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cao (105 nam/100 nữ) so với cân bằng tự nhiên.
 
Tình trạng cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho công tác DS chưa tương xứng với nhiệm vụ, yêu cầu được giao cả về chất lượng lẫn số lượng từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, ngân sách địa phương hạn hẹp ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ và hoạt động các đề án nâng cao chất lượng DS.
 
“Để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt là các biện pháp khống chế mức sinh và sinh con thứ 3 trở lên, thời gian tới Chi cục DS-KHHGĐ tập trung phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền vận động đến mọi người dân Pháp lệnh DS, Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chương trình hành động số 18/CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác DS trong tình hình mới...; tăng cường chiến dịch cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ tại các xã có mức sinh cao, xã khó khăn, xã dân tộc và miền núi.
 
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Báo Quảng Bình, Đài PT-TH tỉnh và các trung tâm văn hóa-thông tin-thể thao địa phương, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, sự kiện truyền thông về DS-KHHGĐ nhằm chuyển đổi nhận thức và duy trì bền vững hành vi tích cực về DS và phát triển của các tầng lớp nhân dân”, ông Phan Nam Bình nhấn mạnh.
Nội Hà

tin liên quan

Bệnh viện đa khoa TTH Quảng Bình: Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2

(QBĐT) - Tối 27/2, Bệnh viện đa khoa TTH Quảng Bình tổ chức gala dinner kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2024).
 

Những bác sĩ "đặc biệt"

(QBĐT) - "Đặc biệt" bởi những cống hiến miệt mài của họ cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Những công việc lặng thầm ấy đã thắp lên bao niềm tin, hy vọng cho nhiều gia đình trên miền quê cát trắng Quảng Bình.

Gieo niềm hy vọng trong "cuộc chiến" chống ung thư

(QBĐT) - Hơn nửa năm qua, PGS.TS. Nguyễn Đại Bình (SN 1957), nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K, giảng viên chính bộ môn ung thư, Trường đại học Y Hà Nội, chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật ung thư cùng các bác sĩ Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới đã tạo nên nhiều kỳ tích trong "cuộc chiến" chống ung thư.