Người Rục trong sóng gió đời thường - Kỳ 2: Tập làm nông dân

Cập nhật lúc 07:33, Thứ Sáu, 07/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - 50 năm sau khi rời hang đá, nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của Bộ đội Biên phòng, người Rục đã có một bước tiến dài khi tiếp cận nghề trồng lúa. Nhưng để trở thành một người nông dân thực thụ, người Rục còn phải học nhiều thứ...

>> Kỳ 1: Những người thích ở rừng

Bắt đầu từ "chặt, đốt, cốt, trỉa"

Cách đây chưa lâu, với đồng bào Rục, lúa nước vẫn là một loại cây xa lạ, chỉ có miền xuôi và người Kinh mới trồng được. Ngày đó, bản làng của người Rục hoang vắng, chìm trong cảnh đói cơm rách áo, tất cả nguồn sống của đồng bào đều dựa vào rừng, sự trợ cấp của Nhà nước...

Thiếu tá Trương Thanh Lưu, cán bộ Biên phòng đã có hơn 10 năm cắm bản “3 cùng” với đồng bào Rục kể rằng: “Bước ra từ hang đá  người Rục lạ lẫm với tất cả. Cuộc sống của họ chỉ đơn thuần với việc săn bắt, hái lượm, chiếm đoạt từ rừng”. Bộ đội Biên phòng phải dạy đồng bào từ những bước sơ khai nhất là “chặt, đốt, cốt, trỉa”.

Ngày ấy bộ đội  phát rẫy, trồng ngô, trồng sắn, làm cho đồng bào xem, chỉ cho mọi người cách “chọc” đất tra hạt. Rẫy thì rộng nhưng đồng bào sau khi tra hạt xong là để đó mặc cho trời, thú rừng phá hoại, đến mùa chẳng thu được là bao... Từ những bước ban đầu như thế, cây ngô, cây sắn bắt đầu bám rễ trên rẫy, bước đầu đẩy lùi bột nhúc khỏi bữa ăn gia đình.

Năm 2009, sau một chuyến khảo sát tìm nguồn nước để lập dự án nước sạch phục vụ sinh hoạt cho cụm dân cư và Đồn Biên phòng Cà Xèng vừa mới chuyển vào, thấy một dải đất chạy dọc theo con suối Rục Làn, đại tá Nguyễn Văn Phúc, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã nghĩ ngay đến việc mở cánh đồng lúa nước trên vùng đất này. Nghĩ là làm, bước đầu Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã chỉ đạo cán bộ chiến sĩ Đồn Cà Xèng khai hoang, cùng dân bản trồng thử nghiệm trên 2,5ha.

60 tuổi, ông Cao Tíu ở bản Mò O Ồ Ồ mới
60 tuổi, ông Cao Tíu ở bản Mò O Ồ Ồ mới "tập" làm nông dân.

Ông Trần Trung Trực ở bản Yên Hợp, là người Rục đầu tiên được Bộ đội Biên phòng mời làm thử nghiệm vụ lúa nước đầu tiên. Mô hình trồng 1.000 m2 lúa, thu hoạch 400 kg thóc, ngày thu hoạch dân 3 bản đổ về xem như hội. Gặp chúng tôi, ông Trực cười tít con mắt: “Mừng lắm! Nhờ Bộ đội Biên phòng dạy cách làm mà miềng đã trồng được lúa nước.” Rồi đến vụ thứ 2, mô hình được nhân rộng diện tích lúa nước đã được mở rộng thêm với 3 hộ ở 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ cùng tham gia.

Sau 2 vụ lúa “thử nghiệm” thành công, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã quyết định lập dự án đầu tư hệ thống thuỷ lợi và khai hoang vùng Rục Làn rộng hơn 10 ha thành một cách đồng lúa cho đồng bào Rục.

Đại uý Võ Đình Thuần, Đồn phó Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết: Những vụ lúa đầu tiên tuy nói là thành công nhưng chủ yếu là công sức của bộ đội. Người dân chỉ tham gia với mức độ “xem” bộ đội làm lúa nước như thế nào. Bộ đội phải tốn rất nhiều công sức cùng máy móc mới san ủi được mặt bằng, tạo đất màu. Vừa làm xong thì nước lũ đổ về cuốn trôi hết đất màu, cán bộ, chiến sĩ lại phải bắt tay vào cải tạo đất. Sạ xong lại gặp rét đậm, lúa sinh trưởng chậm và kéo dài tới 5 tháng mới thu hoạch... Trông cây lúa lo từng ngày, vụ đầu tiên mà hỏng thì sau này rất khó vận động được bà con.

Xã viên hợp tác xã

Hôm chúng tôi trở lại bản Rục, cũng là lúc đồng bào ở đây bước vào mùa gieo cấy vụ lúa nước thứ 4. Buổi sáng trên cánh đồng Rục Làn lúa đang lên xanh mơn mởn, hàng trăm người Rục đang hăng say “tỉa, dặm” lại lúa trên những thửa ruộng.

Thượng uý Phạm Xuân Ninh, Đội trưởng đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cà Xèng, vốn là một kỹ sư chính hiệu (anh Ninh tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Huế), người gắn bó với cánh đồng Rục Làn ngay từ buổi sơ khai, đang hướng dẫn bà con lấy nước vào ruộng và “tỉa dặm” thế nào cho đúng kỹ thuật. “Qua 3 vụ lúa, bây giờ phần lớn công việc trên đồng ruộng đều do đồng bào làm cả, bộ đội chỉ hướng dẫn thôi. Dẫu vẫn còn “lóng ngóng” nhưng bây giờ có thể nói, đồng bào Rục đã tự tay làm ra hạt gạo rồi” – anh Ninh chia sẻ.

Theo anh Ninh, khó khăn nhất là công tác tổ chức, hướng dẫn bà con cách làm. Từ trước đến nay, đồng bào Rục chưa bao giờ quen với việc sản xuất theo kế hoạch. Anh em suy nghĩ mãi, quyết định chọn mô hình hợp tác xã áp dụng vào công tác quản lý sản xuất ở cánh đồng Rục Làn.

Bà con người Rục ở đây được chia thành 11 nhóm sản xuất. Hằng ngày, vào cuối buổi chiều, qua hệ thống loa phát thanh, Bộ đội Biên phòng thông báo kế hoạch lao động sản xuất, phân việc cụ thể cho từng người dân. Tối bộ đội lại đến từng nhà, giải đáp mọi thắc mắc và hướng dẫn bà con chuẩn bị dụng cụ lao động. Sáng hôm sau, trực tiếp đánh kẻng, tập trung mọi người ra đồng; kiên trì hướng dẫn bà con cách làm đất, làm bờ, làm phân xanh. Ðến chiều, ghi sổ chấm công và lại thông báo công việc ngày mai. Hai vụ lúa đông-xuân và hè-thu năm 2011, khu ruộng đạt gần 60 tấn lúa.

Đến vụ lúa thứ 4 này, đã có nhiều hộ dân ở bản Yên Hợp xin Bộ đội Biên phòng chia ruộng làm riêng. Gặp chúng tôi ở chân ruộng, bà Hồ Thị Mèo (60 tuổi) cười xởi lởi: “Gia đình miềng có 8 người, được Bộ đội Biên phòng chia cho 4 sào ruộng. Trước đây làm chung đến mùa được bộ đội chia lúa cho, còn bây giờ làm riêng rồi, cái ruộng là của miềng rồi, phải cố mà làm cho có hạt gạo”.

Chỉ huy Đồn biên phòng Cà Xèng cho biết: Mong muốn của các anh là “được” chia ruộng cho mọi người, bộ đội chỉ làm vai trò hỗ trợ. “Mong đến lúc bà con tự ra đồng, biết hai sương một nắng cùng cây lúa, biết trông trời, trông đất, trông mây... để trở thành nông dân thực thụ” - thiếu tá Lê Quang Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Xèng tâm sự.

                                                            Phan Phương

                                                              Kỳ 3: Đường đời không bằng phẳng 











 

,
.
.
.