Bản nhỏ giữa đại ngàn Trường Sơn

Cập nhật lúc 07:46, Thứ Ba, 07/08/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trưa tháng 8, tôi đang đứng trốn nắng dưới tán cây ven đường Hồ Chí Minh nhánh tây thì có một chiếc Kamaz trờ tới. Bác tài xế mình trần thò đầu qua cửa xe hỏi: "Đi đâu?". Tôi hét lớn: "Vào bản PLoang!". Khi đã yên vị phía bên ghế phụ... bác tài xế lom lom nhìn tôi lạ lẫm rồi phán: "May cho chú, nếu không gặp anh, đi bộ đến chiều tối mới tới PLoang được".

Mùa này, con đường độc đạo vào hai bản PLoang, Rìn Rìn của xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh đang trong giai đoạn thi công mịt mờ bụi đỏ. Bác tài xế đánh vật với vô lăng điều khiển chiếc Kamaz bò trên mặt đường lổm nhổm đá, ổ voi, ổ gà thắc mắc: "Có chuyện chi mà tới nơi khỉ ho cò gáy như PLoang. Trên cung đường này chỉ có Bộ đội Biên phòng Đồn Làng Mô hay đi tuần tra biên giới thôi. Hiếm khi thấy cán bộ dưới xuôi lên như chú".

Tôi kể với ông rằng mình đã từng đến Rìn Rìn, đến Dốc Mây rồi, nghe kể bản PLoang chỉ cách bản Rìn Rìn tầm "một quăng rạ", chân chưa tới, mắt chưa chứng kiến đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Vân Kiều nơi đây, lòng không yên được.

Xe dừng lại nơi điểm tập kết vật liệu cách bản PLoang chừng hai cây số, tôi bắt tay từ biệt bác tài xế tốt bụng rồi cuốc bộ vào bản.

Một góc bản PLoang.
Một góc bản PLoang.

Nằm gọn bên một triền núi thoai thoải, bản PLoang chưa đầy hai chục nóc nhà, dân số chỉ có 17 hộ, 78 khẩu. Trên đoạn đường bê tông chạy qua giữa bản, những đứa trẻ Vân Kiều tóc cháy khét, da đen nhẻm đang nô đùa mặc cái nắng mùa hè hanh hao. Hỏi nhà trưởng bản, một chú bé đưa tay chỉ ngôi nhà sàn "bé bằng bàn tay" có cái loa phát thanh chìa ra phía đầu chái. Những tưởng trưởng bản PLoang chắc đứng tuổi lắm rồi, tôi đứng dưới chân cầu thang gọi lớn, thấy một thanh niên xuất hiện ở cửa. "Nhà trưởng bản đây à?". "Đúng rồi!". "Cho gặp trưởng bản!"- Tôi đề nghị. Cậu thanh niên chỉ vào người mình: "Tao là trưởng bản đây". Tôi ngẩn người ra... cậu thanh niên cười khà nắm lấy tay tôi kéo tuột vào nhà.

Trưởng bản tên Hồ Văn Thiên, sinh năm 1986, vừa tròn 5 năm tuổi đảng, hai vợ chồng mới có một cháu nhỏ đầu lòng. Thiên giới thiệu sơ qua về tình hình của bản: "Đồng bào ở đây sống nhờ làm nương, làm rẫy, 100% là hộ nghèo; bắt đầu từ tháng 8 hàng năm trở đi mọi gia đình đều thiếu ăn. Chương trình 134 của Chính phủ hỗ trợ làm nhà cho 15 hộ. Mỗi gia đình tại bản được nhận bình quân khoảng 2ha rừng, đồng bào tiến hành trồng keo, tràm từ năm 2010. Toàn bản chỉ có 2 con trâu, 3 con bò. Phương tiện đi lại gồm 9 chiếc xe máy. Ti vi thì không có mô... vì bản không có điện. Nhà nước hỗ trợ cho bản một đoạn đường bê tông, năm 2010 tiếp tục làm đường nối PLoang, Rìn Rìn với đường Hồ Chí Minh. Công trình tiến hành hai năm rồi mà chậm lắm, chắc chắn không thể hoàn thành vì mùa mưa lũ sắp đến gần.

Hồ Văn Thiên kể rằng: Những năm trước, trâu bò ở bản nhiều lắm, thời điểm đông nhất lên đến 80 con. Vì bị dịch bệnh mà chết dần, bây giờ đang vận động bà con gầy dựng lại. Trưởng bản khoe với tôi điểm trường của bản cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng xây khang trang, năm học mới 2012- 2013 con em trong bản không phải học hành trong ngôi nhà tạm bợ, cũ nát.

Đến với bản PLoang, đi một vòng quanh bản chưa hết 30 phút, thăm gia đình nào cũng chỉ thấy toàn trẻ con và phụ nữ. Theo thống kê bản có 47 trẻ em từ 1 đến 16 tuổi, nghĩa là chiếm hơn một nửa dân số bản. Nhiều gia đình có đến 9 người con như nhà của Hồ Văn Rai.

Hồ Thị Thi, sinh năm 1977, chồng bỏ khi Thi kịp làm mẹ của hai đứa con Hồ Văn Hợi và Hồ Thị Mai Hương, cùng học lớp 4. Thi kể: "Chồng hắn bỏ đi mô, không biết! May là hai đứa con rất ngoan. Nhà nghèo nên phải nhờ bà con trong bản, nhờ nhà nước cho gạo ăn. Một tháng mỗi người trong nhà được 7kg gạo". Hồ Văn Thiên giải thích cho tôi vì sao bản vắng bóng đàn ông: "Mùa ni là mùa con ong làm mật, đàn ông trong bản lên rừng săn mật ong cả. Một chuyến đi như thế ròng rã khi thì 7 ngày, lúc thì 10 ngày. Săn mật ong trở thành nguồn thu nhập đáng kể đối với bà con dân bản, nhờ bán mật ong mà có tiền đóng gạo. Nhưng năm ni mất mùa mật. Nhiều người trở về nhà tay không".

Trưởng bản đưa tôi đến thăm nhà ông Hồ Văn Việt, ngôi nhà xây hai gian trệt, mái lợp tôn chưa được hoàn thiện. Đây là ngôi nhà đại đoàn kết với số vốn hỗ trợ 30 triệu đồng. "Nhưng làm nhà kiểu này, tao không ưng cái bụng. Họ làm có hỏi ý kiến tao đâu, tao chỉ thích ở nhà sàn"- ông Việt thắc mắc. Và quả thật đúng như lời ông Việt nói, căn nhà nhỏ này chắc chẳng có ai ở được khi mùa hè thì nắng rang, mùa mưa lại ẩm thấp. "Sau này, nhà nước có hỗ trợ cho các hộ gia đình còn lại tại bản làm nhà thuộc chương trình 167 thì nên làm kiểu nhà sàn như nhà 134 rứa"- Hồ Văn Thiên góp ý thêm.

Trở lại nhà trưởng bản, ngôi nhà sàn lợp lá "bé bằng bàn tay"... Hồ Văn Thiên tâm sự: "Vợ chồng mới ra riêng, nên chưa có nhà lớn. Nghe nói nhà nước đang hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số làm nhà 167, nên mình đang chờ. Năm sau, nhà báo quay lại, không phải ngồi trong ngôi nhà cũ nát này nữa đâu".

                                                                           Thanh Long



 

,
.
.
.