Ký sự làng biển:

Đi tìm hải trình biển Đông bằng thơ - Kỳ III: Rưng rưng bóng dáng Hoàng Sa, Trường Sa

Cập nhật lúc 07:52, Thứ Ba, 24/07/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Có hải trình biển Đông đi ra, người miền cát Quảng Bình lại có hải trình đi vào. Những địa danh như Cửa Tùng, Huế, Hải Vân, Cửa Đại, Sa Kỳ, Phan Rang…hiện ra rõ ràng. Lại nữa, bóng dáng Hoàng Sa, Trường Sa cũng rưng rưng hiện về. Từng câu chữ đậm khí khái dân gian. Điều đặc biệt là hải trình biển Đông bằng thơ dụng rất ít từ Hán-Việt, một cách độc lập sáng tạo trong gia tài văn hoá người miệt biển.

>> Kỳ 2: Hành trình lồng lộng hải hồ

>> Kỳ I: Những vần thơ cao vút trên sóng

Rưng rưng địa danh đi vào

Hải trình đi vào bằng thơ rộn ràng, tươi vui hơn đi ra. Người kẻ biển cắt nghĩa, đó là khẩu khí địa phương và cũng là vùng đất dễ hoà nhập. Người đi biển tin những hòn đảo nhỏ giữa biển khơi, họ xem đó là mẹ, là cha, xem đó là nơi cứu cánh của tai ương gió chướng trên biển.

Hành trình đi vào như bài ca lạc quan kỳ lạ: "Mới rồi nhật trình ta mới kể ra/ Bây chừ dần dà xin kể đàng vô/ Đèo Ngang đất Quảng lô dô/ Đi vô Đá Nhảy là nơi Lý Hoà/ Thẳng dong một cạnh thẳng đà/ Đi vô Động Hải ba toà nhà cao/ Ở trong là ao, ở ngoài Hòn Hiền loã xoã/ Xưa nay thuyền vô ra đánh cá/ Đã truyền đi truyền lại câu ca:/ Hòn Hiền là mẹ là cha/ Ai đi tới đó cũng là bình yên/ Xuôi vô ba cạnh thẳng liền/ Cựa Tùng nằm đó một miền đất cao/ Biển khơi sóng vỗ rì rào/ Ngài khơi, kẻ lộng ra vào thảnh thơi/ Mụi Nam dắm hướng mặt trời/ Thừa Thiên nằm đó ai đi đủ đầy/ Phủ Thừa Thuận Hoá là đây/ Đồn Ông, cột thép thành xây/ Trình đồn nộp lễ coi ngày mà ra/ Gió Đông ba cạnh thuận đà/ Đi vô một đoạn đó là lạch Ông/ Trong lạch Ông, ngoài Vũng Chùa/ Mênh mang nghe tiếng hò ơ/ Ai đi vô đó ta gởi lời thơ đi cùng/ Núi Hải Vân chất ngất ngàn trùng/ Hòn Hành nằm đó bên trong vụng Hàng/ Trong vụng Hàng da nằm phơi cánh/ Ngoài Hòn Nghe thỏng thảnh dô ra/ Ngó vô Hòn Trai, Hòn La, Hòn Lài/ Bãi Hòn nằm ngoài, cựa Đại nằm trong/ Ngó quanh cựa Đại trong ngoài/ Hòn Nồm nằm đó mồ côi một mình/ Tam cấp là rạn trời sinh/ Bàng Thang, cựa Xể lung linh Hiệp Hoà./ Trong Hiệp Hoà còn Chùa Liêu, Chùa Ổ/ Mụi Thông Bình ló lỗ non cao.../Lâm thâm sóng vỗ rì rào/ Sa Kỳ, vụng Vịnh ta vào nghỉ ngơi/ Chốn nghỉ ngơi gặp nơi phong cảnh/ Lao nằm ngoài thỏng thảnh nghiêng nghiêng/ Xưa nay chốn ấy đã truyền/ Chộ hòn Lò Riệu ghênh thuyền cho khơi/ Thảnh thơi ba ngọn thảnh thơi/ Buông qua Quảng Ngãi một hơi dặm trường/ Thuyền qua Quảng Ngãi mía đường/ Chộ Hoàng Sa đó, Trường Sa cũng nằm/ Lạch Tân, Kim Quang, Kim Bồng là đó/ Chốn thanh nhàn vui thú liên hương/ Ngài buôn, kẻ bán muôn phương/ Ai đi qua đó dạ thường say sưa/ Nào ai đi sớm về trưa/ Ngó lên phía núi chợ dừa Tân Quang...".

Đình làng người miệt biển là nơi chốn bảo lưu  nhiều nét văn hoá.
Đình làng người miệt biển là nơi chốn bảo lưu nhiều nét văn hoá.

Những cửa Đại, Quảng Nam, rồi Quảng Ngãi thủ phủ mía đường, lại thấy Hoàng Sa, Trường Sa rưng rưng hiện rõ. Trên biển, người xưa thiếu bản đồ, la bàn, có thể cho Hoàng Sa, Trường Sa của Quảng Ngãi, cái nhầm đó cũng dễ hiểu. Nhưng bụng dạ người miệt biển vẫn tỏ lòng là con người nước Nam, hai địa danh đó trong hải trình biển Đông bằng thơ vẫn thuộc về chủ quyền đất nước dân tộc Việt.

Bí quyết dễ nhớ

Hết hải trình bằng thơ đi ra và rồi một phần đi vào, đọc hết các bản sưu tầm và dị bản, thấy một điều đặc biệt; hải trình bằng thơ dùng khẩu ngữ địa phương mặn mòi sóng biển, hải trình dễ đọc dễ nghe, câu chữ xáp vào nhau ngọt ngào mùi biển cả. Không có từ Hán-Việt. Bí quyết của không dùng từ Hán-Việt nằm ở dụng nhiều câu chữ bản địa miệt biển, dễ nghe trước sóng gầm gió thét.

Nhiều ý cùng giải thích, người biển ăn sóng nói gió, nói oang oang, nghĩ nhanh, làm gấp, làm nhanh hơn con sóng, động tác lẹ hơn con cá quẫy mới bắt được cá. Chính vì vậy mà thơ ca của họ thô mộc như hạt cát nhiều góc cạnh.

Những câu thơ không cầu kỳ, muốn dễ nghe, dễ nhớ phải đơn giản. Càng đơn giản càng đi vào lòng người. Tính truyền khẩu mang giao hưởng bình dân để "người ít học cũng thuộc, người tài cao cũng biết. Mà mục đích chính là vạch ra con đường đi trên biển thuận tiện cho cả những người lần đầu mới hành trình trên biển Đông", lão ngư Trương Xa nhấn mạnh.

Đó cũng là tư chất của người miệt biển. Đi dọc, đi ngang biển Đông, tư chất vẫy vùng sóng nước, cần lời ăn, điệu nói rổn rảng, không cầu kỳ, không phức tạp để khi hát lên "cá dưới biển cũng nghe, nước biển Đông cùng hiểu"-một lời hò người biển sáng tác.

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Quảng Bình, cụ Nguyễn Tú từng nói rằng: "Người biển rất độc lập với những vùng khác. Bởi làng biển bị bao vây bởi rú cát cô lập, rồi cách đò trở sông, khó đi ra bên ngoài giao lưu, buộc họ phải độc lập, làng mạc xứ biển có việc lớn việc nhỏ thì chỉ trong làng cùng nhau xử sự, vậy nên, thơ ca họ làm ra cũng độc lập".

Tính độc lập đó bám chặt vào khẩu ngữ địa phương, và họ giữ chặt vào thơ hải trình, găm chặt vào từng câu họ tả. Neo chặt, giữ bền như sợi thừng neo lái. Nếu không giữ chặt cốt cách đó, họ khó lòng mưu sinh với biển, khó lòng cao hơn ngọn sóng, khó lòng ưỡn ngực bắt cá, mưu sinh ngàn vạn đời trên cát bỏng nhức mắt.

                                                                             Minh Phong

                                                 Kỳ IV: Nhớ về ngọn hải đăng Hùng Vương





 

,
.
.
.