Kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ vào thăm Quảng Bình (16-6-1957 - 16-6-2012):

Bữa cơm trưa của Bác tại Quảng Bình

Cập nhật lúc 16:06, Thứ Sáu, 15/06/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày 16-6-1957, Bác Hồ vào thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh. Cơ quan Giao tế Quảng Bình vinh dự được các đồng chí lãnh đạo tỉnh giao trọng trách chuẩn bị bữa cơm trưa cho Bác. Ông Nguyễn Thanh Đàm, nguyên Trưởng phòng hành chính, UBHC tỉnh phụ trách công tác đối ngoại, nguyên Chủ nhiệm Cơ quan Giao tế Quảng Bình, dù thời gian trôi qua đã 55 năm nhưng ấn tượng của người cha già dân tộc bên mâm cơm đạm bạc vẫn không bao giờ phai trong tâm thức.

Ông Nguyễn Thanh Đàm năm nay bước qua tuổi 88, nhắc đến kỷ niệm ngày Bác Hồ vào thăm quân và dân Quảng Bình, Vĩnh Linh năm xưa ông tâm sự rằng: "Mình nguyên là Trưởng phòng hành chính, UBHC tỉnh phụ trách công tác đối ngoại, nguyên Chủ nhiệm Cơ quan Giao tế. Với những vị trí công tác này mình tiếp đón rất nhiều vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ cùng các chính khách, các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Quảng Bình, nhưng ấn tượng về Bác Hồ là sâu đậm hơn cả, dù thời gian Bác lưu lại Quảng Bình, ở Cơ quan Giao tế không dài".

Ông kể: "Đúng 8 giờ 30 phút ngày 16- 6- 1957, máy bay chở Bác hạ cánh xuống sân bay Lộc Đại (sân bay Đồng Hới bây giờ). Trước đó, nhận được điện của Trung ương, biết ngày giờ chính thức Bác đến, các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy đã họp bàn lên phương án đón Bác an toàn. Theo kế hoạch, sau khi xuống máy bay, Bác Hồ và các thành viên trong đoàn sẽ về trụ sở UBHC tỉnh.

Tại đây, Bác gặp gỡ, làm việc với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. 15 giờ ngày 16- 6, Bác có buổi trò chuyện với 500 đại biểu cốt cán của Quảng Bình, Vĩnh Linh ở hội  trường Tỉnh ủy. Tại sân vận động Đồng Hới, lúc 16 giờ, quân và dân Quảng Bình, Vĩnh Linh tổ chức lễ mít- tinh đón Bác. Tại đây, trong không khí chân tình, ấm cúng, Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ gửi lời chào thân ái đến toàn thể đồng bào chiến sỹ trên tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh. Bác động viên cán bộ, nhân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh ra sức cố gắng hơn nữa làm tròn trọng trách hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam. Địa điểm cuối cùng Bác đến là nơi đóng quân của Sư đoàn 325. Sau khi tắm biển Nhật Lệ xong, Bác tham gia buổi liên hoan văn nghệ với cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 325.

Ông Nguyễn Thanh Đàm đang kể chuyện Bác Hồ dùng cơm tại Cơ quan Giao tế Quảng Bình.
Ông Nguyễn Thanh Đàm đang kể chuyện Bác Hồ dùng cơm tại Cơ quan Giao tế Quảng Bình.

Theo kế hoạch, Bác ở lại với Quảng Bình đến chiều 17- 6 mới trở ra Hà Nội. Nhưng đêm 16- 6, Trung ương điện vào mời Bác ra gấp. Tuy chưa muốn xa Quảng Bình nhưng vì việc nước, Bác tạm chia tay. Trước khi lên máy bay vào lúc 4 giờ sáng ngày 17- 6, Bác lưu luyến tạm biệt đồng bào, cán bộ, chiến sỹ Quảng Bình: "Bác về rồi Bác còn vô...".

Với một hành trình dài, Bác dừng chân làm việc ở rất nhiều địa điểm nên công tác bảo đảm an ninh luôn đặt lên hàng đầu. Mình cùng với tổ công an bảo vệ Bác luôn sát cánh bên Bác, vì thế mà được thỏa sức ngắm Bác. Ấn tượng nhất là lúc Bác xuống tắm biển tại Nhật Lệ. Bác ở trần, tấm khăn quấn trên cổ. Bác khoan thai chậm bước dọc bãi biển, râu tóc bạc phơ, đẹp như một ông tiên trong chuyện cổ tích".

Cơ quan Giao tế- Chuyên gia Quảng Bình thành lập ngày 21- 8- 1954 và giải thể vào tháng 7- 1988. Trong 34 năm tồn tại, đặc biệt khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Cơ quan Giao tế Quảng Bình tiếp đón rất nhiều vị nguyên thủ quốc gia, các chính khách, các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm, làm việc tại Quảng Bình: Chủ tịch Cu Ba Phiđen Castro, vợ chồng Quốc trưởng Campuchia Nôrôđôm Xihanuc, Chủ tịch nước Cộng hoà DCND Lào Xuphanuvông, các đoàn khách quốc tế đến từ các nước: Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Ba Lan, Cu Ba, Tiệp Khắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Tổng bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Tố Hữu, đồng chí Nguyễn Lương Bằng; các đồng chí từ miền Nam ra có Nguyễn Thị Bình, Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Hữu Thọ...

Ông Nguyễn Thanh Đàm lúc bấy giờ làm Chủ nhiệm Cơ quan Giao tế Quảng Bình. Ông tâm sự: "Mỗi vị khách lưu lại Cơ quan Giao tế đều có một ấn tượng riêng. Bây giờ tuổi cao, trí nhớ kém nên lúc quên, lúc nhớ. Rất may mình đã ghi chép lại cẩn thận từng câu chuyện về họ". Ông Đàm đưa cho tôi một tập tài liệu được ông lưu trữ rất cẩn thận đề cập đến lịch sử 34 năm hình thành, phát triển của Cơ quan Giao tế Quảng Bình, trong đó tôi tìm thấy những dòng viết về bữa cơm trưa của Bác tại Quảng Bình. Bữa cơm rất đỗi bình dị, có cá thu kho, bát canh chua, đĩa rau khoai lang, thịt lợn luộc chấm mắm quầy...

"Đến Cơ quan Giao tế, Bác một mình đi thẳng xuống nhà bếp thăm các anh nuôi đang nấu ăn" - Ông Đàm kể ". Tại đây, Bác Hồ gặp ông Cả Yêm, phụ trách nhà bếp, người Quảng Trạch. Sau này ông Cả Yêm kể lại, Bác Hồ và ông Cả Yêm đã gặp nhau trong những ngày đầu Bác xuất dương bôn ba tìm đường cứu nước. Bác và ông Cả Yêm bắt tay nhau đầy xúc động".

Bữa cơm trưa được dọn ra, đồng chí Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp mời Bác Hồ dùng bữa, ngoài ra còn có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh... Ông Nguyễn Thanh Đàm đứng bên phục vụ. Ông thấy Bác rất thích món thịt lợn chấm mắm quầy, thứ mắm đặc sản của Quảng Bình. Bác ăn, khen ngon.

Đồng chí Nguyễn Tư Thoan thấy Bác ăn ngon bảo ông Đàm gọi nhà bếp đưa thêm một đĩa thịt và bát mắm khác, nhưng Bác ngăn lại. Bác nhẹ nhàng bảo: "Các chú đừng gọi thêm cho Bác, Bác dùng như vậy đủ rồi. Gọi thêm, Bác ăn không hết, ăn không hết để dỡ lại, ai ăn thừa cho chúng ta!". Những người trong bữa cơm hôm đó im lặng, thấm sâu những lời của Bác. Chỉ một việc rất nhỏ nhưng là bài học lớn, đó là tính cần kiệm và ý thức chăm lo, yêu thương, tôn trọng của Bác Hồ với những người xung quanh mình.

Bữa cơm trưa Quảng Bình đãi Bác đơn sơ, giản dị. Ông Nguyễn Thanh Đàm thấm hiểu và ghi sâu trong lòng: "Học Bác, làm theo tấm gương đạo đức của Bác bắt đầu từ những việc đời thường này".
Năm mươi lăm năm kể từ ngày Bác Hồ vào thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh. Hình ảnh Bác ngày nào vẫn mãi sống động trong tâm thức ông Nguyễn Thanh Đàm cũng như mỗi một người dân Quảng Bình, Vĩnh Linh anh hùng.

                                                                              Ngô Thanh Long











 

,
.
.
.