Tuyên Hóa mướt xanh ngô

Cập nhật lúc 10:42, Thứ Năm, 31/05/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Ông Lê Ngọc Vân ở thôn Kinh Châu, xã Châu Hóa rạng rỡ cười khoe với chúng tôi: "Năm nay thời tiết thuận lợi, tui lại được mùa ngô. Dân trong làng ai cũng vui chú ạ! Ai trồng nhiều được nhiều. Bà con đang nói vui là năm ni được hai lần cười sảng khoái. Lần thứ nhất: Cười vì được mùa lạc. Thứ hai là cười vì được mùa ngô..."

Lũ cướp nhà, trời trả... ngô

Đó là câu nói vui của nhiều nông dân Tuyên Hóa khi đề cập đến những mất mát do mưa lũ và sự "ưu ái" của lũ đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến sự "ưu ái" ấy trên những cánh đồng ngô vùng biền bãi dọc sông Gianh.

Quy luật của thiên nhiên là nếu năm nay lụt lớn, năm sau, gặp thời tiết thuận lợi, người dân sẽ trúng mùa bởi khi lũ rút, những cánh đồng lúa, vùng biền bãi sẽ được phủ một lớp phù sa màu mỡ. Với người dân sinh sống ở vùng biền bãi dọc hai bên bờ sông Gianh của huyện Tuyên Hóa cũng không ngoại lệ. Vài năm trở lại đây, diễn biến tình hình mưa lũ trên địa bàn huyện khá phức tạp. Và đó cũng là một phần nguyên nhân giúp nông dân nơi đây được mùa ngô...

Giống ngô DK 9901 cho năng suất cao trên vùng biền bãi sông Gianh.
Giống ngô DK 9901 cho năng suất cao trên vùng biền bãi sông Gianh.

Chúng tôi đang đi trên tuyến quốc lộ 12A qua địa bàn xã Mai Hóa. Hình ảnh những ngôi nhà nhỏ bé bị nước lũ "nuốt chửng", những cánh đồng lúa chìm ngập trong dòng nước lũ cuộn xoáy, ngầu đỏ vào mùa mưa giờ chỉ còn trong ký ức. Thay vào đó là một màu xanh mướt mắt của những cánh đồng ngô, đẹp như tranh vẽ. Chủ tịch UBND xã Hoàng Xuân Hải tự tin cho biết: "Năm nay chắc chắn được mùa ngô. Mặc dù thời tiết đầu vụ có nắng nóng nhưng không kéo dài nên hầu hết diện tích ngô không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Xã có trên 34 ha diện tích đất trồng ngô được bố trí ở hầu hết các thôn, với kết quả thăm đồng cho thấy năng suất đạt khoảng 46 tạ/ha. Cùng với thắng lợi cơ bản của vụ lúa đông xuân, người dân đang rất tin tưởng vào khung lịch thời vụ mà Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện đưa ra".

Châu Hóa là một trong những địa phương phải gánh chịu thiệt hại nặng nề qua những trận lũ hàng năm. Đây cũng là địa phương có diện tích đất biền bãi trồng ngô khá lớn của huyện miền núi Tuyên Hóa. Người dân nơi đây vốn đã quen với quy luật khắc nghiệt của thời tiết, luôn kiên gan, đoàn kết, cùng nhau chống chọi với thiên tai. Lũ rút đi, để lại những cánh đồng màu mỡ phù sa như món quà giúp người dân ổn định cuộc sống.

Dẫn chúng tôi ra thăm ruộng ngô mướt xanh đang chuẩn bị cho thu hoạch, ông Lê Ngọc Vân ở thôn Kinh Châu rạng rỡ cười khoe với chúng tôi: "Năm nay thời tiết thuận lợi, tui lại được mùa ngô. Dân trong làng ai cũng vui chú ạ! Ai trồng nhiều được nhiều. Bà con đang nói vui là năm ni được hai lần cười sảng khoái. Lần thứ nhất: Cười vì được mùa lạc. Thứ hai cười vì được mùa ngô..." Ông Vân có gần 5 sào đất biền bãi trồng ngô. Năng suất ước tính khoảng 2,5 tạ/sào. Với giá ngô hiện tại khoảng 5 ngàn đồng/kg, kết thúc vụ thu hoạch, ông sẽ có thêm khoản thu trên 6 triệu đồng. Đây là nguồn thu đáng kể đối với đa số người dân ở vùng biền bãi, thường xuyên phải gánh chịu hậu quả mưa lũ như Châu Hóa.

Thay giống để năng suất cao hơn

Dòng sông Gianh chảy qua địa phận của hầu hết các xã thuộc huyện Tuyên Hóa. Bên cạnh sự khắc nghiệt của thời tiết khiến dòng sông "nổi giận" vào mùa mưa lũ thì đây cũng là chủ thể tạo nên một vùng đất biền bãi rộng lớn trải dài từ thượng nguồn đến hạ lưu, rất thuận lợi cho việc sản xuất hoa màu, đặc biệt là cây ngô. Tận dụng tối đa lợi thế này, những năm qua, người dân Tuyên Hóa đã tích cực khoanh vùng diện tích đất trồng ngô xen các loại cây hoa màu khác như lạc, đậu... mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Thống kê trên toàn huyện Tuyên Hóa hiện có trên 1.020 ha đất biền bãi trồng ngô tập trung chủ yếu ở các xã có địa hình trải dọc theo dòng sông Gianh. Nhiều nhất là xã Thanh Hóa với 174 ha, tiếp đến là Kim Hóa: 120 ha, Hương Hóa: 90 ha, Phong Hóa: 55 ha, Châu Hóa: 45 ha... Kết quả thăm đồng mới đây cho thấy năng suất ngô ước đạt 46 tạ/ha. Ông Nguyễn Tri Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện cho biết: Trước đây, người dân chủ yếu sử dụng các loại giống ngô địa phương. Bởi vậy, mặc dù chất lượng loại ngô này khá ngon nhưng năng suất thấp.

Những năm trở lại đây, nhờ sự khuyến khích của huyện và sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, người dân đã tích cực chuyển đổi, sử dụng bộ giống mới cho năng suất cao hơn như DK414, DK9901, C919, CP888, LVN10... Ưu điểm của các loại giống ngô lai này là khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, bắp đều, hạt chắc, vàng. Hiệu quả kinh tế của cây ngô so với lạc thì không bằng.

Tuy nhiên, người dân có thể trồng ngô xen lạc để hạn chế tối đa thời gian đất nghỉ. Đây cũng là cách thức canh tác giúp người nông dân vùng biền bãi sông Gianh có thêm một khoản thu nhập đáng kể sau khi hoàn thành việc thu hoạch lạc. Mặt khác, vốn đầu tư trồng ngô ít hơn, lại không phụ thuộc nhiều đến thời tiết nên xác suất được mùa ngô luôn cao. Cũng theo ông Phương, đặc điểm của cây ngô khi mới gieo rất ngại thời tiết rét hại, khi vào giai đoạn trổ cờ, phun râu không gặp nắng nóng kéo dài thì chắc chắn được mùa. Mức độ thiệt hại do sâu bệnh cũng ít hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.

Một trong những khó khăn của người dân vùng biền bãi sông Gianh khi trồng ngô là giá giống khá cao. Đối với các loại giống ngô lai mà người dân đang sử dụng, bình quân 1kg giống có giá trên 90 ngàn đồng. Bình quân 1 ha ngô, người dân đầu tư khoảng 10 triệu đồng tiền giống, phân bón, thuốc trừ sâu... Với giá thành hiện tại khoảng 5 ngàn đồng/kg và năng suất bình quân đạt 46 tạ/ha, người dân sẽ có nguồn thu trên 25 triệu đồng/ha đất trồng ngô. Những năm trở lại đây, do diễn biến thời tiết phức tạp, thường xuyên xảy ra mưa lũ hàng năm, bởi vậy, huyện luôn có chính sách hỗ trợ giá giống để giúp người dân yên tâm sản xuất. Cụ thể là hỗ trợ từ 10-30% giá giống, nếu gặp thời tiết bất lợi, mức hỗ trợ sẽ lên đến 50%. Đây là nỗ lực lớn của chính quyền địa phương sở tại trong việc khuyến khích, động viên người dân phát huy tối đa lợi thế vùng biền bãi để tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Tiềm năng đất đai có thể trồng ngô trên các vùng biền bãi dọc sông Gianh của huyện Tuyên Hóa là khoảng từ 1.400-1.600 ha. Bên cạnh việc mở rộng diện tích gieo trồng loại cây hoa màu khác, người dân Tuyên Hóa đang rất tin tưởng vào hiệu quả kinh tế mà cây ngô mang lại.

                                                                                         Nguyễn Hoàng











 

,
.
.
.