Gặp nhau trên đường 12 - Kỳ cuối: Viết tiếp bài ca trên đường 12

Cập nhật lúc 14:49, Thứ Ba, 05/06/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trên hành trình từ thành phố Đồng Hới đến Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, những CCB Trường Sơn một thời nơi tuyến lửa Quảng Bình đề nghị tôi kể về cuộc sống của đồng bào dân tộc sinh sống trên các bản làng ở hai bên đường 12A sau ngày đất nước thống nhất... Tôi trải lòng: “Bà con đang còn nghèo, rất nghèo, nhưng vẫn một lòng trung trinh với Đảng, với Bác Hồ. Đã có một thế hệ trẻ sinh ra trong thời bình dám nghĩ, dám làm, vượt qua các luật tục đem lại cuộc sống ngày một no ấm hơn cho các bản làng phía tây Quảng Bình”.

>> Kỳ 4: Hoa giữa rừng Trường Sơn

>> Kỳ 3: Người gùi hàng đi bộ một vòng trái đất

>> Kỳ 2: Vị tướng già và mối tình thời chiến trận

>> Kỳ 1: Về lại với Trường Sơn

Trong câu chuyện, tôi chợt nhớ đến Hồ Thị Thoi, người con gái Khùa thuộc nhóm dân tộc Bru- Vân Kiều ở bản La Trọng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa. Hồ Thị Thoi đẹp người, đẹp nết và câu chuyện Thoi trưởng thành đi lên từ trong gian khổ, trở thành một cán bộ lãnh đạo mẫu mực của xã cũng là một câu chuyện đẹp, kết thúc có hậu.

Hồ Thị Thoi thuộc thế hệ 8X (như người miền xuôi hay gọi), sinh năm 1983, là con thứ năm trong một gia đình đông anh em. Hồ Thị Thoi được rất nhiều người khen, dân bản mến đã đành, những cán bộ kỳ cựu vốn gắn bó với Trọng Hóa, Dân Hóa cũng dành cho Thoi nhiều tình cảm tốt đẹp. Ông Cao Văn Định, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa mỗi lần đánh giá về người cán bộ nữ thuộc cấp của mình đều ghi nhận: “Thoi là một cán bộ trẻ có năng lực, giám nghĩ, dám làm”.

Toàn cảnh bản La Trọng, xã Trọng Hóa.
Toàn cảnh bản La Trọng, xã Trọng Hóa.

Học hết lớp 9, người lớn bảo Thoi ở nhà để kiếm một tấm chồng. “Ở các bản người Khùa, người Mày dọc đường 12 này, con gái không cần học cái chữ cho nhiều”- Họ nói- “Học nhiều thì cũng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thôi! Phụ nữ Khùa, có ai cất mặt lên được”. Thoi bằng mặt nhưng không ưng cái bụng, khi cán bộ dưới xuôi lên tìm người làm công tác y tế thôn bản, Thoi đăng ký ngay. Đó là vào năm 2001. Xã Trọng Hóa có 18 bản nằm rải rác giữa núi rừng, nhiều bản phải mất vài ngày đi bộ mới đến nơi. Năm năm làm y tế thôn bản, đôi chân Thoi in dấu khắp mọi ngã đường rừng đến với đồng bào. “Dân mình khổ, hay đau ốm, bệnh tật vì nhận thức còn lạc hậu, chịu áp lực của nhiều hủ tục- Hồ Thị Thoi khẳng định- Muốn đồng bào mình hết khổ thì phải giúp họ thay đổi nhận thức thôi!”.

Năm 2003, đang là cán bộ y tế thôn bản, Hồ Thị Thoi được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trọng Hóa và đến năm 2010, trở thành Chủ tịch Hội, lúc đó Thoi tròn 27 tuổi. Đến tháng 6, tại Đại hội Đảng bộ xã Trọng Hóa nhiệm kỳ 2010- 2015, Thoi được tín nhiệm bầu vào Ban Thường vụ Đảng ủy, giữ chức Phó Bí thư thường trực, Đại biểu HĐND huyện Minh Hóa.

Hồ Thị Thoi, nữ Phó Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa
Hồ Thị Thoi, nữ Phó Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa

Hồ Thị Thoi nói rằng: “Mình không biết làm công tác Đảng phải như thế nào. Nhưng tổ chức phân công thì bản thân cần cố gắng. Mình lên nói với Ban Thường vụ Đảng ủy: cái gì Thoi không biết, Thoi hỏi, mọi người phải bày cho. Qua nửa nhiệm kỳ, bây giờ thì mình quen rồi, công tác tốt trên cương vị mới. Nhưng mình vẫn muốn tham gia công tác phụ nữ. Để giúp chị em người Khùa, người Mày... thay đổi cách nghĩ, cách làm”.

Hồ Thị Thoi còn nhớ, ngày Nhà nước có chủ trương cho chị em phụ nữ vay 5 triệu đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước xóa đói giảm nghèo. Chủ trương về xã, hội viên không ai dám vay, vì từ bao đời nay, phụ nữ người Khùa chưa bao giờ thấy được một số tiền quá lớn như vậy. Thoi đi từng nhà, đến từng bản tuyên truyền, vận động. Cùng bộ đội biên phòng định hướng cho chị em. Từ số tiền 5 triệu đồng ban đầu đó, chị em mua bò chăn nuôi, mua giống cây keo, tràm về trồng rừng. Từ sự quyết đoán của người thủ lĩnh trẻ Hồ Thị Thoi, trong vòng gần 10 năm, nhiều gia đình hội viên đã thoát được nghèo như: Hồ Thị Thanh ở bản Hưng, Hồ Thị Đăm, Hồ Thị Bua ở bản La Trọng. Ngay gia đình Thoi hiện tại cũng trồng được 3 ha rừng keo, cây trám trắng.

Ngôi nhà sàn của Hồ Thị Thoi nằm cạnh đường 12A ở bản La Trọng ba năm nay thiếu vắng người đàn ông trụ cột. Thoi lấy chồng năm 2001, vợ chồng có với nhau hai mặt con. Con trai đầu Hồ Đạt năm nay học lớp 9, con gái Hồ Thị Đông học lớp 3. Năm 2010, chồng Thoi mất vì tai nạn giao thông. “Thời gian này, mình tưởng như không thể nào vượt qua. Công tác Đảng chưa quen nên áp lực nhiều, chồng mất, hai con còn dại.

May mắn, Thoi được các anh trong Đảng ủy, Ủy ban động viên, nỗi đau vơi dần. Bây giờ niềm vui của Thoi là công việc và nuôi hai con lớn khôn, chăm ngoan, học giỏi”. “Mẹ góa, con côi” khi tuổi đời còn quá trẻ, nhà lại gần đường nên không thể tránh được “tiếng bấc, tiếng chì”. Thoi bỏ ngoài tai mọi dư luận vì cái tâm Thoi trong sáng, bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó...

: Nhờ sự vận động của Hồ Thị Thoi mà chị em phụ nữ người Khùa  xã Trọng Hóa đã biết chăm chỉ làm ăn, cải thiện cuộc sống gia đình.
Nhờ sự vận động của Hồ Thị Thoi mà chị em phụ nữ người Khùa xã Trọng Hóa đã biết chăm chỉ làm ăn, cải thiện cuộc sống gia đình.

Công tác xã hội trong năm ngày, hai ngày cuối tuần dành riêng cho gia đình, cho hai con. Sáng lúc mặt trời chưa vượt qua ngọn núi, Thoi dậy thổi cơm, dọn nhà cửa xong xuôi rồi vác cuốc lên rẫy chăm sóc rừng cây của mình cho đến tối mịt mới quay về. Thoi nói: “Rừng của mình đã đến tuổi khai thác rồi, nhưng bản thân không cần tiền. Lương mình 3,2 triệu đồng/ tháng. Ba mẹ con tiết kiệm chi tiêu hết hơn một triệu, số tiền còn lại cất trữ cộng thêm diện tích rừng sau này lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Bản thân cũng chuẩn bị đi học bổ túc văn hóa. Làm cán bộ mà không chịu học hỏi, dân bản không bằng lòng đâu”.

Người Khùa ở xã Trọng Hóa vốn có luật tục, trong hôn nhân vợ chồng phải tổ chức đám cưới ba lần. Nhiều đôi vợ chồng vì nghèo nên cho đến già vẫn không lo đủ ba lễ cưới, con cái đành lo thay. Lắm lúc, chưa kịp xong ba lễ thì vợ hay chồng khuất núi, người đang sống tiếp tục thực hiện luật tục. Hồ  Thị Thoi và cán bộ xã cùng với các già làng, trưởng bản đi đến 18 bản vận động nhân dân xóa bỏ dần. “Mưa dầm thấm lâu”, đến nay đồng bào chỉ còn giữ hai lần cưới.

Trong ma chay, khi có người mất, gia chủ tổ chức mời dân bản ăn uống 7 ngày. Chôn cất xong, sau 7 ngày, người sống không còn bất cứ liên hệ nào với người chết. Hồ Thị Thoi thương chồng mất sớm nên quyết định phá bỏ luật tục này, Thoi cắt rừng đi thăm mộ chồng trong sự ngăn cản của dân bản và gia đình phía bên chồng. Họ sợ rằng Thoi vào mộ chồng, con ma nó bắt, nó phạt vạ gây đau ốm, bệnh tật cho dân bản. Thoi thăm mộ chồng về, con ma không “thèm” bắt; ốm đau, bệnh tật không xảy ra. “Mừng trong cái bụng lắm! Người miền xuôi thăm mộ người chết là bình thường, nhưng với người Khùa, người Mày thì đây là một điều cấm kị. Mình vượt qua điều cấm kị này rồi đó”- Thoi tự hào!

Câu chuyện về Hồ Thị Thoi tôi kể cho những CCB Trường Sơn nghe để thay lời kết về chuyến hành trình dài trên đường 12A. Câu chuyện như một gạch nối giữa lớp người đi trước hy sinh xương máu và tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước và thế hệ trẻ đang dần khẳng định mình chung tay xây dựng cuộc sống ấm no dọc các bản làng người Khùa người Mày phía tây miền biên giới Quảng Bình.

                                                                                        Ngô Thanh Long

,
.
.
.