Người vì đồng đội

Cập nhật lúc 07:58, Thứ Hai, 16/07/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Hơn 12 năm qua, trung úy Lê Tấn Nhân, thuộc Ban chỉ huy quân sự huyện Bố Trạch cùng với Đội 589- Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đi khắp nơi tìm kiếm và quy tập hàng trăm bộ hài cốt liệt sĩ về với quê hương. Sau khi chuyển về Ban chỉ huy quân sự huyện, anh Nhân đã giúp đỡ hàng ngàn gia đình có công với cách mạng làm hồ sơ để được hưởng các chế độ chính sách.

Vượt dãy Trường Sơn tìm hài cốt đồng đội

 

Trung úy Lê Tấn Nhân đang nghiên cứu hồ sơ để giải quyết chế độ chính sách cho người có công với cách mạng.
Trung úy Lê Tấn Nhân

Gác lại giấc mơ vào đại học, năm 1999, chàng trai Lê Tấn Nhân, quê ở xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Rèn luyện tốt, tháng 3 năm 2002, anh trở thành một quân nhân chuyên nghiệp.

Tháng 10 năm 2002, anh Nhân làm nhân viên quy tập mộ liệt sĩ ở chiến trường nước Lào thuộc Đội 589- Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh. Gần 10 năm gắn bó với đội quy tập, trung úy Lê Tấn Nhân đã không ngừng tìm tòi học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Mỗi chuyến đi đều hết sức vất vả nhưng mang lại cho anh nhiều cảm xúc khác nhau khi đưa hài cốt đồng đội về với đất mẹ.

Khoảng thời gian ở Đội 589, anh Nhân đã có ba mùa khô sang nước bạn Lào tìm hài cốt đồng đội. Đó là các mùa khô năm 2002- 2003, 2003- 2004 và mùa khô 2008- 2009. Mỗi mùa khô ở Lào bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau. Qua ba chuyến đi ròng rã vượt núi rừng Trường Sơn, anh cùng đồng đội đã tìm và quy tập trên 200 bộ hài cốt đồng đội.

Trong ba mùa khô trên đất nước triệu voi, bước chân của trung úy Lê Tấn Nhân cùng đồng đội bền bỉ khắp mọi nơi. Các anh đi hết bản này tới bản khác trên khắp các huyện Bun La Pha đến Na Kai thuộc tỉnh Khăm Muộn. Nhiều khi phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm khi vượt núi rừng hiểm trở, rắn độc, thú dữ và sốt rét đến xanh da, rụng tóc...

Trong mùa khô đầu tiên thuộc tháng 3- 2003, anh Nhân cùng đồng đội có chuyến đạp rừng đến với các bản làng thuộc địa phận tỉnh Na Kai. Trước đó, Đội 589 nhận được nguồn tin từ người dân phát hiện 12 ngôi mộ liệt sĩ trên ngọn núi cao trong một lần đi rà phế liệu. Họ đòi tiền phí dẫn đường 1 triệu kíp (tương đương với 2 triệu đồng tiền Việt Nam) cho mỗi ngôi mộ. Thấy họ đòi mức phí quá cao, anh Nhân cùng với Đội 589 phối hợp với chính quyền địa phương vận động, giải thích cho họ hiểu được mục đích, ý nghĩa, sự hi sinh cao cả của quân đội Việt Nam trên nước bạn Lào trong cuộc chiến tranh của hai dân tộc. Họ hiểu ra và nhiệt tình giúp đỡ.

Từ vị trí xuất phát đến nơi có mộ phải đi mất hơn 1 tuần. Anh Nhân nhớ lại: “Mấy ngày đầu, đội còn đi được bằng xe ô tô. Nhưng vào sâu trong rừng thì gặp một trận lũ đầu mùa khiến đường bị ngập sâu, cầu gãy khiến xe bị lật. May mà có người dân nước bạn đến cứu giúp.  Mấy ngày sau đó, anh em tiếp tục cuốc bộ men theo dãy núi đá vôi cheo leo hiểm trở. Có một số chiến sĩ bị rắn cắn, sốt rét rồi thú dữ tấn công nhưng may tất cả đều thoát chết”.

Tháng 3 trên đỉnh Trường Sơn mưa nắng thất thường. Có ngày, những chiến sĩ của Đội 589 phải đi bộ cả ngày đường để gùi nước uống và nấu ăn. Quần áo các anh thấm mồ hôi, bùn đất. Công việc tìm kiếm và khai quật trong chuyến đi đó hết sức vất vả do địa hình hiểm trở lại bị biến dạng sau hàng chục năm. Nhưng với tinh thần, trách nhiệm cao, anh Nhân cùng đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Thành công của chúng tôi trong chuyến đi ấy là đưa được hài cốt đồng đội về với quê hương. Đó là niềm vui lớn nhất của tôi và anh em trong đội”. Trung úy Lê Tấn Nhân tâm sự.   

Một chuyến đi khác mà anh Nhân nhớ mãi là chuyến đi đến bản Cồn Lo, huyện Hin Bun, tỉnh Khăm Muộn. Một đêm mùa khô năm 2003, đội được lệnh dừng chân tại bản chuẩn bị cho cuộc hành trình leo núi. Đêm đó, trong bản có một người phụ nữ trở dạ thì bị chết cả mẹ lẫn con. Theo phong tục của người dân ở đây, khi chôn cất người chết thì phải tách mẹ và con ra chứ không được để con trong bụng.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp nhận hài cốt liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp nhận hài cốt liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc.

Tuy nhiên, họ lại sợ nên không ai dám mổ. Trước tình cảnh đó, Trung úy Lê Tấn Nhân cùng đồng đội phải đảm nhiệm công việc của những “bác sĩ. Hơn một giờ đồng hồ, hai cái xác chết đã được tách ra rồi được dân bản hỏa táng trước khi chôn cất. Tin bộ đội Việt Nam giúp dân bản mổ thai phụ chết đã được truyền đi khắp huyện Hin Bun nên ai ai cũng biết. Từ đó, khi các anh đi đến đâu cũng được chính quyền địa phương và nhân dân nước bạn nhiệt tình giúp đỡ.

Cũng trong chuyến đi đó, Đội 589 đã gặp phải một khó khăn rất lớn khi bị nước lũ cô lập, trong khi lương thực, thực phẩm lại sắp hết. Dân làng huyện Hin Bun đã huy động một lượng lớn thuyền bè và sức lực để kéo xe qua và tiếp tế lương thực kịp thời cho các anh. Nhờ sự giúp đỡ của bà con nên trong chuyến đi đó, Đội 589 đã tìm bốc được hơn 50 bộ hài cốt liệt sĩ...

Một nhân viên chính sách tận tâm

Sau những tháng năm vượt dãy Trường Sơn sang đất bạn Lào tìm hài cốt đồng đội, tháng 6-2009, trung úy Lê Tấn Nhân được chuyển về làm nhân viên chính sách ở Ban chỉ huy quân sự huyện Bố Trạch. Thời gian làm việc ở đây, anh tiếp tục tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy đơn vị về công tác quy tập mộ liệt sĩ tại địa phương; nghiên cứu văn bản, tài liệu về công tác chính sách hậu phương trong quân đội.

Hơn 3 năm, anh đã phối hợp với các xã, thị trấn tìm kiếm và quy tập thêm hàng chục bộ hài cốt liệt sĩ về bàn giao lại cho gia đình và chính quyền địa phương an táng. Về công tác chính sách, trung úy Nhân đã nghiên cứu đề xuất giải quyết hơn 4.000 bộ hồ sơ cho những gia đình có công với cách mạng. Trong đó có 3.700 trường hợp được hưởng theo chế độ 142, 290 của Chính phủ.

Với những đóng góp không nhỏ trong công tác, trung úy Lê Tấn Nhân vinh dự nhận được huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng 3, bằng khen của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, bằng khen của UBND tỉnh...

                                                          Xuân Vương - Đoàn Nguyệt



 

,
.
.
.