Bản giữ rừng

Cập nhật lúc 07:51, Thứ Tư, 27/06/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong khi các khu rừng nguyên sinh nhiều nơi đang bị tàn phá thì 500 ha rừng nguyên sinh ở bản Ông Tú (Trọng Hóa, Minh Hóa) đang được người dân gìn giữ...

Tài sản của bản làng

 

Cây xà bung hàng trăm năm tuổi  nằm cạnh bản Ông Tú.
Cây xà bung hàng trăm năm tuổi nằm cạnh bản Ông Tú.

Trong những ngày cuối tháng 6, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi trở lại bản Ông Tú (Trọng Hóa, Minh Hóa). Để lên được bản làng, phải cuốc bộ trên con dốc dài chừng 1 km dưới tán rừng nguyên sinh. Hai bên đường còn rất nhiều gỗ quý như: lim, táu... Có những cây đường kính trên 1m tỏa bóng sum suê.

Bí thư chi bộ Hồ Phoong cho biết: Những cây to đó là tài sản chung của bản miềng đó. Hồ Phoong hồ hởi: “Chú đi với tôi, lên phía sau bản sẽ còn thấy nhiều cây gỗ to hơn nữa!”. Bên cạnh ngôi nhà sàn của Hồ Phoong chừng 100m là một cây xà bung lớn có đường kính gần 2m, cao khoảng 50 mét, mọc thẳng lên rồi xòe tán che bóng mát cho cả mấy ngôi nhà. Anh Hồ Phom- một người dân cho biết: “Năm nào tôi cũng đánh được vài tổ ong mật trên cây xà bung này đó. Lấy được mật, tôi chia cho bà con mỗi người một chai để làm thuốc, vì đó là tài sản chung của cả bản mà”.

Theo chân Hồ Phoong và Hồ Phom, chúng tôi tiếp tục leo lên đỉnh núi sau bản. Hút vào tầm mắt là một cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn xanh tốt. Nếu như các nơi khác, rừng nguyên sinh gần khu dân cư thường bị tàn phá thì ở bản Ông Tú hoàn toàn trái ngược. Cả một khu rừng nguyên sinh rộng 500ha gần như vẫn còn nguyên vẹn.

Hồ Phoong tâm sự: “Tuy rừng gần như thế nhưng dân miềng không ai dám tự tiện khai thác đâu. Nếu nhà ai có việc cần dùng tới gỗ thì phải “đăng ký”. Sau đó, bản tổ chức họp dân, thống nhất chọn cho chặt cây nào mới được chặt. Còn những cây bản không cho mà tự tiện chặt thì sẽ bị phạt theo quy ước. Kể cả việc lấy củi trong rừng cũng thế, người dân không được chặt những cây còn sống mà phải lấy củi khô hoặc tận thu cành, ngọn những cây đã khai thác”.

Anh Hồ Phom tiếp lời bí thư chi bộ: “Kể cả lấy măng rừng, dân miềng cũng không bao giờ lấy hết mà phải để lại vài búp non cho nó (măng) lên thành cây. Việc thu hái các loại dược liệu khác cũng vậy, người dân không bao giờ lấy tiệt”...

Quyết tâm giữ rừng

Người dân bản Ông Tú từ lâu đã ý thức được việc giữ rừng. Họ nghĩ rằng, mình sinh ra từ rừng thì phải giữ rừng. Bởi rừng vừa che chở, vừa là nguồn sống của họ. Từ năm 1994, dự án định canh định cư đã hỗ trợ cho bản mỗi năm 20 triệu đồng cho việc bảo vệ rừng. Nhờ đó đã tạo thêm động lực và càng nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân nơi đây.

“Nếu khai thác gỗ trên bản Ông Tú chuyển xuống bản Hưng hay khe Rào chừng 1km là có thể đưa gỗ về xuôi dễ dàng. Nhưng nhờ việc bảo vệ rừng nơi đây hết sức nghiêm ngặt và ý thức của người dân rất cao nên việc làm này chưa bao giờ xảy ra ở bản Ông Tú”. Ông Lê Tấn Dũng cho biết thêm.

Trưởng bản Hồ Nhung nhớ lại: “Cách đây bốn năm, có nhóm người từ nơi khác đưa máy cưa lên chuẩn bị hạ một cây cổ thụ sau bản. Thấy người lạ vào phá rừng, tôi gọi cả bản kéo lên ngăn chặn rồi đuổi đi. Năm vừa rồi cũng xảy ra trường hợp tương tự. Một nhóm lâm tặc gần chục người đem máy cưa, trâu bò lên định khai thác gỗ. Bọn chúng còn hù dọa, đòi đánh đập dân bản nếu chống đối. Vậy là tôi phải báo với Kiểm lâm, Bộ đội biên phòng cùng phối hợp với chính quyền địa phương mới đuổi được bọn chúng đi”. Từ đó đến nay, không ai dám vào đây khai thác gỗ nữa. Kể cả người dân trong bản, ai tự tiện chặt cây mà không thông báo là sẽ bị bản trách phạt liền. Như thế thì xấu cái mặt lắm!”.

Trong các cuộc họp, dân bản Ông Tú cũng được cán bộ tuyên truyền Luật Bảo vệ rừng, hướng dẫn cho họ cách chăm sóc, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Ngoài ra, bản Ông Tú còn dựa vào luật bảo vệ rừng để xây dựng các quy ước như: khi vào rừng đốt ong xong phải dập tắt lửa. Việc làm rẫy cũng phải theo quy hoạch. Bà con nơi đây đã sống định canh, đinh cư nên nạn đốt rừng làm rẫy bừa bãi không còn nữa... Nếu trong bản ai vi phạm nhẹ là bị khiển trách, vi phạm nặng sẽ bị phạt bằng nhiều hình thức. Ông Lê Tấn Dũng, Trưởng trạm Kiểm lâm Trọng Hóa nhận xét: “Công tác bảo vệ rừng ở bản Ông Tú rất tốt. Trong nhiều năm qua, trong địa bàn bản không có vụ vi phạm lâm luật nào xảy ra”.

                                                                                  Xuân Vương







 

,
.
.
.