Làng nổi và gánh nặng nhiều con

Cập nhật lúc 07:51, Thứ Sáu, 13/07/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Các cụ cao niên ở làng Cồn Sẻ (Quảng Lộc, Quảng Trạch) bảo rằng, nghề biển hồn treo cột buồm, biển bạc nên không ít trai tráng đã phải bỏ mạng nơi trùng khơi. Nghề đi biển phải có con trai nên gia đình nào ở Cồn Sẻ cũng phải cố đẻ cho bằng được mấy suất đinh mà bám biển. Chẳng thế mà ở cái ngôi làng nhỏ mọc lên giữa sông Gianh này được nhiều người gọi là làng "siêu đẻ". Và một lẽ tất nhiên cũng vì sự đẻ nhiều ấy mà chính người dân Cồn Sẻ đang phải gánh trên vai những hệ lụy khó giải...

Đứng trên cầu Quảng Hải nhìn về thôn Cồn Sẻ như một hòn đảo xinh xắn, được bao bọc bởi bốn bề sông nước. Xung quanh thôn tàu bè đậu san sát. Cảnh trên bến dưới thuyền trông tấp nập nhộn nhịp. Muốn vào thôn phải đi qua cây cầu gỗ do bà con đóng góp dựng xây.

Trái với cảnh gió lộng phía ngoài bến sông, tiến sâu vào trong làng là cảm giác nóng nực đến ngột ngạt vì mật độ xây dựng và dân số ở làng Cồn Sẻ chẳng khác gì các con hẻm nhỏ thành phố lớn. Trên từng con ngõ, người đi lại nhộn nhịp như chợ phiên. Trong những ngôi nhà chật hẹp, phụ nữ, trẻ con đều tham gia vá lưới càng khiến cảnh thêm ngột ngạt.

Đẻ cho đủ đội tàu đi biển!

 

Ở làng Cồn Sẻ đi đâu cũng gặp trẻ con.
Ở làng Cồn Sẻ đi đâu cũng gặp trẻ con.

Ngôi nhà đầu tiên mà chúng tôi ghé thăm là nhà ông Cao Độ. Ông Độ không chỉ nổi tiếng là người đi biển giỏi, ông còn đang giữ 1 kỷ lục của thôn Cồn Sẻ không ai dễ gì xô đổ được đó là cha của 13 đứa con. Nhà ông Độ nằm ở giữa thôn. Lúc chúng tôi đến, ông và gia đình đang ăn bữa trưa. 20 con người, già có, trẻ có ngồi kín cả một gian nhà. Phía trong ngôi nhà nhỏ lưới, chài giăng mắc đầy nhà như mạng nhện.

Ông Độ năm nay đã ngoài năm mươi tuổi, vợ ông cũng tầm tuổi đó. So với những hộ dân khác, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo khó. Thói quen đi biển khiến ông nói cứ oang oang, người đi ngoài ngõ cũng có thể nghe thấy. Khó khăn là vậy nhưng ông bà luôn tự hào là người có nhiều con nhất thôn Cồn Sẻ (?!) Tổng cộng số con của gia đình ông đã nhiều hơn 1 tiểu đội, với 6 đứa con trai, 7 đứa con gái. Suốt mấy chục năm lăn lộn với biển khơi, nước da ông chai sạn, khuôn mặt gồ ghề góc cạnh khiến ông già trước tuổi.

Quả thực căn nhà của ông đã chật, vậy mà phải ngăn làm nhiều gian để cho các con ở. 3 người con trai đã lập gia đình, nhưng vẫn phải vá víu cùng bố mẹ quanh ngôi nhà này. Không những thế, số cháu nội mà những chàng trai này đóng góp đã lên đến con số gần 20. Thế mà khi chúng tôi hỏi: "Sao ngày đó bác đẻ nhiều thế?", ông Độ chống chế rằng: "Nhà tui có 6 đứa con trai, thêm bốn đứa con rể nữa. Nhiêu đó đủ cho đội tàu đi biển, khỏi thuê người ngoài"(?!). Bà Hoàng Thị Hường, vợ ông thì thở ra: "Chừng ấy con cháu, chỉ việc đi chợ lo bữa ăn hàng ngày cho chúng đã đứt hơi rồi chứ đừng nói đến việc kiếm tiền để nuôi chúng..."

Cách đây mấy năm gia đình ông Độ mới mua được miếng đất rộng hơn trăm mét vuông. Nhưng lạ thay, cán bộ địa chính nhầm lẫn thế nào khiến nó không có đường đi. Giờ gia đình ông bà vẫn phải đi nhờ qua đất của hàng xóm.

Vào bất kỳ một gia đình nào của làng Cồn Sẻ cũng dễ dàng nhìn thấy cảnh con đàn cháu đống của người dân nơi đây. Nhà nào nhiều thì 9-10 đứa con, nhà ít cũng phải 3-4 đứa. Có lẽ điều dễ nhận thấy nhất ở đất này là cái sự sinh nở của phụ nữ. Ở làng biển, phụ nữ không phải ra khơi, họ có 2 việc chính là đẻ con và vá lưới.

Cách nhà bà Hường không xa là nhà chị Phạm Thị Nhi. Chị Nhi nổi tiếng ở Cồn Sẻ về khả năng sinh nở của mình. Năm nay mới ngoài tứ tuần, chị đã có tới 10 người con. Năm 18 tuổi chị đã theo anh Nguyễn Trà về làm vợ. Chỉ 1 năm sau chị đã sinh hạ được cô con gái đầu lòng. Chồng chị chép miệng, làm nghề biển mà đẻ con gái có mà cạp đất để ăn. Nỗi mong mỏi làm nghề biển là có cậu con trai cùng bố rong thuyền ra khơi của anh Trà mãi vẫn chưa thành hiện thực. Thế rồi cứ 2 năm chị Nhi lại góp thêm 1 công dân nữa cho Cồn Sẻ nhưng toàn là con gái. Điều này khiến anh Trà không được vui lắm.

Nhìn sang hàng xóm, ai cũng có trai gái đề huề rồi khiến anh càng thúc giục vợ đẻ tiếp. Lần lượt 8 cô con gái ra đời, đến đứa thứ 9, thứ 10, anh mới có cảm giác hạnh phúc là có được 2 thằng cu. Đến nhà chị Nhi dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau, người lạ khó mà phân biệt được đứa nào là chị, đứa nào là em. Đứa lớn nhất năm nay mới tròn 20 tuổi, đứa nhỏ nhất là 3 tuổi. Như vậy chỉ trong vòng 17 năm chị Nhi đã cho ra đời 10 đứa trẻ. Điều lạ là đẻ 10 đứa con nhưng chưa một lần chị Nhi ra trạm y tế xã. Chị đều đẻ chúng ở nhà, do bà đỡ trong thôn đến giúp.

Thiếu đất ở và nước ngọt

Bao đời nay người dân làng Cồn Sẻ bám biển để mưu sinh, cả làng không có lấy một tấc đất nông nghiệp. Cuộc sống của họ trông cả vào nguồn lợi thủy sản kiếm được hằng ngày. Mùa nào biển thuận gió hòa, bà con còn dễ thở, mùa biển động là cả làng treo niêu.

Vì chỉ có nghề biển nên chỉ thanh niên, trai tráng mới là lao động chính, phụ nữ ở nhà vá lưới và trông con. Sự phân công rạch ròi đó càng khiến các gia đình nơi đây đẻ bằng được con trai. Đất chật, người đông, người dân nơi đây cứ chen chúc nhau mà sống.

Ông Nguyễn Cương, Trưởng thôn Cồn Sẻ cho biết, toàn thôn có 650 hộ, với 3.200 nhân khẩu, trong đó có tới 20% là hộ nghèo. Mang tiếng là biển bạc lắm nguồn lợi thủy sản nhưng cuộc sống của người dân nơi đây còn gặp vô vàn khó khăn. Kiếm miếng cơm manh áo hằng ngày đã khó, nói gì đến chuyện làm giàu. Khổ nhất là chỗ ở. Mấy nghìn con người cứ chen chúc nhau trên bãi nổi giữa sông Gianh.

Nhà cửa san sát nhau ở làng Cồn Sẻ.
Nhà cửa san sát nhau ở làng Cồn Sẻ.

Người ngày một nhiều hơn, đất không đẻ thêm ra mà còn bị thu hẹp lại do bị sông Gianh lấn. Bí quá hóa liều, ông Cương thừa nhận, hiện mấy chục hộ dân của thôn đã lấn cả hành lang bảo vệ đê ngoài làng để lấy chỗ ở. Vẫn biết làm như vậy là sai nhưng người dân nơi đây chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Một thửa đất khoảng 100m2 ở đây, giá cũng vài trăm triệu đồng. Đó là số tiền lớn, với nhiều gia đình nơi đây kiếm cả đời không đủ. Cũng theo ông Cương, hiện toàn thôn còn 200 hộ chưa có đất ở. Với đà gia tăng dân số hiện nay, mỗi năm Cồn Sẻ sẽ bổ sung thêm 40 cặp vợ chồng có nhu cầu nhà ở.

Việc người dân Cồn Sẻ đẻ nhiều đã tồn tại từ nhiều năm nay như là một điều hiển nhiên trong mỗi gia đình. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân đi biển phải có con trai bằng mọi giá. Có lẽ khổ nhất là những người làm công tác dân số nơi đây. Với chức năng và nhiệm vụ của mình hằng ngày họ phải đến từng nhà vận động, mong rằng họ sẽ sinh ít con đi, cho cuộc sống bớt khổ. Cán bộ đến vận động nhiều lần, tuyên truyền khản cả giọng, vậy mà kết quả thu được vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Người dân vẫn tiếp tục đẻ, dường như việc đó là sở thích của họ vậy.

Anh Phạm Văn Chung là cán bộ y tế thôn từng nhiều năm gắn bó với công tác chăm sóc trẻ em. Gia đình anh là người hy hữu trong thôn đẻ có 2 đứa con, tất nhiên là anh không làm nghề biển. Anh Chung cho biết, hiện có 30% số hộ trong thôn có từ 7-8 con, số hộ có 4-5 người con chiếm 40%, số còn lại đa phần là có 3 con.

Những gia đình thuộc dạng tiềm năng, nên rất có thể họ tiếp tục góp phần nâng số công dân của thôn thêm nữa. Người dân ở đây thiếu đất ở, còn thiếu cả nước ngọt để dùng. Bốn bề của thôn giáp sông nhưng toàn là nước lợ, không dùng được. Từ nước sinh hoạt đến việc xây dựng, người dân phải mua ở nơi khác với giá cắt cổ là 60 nghìn đồng 1 khối nước ngọt.

Rời làng Cồn Sẻ khi ánh hoàng hôn nhuộm tím mặt sông Gianh. Tiếng máy nổ ran một khúc sông báo hiệu đoàn tàu đánh cá chuẩn bị ra khơi. Các chàng trai khỏe mạnh, rắn rỏi của làng biển tiếp tục ra khơi kiếm sống. Đa phần họ đều nghỉ học rất sớm, thường hết lớp 6 là có thể đi biển cùng gia đình. Cuộc đời họ gắn liền với biển để mưu sinh. Đẻ nhiều dẫn tới nghèo đói và thất học, không biết khi nào người dân làng Cồn Sẻ mới thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn đó.

                                                                                       Phương Lâm




 

,
.
.
.