Ký sự làng biển:

Đi tìm hải trình biển Đông bằng thơ - Kỳ 2: Hành trình lồng lộng hải hồ

Cập nhật lúc 07:51, Thứ Hai, 23/07/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Người kẻ biển Quảng Bình mấy trăm năm trước đã được nhà bác học Lê Quý Đôn viết trong Phủ Biên Tạp Lục của mình rằng, có những làng biển như Lý Hoà (Bố Trạch) đóng thuyền chở đến 50 tấn, vận tải ra phía Bắc buôn bán. Và hải trình của họ lúc đó lồng lộng giữa sóng nước biển Đông.

>> Kỳ 1: Những vần thơ cao vút trên sóng

Đi tìm số phận phần hai hải trình

Ba năm trước, về làng biển quê nội chơi, tôi nghe một người đàn ông mù ngâm nga vài câu của phần hai hải trình biển Đông bằng thơ bằng ca từ bản địa, khấu khí sóng nước rất hay. Nhưng ông chỉ đọc được mươi dòng. Hỏi vì sao, ông nói "quên rồi", vậy có ai trong làng biết nữa không? Ông chỉ về phía cuối làng cát. Theo lời ông, đi tìm người đàn bà hát thơ hải trình, xuống xóm nhỏ bên bờ biển làng, mọi người nói "mệ vừa mất chừng một tuần".

Những bậc bô lão là kho tàng sống, trong đó có thơ hải trình và các điệu hát hò lối biển.
Những bậc bô lão là kho tàng sống, trong đó có thơ hải trình và các điệu hát hò lối biển.

Bặt đi ba năm, nhớ lại phần hai thơ hải trình biển Đông chưa tìm được, tôi đành hỏi người giáo già làng biển, Trương Xa. Ông nói, trước đây, cha ông có hát cho nghe, nhưng nay cũng không nhớ. Bởi theo ông, phần hai của thơ hải trình ra đến Thái Bình. Trong đó có nhiều câu thốt lời đưa đúng giọng biển miền cát rất thích, nhưng vì thời gian, trí nhớ phôi phai. Cách đây hai tháng, một người mù già trong làng, từng là đội vận tải biển đầu thế kỷ XX cho một thương thuyền tư sản Đồng Hới, gọi ông Xa đến và đọc cho nghe phần hai hải trình biển Đông. Như khơi lại dòng, chỉ cần nghe lại một lần nữa, ông Xa bừng nhớ lại đủ điệu, đủ câu phần thơ mà cha ông đã hát.

Đi biển cũng biết nơi ăn chốn nghỉ

Trước triền sóng biển Đông, tôi được diện kiến những câu thơ hải trình đi ra phía Bắc: Ló nằm, sáo lại trồi cao/ Giăng hàng sóng ngã lao xao lạch Lò/ Buồm phảng phất lô dô thuyền tắc/ Mụi khe Gà lác đác sương đêm/ Lửa thuyền đến độ muốn nhen/ Vừa qua lạch Vạn chộ lèn Hai Vai/ Qua lạch Quyên, ngước coi Hòn Ó/ Lạch Nhà Bà dưới núi nằm trên/ Hòn Cù kia đã gần bên/ Rạn Nồi Rang đã nổi lên gập ghềnh/ Thuyền chạy ngoài đã quen từ trước/ Kênh Yên Gà cạn nác khó qua/ Hươu nằm Núi Nứa chạy ra/ Đá vanh vụng Ngọc đàng qua ngoằn ngoèo/ Vũng Ghềnh Ếêt sóng reo rõ tiếng/ Ngó phía trong; Vụng Biện bắt hò/ Cuốn buồm vô vịnh lên bờ/ Ghe mành, thuyền giã, đón đưa quán hàng/ Ngoài to nhỏ giăng hàng đắc địa/ Vung bên nồi, đọi đĩa ngổn ngang".

Đến gần vũng Biện Giáp Thanh Hoá, người vào kẻ ra, thuyền bè nườm nượp. Địa danh đó được giải thích là bến thuyền tiếp tế cho người đánh cá đường xa, cũng là chốn gặp gỡ hải hồ của các chuyến thuyền vận tải hàng hoá thời xưa. Thuyền bè ngược xuôi, dập dìu. Nhưng vì không mỹ từ hoa lệ, người đi biển chỉ biết ví von sự đô hội của nơi gặp gỡ những người làng biển đi đánh cá "vung bên nồi, đọi đĩa ngổn ngang". Nó cũng được giải thích, là do đi biển dài ngày, lên bờ đi đứng chao đảo, dễ vấp vào vung nồi, chén bát của tiểu thương trên bờ. Cách nào cũng có vẻ đúng, nhưng người kẻ biển vẫn nghiêng về việc vụng Biện là nơi chốn tiếp phẩm cho hành trình đi ra.

Làng biển còn có văn hoá, trước mùa đánh bắt mỗi năm đều tổ chức  đoàn cầu linh phù hộ được mùa, đi khắp làng, nhà nào cũng bày cỗ trước cửa, thắp hương mỗi lượt đoàn cầu linh qua nhà mình
Làng biển còn có văn hoá, trước mùa đánh bắt mỗi năm đều tổ chức đoàn cầu linh phù hộ được mùa, đi khắp làng, nhà nào cũng bày cỗ trước cửa, thắp hương mỗi lượt đoàn cầu linh qua nhà mình

Xong việc cuốn buồm, họ lại tiếp tục hành trình với con tôm con cá, với chuyến hải hành dào dạt gió gào sóng hét. Những địa danh trên bờ vẫn chủ đạo trong lời thơ họ xướng: "Buồm giong, đón gió sang ngang Hải Tần/ Cựa lạch Bạng tình thân gởi gấm/ Mụi Xủi tê xanh thẳm rệ lầm/ Biện Sơn giống rệt cổ tầm/ E khi sóng gió phân vân giữa vời/ Kề lạch Man là nơi Phà Ghép/ Vọc hai hòn dúc dích bò ra/ Hòn Gầm thấp thoáng không xa/ Sầm Sơn nghỉ mát mấy toà ai xây?/ Gió nồm thổi đằng khơi trự chặt/ Phóng mắt coi phía bắc chưn trời/ Lạch Trường tê chính là nơi/ Heo nằm đất đỏ, bò bơi biển vàng/ Màu xanh thắm chắn ngang Hòn Nẹ/ Giải Cồn Đen cứ rứa mà trông/ Gò Bò mãi ngắm hướng đông/ Cốông Dài ngó chộ phao hồng nổi lên/ Tề lạch Lác ai quen năm tháng/ Hàng dương tê xanh thắm mượt mà/ Nhà thờ trửa biển tréng xa/ Gần cựa tránh ghé, ghé ra tránh cồn/ Cồn khống Chế tiếng đồn sóng lớn".

Bóng dáng của nơi nghỉ mát Sầm Sơn được nhắc đến như một câu hỏi ai xây, một câu hỏi khen bởi khéo chọn thế đất. Và họ cũng lấy đó làm mốc đánh dấu đất liền. Họ cũng xem đó là mốc để ra vùng biển vàng đánh bắt hải sản. Và đánh bắt được cá tôm, họ lại đi tiếp ra vùng: "Lượn phải đón đăng khơi/ Thái Bình cựa lạch là nơi/ Diêm Điền mói mặn, cá tươi, tôm vàng". Họ chọn muối Diêm Điền của Thái Bình làm chất giữ cá, tôm vàng. Bởi theo ngư dân, trước đây, đó là vùng đất làm muối chất lượng, nức tiếng không chỉ ngư dân đi biển trong vùng mà cả ngư dân miền Trung.

Thấy rằng, khác với người kẻ ruộng, người kẻ biển ngày xưa đi xa hơn giữa biển. Người làm ruộng chỉ những quan trường, làm việc nha sai, hay sĩ tử ứng thí và một số khác mới đi lại đây đó. Nhưng cũng không đi xa như người kẻ biển trước tự nhiên rộng lớn. Người kẻ biển đi ra, ngoài việc lựa chọn lạch nước, lựa chọn vụng vịnh để tránh gió bão thì họ vẫn tìm kiếm cho mình nơi chốn ngơi nghỉ tìm cho mình nơi chốn có chất giữ cá. Họ cũng tìm những địa chỉ đó nhằm bán sản phẩm từ biển Đông ban cho để tiếp tục hành trình mưu sinh. Và nghĩ cho cùng, những mưu sinh ấy không gì khác ngoài giữ biển yêu thương.

                                                                                  Minh Phong

                                        Kỳ 3: Rưng rưng bóng dáng Hoàng sa, Trường Sa

 

,
.
.
.