Bản nhạc thời "viễn cổ"

Cập nhật lúc 07:55, Thứ Ba, 17/07/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Khi núi rừng còn chìm trong màn sương đêm, con chim, con thú trên rừng vẫn đang say giấc nồng, bỗng từ những nếp nhà sàn của người Khùa bản Dộ, xã Trọng Hóa (Minh Hóa) đồng loạt phát ra tiếng kêu bập bùng làm chấn động cả núi rừng Trường Sơn. Tiếng chày giã gạo, đâm pồi của người Khùa như một bản nhạc "giao hưởng" thời viễn cổ được tấu lên, báo hiệu một ngày mới bắt đầu...  

Tiếng chày trên bản Dộ

Phụ nữ người Khùa.
Phụ nữ người Khùa.

Đã nhiều lần lên công tác ở các xã miền núi phía tây huyện Minh Hoá nhưng chuyến công tác đến bản Dộ vào tháng 11 năm 2011 là chuyến công tác đáng nhớ nhất của tôi. Đó là chuyến công tác mà lần đầu tiên tôi được nghe tiếng chày giã gạo, đâm pồi của người Khùa để rồi nhớ mãi...

Hôm chúng tôi lên công tác, gặp lúc cơn mưa rừng xối xả như trút nước xuống bản Dộ. Những thác nước cao mấy trăm mét từ đỉnh núi Giăng Màn cũng được dịp tác oai tác quái. Tiếng nước chảy gầm réo như những con mãnh thú khổng lồ đang lồng lộn trong rừng thẳm. Nước suối dâng lên cuồn cuộn, dòng chảy cuốn phăng cây cối. Phía dưới thung lũng xa mờ là những bản làng của người Khùa nhuộm một màu mưa núi. Cơn lũ rừng hung dữ  buộc lòng chúng tôi phải qua đêm ở Trạm Biên phòng bản Dộ thuộc Đồn Biên phòng Ra Mai.

Các chiến sỹ biên phòng ở đây cho biết, gần 2 tháng qua, mưa gần như không ngớt khiến việc sinh hoạt của các chiến sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Củi ướt nhóm bếp khói mù, quần áo phơi cả tháng không khô. Thiếu tá Đinh Xuân Long tỏ ra rất yêu đời bảo rằng, mưa cũng là một đặc sản của rừng Trường Sơn đấy.
Đêm đó, tôi không sao chợp mắt được. Bầu trời Trường Sơn như một túi nước khổng lồ, không ngừng trút xuống từng cơn mưa xối xả...

Giấc ngủ chập chờn cũng dần trôi qua. Khoảng 4 giờ sáng, mấy vị khách lạ chúng tôi được phen hú hồn. Từ thung lũng bỗng vang lên tiếng kêu như sấm rền. Tiếng động kéo dài không dứt tựa như hồi trống thúc giục binh sĩ ngày xưa lên đường ra trận. Thiếu tá Long ngủ ở giường bên cạnh cũng choàng tỉnh, anh ngoảnh sang trấn an chúng tôi: “Tiếng chày đâm pồi của người Khùa đấy. Mới đầu có thể các anh không quen nhưng chúng tôi ở đây đâm nghiện nó mất rồi. Tiếng chày giống như một bản nhạc rừng  mà đồng bào đã tặng chúng tôi giữa âm u rừng già này. Nó cũng báo hiệu cho chúng tôi biết một ngày mới đã bắt đầu...”.

Nghe anh Long nói vậy, tôi bắt đầu lắng nghe và cảm nhận: tiếng chày  bắt đầu gõ nhịp thưa thớt... đều đều... dồn dập. Nó như thúc giục mọi người trở dậy, bắt đầu với công việc. Tiếng khua khi nhanh, khi chậm, lúc khoan, lúc nhặt đánh động cả những con chim rừng còn ngái ngủ cùng hòa vào nhịp sống – lao động của một ngày mới nơi rẻo cao. Mấy chục nóc nhà đồng loạt cất chày theo nhịp thập thình, rộn rã. Âm thanh bùm bụp, bập bùng khoan thai theo nhịp lên xuống va vào vách núi rồi lại dội vọng ra khiến người khách lạ như lạc vào một miền viễn cổ. Tiếng đâm bồi vang lên tha thiết, như đón mời như nâng bước chân người trên mỗi bậc cầu thang. Mỗi khi nhịp chày đâm bồi vang lên là bàn chân người ta lại muốn bước, cái bụng người ta lại muốn theo đến nơi.

Âm thanh phát ra từ mỗi điệu đâm bồi không có được cái luyến láy, bổng trầm của những loại nhạc cụ hiện đại, bởi đâm bồi vốn đơn giản như chính tâm hồn những người sáng tạo và biểu diễn nó. Vậy mà bao đời nay dường như nó đã trở thành thứ keo dính tình cảm, gắn kết mọi người thành một khối cộng đồng thống nhất của tình bạn, tình thương, tình yêu; nó mang ý nghĩa về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc.

Tiếng lòng của người Khùa

Hôm sau vào bản làm việc, tôi có dịp được tận mắt chứng kiến cối giã gạo rất đặc biệt của người Khùa. Ông Hồ Phưm, Trưởng bản Dộ cho biết: “Giã gạo là công việc của người phụ nữ trong gia đình. Để cho công việc nhanh hơn và đỡ nhàm chán, mệt nhọc, thi thoảng người ta khua thêm một vài nhịp vào thành hoặc khua chày với nhau, tiếng kêu phát ra nghe vui tai”.

Chiếc cối và chày của người Khùa được cấu tạo rất đặc biệt, nên khi giã gạo, đâm pồi nó phát ra âm thanh rất
Chiếc cối và chày của người Khùa được cấu tạo rất đặc biệt, nên khi giã gạo, đâm pồi nó phát ra âm thanh rất lạ

Chiếc cối được làm bằng 1 khúc gỗ rừng nhưng để tiếng nhạc phát ra được thanh và hay, người ta thường dùng gỗ mun, gỗ pào và đặc biệt là gỗ sú. 2 đầu cối loe ra, ở giữa thắt lại như lưng ong. Cối được để trên sàn nhà. Đầu phía trên được khoét sâu giống như cái cối đá, đầu dưới cũng khoét 1 lỗ để tra vừa cọc tre to bằng cổ chân người lớn. Cái cọc tre này giống như 1 trục dọc dài khoảng 1,2m, một đầu cắm vào phía dưới cối, một đầu xuyên qua một thanh gỗ tròn để dưới nền đất. Khúc gỗ tròn này vừa giữ cái trục dọc chuyển động lên xuống không bị rung.

Dưới nền đất bà con tạo một cái trống đất và đặt vừa một cái ống bương to. Một đầu cái ống bương đón lấy đầu cái trục dọc. Khi bà con giã gạo, cái trục dọc này chuyển động nhịp nhàng lên xuống tạo nên những âm thanh bập bùng. Cấu tạo của chiếc cối chỉ đơn giản là vậy nhưng tất cả các bộ phận phải gắn kết mật thiết với nhau. Khi người đứng trên sàn nhà giã gạo, chiếc cối tự xoay quanh cái trục dọc.

Ông Phưm bảo, cái cối phải thỏa mãn 2 điều kiện: đâm bồi phải sạch, giữ lại được hạt gạo tròn trĩnh, không bị vỡ nứt; thứ hai tiếng kêu phải hay ròn rã, trầm bổng. Nó là sự kết hợp giữa âm và dương, giữa trời và đất. Nó thể hiện được ước muốn ngàn đời của người Khùa nơi đây là có được mùa màng bội thu.

Các bản của người Khùa sống biệt lập trong rừng Trường Sơn, lại chưa có điện, máy xay xát hiện đại chưa tới được đất này. Bất cứ một gia đình người Khùa nào cũng có một cái cối. Đó là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống. Mùa thu hoạch lúa nương trùng với mùa mưa nên khi thu lúa về, người dân phải rang thóc lên cho khô rồi cho vào cối giã. Họ giã gạo bữa nào ăn bữa nấy nên sáng nào người phụ nữ cũng phải dậy sớm giã gạo để nấu cơm cho cả nhà. Đây là điều giải thích vì sao bản nhạc rừng êm ái đó sáng nào cũng được tấu lên như tiếng lòng của người Khùa còn nhiều vất vả.

                                                                             Phan Phương













 

,
.
.
.