Ký sự làng biển:

Đi tìm hải trình biển Đông bằng thơ - Kỳ IV: Nhớ về ngọn "hải đăng" Hùng Vương

Cập nhật lúc 08:35, Thứ Tư, 25/07/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Đây là phần rất trữ tình trong hải trình biển Đông của cha ông miền biển (Quảng Bình) ngày xưa. Nhật trình hàng hải của họ lộng gió, lộng nước. Ưỡn ngực đón sóng và cần cù lao động. Giữa mênh mông biển cả, họ vẫn nhớ về ngọn "hải đăng" Hùng Vương.

>> Kỳ III: Rưng rưng bóng dáng Hoàng Sa, Trường Sa

>> Kỳ 2: Hành trình lồng lộng hải hồ

>> Kỳ I: Những vần thơ cao vút trên sóng

Câu chuyện di dân vào phương Nam

Suốt dọc dài tìm hiểu về hải trình bằng thơ, chúng tôi được nhiều ngư dân bô lão kể, trong các gia phả cổ của nhiều họ hàng vùng biển, mấy trăm năm trước còn ghi những chuyến di dân trên biển tràn đầy khí thế. Người miệt biển Quảng Bình đã di dân vào đến Bình Thuận, Ninh Thuận, rồi Cà Mau... hình thành nên những cộng đồng cư dân gốc gác Quảng Bình vào  các vùng đất đó tiếp tục nghề cá trên biển Đông.

Một thông tin được nghe kể nhưng chưa kiểm chứng đủ đầy, rằng các tục thờ phượng cá ông, cá ngài, lập đình, lập vạn để thờ cá voi hay lễ cầu mùa tại các vùng biển di dân cũng được theo vào và hành lễ trịnh trọng mỗi vụ mùa đánh bắt trên biển Đông. Sau đó lan toả ra cư dân bản địa.

Ngư dân được mùa biển.
Ngư dân được mùa biển.

Ngày xưa, muốn di cư, không có đường nào tốt nhất bằng đường biển, bởi đường bộ lúc đó vất vả, hiểm địa. Nhiều chuyến thuyền chở vài chục đến hơn trăm người đã được nhà bác học Lê Quý Đôn xác nhận trong trước tác của mình là đã xuất hiện ở vùng biển Quảng Bình. Họ di dân như thế để kiếm tìm những vùng đất tốt tươi cho công cuộc làm ăn.

Và cuộc di dân đó họ cũng lồng lộng xướng lên một cách trữ tình những núi non, danh địa, họ nhìn thấy từ biển vào đất liền: "Khen ai khéo tạc địa đồ? Xuống phường Vạn Hổ giang hồ thảnh thơi". Chuyến hành trình ấy, với họ xuống phương Nam đầy nắng gió là vùng biển dễ dàng quẫy vùng, dễ dàng làm ăn một cách thảnh thơi. Và câu thơ ấy cũng cho thấy càng xuống phương Nam càng thấy rõ sự lồng lộng của nước non biển Đông rộng rãi, làm ăn cũng vui thú, giang hồ cũng tiêu dao.

Nhớ về ngọn "hải đăng" Hùng Vương

Cuộc đi xuống phương Nam tìm vùng đất mới, họ thấy những hình hài phía đất liền tha thiết. Những tưởng tượng vun bồi thêm sự yêu mến cảnh trí nước Việt mà họ đã thốt lên tự chính trái tim: "Anh em trò chuyện vui cười/ Ngó lên ngọn núi chộ người bồng con/ Trông chừng, non nước nước non/ Trăng thu vằng vặc, lòng son nỏ sờn". Thấy một cảnh sắc, họ như thấy hình hài người mẹ bồng con. Dài ngày trên sóng nước, nhớ da diết những xóm làng trên đất. Nhớ thế họ mới thốt lên nỗi lòng người đi biển. Xa xôi, nhưng tấm "lòng son nỏ sờn". Trước trăng thu vằng vặc, họ lấy đó làm lời hẹn thề nước non, hẹn thề biển cả. Cái tài của ngư phủ là lấy ngôn từ giản đơn để diễn tả được thầm kính của tấm lòng chan chứa, quả là không thẹn với sóng nước bể Đông.

Càng xuống phía Nam càng chan hoà nắng, chan hoà cảnh trí, họ lại ngời ngời thấy: "Núi Ô Rô bốn mùa đều khuất/ Ghe dựa mặt nồm bớc đều hay/ Xanh xang vãn cảnh là đây/ Núi cao dựng đứng đá xây ngàn trùng/ Núi trập trùng non hồng, nước biếc". Giữa chốn ngàn trùng vách đá, thuỷ biếc mênh mông, họ lại hướng về những Vua Hùng dựng nước. Và chốn núi non ấy, với họ như là: "Tạc bia truyền dựng nước Hùng Vương". Phương Nam, với họ là nơi hội tụ của lòng người, nơi của phát đạt thì lại càng nhớ đến bậc Hùng Vương công lớn với ngàn đời con dân. Trước vô biên sóng cả, ngọn hải đăng sáng ngời Hùng Vương ngư dân vẫn nhớ, đó là gốc tích quê cha đất tổ, đó là gốc tích đời đời họ vẫn nhớ trong huyết quản tâm can. Cao trào những nhung nhớ ấy vút lên rất trữ tình, rất tự nhiên.

Một lão ngư khi ngâm ngợi phần thơ trữ tình này đã nói: "Giữa biển khơi, không thôi nhớ về Hùng Vương là cách ngư phủ răn mình giồng giống từ đâu. Những địa danh gọi tên, xướng lên một cách dân dã cũng đủ hiểu, người kẻ biển yêu nước thương nòi. Chính họ đã khám phá hình ảnh phương Nam nhìn từ biển một cách chân thật, mặn mòi như nước biển Đông, thô mộc như hạt cát không phai".

Và đây là đoạn bốn của hải trình biển Đông những câu thơ trữ tình rất riêng: Dừa Tân Quang bạt ngàn Tây Phú/ Chạy một hồi chộ rú ăn ra/ Vườn Chăm bại mới đã qua/ Chộ Hòn Nhọn Bún bằng vừa Vụng Tô/ Khen ai khéo tạc địa đồ/ Xuống phường Vạn Hổ giang hồ thảnh thơi/ Anh em trò chuyện vui cười/ Ngó lên ngọn núi chộ người bồng con/ Trông chừng non nước nước non/ Trăng thu vằng vặc lòng son nỏ sờn/ Khi đã gần Hòn Căm Hòn Cỏ/ Thuyền chạy gần chịu khó ghênh vô/ San hô cựa giá địa đồ/ Cù lao xanh ngắt bốn mùa tốt tươi/ Dong buồm thẳng hướng mặt trời/ Đi ra một độ thì hồi đã trưa/ Xa mù mù cù lao Năm Cựa/ Qua hai mụi này mụi nữa doi xa/ Bên côi mụi Móm bên dưới mụi Bà/ Qua hai mụi nớ Vụng La đạ gần/ Côi Vụng Lạ dưới thời Vụng Lấm/ Lạch Xuân Đài thăm thẳm bằng vô/ Mênh mông phẳng lặng như tờ/ Buồm lan chợ quế đã gần chùa Mã Liêng/ Chùa xưa Mã Liêng Mã lác/ Mộ Cao Biền cột tháp thành xây/ Đồn ông kia đã tới đây/ Bại Tiên thăm thẳm gần tây Vụng Mòn/ Đầu ghềnh mụ Nậy mờ sương/ Buông xuống một độ tới vùng Ô Rô/ Núi Ô Rô bốn mùa đều khuất/ Ghe dựa mặt nồm bớc đều hay/ Xanh xang vãn cảnh là đây/ Núi cao dựng đứng đá xây ngàn trùng/ Núi trập trùng non hồng nước biếc/ Tạc bia truyền dựng nước Hùng Vương.

                                                                             Minh Phong

                                                     Kỳ V: Nhịp thơ vào miền đất thuận hoà vui chung


 

,
.
.
.