Tháng Tám về lại Cảnh Dương

Cập nhật lúc 14:21, Thứ Sáu, 17/08/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Làng biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) xưa kia nổi tiếng là làng văn vật trong "Bát danh hương", làng chiến đấu kiểu mẫu trong kháng chiến chống Pháp... Ngày nay, Cảnh Dương tự hào là một trong những điểm sáng trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của làng.

Hào khí Cách mạng Tháng Tám xưa...

Ngày 21-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban Khởi nghĩa, nhân dân Cảnh Dương đã khởi nghĩa cướp chính quyền. Cách mạng Tháng Tám 1945  thành công, hưởng ứng "Tuần lễ đồng", “Tuần lễ vàng” và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cảnh Dương đã phát động phong trào tăng gia sản xuất, thực hiện tiết kiệm, vận động tài gia lạc quyên ủng hộ được 22 vạn tiền, 16 kg vàng, 323 kg đồng... Khi thực dân Pháp đánh chiếm Quảng Bình, nhân dân Cảnh Dương già trẻ, gái trai lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Để ngăn tàu địch đánh vào cửa biển, nhân dân Cảnh Dương đã tiến hành ngăn sông Roòn bằng cách nhấn chìm 28 chiếc ghe từ 20 đến 60 tấn được sắp đá, kè từ đầu làng sang đến bến đò thôn Bắc Hà.

Ở cửa lạch, người dân đóng cọc bịt ngang luồng chính bằng những cây gỗ lớn. Học tập kinh nghiệm rào làng kháng chiến của thôn Cự Nẫm, lực lượng dân quân, du kích và nhân dân Cảnh Dương lại chặt cây rào làng chiến đấu, sắp đá ngăn đường vào làng; mở giao thông hào, nhà nối nhà, xóm nối xóm; dựng chiến luỹ bằng những thùng gỗ đựng nước mắm; đặt vọng gác, trạm quan sát tàu chiến, ca nô Pháp... Lực lượng dân quân, du kích Cảnh Dương tổ chức thành 11 trung đội cảm tử  ở 11 xóm, sau phiên chế thành 3 đại đội trấn giữ ở mặt làng. Ngoài ra còn có trung đội lão quân, trung đội nữ quân và trung đội thiếu niên quân. Cả làng tuân theo một khẩu hiệu chung: giặc đến tất cả đánh giặc.

Không chỉ bảo vệ quê hương làng xóm của mình, cán bộ, lực lượng dân quân, du kích và nhân dân Cảnh Dương còn chi viện sức người, sức của cho vùng bị tạm chiếm. Đoàn vận tải Cảnh Dương gồm hàng chục con thuyền ngày đêm vượt qua phong ba, sự phong toả của tàu địch để chuyên chở hàng trăm tấn vũ khí và lương thực từ Thanh Nghệ Tĩnh vào chiến trường Bình Trị Thiên... Lực lượng dân quân, du kích Cảnh Dương còn phối hợp với bộ đội chủ lực, Đại đội 5 của huyện tham gia nhiều chiến dịch: chiến dịch xuân hè 1949-1950; phục kích bao vây, chặn đường tiếp viện giữa Thanh Khê - Ba Đồn...

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, qua 120 trận càn của giặc, làng chiến đấu Cảnh Dương vẫn trụ vững. Máu của quân và dân Cảnh Dương đỏ thắm trên từng nẻo đường thôn xóm trong những ngày bám làng, giữ làng chống giặc. Cách mạng Tháng 8 thành công ở Cảnh Dương, đã thổi vào lòng nhân dân lao động một luồng sinh khí mới, niềm tin và lòng tự hào dân tộc được nâng cao.

... Sắc đỏ hôm nay

Trở về Cảnh Dương trong không khí cả nước náo nức kỉ niệm 67 năm  Cách mạng Tháng 8 thành công, làng chiến đấu xưa nay đã vươn mình, vững vàng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Một góc làng biển Cảnh Dương hôm nay
Một góc làng biển Cảnh Dương hôm nay

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đảng bộ và nhân dân Cảnh Dương đã từng bước chuyển đổi cơ cấu, thành phần kinh tế cho phù hợp trong thời kỳ mới. Phát triển mạnh, đa dạng hoá các ngành nghề sản xuất và dịch vụ... Với sự hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước, ngư dân Cảnh Dương hôm nay đã có những con tàu lớn cùng ngư lưới cụ hiện đại, đủ sức vươn ra khơi xa bám biển dài ngày để đánh bắt thuỷ hải sản. Ông Đồng Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết, toàn xã hiện có 386 tàu thuyền, giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.198 lao động. Tổng sản lượng đánh bắt hải sản năm 2011 đạt gần 3.000 tấn, 6 tháng đầu năm 2012 là 2.068 tấn, tăng so với cùng kỳ 464,12 tấn; trong đó hàng xuất khẩu đạt 80%, doanh thu hơn 131 tỷ đồng. Bình quân thu nhập của mỗi lao động biển đạt khoảng 4 triệu đồng/tháng. 

Ngư nghiệp phát triển đã thúc đẩy các ngành nghề như chế biến hải sản, sửa chữa cơ khí, điện, đóng tàu, sản xuất đá lạnh... phát triển mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm 2012, lĩnh vực này đã phát huy duy trì ổn định sản xuất, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều cơ sở đã tập trung đầu tư vốn, củng cố mở rộng sản xuất, kinh doanh, giải quyết cho nhiều lao động có việc làm thường xuyên. Thu nhập bình quân khoảng từ 1,9 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, tại xã Cảnh Dương hiện có 2 cơ sở nuôi cá sấu, khoảng 50 - 80 con/cơ sở, đang phát huy hiệu quả. Chính nhờ phát triển mạnh, đa dạng hoá các ngành nghề sản xuất và dịch vụ... xã Cảnh Dương đã giải quyết được vấn đề việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. 

Cùng với sự phát triển về kinh tế, các công trình phúc lợi ở Cảnh Dương được chú trọng đầu tư xây dựng. Từ năm 2000 đến nay, Cảnh Dương đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng công trình như điện, nước sạch, kè sông, trường tiểu học, trường THCS, bê tông hoá đường giao thông, cổng làng, trụ sở làm việc của UBND xã, nhà văn hoá thôn, nhà văn hoá - truyền thống xã... Những công trình mới được xây dựng đã làm cho bộ mặt làng biển Cảnh Dương thay da đổi thịt. Với truyền thống là đất học, trong "Bát danh hương" của Quảng Bình, Cảnh Dương luôn chăm lo đến việc học hành của con em. Công tác giáo dục của các trường học luôn quán triệt thực hiện nhiệm vụ của năm học đã đề ra với tinh thần tiếp tục thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn liền với cuộc vận động "Hai không". Xã cũng thường xuyên củng cố, giữ gìn nét văn hoá truyền thống; chú trọng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân...

Đặc biệt, xã Cảnh Dương đã xây dựng được 12 đài truyền thanh, tập trung tuyên truyền chuyên đề: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Luật Đất đai, Luật Phòng chống ma túy, các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên... Sáu tháng đầu năm 2012 đã có 72 buổi phát thanh/ 246 tin bài với sự tham gia của lực lượng cộng tác viên gồm 19 đồng chí. Công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị được cấp uỷ, chính quyền xã Cảnh Dương đặc biệt chú trọng. Các tổ chức đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh... được kiện toàn vững mạnh, thực sự là cầu nối giữa Đảng và nhân dân.  An ninh- trật tự, quốc phòng trên địa bàn được giữ vững.

Gian khổ trong chiến đấu, khó khăn trong khôi phục, phát triển kinh tế, nhưng Cảnh Dương vẫn luôn vững vàng, bền chí vượt qua để gặt hái thành công. Cảnh Dương hôm nay đã là một làng quê giàu đẹp, văn minh, là điểm sáng về xây dựng nông thôn mới.

                                                                                          Lê Mai

,
.
.
.