Gian khó Phù Hóa

Cập nhật lúc 07:46, Thứ Tư, 08/08/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Sinh ra và lớn lên trên vùng đất bên bồi bên lở của dòng Gianh, bao thế hệ người dân xã Phù Hóa (Quảng Trạch) từng ngày vẫn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Khát nước sạch

Từ bao đời nay, người dân xã Phù Hóa đã quen với việc không có nước ngọt để dùng. Do bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, những giếng nước ở Phù Hóa đào lên chỉ để tắm rửa, giặt áo quần. Nước uống, nấu ăn họ phải đi xin hoặc mua ở các vùng lân cận.

Chị Nguyễn Thị Khương (thôn Hậu Thành) cho biết: “Ở đây, nước toàn bị nhiễm mặn. Gia đình tôi đã dùng mọi cách để lọc nước nhưng không ăn thua, đành phải qua xã Quảng Liên để xin. Như nhà tôi còn đỡ, có nhà không xin được, phải bỏ tiền ra mua nước, khổ lắm.”

Cầu máng Rào Sau đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Cầu máng Rào Sau đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Do biến đổi khí hậu và hiện tượng biển lấn vào đất liền những năm trở lại đây, khiến cho nguồn nước càng bị ô nhiễm và mặn hơn. Nhiều hộ dân đầu tư công sức, tiền của ra đào giếng nhưng rồi phải bỏ đi vì nước quá mặn và phèn không thể sử dụng.

Chị Trần Thị Hoa cho hay: “Gia đình tôi mất công thuê người đào giếng sâu hơn 7 mét, hy vọng ở độ sâu đó thì nước sẽ đỡ mặn để dùng tạm. Ai ngờ càng xuống sâu thì nước càng bị mặn và phèn, đành phải bỏ. Giờ tất cả mọi sinh hoạt tắm rửa... đều dùng nước kênh thủy lợi đầu làng, nước uống thì phải đi xin. Năm nào cũng nghe sắp có dự án nước sạch về xã, thế mà chúng tôi đợi không biết bao nhiêu năm rồi...”

Mặc dù gia đình nào cũng xây bể để hứng nước mưa nhưng ngay khi trời hết mưa thì giải pháp duy nhất của người dân ở đây là phải đi 4 - 5 km để mua hoặc xin nước. Cả xã Phù Hóa có 913 hộ với 4.180 khẩu thì cả từng ấy người hàng ngày vẫn phải đối mặt với cảnh thiếu nước sạch.

Bấp bênh phát triển nghề

Là một trong những xã cồn bãi ở sông Gianh, người dân Phù Hóa quanh năm sống giữa mênh mông sông nước. Mùa nắng không có nước sinh hoạt để dùng, mưa lũ thì nước ngập lên tận nóc nhà. Bao đời nay đã vậy, nước sạch không có, đất sản xuất cũng thiếu, thời tiết khắc nghiệt nên đầu tư phát triển nghề rất gian truân.

Ông Hoàng Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Phù Hóa cho biết: Thu nhập chính của người dân trong xã là sản xuất nông nghiệp, có khoảng 30% hộ dân tham gia đánh bắt thủy sản nhưng nhỏ lẻ. Do vậy, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao 32,13% (năm 2011), thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 4,5 triệu đồng/người/năm.”

Hàng chục ha đất đã và đang bị dòng Gianh “nuốt chửng
Hàng chục ha đất đã và đang bị dòng Gianh "nuốt chửng".

Để cải thiện đời sống của người dân, cấp ủy, chính quyền xã Phù Hóa đã rất tích cực trong việc tìm kiếm, phát triển ngành nghề mới. Xã tạo điều kiện phát triển, mở rộng các ngành nghề truyền thống như tre đan, nghề mây, nghề mộc... đồng thời, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và phát triển các ngành dịch vụ.

Tuy nhiên, Phù Hóa là vùng đất thấp trũng, sông nước bao quanh, hàng năm phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra. Vì thế để đầu tư lớn vào các ngành nghề sản xuất là một khó khăn bởi tỷ lệ rủi ro cao. Tất cả mọi việc kinh doanh, sản xuất ở đây đều làm theo kiểu thời vụ để tránh mưa lũ.

Chị Dương Thị Liêm, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phù Hóa chia sẻ: “Trong xã có rất nhiều hộ dân tham gia nuôi lợn. Việc nuôi lợn ở đây phải nuôi theo mùa vụ để tránh mưa lũ. Nhưng thời tiết thất thường, nhiều khi bà con chưa kịp bán thì mưa lũ ập đến, cuốn trôi cả đàn lợn. Có nhà thiệt hại lên tới 30-40 triệu đồng vì thế không có ai dám đầu tư nuôi nhiều”. Không chỉ riêng nuôi lợn, nhiều hộ gia đình nuôi trâu bò, tôm, cá, thậm chí việc kinh doanh buôn bán cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Có nhà đầu tư mua cả trăm tấn xi măng về bán, chưa kịp thu lời thì mưa lũ ập đến làm hỏng tất cả.

Phù Hóa không chỉ khó khăn trong phát triển nghề, sản xuất nông nghiệp cũng gặp không ít cản trở. Vụ đông-xuân 2012, thời tiết rét đã làm chết 29/93 ha lúa, phải gieo lại. Đến khi thu hoạch, năng suất cao thì giá lúa lại giảm, bà con nông dân rơi vào tình cảnh lao đao bởi đây là nguồn thu nhập chính của các gia đình. Thêm vào đó, hệ thống kênh mương thủy lợi của xã hiện chưa được bảo đảm. Ông Hoàng Thanh Hương cho hay: “Cả xã dùng nước từ hồ Tiên Lang (xã Quảng Liên) qua hệ thống cầu máng Rào Sau để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay cầu máng Rào Sau đã bị xuống cấp nghiêm trọng”.

Do mưa lũ và nạn nạo hút cát, sạn trái phép trên sông Gianh, hàng năm hiện tượng sạt lở đất ở đây vẫn thường xuyên xảy ra. Sau mỗi lần mưa lũ nhiều chỗ bị sạt lở sâu vào 15 đến 20m, khiến cho diện tích đất sản xuất, đất ở ngày càng thu hẹp.

Mùa mưa lũ sắp đến, người dân Phù Hóa lại thấp thỏm từng ngày để chống chọi với thiên tai. Rất mong sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền để đời sống của người dân nơi đây vơi bớt khó khăn.

                                                                                     Lê Mai



 

,
.
.
.