Hậu duệ ông "tiến sỹ thực hành"...

Cập nhật lúc 08:16, Thứ Sáu, 03/08/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Tôi trở lại làng Đông Sơn (Cự Nẫm), trở lại vườn nhà ông "tiến sỹ thực hành" sau chẵn chục năm kể từ lần đi viết bài cho Báo Quảng Bình số báo đặc biệt về môi trường. Bây giờ trong khu vườn thoáng rộng những cây hụ ynh đã thành cổ thụ, nhưng người xưa thì không còn, "tiến sỹ thực hành" Ngô Văn Lý đã đi xa gần 2 năm nay... Những đứa con ông Lý đang nối nghiệp cha trên vùng đồi ngát xanh...

Cứ mỗi lần đi đâu đó qua đoạn đường Hồ Chí Minh ở khu vực rừng dẻ thuộc địa phận xã Cự Nẫm, tôi lại nhớ đến ông, "tiến sỹ thực hành" Ngô Văn Lý. Vâng, chuyện đã cũ nhưng có lẽ những người làm báo ở một tỉnh nhiều rừng như tỉnh ta thì ai cũng còn nhớ.

Những năm cuối của thế kỷ 20, trong chuyến vào công tác ở tỉnh ta xung quanh việc phát triển rừng trồng, ông Phan Thanh Xuân, Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp lúc bấy giờ đã gọi ông Lý là "tiến sỹ thực hành". Có lẽ đó là một cách ghi danh ông xứng đáng nhất trong một lĩnh vực nhọc nhằn này nên nó đã sống mãi với thời gian... "Tiến sỹ thực hành" không phải dùi mài kinh sử nhưng cũng đã đổi bằng nhiều mồ hôi, công sức và sự kiên trì sáng tạo của ông suốt một chặng dài, nếu không nói là cả cuộc đời ông.

Sinh ra trên vùng đất bán sơn địa, nối tiếp cha ông, rừng là nhà, cây rừng là nguồn sống chính, và ngày nối tiếp ngày, năm nối năm với cây rựa trong tay cuộc sống của gia đình ông cứ ầm ào theo củi đuốc, than... Nhưng rồi đến lúc ông chợt tỉnh ra, cây rừng rồi sẽ hết... Loay hoay với ý nghĩ "thức thời" này, trong những chuyến đi rừng dài dằng dặc ấy ông lại nhổ theo vài cây huỵnh về trồng thử trong vườn nhà.

Cây tiêu leo lên thân cây huỵnh.
Cây tiêu leo lên thân cây huỵnh.

Có lẽ việc chọn cây huỵnh cũng có nhiều lý do, bởi đấy là thứ cây thẳng tắp, gỗ tốt lại thông dụng, lớn bé gì cũng có thể sử dụng được. Tưởng trồng chơi, nhưng huỵnh bén rễ và lên nhanh trông thấy... Trong một lần nằm ngắm cây rừng, bất chợt ông nhìn thấy những cây huỵnh cho ra quả rồi cũng bất chợt loé lên trong đầu ông một ý nghĩ... chói sáng, lấy hạt về ươm, chứ không thể săn tìm từng cây huỵnh con ngày càng hiếm trong rừng...

Sau một thời gian mày mò, có lúc tưởng chừng chỉ có đất rừng, mưa rừng mới làm cho cây rừng nảy chồi, đã cho ông kết quả đến kỳ lạ, những hạt huỵnh nảy mầm chui lên khỏi mặt đất và đón ánh nắng mặt trời ngay trong vườn nhà ông... Có lẽ cuộc đời sống chết với rừng của ông có bước ngoặt từ khi ông ươm thành công cây huỵnh... Tiếng lành đồn xa, nhà ông đã thành "trung tâm" ươm cây giống để cung cấp giống, hạt giống cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.

Không chỉ ươm cây giống, khi phong trào nhận đất, nhận rừng, ông còn nhận ngót 50 ha rừng nghèo kiệt để chăm sóc, tái sinh trên vùng đất phía tây xã Cự Nẫm... Sinh ra trên vùng rừng, người thương binh sau chiến tranh đã gắn bó với rừng, đi lên từ rừng... đó là những điều chính yếu ở ông. Cũng từ sự gắn bó với rừng, ông đã được nhiều cấp, ngành từ địa phương đến trung ương trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bằng khen của Hội Nông dân... Năm 2003 ông là một trong 3 nông dân trong toàn quốc được tặng giải thưởng quốc gia về môi trường, ông đã vào Phan Thiết nhận giải thưởng...

Những điều ông làm được là rất lớn, đã được ghi danh và cho đến tận bây giờ và có lẽ cả mãi về sau xã hội vẫn phải nhớ đến ông như một chuyên gia thực thụ về rừng. Nhưng không dừng lại ở đó, sinh thời ông đã chuyển tâm huyết về trồng rừng, về giữ gìn môi trường cho 5 người con trai. Nói chuyện với bà Xứng, người bạn đời của ông Lý, bà cho biết ông bà có 6 người con, con đầu là gái, lấy chồng và lập nghiệp ở Đắc Lắc, còn 5 người con trai cùng theo nghiệp bố, giữ rừng, trồng rừng, làm cây giống...

Trở lại vùng đồi ở Khương Sơn cũng trên dải đất xã Cự Nẫm mà những năm trước tôi đã có dịp được ông Lý dẫn lên đây, cách xa chỗ ở ông Lý độ 2 km, cũng là nơi mấy đứa con ông Lý đang quần tụ. Rừng dẻ đã rậm rạp, cây dẻ đã cao lớn hơn năm xưa. Với trên 50 ha rừng được chia ô, khoảnh có đường lớn để tiện việc chăm sóc và đi lại.  Nhưng cái khác năm xưa nữa là rừng dẻ đã được trồng xen những cây rừng có giá trị kinh tế hơn như huỵnh, huê, táu, lát...

Cây huỵnh trong vườn nhà ông Lý  đã thành rừng.
Cây huỵnh trong vườn nhà ông Lý đã thành rừng.

Anh Ngô Xuân Hoàng, con trai đầu của ông Lý, tâm sự, rừng cây dẻ rất quý về sinh thái, nhưng về kinh tế thì cũng có những hạn chế nhất định so với nhiều loại cây khác nên chúng tôi đã trồng xen dần, chỉ có điều kinh phí có hạn nên phải làm từ từ. Cùng với huỵnh trồng xen, anh em Hoàng còn có khoảng 14 ha huỵnh trồng tập trung có độ tuổi từ 5- 10 tuổi, có nhiều diện tích đã đến tuổi có thể khai thác. Không chỉ có dẻ, huỵnh, huê... diện tích cao su mà mấy anh em Hoàng gây dựng mấy năm nay đã rộng dần, Hoàng nói đến nay khoảng gần 20 ha, phần lớn đã sắp khai thác. Nghe nhiều nhưng bây giờ mới thấy cây tiêu lại rất hạp với cây rừng- huỵnh, hàng trăm gốc tiêu trồng xen trong rừng huỵnh lên xanh tốt như những vườn tiêu chính hiệu... Giá tiêu đang lên cao, đây là nguồn thu đáng kể cho anh em Hoàng.

Bây giờ anh em Hoàng đã khá lên từ rừng? Trước câu hỏi có lẽ không quá bất ngờ này, Hoàng nói: Cũng đủ sống như mọi người, nhưng tương lai thì sẽ khá hơn. Vâng, những rừng huỵnh đang tuổi lớn, cao su đang đến độ khai thác thì cái điều Hoàng nói là tất yếu. Cây huỵnh là đối tác của những nhà đóng tàu cá trên địa bàn tỉnh. Đặc tính của thứ gỗ này là bền, dẻo dai, chịu được sự va chạm. Không những đóng tàu mà gỗ huỵnh rất phù hợp để sản xuất hàng gia dụng, xây dựng nhà cửa...

Tính theo giá trị trường hiện nay, 1 m3 huỵnh bán được từ 14-15 triệu đồng, mỗi ha hơn 1000 cây, mỗi cây 10 năm tuổi chí ít 1/4 m3, cứ thế nhân lên chắc hẳn sẽ có con số không hề nhỏ... Nghề làm cây huỵnh giống từ thời ông Lý tiếp tục duy trì và phát triển. Trong mấy anh em, Vĩ con trai út đang làm cây giống với số lượng lớn hơn cả.

Hàng năm gia đình anh ươm hơn 2 vạn cây giống. Vĩ cho biết, nếu năm nào phía nam ăn hàng mạnh anh có thể thu từ cây giống hơn 100 triệu đồng. Nhưng nghề ươm cây huỵnh giống cũng khổ lắm, chị Loan vợ anh Vĩ nói, khó nhất là lấy hạt. Cây huỵnh thường rất thẳng, những cây trên 12 năm tuổi hạt  mới nảy mầm mà những cây này cao trên 30 mét, thẳng tắp như cột nhà, leo rất khó, tán cây chỉ có một túm lá phía trên nên khi gió lay cây chao đảo nhìn xuống rất ngợp và rất khó bứt hạt...

Không những thế, bây giờ "con đã hơn cha", các anh Hoàng, Dũng, Vĩ... ngoài chăm sóc rừng, làm cây giống, trồng cao su, huỵnh... còn mở rộng ngành nghề. Anh Ngô Xuân Hoàng, con trai cả, mua sắm xe tải chở vật liệu, anh Vĩ con trai út, sắm máy xúc, anh Dũng nuôi cá, lợn, dịch vụ... Anh Vĩ cho biết, nghề máy xúc mỗi tháng cho thu nhập 50-60 triệu đồng...

                                                                              Văn Hoàng








 

,
.
.
.