Người Rục trong sóng gió đời thường - Kỳ 1: Những người thích ở rừng

Cập nhật lúc 07:56, Thứ Năm, 06/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Nếu tính về tuổi xã hội, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Rục được ví như người em út. Họ được Đảng, Nhà nước, cộng đồng chăm sóc nhiều hơn, nhưng trong hành trình hoà nhập cộng đồng  họ cũng sớm phải chịu những sóng gió dữ dội của cuộc sống hiện đại khi chưa thực sự "trưởng thành".

Được Nhà nước xây nhà ở bản nhưng vẫn có một số người Rục thỉnh thoảng lại quay về rừng, về hang đá sống và làm rẫy ngay ở đó 3 đến 4 tháng trong năm. Với những người Rục này, nỗi nhớ rừng vẫn thường trực, cái cách mà họ cầm dao, rìu, nỏ vẫn thuận tay hơn cầm cuốc, xẻng, bàn chân đi rừng thoăn thoắt so với cái cách lội ruộng rất vụng về...

Xóm người rừng ở Hung Dộp

Mất chừng 2 giờ đi xe máy xuyên rừng rồi đi bộ, chúng tôi vào Hung Dộp nơi có hai “nóc nhà” của người Rục ở bản Ón (Thượng Hóa, Minh Hóa) bỏ bản vào rừng ở. Hai gia đình có 6 người, gọi là hai nhà nhưng thực ra là một, vợ chồng ông Cao Băn, vợ chồng anh con trai cùng hai đứa cháu. Người lớn ở hai gia đình này không có tuổi, vợ chồng ông Băn khoảng 60 tuổi, vợ chồng người con khoảng 40 tuổi.

Nhóm người ấy dựng lên thành 1 xóm 2 lều. Mỗi lều chỉ rộng chừng 3 mét vuông, do mấy cái cây rừng buộc túm vào nhau mà thành. Mỗi chiếc lều cũng có giường, làm bằng cây, gồ ghề, dài chừng 1,2 mét, rộng chừng 1 mét. Không hiểu nằm thế nào, vậy mà nhà anh Cao Thiên, con trai ông Cao Băn, 4 người cũng chỉ có cái giường ấy.

Ở bản Ón ông Cao Băn thuộc vào nhóm ở rừng có thâm niên, căn nhà ở bản do Nhà nước làm cho vợ chồng ông hầu như không ở. Nhận nhà để đi về, để có chỗ đăng ký nhận gạo Nhà nước cho và các thứ hàng cứu trợ, còn phần lớn ông ở rừng. Ở rừng có nhiều cái tiện. Rau rừng sẵn quanh nhà, thịt cũng quanh nhà. Thịt đây là thịt chuột, ông Băn có mấy chục cái bẫy thú nhỏ chăng quanh nhà, chủ yếu bẫy chuột, ông bảo: “Trước thì nhiều, giờ chuột cũng hiếm”, bởi thế dăm bữa mới được một đôi chú sa bẫy, cải thiện.

Gia đình anh Cao Thắng tại hang đá ở Hung Mun.
Gia đình anh Cao Thắng tại hang đá ở Hung Mun.

Lương thực có gạo Nhà nước cấp, cha con ông Băn “chịu khó” về bản Ón nhận, cũng từ khoản gạo ấy họ đổi bớt lấy muối, dầu... những thứ đồ dùng thiết yếu nhất mà rừng không có. Lương thực còn có ngô từ vạt rẫy quanh nhà, cả hai gia đình cũng được chừng 300kg cùng hơn trăm trái bí đỏ. Vậy là đủ cho cả mùa mưa sắp tới. Mùa mưa rau, đọt mây nhiều... không đói được, còn sau đó đã có... Nhà nước lo. Năm nào cũng vậy, giáp Tết lại có gạo, hàng cứu trợ...

Một thứ không thể thiếu là nước, khu gia đình ông Cao Băn ở khá xa khe suối, hỏi ông Băn nước ở đâu ông Băn chỉ lên cây: “nước trên cây”. Nước từ cây thực, ông Băn cầm dao phạt nhẹ vào sợi dây leo ở đoạn sát gốc rồi thêm cái phạt nữa đoạn giữa thân, nước ứa ra thành giọt. Một nguồn nước nữa là từ cây chuối, chuối chặt ngang thân, khoét rỗng ruột, chừng 1 giờ sau là có nước. Nước từ cây chuối khá nhiều, hơi chát. Nguồn nước để ăn, uống thế là đủ, những sinh hoạt khác như tắm, giặt... khi nào tiện đến khe suối thì làm.

Hỏi ông Băn sao ông không ở bản, có nhà tử tế, ông trả lời: “Ở rừng thích hơn, tiện hơn, yên tĩnh hơn”. Cái “tiện” trong cuộc sống ở rừng là đói lúc nào thì “lấy” ăn lúc đó, ở bản phải “làm” mới có ăn.

Cháu nội ông Băn, Cao Trường năm nay đã hơn 7 tuổi nhưng vì bố mẹ, ông bà ở rừng nên không được đi học. Thằng bé cũng giống ông ở khả năng luồn rừng nhanh thoăn thoắt, hỏi nó có muốn đi học không, nó gật đầu, bảo nó về bản, nó lắc đầu rồi nhìn bố mẹ, ông bà: “Bố mẹ về cháu mới về”. Ông Băn và vợ chồng anh con trai nghe cũng không mặn mà gì việc về bản ở, chắc chỉ đôi năm nữa là thằng bé Cao Trường thành người của rừng thực thụ?

Sống trong hang đá

Rời Hung Dộp, ông Băn tình nguyện dẫn đường cho chúng tôi sang gia đình “hàng xóm” ở Hung Mun cách đó chừng 2 giờ đi bộ. Hàng xóm của ông Băn là gia đình ông Cao Thắng - em trai của ông Cao Băn.

Bộ đội Biên phòng Đồn Cà Xèng vào vận động gia đình Cao Thắng về lại bản.
Bộ đội Biên phòng Đồn Cà Xèng vào vận động gia đình Cao Thắng về lại bản.

Chưa đến Hung Mun đã gặp vợ chồng Cao Thắng đang khệ nệ khênh chiếc cối giã ngô mới đẽo được từ rừng. Hỏi ra mới biết, do ngày mai nhà hết gạo, nên 2 vợ chồng mới đi làm cái cối để giã ngô ăn. Nhà của gia đình Cao Thắng là chiếc hang đá khá cao, có 4 đứa trẻ nhem nhuốc ngồi trong hang nhìn ra. Hỏi vợ chồng Cao Thắng bao nhiêu tuổi mà có 4 đứa con, Thắng bảo không “có tuổi” nhưng khoảng chừng 30.

Đứa bé nhất của vợ chồng Cao Thắng có tên Cao Xí, chừng 1 tuổi. Hai đứa con lớn nhà Cao Thắng lần lượt 10 và 12 tuổi đều không được đi học, đứa thứ ba lên 4 cũng không biết đến nhà mẫu giáo. Năm trước nhà Cao Thắng mất một đứa con vì sơ sẩy ngã xuống suối giữa mùa mưa. Hỏi vợ chồng anh sao không về bản, cũng như ông Băn, Thắng bảo thích ở rừng hơn. Ở rừng thỉnh thoảng kiếm ít sợi mây, mật ong bán được tiền.

Đêm đó, chúng tôi mắc võng ở cửa hang để ngủ, hang quá nhỏ để chúng tôi có thể chen vào. Muỗi, đúng là muỗi rừng, như bốc được, trong hang gia đình Cao Thắng đốt đống lửa khá to đuổi muỗi, không có cái màn nào. Nửa đêm tôi tỉnh dậy, thấy đống lửa đã tàn, mọi người đã ngủ yên, chỉ có lũ muỗi là không chịu ngủ.

                                                                        Phan Phương

                                                                             Kỳ 2: Tập làm nông dân












 

,
.
.
.