Chuyện ghi từ Đồn biên phòng Làng Mô

Cập nhật lúc 07:50, Thứ Năm, 30/08/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhắc đến Đồn biên phòng 597 trước đây và Làng Mô bây giờ, tôi lại nhớ đến chuyến đi đầu tiên ngược dòng sông Long Đại gập ghềnh thác đá, trực chỉ phía tây huyện Quảng Ninh mà đến với đồn. Bây giờ theo con đường rải nhựa phẳng lì nối liền hai tuyến giao thông Hồ Chí Minh nhánh đông và tây, lên Làng Mô chỉ độ hơn 60km. Để rồi cảm nhận được một điều kỳ diệu- nhờ những con đường trong thời kỳ CNH, HĐH mà miền núi xích gần lại với đồng bằng hơn.

Nhắc đến Đồn Biên phòng Làng Mô là nhớ đến xã biên giới Trường Sơn của huyện Quảng Ninh, nhớ đến vùng đất nằm lọt giữa hai dãy núi cao vời vợi, nhớ đến những trận lũ kinh hoàng trong quá khứ cuốn trôi hết những làng bản dọc phía thượng nguồn sông Long Đại.

Là một xã có diện tích tự nhiên rộng nhất huyện với 774,279 cây số vuông, dân số 4.106 khẩu, sinh sống tại 5 thôn và 15 bản, trong đó đồng bào dân tộc Vân Kiều chiếm trên 59% dân số. Từ lần đầu đến Trường Sơn cách đây hơn chục năm về trước, tôi như thành duyên nợ với vùng biên viễn xa xôi này khi bước chân của mình kịp in dấu khắp các bản làng đồng bào Vân Kiều định cư: từ  bản văn hóa Khe Cát đến Bến Đường, Đá Chát, Sắt, Trung Sơn, Cây Cà... xuôi về Cổ Tràng, Hôi, Rấy và ngược lên PLoang, Rìn Rìn, Dốc Mây xa thăm thẳm, sát biên giới Việt- Lào.

Đồn trưởng Trần Văn Quyền và cán bộ chiến sỹ Đồn Làng Mô trên cột mốc biên giới 560.
Đồn trưởng Trần Văn Quyền và cán bộ chiến sỹ Đồn Làng Mô trên cột mốc biên giới 560.

Xã Trường Sơn rộng lớn, giàu tiềm năng, người dân chất phác, cần cù, chịu thương, chịu khó, một lòng kiên trung theo Đảng, theo Bác Hồ nhưng đời sống vẫn nghèo, những năm trước tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 80%, nghèo nhất huyện Quảng Ninh. Bây giờ đời sống nhân dân khá hơn, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 60%. Dù vậy điều kiện cơ sở vật chất, kinh tế- xã hội, đời sống tinh thần vẫn có sự chênh lệch giữa các thôn, bản. Sự đổi thay tập trung tại 5 thôn ở trung tâm xã giáp đường Hồ Chí Minh nhánh tây, còn 15 bản của đồng bào Vân Kiều đời sống còn muôn vàn khó khăn.

Đồn Biên phòng Làng Mô quản lý tuyến biên giới dài 38 km với 16 cột mốc. Thiếu tá Trần Văn Hóa, Chính trị viên tự hào nói với tôi rằng: "Tuyến biên giới và cột mốc biên cương do đồn phụ trách dài nhất so với hệ thống các đồn biên phòng tuyến rừng trong tỉnh. Đây là một vinh dự lớn nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề đối với cán bộ, chiến sỹ của đồn. Chúng tôi xác định nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới; tích cực củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn và tăng cường giúp đỡ nhân dân chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần vào xây dựng nông thôn mới".

Đến Đồn Biên phòng Làng Mô, tôi được nghe kể về những chuyến tuần tra biên giới, lên với cột mốc biên cương. Một chuyến như thế cắt rừng đi với thời gian nhanh thì 5 ngày, chậm mất cả tuần lễ. Đó là lúc thời tiết thuận lợi, gặp khi bất chợt bị mưa rừng, lũ cuốn chặn lối, cán bộ chiến sỹ tuần tra ở lại với đồng bào Vân Kiều tại các bản sát biên.

Có lúc điểm dừng chân xa cách bản, thành viên trong đoàn mắc võng giữa rừng, chia nhau gói mì tôm đằm bụng đợi nước rút. Lính biên phòng đồn Làng Mô từ bao đời nay trở thành người thân của đồng bào Vân Kiều, họ gần dân, bắt tay chỉ việc cho dân chăm lo làm ăn, sống định canh định cư. Bộ đội cho dân từng viên thuốc mỗi khi gặp ốm đau bất chợt. Thầy giáo quân hàm xanh bám bản gieo những con chữ xóa mù. Những mô hình kinh tế hay, dễ làm, bộ đội thí điểm như trồng rừng; trông cây ăn quả; chăn nuôi cá, gà, lợn rừng... sau đó đồng bào đến tham quan, học tập, từ đó được nhân rộng ra, trở thành những hướng thoát nghèo có hiệu quả tại xã Trường Sơn.

Thượng úy Thái Nam Long, Đội trưởng đội vũ trang, Bí thư Đoàn thanh niên Đồn Biên phòng Làng Mô kể về những chuyến cùng quân y của đồn và đồng đội tình nguyện bám bản giúp dân: "Chúng tôi giúp bà con bản Đá Chát làm đường giao thông và sửa chữa hệ thống nước sinh hoạt, cùng đồng bào bản Long Sơn thu hoạch ngô, lạc. Mới đây nhất đã đến khám, cấp phát thuốc miễn phí cho 97 trường hợp tại các bản Sắt, Dốc Mây, PLoang, Rìn  Rìn. Tham mưu cho cấp ủy và chính quyền xã Trường Sơn di dời 6 hộ dân gồm 30 khẩu ở bản Mụt thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa ra bản Cổ Tràng. Tiếp đó cùng với Đảng ủy xã củng cố 3 chi bộ Đảng tại các bản Chân Trôộng, Dốc Mây, Rìn Rìn".

Đồn Biên phòng Làng Mô lấy công tác tuyên truyền, vận động quần chúng làm trọng tâm hoạt động hàng tháng, hàng quý; tuyên truyền trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa thông qua các buổi sinh hoạt thôn, bản. Những tháng đầu năm 2012, đồn đã tổ chức 8 đợt tuyên truyền cho 391 lượt người dân; tuyên truyền đặc biệt 2 buổi cho 9 người là đồng bào bên kia biên giới sang xã Trường Sơn thăm người thân, trao đổi hàng hóa; kết hợp với những chuyến công tác sang địa bàn nước bạn Lào tuyên truyền tại 4 bản, có 39 người dân tham gia.

Nhân dân cung cấp cho đồn 50 nguồn tin, trong đó có 38 nguồn tin giá trị, giúp Bộ Đội Biên phòng bắt 9 vụ khai thác lâm sản trái phép; bắt và chuyển giao cho lực lượng Kiểm lâm trên 10m3 gỗ; xử lý 14 vụ gồm 68 đối tượng vào khu vực biên giới trái phép, vi phạm Nghị định 129/CP...

Ngày tôi lên Đồn Biên phòng Làng Mô, thượng tá, Đồn trưởng Trần Văn Quyền vừa mới khởi hành chuyến tuần tra lên mốc biên giới. Tiếc quá! Cứ ước ao được một lần cùng với Bộ đội Biên phòng đi dọc đường biên, được một lần chạm tay vào cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc. Thấy tôi xuýt xoa tiếc rẻ, thiếu tá Trần Văn Hóa hẹn: "Thôi, cứ yên tâm! Chuẩn bị tinh thần cho kỹ, lần sau có chuyến tuần tra, anh gọi".

                                                                      Ngô Thanh Long    
    








 

,
.
.
.