Nâng sao sản phẩm OCOP

  • 09:02 | Thứ Bảy, 27/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để tạo đầu ra ổn định và giúp sản phẩm có “chỗ đứng” trên thị trường, thời gian qua, các chủ thể OCOP đã không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó đủ tiêu chuẩn để nâng sao cho sản phẩm OCOP, nhất là OCOP 4 sao.
 
Cơ hội vươn ra thị trường lớn
 
Đầu năm 2024, sản phẩm trà cà gai leo Thanh Bình, trà ngủ ngon Thanh Bình của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm (Bố Trạch) là hai trong số ít sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao. Những năm qua, sản phẩm từ dược liệu thiên nhiên của HTX đã tạo được thương hiệu, uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, với mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ sức khỏe người tiêu dùng và khẳng định thương hiệu của mình, HTX đã không ngừng cải tiến, nghiên cứu cho ra nhiều sản phẩm chất lượng.
 
Giám đốc HTX Nguyễn Thị Giang chia sẻ: Sau thành công của các sản phẩm cao thìa canh Thanh Bình và cao cà gai leo Thanh Bình, HTX đã tiếp tục nghiên cứu và cho ra thêm 2 sản phẩm mới là trà cà gai leo Thanh Bình và trà ngủ ngon Thanh Bình. Đối với 2 sản phẩm cao thìa canh và cao cà gai leo, sau khi được công nhận OCOP 4 sao, sản phẩm đã có cơ hội tiếp cận nhiều kênh bán hàng nên được nhiều người biết đến và tin tưởng lựa chọn. Số lượng bán ra vì vậy cũng cao hơn so với thời điểm trước công nhận.
 
Nhận ra được giá trị mà OCOP mang lại, đối với 2 sản phẩm mới ra đời, HTX cũng đã đầu tư mua máy móc, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm để làm hồ sơ xét công nhận OCOP. Đúng như kỳ vọng, đầu năm 2024, cả 2 sản phẩm mới của HTX đều được công nhận OCOP 4 sao. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, HTX có 6 sản phẩm chế biến từ dược liệu, trong đó đã có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. “Với chứng nhận OCOP 4 sao, HTX mong muốn, các sản phẩm trà cà gai leo, trà ngủ ngon, cao thìa canh, cao gai leo Thanh Bình sẽ được tiếp cận nhiều kênh bán hàng trong nước và dần vươn ra thị trường nước ngoài, qua đó sản phẩm dược liệu Thanh Bình sẽ khẳng định được thương hiệu của mình”, chị Nguyễn Thị Giang cho biết.  
Các sản phẩm dược liệu Thanh Bình được bày bán nhiều cửa hàng.
Các sản phẩm dược liệu Thanh Bình được bày bán tại nhiều cửa hàng.
Nếu như trước đây, các sản phẩm nông nghiệp nông thôn được xuất ra thị trường tiêu thụ chủ yếu là các chợ truyền thống trong tỉnh thì sau khi được công nhận OCOP, nhất là OCOP 4 sao, sản phẩm có cơ hội tiếp cận thị trường lớn, tiềm năng hơn. Thấy được giá trị OCOP mang lại, không ít chủ thể OCOP đã cố gắng nâng cao chất lượng, mẫu mã cho sản phẩm để đề nghị xét công nhận.
 
Sản phẩm hạt tiêu đen (tiêu đen sấy lạnh) của HTX Sản xuất kinh doanh nông sản sạch Sen Thủy (Lệ Thủy) là một trong số ít sản phẩm OCOP được nâng hạng OCOP 4 sao vào đầu năm nay. Ông Lê Quang Hoản, Giám đốc HTX cho hay: “Năm 2021, sau khi sản phẩm hạt tiêu đen của HTX được công nhận đạt OCOP 3 sao, chúng tôi đã tiếp tục mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm máy sấy lạnh và máy phân loại hạt; đồng thời chú ý về tiêu chuẩn sạch VietGAP, tiêu chuẩn ISO... cho sản phẩm. Mẫu mã, bao bì sản phẩm được chú trọng thiết kế bắt mắt, chai đựng tiêu được làm bằng thủy tinh có chức năng xay để bảo quản được tinh dầu... Nhờ sự đầu tư nghiêm túc, sản phẩm đã được nâng từ 3 lên 4 sao vào đầu năm 2024. Đây sẽ là cơ hội để sản phẩm của chúng tôi tiếp cận được nhiều thị trường hơn”.
 
Không ngừng nâng cao chất lượng
 
Trước đây, sản phẩm bột cháo canh Kính Hương, xã Bắc Trạch (Bố Trạch) mỗi ngày chỉ bán được 50kg. Tuy nhiên, khi được công nhận OCOP 3 sao, sản phẩm sản xuất và bán ra thị trường trung bình mỗi ngày đạt 1 tạ. Nhờ được công nhận OCOP, sản phẩm nhanh chóng có mặt ở các cửa hàng và một số siêu thị trong và ngoài tỉnh.
 
“Nếu sản phẩm cháo canh Kính Hương đạt OCOP 4 sao thì giá trị sản phẩm sẽ được khẳng định. Chúng tôi cũng dễ dàng tiếp cận được các thị trường, kể cả những thị trường khó tính hơn và đầu ra cũng sẽ cao hơn. Sắp tới, chúng tôi sẽ đầu tư cải tạo, nâng cấp nhà xưởng, đồng thời lắp đặt thêm máy móc để phục vụ quá trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm hoàn thiện các bước làm hồ sơ xét công nhận nâng sao cho sản phẩm”, ông Phan Văn Kính, chủ cơ sở sản xuất bột cháo canh Kính Hương chia sẻ.
 
3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có thêm 9 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP 4 sao toàn tỉnh lên 28 sản phẩm.

Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Trần Quốc Tuấn cho biết, xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP được xem là nhiệm vụ quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Việc tham gia đánh giá xét và nâng hạng OCOP hàng năm giúp các sản phẩm không ngừng hoàn thiện và nâng cao chất lượng. Thực tế cho thấy, sản phẩm khi được công nhận OCOP 3 sao, 4 sao sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí từ tỉnh, huyện để xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, các sản phẩm tham gia đánh giá OCOP cũng được tạo điều kiện để tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, được quảng bá sản phẩm trong, ngoài tỉnh và cả nước ngoài. Với lợi thế đó, việc các sản phẩm không ngừng hoàn thiện để nâng sao OCOP là đang tự mở cho mình cơ hội mới và khẳng định giá trị với người tiêu dùng.

Đoàn Nguyệt

 

tin liên quan

Quảng Ninh: Phát hiện hang động mới tại xã Trường Sơn

(QBĐT) - Chiều 26/4, thông tin từ UBND xã Trường Sơn (Quảng Ninh) cho biết, người dân địa phương đã phát hiện một hang động mới tại bản Sắt.

Đồng hành cùng thanh niên

(QBĐT) - Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Trạch đã kịp thời đưa nguồn vốn chính sách đến với nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện nhằm đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước khẳng định bản thân. Vốn vay chính sách thực sự là "điểm tựa" cho ĐVTN lập nghiệp.

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa đông-xuân

(QBĐT) - Ngày 26/4, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hồ Khắc Minh cho biết, vụ đông-xuân 2023-2024 toàn tỉnh gieo cấy hơn 29.217ha lúa. Hiện, lúa đông-xuân trà đầu, trà chính vụ giai đoạn chín sáp, thu hoạch; trà muộn đang trổ.