Mùa dưa hấu trên đất Bố Trạch

  • 07:34 | Thứ Tư, 24/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Giữa cái nắng khắc nghiệt của những ngày đầu hè, trên các cánh đồng, bà con nông dân huyện Bố Trạch vẫn miệt mài thu hoạch dưa hấu. Vụ dưa năm nay gặp thời tiết ít mưa nên năng suất chưa cao nhưng giá bán cơ bản ổn định, do đó bà con trồng dưa vẫn có lợi nhuận.
 
Mùa dưa có lãi
 
Thị trấn Nông trường Việt Trung là vùng đất trồng dưa có tiếng lâu nay trên địa bàn tỉnh, với các giống dưa chủ yếu, như: Apolo 66, Hắc Mỹ Nhân, Sọc Mỹ… có vị ngọt đậm đà, vỏ dày, dễ vận chuyển đi xa. Mỗi vụ dưa kéo dài khoảng 2,5 tháng. Vụ dưa năm nay, thời tiết ít mưa nên ảnh hưởng đến năng suất, quả dưa không được to như những vụ trước nhưng nhờ giá thu mua khá cao nên bà con trồng dưa có lợi nhuận.
 
Ông Hồ Xuân Tuệ, tổ dân phố Truyền Thống, thị trấn Nông trường Việt Trung phấn khởi chia sẻ: “Năm nay, gia đình tôi trồng 1ha dưa hấu, giống Apolo 66. Giống này có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Do thời tiết khắc nghiệt nên năng suất dưa có thấp hơn năm ngoái, đạt khoảng 25 tấn/ha. Đổi lại, tại thời điểm bán, giá đạt 6.000 đồng/kg nên gia đình tôi thu lợi nhuận khá cao. Trừ các chi phí, 1ha dưa hấu cho lãi khoảng 50 triệu đồng”.
Ruộng dưa của gia đình ông Hồ Xuân Tuệ (thị trấn nông trường Việt Trung, Bố Trạch) năm nay thu hoạch có lãi.
Ruộng dưa của gia đình ông Hồ Xuân Tuệ (thị trấn Nông trường Việt Trung, Bố Trạch) năm nay thu hoạch có lãi.
Trên các ruộng dưa những ngày này, không khí rất nhộn nhịp. Từ tờ mờ sáng đã đông đúc người hái, người bốc dưa lên xe để chở về điểm tập kết, bán cho thương lái. Vì dưa được giá nên dẫu lao động giữa cái nắng gay gắt nhưng ai cũng làm việc rất hăng hái, phấn khởi.
 
Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung Trần Thị Nguyệt cho biết: “Vụ dưa hấu năm nay, thị trấn gieo trồng 255ha, với 102 hộ tham gia. Hiện, bà con đã thu hoạch được khoảng 50% diện tích. Năng suất trung bình ước đạt 25 tấn/ha, với giá bán bình quân 5.500 đồng/kg. Tùy vào từng thời điểm, có những hộ bán giá chỉ 4.000 đồng/kg nên lãi thu được ít, nhưng cũng có những hộ bán giá cao, từ 6.000-6.500 đồng/kg, mang lại lợi nhuận cao”.
 
Cùng với thị trấn Nông trường Việt Trung, các địa phương, như: Lý Trạch, Vạn Trạch… cũng có mùa dưa đạt hiệu quả cao. Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Trạch Hoàng Văn Đông cho hay: “Vụ dưa hấu năm nay, xã gieo trồng 28ha, năng suất ước đạt 20 tấn/ha. Giá bán đợt 1 là 5.000-5.500 đồng/kg, đợt 2 là 6.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 40-45 triệu đồng/ha”.
 
Những ruộng dưa hấu ở các địa phương trên địa bàn huyện Bố Trạch không chỉ mang lại thu nhập cho người trồng mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong suốt mùa dưa. Để chăm sóc dưa, chủ ruộng phải thuê nhiều lao động để làm đất, bỏ hạt, kê dưa… Đặc biệt, đến ngày thu hoạch, mỗi ruộng dưa cần đến vài chục lao động để cắt và bốc dưa lên xe. Nhờ đó, những lao động này cũng kiếm được trung bình 200.000-300.000 đồng/người/ngày.
Nhiều lao động có thêm nguồn thu nhập từ việc cắt, bốc xếp dưa cho các chủ ruộng.
Nhiều lao động có thêm nguồn thu nhập từ việc cắt, bốc xếp dưa cho các chủ ruộng.
 
Tìm hướng đi bền vững
 
Trồng dưa hấu được bà con nông dân xem là nghề “xa xỉ” bởi người trồng phải “ăn, ngủ” với ruộng dưa. Những ngày mưa lớn, họ luôn thấp thỏm lo lắng, canh chừng mực nước trong ruộng dưa để thoát nước, nếu không may nước bị ngập nhiều, dây dưa héo thì xem như hết cách cứu chữa. Đặc biệt, gặp khi hoa vừa mới thụ phấn hoặc trái gần thu hoạch mà mưa to thì sẽ tác động rất lớn đến năng suất, sản lượng dưa… Bên cạnh đó, trồng dưa cũng có nhiều “đắng, cay, ngọt, bùi” bởi thị trường tiêu thụ, nếu dưa không xuất được và bán với giá thấp thì người nông dân phải chịu lỗ khá lớn vì chi phí đầu vào cao (tiền thuê đất, thuê nhân công, giống, vật tư nông nghiệp… khoảng 70 triệu đồng/ha). Tuy nhiên, nếu so sánh với việc trồng lúa, ngô thì dưa hấu vẫn mang lại thu nhập trung bình cao gấp 4-5 lần.
Bà con nông dân tất bật tập kết dưa để bán cho thương lái.
Bà con nông dân tất bật tập kết dưa để bán cho thương lái.
Anh Nguyễn Ngọc Cương, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tâm An chia sẻ: “Dưa là một trong những cây trồng chủ lực của HTX thời gian qua, với các giống dưa Sọc Mỹ và Hắc Mỹ Nhân, trên diện tích 1ha. Chúng tôi xác định chất lượng là tiêu chí hàng đầu để tìm kiếm và “giữ chân” khách hàng lâu dài nên đã lựa chọn trồng dưa theo hướng hữu cơ, vừa có vị dưa ngọt thanh vừa góp phần cải thiện hệ vi sinh vật đất. Hiện, còn khoảng một tuần nữa là dưa của HTX sẽ thu hoạch nhưng đến nay đã có rất nhiều khách hàng đặt mua”.
 
Sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng dưa hấu nói riêng, năng suất, sản lượng phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều, giá cả thị trường tiêu thụ cũng bấp bênh. Với mong muốn giúp người nông dân yên tâm sản xuất, có thị trường tiêu thụ ổn định, các địa phương đang đưa ra nhiều kế hoạch, tìm giải pháp nhằm “giải bài toán khó”.
 
Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết: “Năm nay, toàn huyện trồng khoảng 654ha dưa hấu, tập trung chủ yếu ở các xã, thị trấn, như: Nông trường Việt Trung, Lý Trạch, Nam Trạch, Hòa Trạch, Cự Nẫm, Tây Trạch, Vạn Trạch… Nhằm nâng cao hiệu quả đối với việc trồng dưa, huyện chỉ đạo các địa phương liên quan quy hoạch vùng trồng để bảo đảm hài hòa giữa cung và cầu; đồng thời, định hướng cho người dân trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường”.

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung Trần Thị Nguyệt cho biết: “Để tạo điều kiện cho người trồng dưa sản xuất có hiệu quả, tăng tính ổn định về đầu ra, địa phương đã có những định hướng cho bà con trong việc lựa chọn giống, gieo trồng đúng thời vụ, chăm sóc đúng kỹ thuật… Địa phương cũng đang phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tìm giải pháp liên kết tạo thị trường đầu ra cho dưa hấu nói riêng và nông sản nói chung…”.

“Hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững, xã Vạn Trạch cũng đã có quy hoạch chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu theo hướng VietGAP, với diện tích khoảng 15ha. Hiện, bà con nông dân rất đồng thuận với chủ trương này, tuy nhiên xã đang gặp một số khó khăn về nguồn vốn đầu tư hệ thống bơm nước chủ động trong quá trình trồng dưa, do đó kế hoạch này chưa thể triển khai ngay”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Trạch Hoàng Văn Đông cho biết thêm.
Lê Mai

tin liên quan

Tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

(QBĐT) - Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Quảng Bình vừa tổ chức treo băng rôn, cờ phướn tuyên truyền, cổ động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024.

 

Khi hợp tác xã là "bệ đỡ" cho đồng bào dân tộc thiểu số

(QBĐT) - Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, các hợp tác xã ở những địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng trong đổi thay cuộc sống và cả nếp nghĩ, cách làm của bà con nơi đây.

Dự án Đường ven biển: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ - Bài 2: Quyết liệt giải phóng mặt bằng trang trại thủy sản và tái định cư

(QBĐT) - Cùng với các vướng mắc về xác định tài sản tạo lập trên đất rừng, quy chủ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác nhận tỷ lệ thu hồi đất nông nghiệp, kiến nghị nhà sát mốc, di dời lăng mộ đã và đang được chủ đầu tư cùng các địa phương tập trung tháo gỡ, dự án thành phần 1-Đường ven biển còn gặp vướng mắc trong công tác tái định cư và bồi thường đối với các trang trại nuôi trồng thủy sản.