Phong Thủy nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Cập nhật lúc 09:19, Thứ Ba, 05/07/2011 (GMT+7)

Xã Phong Thủy (Lệ Thủy) là một trong những địa phương được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) ở tỉnh ta. Một trong những thuận lợi của Phong Thủy là HTX nông nghiệp giữ vai trò chi phối hoạt động sản xuất của người dân. Trong đó, 2 HTX dịch vụ nông nghiệp là Đại Phong và Thượng Phong, với nguồn vốn hoạt động gần 15 tỷ đồng, giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, trước nhiệm vụ xây dựng NTM, Đại Phong đang tháo gỡ không ít những khó khăn…

* Định hướng NTM mới từ những năm trước:

Chủ tịch UBND xã Phong Thủy Nguyễn Cao Côi nói với chúng tôi: “Cách đây mười mấy năm, Phong Thủy đã bắt tay vào xây dựng NTM rồi. Vấn đề bao trùm của xây dựng NTM lúc bấy giờ là xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng hiện đại, có cơ cấu kinh tế hợp lý, bền vững, xây dựng các loại hình kinh tế nông thôn ngày càng phát triển.  Xây dựng dân chủ trong nông thôn ngày càng tiến bộ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chính trị được ổn định và giữ vững; khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại, phát huy nội lực của cộng đồng và nguồn lực của xã hội”. Lúc đó, Phong Thủy đưa phát huy nội lực làm đầu tàu trong việc cứng hóa đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng. Nhiều người dân còn nhớ lại lúc đó nội lực kinh tế chưa được vững vàng như bây giờ. Thế nhưng, dốc lòng dốc sức cho làm đường đi, làm mương thủy lợi là ai ai cũng phấn khởi “thắt lưng buộc bụng” góp công, góp của. Ở giai đoạn đó, mỗi năm, Đại Phong có được vài tỷ đồng từ nội lực để đầu tư. Chả thế mà đến nay toàn bộ hệ thống đường giao thông nông thôn gần 30 km đã được cứng hóa; trên 16 km kênh mương nội đồng, đê bao được đầu tư kiên cố hóa

Đảng bộ xã quan tâm chỉ đạo củng cố đổi mới hoạt động sản xuất dịch vụ kinh doanh của 2 HTX trên cơ sở làm tốt các khâu dịch vụ cho xã viên, từng bước mở rộng ngành nghề kinh doanh, hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ gia đình.

Phong Thủy luôn đưa giống mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng
Phong Thủy luôn đưa giống mới vào sản xuất để nâng cao       năng suất, chất lượng                                      Ảnh T.P

 

Mô hình dịch vụ nông nghiệp thực sự trở thành mô hình kinh tế tập thể điển hình, mặc dầu chịu tác động của sự thay đổi cơ chế quản lý nhưng HTX Đại Phong vẫn phát triển khá toàn diện. Hiện nay HTX Đại Phong đáp ứng 9 khâu dịch vụ nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng trong sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ nhiệm HTX cho hay: “Từ điều hành khâu làm đất, điều tiết bơm nước, bảo vệ đồng ruộng, dịch vụ điện, cung cấp vật tư nông nghiệp, cho vay vốn, dự báo phòng trừ sâu bệnh, khâu thủy lợi đến bao tiêu một phần sản phẩm cho xã viên. Hàng năm HTX đảm bảo các khâu dịch vụ để trên 730ha lúa 2 vụ, 16ha màu ở địa phương phát triển ổn định, đảm bảo năng suất, sản lượng theo kế hoạch đề ra. Hiện nay, HTX có số vốn trên 7 tỷ đồng, trong đó 1,8 tỷ là vốn lưu động, hàng năm HTX cho khoảng 500 hộ xã viên vay vốn với số tiền trên 800 triệu đồng để đầu tư vào kinh doanh sản xuất. Nhờ sự quan tâm, đáp ứng kịp thời các khâu dịch vụ của HTX mà năng suất lúa 2 vụ luôn dẫn đầu toàn huyện với mức bình quân vụ đông-xuân 60 – 65 tạ/ha, vụ hè thu trên 55 tạ/ha”.

HTX Thượng Phong đã chọn ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là nhận hợp đồng các khâu về dịch vụ sản xuất nông nghiệp như làm đất, thủy lợi, bảo vệ đồng, bảo vệ thực vật, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho xã viên, vay vốn tín dụng nội bộ và các dịch vụ về điện, vệ sinh môi trường. Trước những khó khăn, HTX Thượng Phong vẫn phát triển bền vững, thu nhập xã viên được nâng cao và đời sống ngày càng được cải thiện.

*Tháo gỡ khó khăn…

Đưa chúng tôi đi xem các tuyến đường ngõ, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Cao Côi nêu lên những khó khăn mà việc tháo gỡ cũng không phải dễ dàng: “Trước đây, toàn bộ hệ thống đường ngõ được bê tông hóa với khổ đường rộng 3 m là “hiện đại” ở vùng nông thôn rồi, nay khẩu độ như vậy là không được, phải mở rộng theo tiêu chí là từ 4-7m, mà mở rộng thì liên quan đến giải phóng mặt bằng. Sau khi cứng hóa là người dân đã yên tâm xây dựng hàng rào, cổng nhà, thậm chí có nhà còn xây tường sát chỉ giới đường ngõ. Bây giờ mở rộng phải phá dỡ, kinh phí đền bù không có thì làm sao”?

Để tháo gỡ nút thắt này, Đại Phong thực hiện chủ trường “dân nói, dân làm”, có nghĩa là đưa ra dân bàn bạc, phát động tinh thần hiến đất mở đường. Ông Phạm Xuân Ánh- Trưởng thôn Đại Phong 1 cho rằng: “Sau khi khảo sát, trong ngõ đó có hàng rào, cổng xây bị phá bỏ thì các hộ gia đình có tránh nhiệm hỗ trợ cho gia đình đó trên tình thần tự nguyện và sát đúng với thực tế. Như vậy, người hỗ trợ cũng thấy có tránh nhiệm và người có công trình phải phá dỡ cũng thấy có nghĩa vụ của mình”. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Cao Côi  nhấn mạnh: “Xã đã có chủ trương trích ngân sách hỗ trợ 100% phần kinh phí người dân đóng góp làm đường theo đúng tiêu chuẩn cho các khu dân cư nào làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để động viên khuyến khích cho phong trào”. Hiện tại, người dân của 150 đường ngõ đang họp bàn phương án tối ưu nhất để giải quyết nhanh việc giải phóng mặt bằng.

Khó khăn nữa mà theo Chủ tịch Côi là việc đào tạo nghề cho nông dân. Vùng thuần nông đào tạo nghề  quả là khó ngang đi tìm …trầm. Bởi một lý do rất cụ thể là học nghề rồi vận dụng vào thực tế đạt được hiệu quả ra sao. Ngay như Đại Phong có 7 doanh nghiệp, trên 100 tổ hợp tác ngành nghề, tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định cho trên 1.000 lao động. Nhưng con số lao động dôi dư còn gấp mấy lần số lao động được sử dụng. Những nghề được đào tạo thông dụng cho vùng nông thôn gồm mộc, nề, điện dân dụng, chăn nuôi, thú y…Tuy nhiên, khi trả công, nhà tuyển dụng lao động cũng đánh đồng mức lương ngang ngửa giữa người được đào tạo tay nghề với lao động chưa qua đào tạo nên chẳng mấy ai hồ hởi khi giới thiệu học nghề. Giải quyết vấn đề này, Đại Phong chọn phương án mở rộng hợp tác với các đơn vị giới thiệu đưa lao động ra nước ngoài. Làm tốt việc này là giải quyết được hai mục tiêu: lao động buộc phải học nghề và tăng thu nhập.

Chúng tôi đặt câu hỏi cho ông Chủ tịch UBND: “Vấn đề quan trọng nhất của xây dựng NTM nằm ở khâu nào”?. Ông Côi trao đổi luôn: “Có lẽ địa phương nào cũng đang tính đến là quy hoạch và phát triển quy hoạch. Từ quy hoạch tốt mới có được quỹ đất cho phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển KT-XH; phát triển khu dân cư mới…Nếu như trước đây, Đại Phong có được quy hoạch tốt thì khi thực hiện hệ thống đường giao thông nông thôn là đã theo chuẩn rồi, hay khi xây dựng công trình cộng đồng cũng đỡ phần đền bù, giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy mà chúng tôi làm đề án quy hoạch đến năm 2020 và định hướng chung đến năm 2030”. Theo chúng tôi được biết, hiện Phong Thủy đã có 6/19 tiêu chí xây dựng NTM đạt chuẩn và nhiều tiêu chí khác đạt từ 50-70% nội dung.

Hiện, xã Phong Thủy có gần 1.660 hộ với với trên 7.600 nhân khẩu; thu nhập bình quân đầu người đạt 15,6 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) là 10,2%. Hàng năm, từ ngân sách xã và người dân đóng góp khoảng 1,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo ông Chủ tịch UBND xã thì: “Kế hoạch xây dựng NTM của địa phương chúng tôi là ưu tiên phát triển giao thông nông thôn, xây dựng các công trình cộng đồng. Trên cơ sở dó, chú trọng phát triển văn hóa, giáo dục; xây dựng trường học đạt chuẩn trên cơ sở lồng ghép các chương trình hỗ trợ để tạo động lực phát triển cho các mặt khác”.

                                                                                 Tâm Phùng

,
.
.
.