Hướng tới mục tiêu xây dựng nền giáo dục Việt Nam hiện đại

  • 12:42 | Thứ Năm, 14/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 14/12, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
 
Tham dự tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
 
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, GD-ĐT nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Quy mô, mạng lưới các cơ sở GD-ĐT phát triển rộng khắp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở được duy trì vững chắc. Quy mô, chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học ngày càng tăng, cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động về nguồn nhân lực.

Hình thức, nội dung giáo dục thường xuyên ngày càng đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Hệ thống giáo dục quốc dân được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, đã xây dựng được khung trình độ quốc gia cơ bản phù hợp với khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế.  

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Chất lượng giáo dục ở các cấp học có nhiều tiến bộ. Trình độ hiểu biết, năng lực tiếp cận tri thức, công nghệ mới, khả năng sáng tạo và năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên được nâng cao. Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có kết quả thi Olympic quốc tế cao nhất. Số công trình khoa học được công bố trong nước, quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tăng mạnh.
 
Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa, trình độ ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh trong công tác quản lý và dạy học, cơ sở dữ liệu ngành được xây dựng. Việc chuyển đổi số trong toàn ngành Giáo dục được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả. Cơ sở vật chất trường học được cải thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GD-ĐT mới…
 
Bên cạnh những thành tựu đạt được, chất lượng giáo dục ở các cấp học, trình độ đào tạo vẫn còn hạn chế, mới đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước ở trình độ trung bình, theo chiều rộng, chưa đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Công tác GD-ĐT kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng sống, kỹ năng mềm, năng lực sáng tạo cho học sinh, sinh viên chưa được chú trọng đúng mức. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh còn chưa chặt chẽ. Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn, tỷ lệ trường học chưa kiên cố còn cao… 
 
Tại hội nghị, đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng nhằm đưa ra những giải pháp thiết thực để khắc phục khó khăn nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 29-NQ/TW, hướng tới mục tiêu xây dựng nền giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, phấn đấu đưa giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030, đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045. 
Nh.V

tin liên quan

Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn

Từ năm 2025, thí sinh tham dự kỳ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) sẽ thi 2 môn bắt buộc là: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Cả nước có trên 15.000 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 56,9%

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 5 năm xây dựng, toàn quốc hiện có 15.334 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 56,9%.

Lan tỏa phong trào thể thao học đường

(QBĐT) - Song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao nhằm bảo vệ sức khỏe, cải thiện đời sống tinh thần cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh.