"Để không có ai bị bỏ lại phía sau": Bài 2: Gieo những yêu thương

  • 07:08 | Thứ Ba, 05/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày cầm bệnh án xác định mình hoặc người thân của mình bị ung thư, nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên (GV, NV) công tác trong các đơn vị trường học bàng hoàng không tin nổi đó là sự thật. Nhưng rồi họ phải chấp nhận thực tế và chọn cách đứng lên để bước tiếp. Đồng hành với họ là sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình, cộng đồng, lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), các tổ chức công đoàn và đơn vị trường học nơi họ đang công tác. 
 
 
"Làm sao để GV bị bệnh tật hành hạ có thể vượt qua nỗi đau để tiếp tục đứng lớp? Làm sao để những GV vốn đã bị bệnh lại phải nuôi dưỡng người thân mắc bệnh có thể vững tâm gắn bó với nghề dạy học?... Đó là nỗi trăn trở không chỉ riêng của Giám đốc Sở GD-ĐT Đặng Ngọc Tuấn mà còn là nỗi canh cánh bên lòng của những người làm công tác quản lý GD các cấp, nhất là trong điều kiện thiếu GV như hiện nay.
Cô giáo Nguyễn Thị Lan Phương, Trường MN Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới) được tặng nhà
Cô giáo Nguyễn Thị Lan Phương, Trường MN Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới) được tặng nhà "Nhân ái" nhằm ổn định cuộc sống.

Để xoa dịu phần nào nỗi đau mà những GV, NV ngành GD-ĐT đang gặp phải, Sở GD-ĐT đã huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh nhằm có nguồn kinh phí dành tặng cho những người kém may mắn ấy. Với số tiền huy động được là 180 triệu đồng, Sở GD-ĐT, Công đoàn ngành GD đã tổ chức chuyến đi đến 8 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh để gặp gỡ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng và trao tận tay 111 suất quà (một số người không gặp được vì đang nằm viện) là tiền mặt cho GV, NV đang sống chung với bệnh tật nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.  

Dẫu đã nắm qua tình hình sức khỏe, đời sống của các GV, NV nhưng khi trực tiếp gặp họ, đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT cùng các thành viên trong đoàn không thể cầm được nước mắt khi chứng kiến từng gương mặt, ánh mắt xúc động ẩn chứa nhiều tâm sự của những người đồng nghiệp đang đối diện với cuộc sống rất khó khăn. Bao điều muốn nói, muốn sẻ chia đều không thể diễn tả thành lời mà thay vào đó là những cái nắm tay thật chặt như tiếp thêm niềm tin để những con người đang bộn bề lo toan ấy có thêm động lực vượt qua nghịch cảnh.

Ngẫm lại một câu hát trong bài “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh" của nhạc sĩ Trần Hoàn (phổ thơ Đỗ Quý Doãn) rằng “qua cơn lận đận mới hiểu tận lòng nhau” lại càng thấm thía khi chứng kiến những hành động, việc làm của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân đối với những người đang gặp hoàn cảnh éo le, hoạn nạn.
 
"Để không có ai bị bỏ lại phía sau, tôi mong rằng các phòng GD-ĐT, ban giám hiệu các trường và nhất là tổ chức công đoàn sẽ quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nghĩa tình, tạo điều kiện tốt nhất cho những GV, NV mắc bệnh hiểm nghèo trong việc điều trị bệnh và trong công việc, tạo động lực để họ tiếp tục viết tiếp ước mơ trong sự nghiệp trồng người", Giám đốc Sở GD-ĐT Đặng Ngọc Tuấn chia sẻ.

Thầy giáo Hoàng Công Minh, Trường THPT Ngô Quyền (Bố Trạch) phải nghỉ dạy gần 1 năm vì tai nạn và hiện tại vẫn chưa thể hồi phục về trí não và không thể tự chăm sóc bản thân. Ngày thầy Minh gặp nạn, tình trạng rất nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng, cần rất nhiều tiền để điều trị, trong khi thầy còn con nhỏ, vợ không có việc làm. Trước tình cảnh đó, nhà trường đã huy động sự hỗ trợ từ cán bộ, GV, NV, học sinh (HS), cựu HS... được gần 200 triệu đồng để hỗ trợ viện phí cho thầy. Trường còn bố trí GV dạy thay thầy Minh và thường xuyên thăm hỏi, động viên, hỗ trợ... “Chúng tôi đã và sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để thầy Minh yên tâm điều trị", thầy giáo Nguyễn Văn Nhẫn, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Trường THPT Lê Hồng Phong (TX. Ba Đồn) có hai GV dạy bộ môn Thể dục là Lê Thị Thảo và Nguyễn Minh Hiếu đang phải sống chung với bạo bệnh. Thầy Hiếu bị tai nạn từ tháng 8/2023 và đang phải tích cực điều trị, chưa thể đi lại được còn cô giáo Lê Thị Thảo bị bệnh nặng phải điều trị dài ngày.

Phó hiệu trưởng nhà trường Phạm Văn Lương cho hay: Cả hai trường hợp đều được trường tạo điều kiện thuận lợi nhất để yên tâm chữa bệnh. Các GV trong tổ Thể dục đã nhiệt tình dạy thay đồng nghiệp để bảo đảm đủ tiết cho HS. Riêng trường hợp cô Lê Thị Thảo khi phát hiện mắc bệnh, tình hình sức khỏe rất nguy kịch, điều kiện kinh tế khó khăn, nhà trường đã huy động sự chung tay, góp sức của GV, HS, phụ huynh... với số tiền trên 157 triệu đồng để giúp gia đình cô trang trải viện phí. Hiện tại, cô Thảo đã trải qua ca phẫu thuật và đang được điều trị tích cực.

GV, NV có hoàn cảnh khó khăn
Đại diện Công đoàn ngành GD-ĐT chia sẻ với những khó khăn của GV, NV.

Cô giáo Mai Thị Thuần, Trường THPT Lương Thế Vinh (TX. Ba Đồn) bị đột quỵ vào tháng 6/2023 phải điều trị dài ngày tại bệnh viện. Nhà trường, tổ chức công đoàn đã kêu gọi sự hỗ trợ của cán bộ  GV, NV, HS... để trao kịp thời 100 triệu đồng giúp cô trong thời gian điều trị bệnh.

Một trường hợp khác cũng là GV Trường THPT Lương Thế Vinh đang từng ngày chiến đấu với căn bệnh ung thư xương nhưng luôn cố gắng hết mình để được đứng trên bục giảng là thầy giáo Phạm Văn Thiên dạy môn Thể dục. Ngoài việc trao kịp thời số tiền 100 triệu đồng từ sự chung tay góp sức của cán bộ, GV, NV, HS... trường còn tạo điều kiện thuận lợi nhất và tích cực hỗ trợ, động viên để thầy vượt qua ca phẫu thuật cắt bỏ một chân.

Khi sức khỏe đã ổn định nhưng không thể đứng lớp dạy môn Thể dục như trước, thầy Thiên được giao nhiệm vụ giảng dạy các nội dung lý thuyết của môn Giáo dục quốc phòng an ninh và được đồng nghiệp hỗ trợ việc ăn ở, đi lại. Sự nhiệt tình hết lòng của đồng nghiệp đã giúp đỡ, hỗ trợ cho thầy Thiên rất nhiều trong công việc và cuộc sống. 
 
Tinh thần đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp của đội ngũ cán bộ, GV, NV trong các trường học, cơ sở GD đã tạo nên sức mạnh đoàn kết, là nguồn động lực giúp những người có hoàn cảnh éo le vững tin hơn trong cuộc sống. 
Nh.V

tin liên quan

Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn

Từ năm 2025, thí sinh tham dự kỳ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) sẽ thi 2 môn bắt buộc là: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Cả nước có trên 15.000 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 56,9%

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 5 năm xây dựng, toàn quốc hiện có 15.334 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 56,9%.

Lan tỏa phong trào thể thao học đường

(QBĐT) - Song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao nhằm bảo vệ sức khỏe, cải thiện đời sống tinh thần cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh.