"Để không có ai bị bỏ lại phía sau": Bài 1: Vượt qua nghịch cảnh

  • 07:27 | Thứ Hai, 04/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sống chung với bệnh tật hoặc nuôi người thân bị bệnh hiểm nghèo... nhiều giáo viên, nhân viên (GV, NV) của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đối diện với vô vàn khó khăn trong cuộc sống. Thế nhưng họ vẫn luôn giữ trong mình ngọn lửa nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người. Liều thuốc tinh thần mà họ có được chính là sự giúp đỡ, sẻ chia của đồng nghiệp, sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ các cấp quản lý GD. Nhờ đó, đã tiếp sức cho họ vượt qua khó khăn để tiếp tục với hành trình ươm mầm tri thức.
 
GV, NV bị bệnh hiểm nghèo không chỉ chịu nỗi đau về cơ thể mà đa số họ đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn...
 
Ba mẹ con cô giáo Võ Thị Huyền Trang, Trường mầm non (MN) xã Phong Thủy (Lệ Thủy) đang tá túc trong một căn nhà hết sức tạm bợ, đồ đạc chẳng có gì đáng giá. Bản thân cô Trang mắc bệnh ung thư, sức khỏe ngày một yếu lại phải một mình nuôi 2 con đang tuổi ăn học. Nhiều lúc tưởng chừng như không thể vượt qua được hoàn cảnh nhưng nghĩ đến các con, cô lại tự nhủ mình không được bỏ cuộc mà phải cố gắng từng ngày để vượt qua nghịch cảnh. Cô Trang luôn phải nén cơn đau để lo chuyện cơm, áo, gạo, tiền, để các con được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Mơ ước lớn nhất của cô là có được một nơi ở đủ để che nắng, che mưa...
 
Mang trong mình bệnh u tuyến giáp phải điều trị dài ngày tại Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện K Hà Nội chưa phải là nỗi đau lớn nhất mà cô giáo Nguyễn Thị Huế, Trường MN Nam Lý (TP. Đồng Hới) đang phải gánh chịu. Cô còn có đứa con nhỏ bị mù bẩm sinh, sức khỏe yếu. Thương con, cô dường như quên mất bản thân mà luôn tự nhủ mình phải luôn cố gắng để bù đắp phần nào những khiếm khuyết mà con gái đang gặp phải...
 Lãnh đạo ngành GD-ĐT thăm, động viên cô giáo Võ Thị Huyền Trang.
Lãnh đạo ngành GD-ĐT thăm, động viên cô giáo Võ Thị Huyền Trang.

"Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" nhiều GV đang mang trên mình gánh nặng bệnh tật, như: Cô giáo Phạm Thị Bích Thủy, Trường tiểu học (TH) Phong Thủy (Lệ Thủy) bị xuất huyết nội sọ, liệt nửa người đang hưởng chế độ ốm đau dài ngày; Nguyễn Thị Vân, Trường TH số 2 Đồng Sơn (TP. Đồng Hới) bị ung thư trực tràng đang điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội, chồng không có việc làm ổn định; Trương Thị Thương Hoài, Trường MN Sơn Hóa (Tuyên Hóa) đang mắc bệnh ung thư máu, nuôi hai con nhỏ, chồng không có công ăn việc làm ổn định...

Không chỉ khổ vì mắc bệnh, không ít GV còn phải gồng gánh nhiều nỗi lo toan khi người thân của mình cũng đang sống chung với bệnh tật. Đó là trường hợp của cô giáo Đoàn Thị Loan, Trường THPT Lê Lợi (TX. Ba Đồn). Cách đây một năm, cô Loan phải trải qua một cuộc phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ thận trái, sức khỏe giảm sút trầm trọng. Chồng của cô lại mắc bệnh tim, từng bị đột quỵ, hai con còn nhỏ. Bố mẹ hai bên đều tuổi cao sức yếu, bệnh tật hành hạ không thể tự chăm sóc bản thân. Nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào đồng lương nhà giáo nên cuộc sống của gia đình cô hết sức khó khăn.

Nhiều trường hợp éo le khác, như: Cô giáo Nguyễn Thị Sâm, Trường MN Cự Nẫm (Bố Trạch) bị ung thư tuyến giáp, chồng bị di chứng sau đợt tai biến nên không thể đi lại được; cô giáo Hồ Thị Lan, Trường TH Đức Trạch (Bố Trạch) bị ung thư tuyến giáp và chồng cô cũng bị bệnh ung thư máu phải điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội...

Toàn ngành GD-ĐT có trên 100 GV, NV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do mắc bệnh hiểm nghèo hoặc có người thân bị bệnh nặng. Trong số họ, nhiều người là GV dạy giỏi đạt nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng HS giỏi...

Dẫu đối diện với vô vàn khó khăn, thử thách nhưng các cô giáo, thầy giáo vẫn luôn quyết tâm vượt qua nghịch cảnh để tiếp tục gắn bó với công việc "gieo chữ"... Nhiều GV đạt các thành tích đáng nể trên mọi mặt công tác. Tiêu biểu là cô giáo Phan Thị Hồng Hà, Trường THPT Lê Quý Đôn (Bố Trạch) bị ung thư, sức khỏe yếu nhưng luôn nỗ lực trong công việc, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và là GV dạy giỏi cấp tỉnh.

Hay như tấm gương cô giáo Nguyễn Lê Thùy Nhân, Trường THPT Hùng Vương (Bố Trạch) bị đột quỵ dẫn đến liệt nửa người, phải tập phục hồi chức năng một thời gian khá dài mới trở lại công tác. Tháng 10/2023 cô lại phải đón nhận thêm tin xấu là bị bệnh K trực tràng đã di căn vào gan. Gia đình hết sức khó khăn, chồng không có việc làm, con còn nhỏ. Cô là GV rất tận tâm với công việc từng đạt danh hiệu GV dạy giỏi cấp tỉnh.

Cô giáo Nguyễn Thị Mai Liên, Trường THCS số 1 Đồng Sơn (TP. Đồng Hới) đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư, chồng lại mắc bệnh tim mạch phải thường xuyên đến cơ sở y tế để điều trị. Vượt lên tất cả, cô vẫn miệt mài với nghề dạy học. Ngoài danh hiệu GV dạy giỏi cấp tỉnh cô còn có nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh (HS) giỏi đạt nhiều kết quả quan trọng trong các cuộc thi HS giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh.

Món quà tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa rất quan trọng nhằm động viên tinh thần cho những GV, NV đang gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn.
Món quà tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa rất quan trọng nhằm động viên tinh thần cho những GV, NV đang gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn.
Không thể đến trường vì bệnh tật, các GV luôn canh cánh bên lòng nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ từng gương mặt HS thân yêu.
 
Trong chuỗi ngày dài dưỡng bệnh, thỉnh thoảng cô giáo Nguyễn Thị Hải Búp, Phó hiệu trưởng Trường TH Cao Quảng (Tuyên Hóa) lại bắt đầu hành trình tập viết. Những dòng chữ nghệch ngoạc, rời rạc không theo ý muốn được viết nên là cả một sự cố gắng sau nhiều ngày phải nằm một chỗ vì bệnh tật. Tai nạn giao thông đã biến cô từ một người năng động, nhanh nhẹn trở thành một người tàn tật, bị liệt nửa người không thể tự chăm sóc bản thân. Mỗi khi được bạn bè, đồng nghiệp tới thăm cô lại rơi nước mắt vì xúc động và vì nhớ những ngày đã qua…
 
"Được đứng trên bục giảng, chứng kiến HS của mình trưởng thành từng ngày là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi-những GV cũng là bệnh nhân luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo ngành, Ban Giám hiệu nhà trường và các đồng nghiệp. Sự thấu hiểu, sẻ chia là liều thuốc quý để chúng tôi vững bước trước những khó khăn", cô giáo Võ Thị Ngọc Anh, Trường THPT Lệ Thủy-một trong những người sống chung với bệnh hiểm nghèo chia sẻ.
Nh.V
 
Bài 2: Gieo những yêu thương

tin liên quan

Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn

Từ năm 2025, thí sinh tham dự kỳ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) sẽ thi 2 môn bắt buộc là: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Cả nước có trên 15.000 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 56,9%

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 5 năm xây dựng, toàn quốc hiện có 15.334 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 56,9%.

Lan tỏa phong trào thể thao học đường

(QBĐT) - Song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao nhằm bảo vệ sức khỏe, cải thiện đời sống tinh thần cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh.