Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Làng Pháp Kệ qua những trang địa chí

  • 05:46 | Thứ Bảy, 23/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Làng Pháp Kệ, xã Quảng Phương (Quảng Trạch) là nơi tiếp giáp giữa vùng trung du và vùng đồng bằng ven biển thuộc hạ lưu sông Gianh. Là một trong những vùng đất có lịch sử hình thành dân cư khá sớm của tỉnh Quảng Bình với những dấu tích còn hiện hữu.
 
Từ trước tới nay, chưa có công trình nghiên cứu nào đánh giá một cách toàn diện cảnh quan, điều kiện địa lý, tự nhiên, xã hội đến những giá trị văn hóa đặc trưng tiêu biểu của làng quê này một cách đầy đủ, hệ thống. Sau hơn 2 năm bắt tay vào công việc biên soạn, thạc sĩ Lê Trọng Đại, giảng viên Trường đại học Quảng Bình cùng nhóm cộng sự, là những người con tâm huyết làng Pháp Kệ đã sưu tầm, điền dã và hoàn thành cuốn Ðịa chí làng Pháp Kệ để in ấn và kịp ra mắt trong những ngày đầu xuân Giáp Thìn năm 2024. 
Bìa cuốn sách Ðịa chí làng Pháp Kệ. 
Bìa cuốn sách Ðịa chí làng Pháp Kệ. 

 

Người xưa quan niệm, làng Pháp Kệ tọa lạc trên cồn đất kim quy, tức hình con rùa vàng, với 4 chân ở 4 hướng Đông, Nam, Tây, Bắc. Chính thế đất “thắng địa” mà khi chọn đặt tên làng, các vị tiền hiền khai khẩn chọn cái tên Pháp Kệ, mang tâm hướng tôn sùng đạo Phật. Đến giữa thế kỷ XVI, Pháp Kệ đã có tên trong 69 làng xã của châu Bố Chính được tiến sĩ Dương Văn An thống kê trong sách Ô châu cận lục (1555).

Sau phần khái quát về đặc điểm địa lý tự nhiên, cuốn sách giải mã lịch sử hình thành làng quê với 3 dấu mốc lịch sử quan trọng. Đầu tiên phải kể đến đó là lớp cư dân của văn hóa Cồn Nền. Với những hiện vật mà các nhà khảo cổ học khai quật, phát hiện, gồm: Công cụ và trang sức bằng đá, đồ gốm, minh chứng sự hình thành di chỉ Cồn Nền có niên đại trên dưới 3.500 năm thuộc thời kỳ hậu đá mới, sơ kỳ đồng thau.

Lớp cư dân thứ hai sinh sống trên vùng đất này chính là người Chăm với dấu tích còn sót lại chính là hệ thống 4 giếng Chăm cổ nước rất ngọt, trong vắt, mùa hè không cạn. Với nét cấu trúc độc đáo, giếng Chăm cổ tương ứng với hình tượng Linga trong điêu khắc của người Chăm Pa cũng như trong quan niệm nhân sinh quan của triết học Ấn Độ. Lớp cư dân thứ ba đến sinh sống, chính là người Việt, có gốc gác từ các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ di cư vào, ban đầu với 4 dòng họ, gồm: Nguyễn (lớn), Phan, Trần và Tạ.

Công cuộc khai thiết của các vị tiên tổ các dòng họ được duy trì và tiếp nối liên tục để hình thành nên làng Pháp Kệ ngày hôm nay. Trải qua quá trình khai canh, lập ấp, từ 4 dòng họ lớn, đến nay đã quy tụ với 17 dòng họ khắp nơi về dưới mái nhà chung, dựng xây cuộc sống hết sức sầm uất, đông đúc trên mảnh đất này. Chính các thế hệ cư dân làng Pháp Kệ đã chung tay dựng xây và tạo nên đời sống vật chất, tinh thần hết sức phong phú, đa dạng, trở thành gia tài quý giá được bảo tồn, duy trì, phát triển cho đến nay.

Địa chí làng Pháp Kệ là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, khá công phu, tổng hợp toàn bộ dữ kiện một cách có hệ thống từ đặc điểm địa lý, tự nhiên, dân cư, lịch sử hình thành làng quê cho đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Gói trọn chưa đầy 300 trang, cuốn sách phản ánh tương đối đầy đủ, toàn diện lịch sử hình thành và phát triển trên dưới 500 năm của làng.

Trải qua biến thiên của tự nhiên và xã hội, nhiều giá trị độc đáo, các tư liệu, nhất là các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của làng Pháp Kệ không còn nữa, hoặc hiện hữu khá mờ nhạt. Nhưng qua những trang sách, tác giả đã làm sống lại những giá trị văn hóa độc đáo, riêng có của cùng đất này. Đây là những chỉ dấu quan trọng, góp phần định hình bản sắc, hồn cốt của làng quê Pháp Kệ đặt trong mối tương quan về lịch sử hình thành và phát triển của làng xã Quảng Bình.

sd
Làng Pháp Kệ, xã Quảng Phương (Quảng Trạch). Ảnh: Phạm Văn Thức
Ở góc độ địa chí, khi nghiên cứu, tìm hiểu bề dày truyền thống của một làng quê, người đọc thường tìm hiểu những giá trị tiêu biểu về đời sống văn hóa, tinh thần. Đây chính là khóa mã mà tác giả đã dày công sưu tầm, điền dã, đối sánh dữ liệu để tái hiện lại bức tranh làng quê từ thưở bắt đầu có dấu chân người đến ngày hôm nay.
 
Cuốn sách lần lượt giới thiệu nét độc đáo từ đời sống kinh tế với các ngành nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực cùng những món ăn dân dã, mộc mạc gắn với nền văn minh lúa nước, như: Cơm tấm, canh ám, canh bồi, đến hệ thống kiến trúc đình, chùa, miếu, nghè, cô đàn… Ở khía cạnh đời sống tinh thần, Địa chí làng Pháp Kệ cung cấp cho người đọc hệ thống các giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán, nét đẹp truyền thống, trò chơi dân gian, lời ăn tiếng nói, văn học truyền khẩu, nghệ thuật diễn xướng dân gian.
 
Trong dòng chảy chung giữa những nét tương đồng đặc trưng về nghệ thuật diễn xướng được các thế hệ cư dân ở vùng Bắc Quảng Trạch tiếp nối và duy trì khá phổ biến là nghệ thuật hát Kiều và ca Trù thì ở làng Pháp Kệ cũng có sự hiện diện của 2 loại hình nghệ thuật này. Nhưng nét độc đáo, làm nên bản sắc riêng có của làng Pháp Kệ trong nghệ thuật diễn xướng chính là nghệ thuật hát Kệ Hiệng.
 
Những giá trị văn hóa tinh thần vẫn âm thầm tưới mát cho các thế hệ con em làng quê Pháp Kệ như chính dòng nước từ những giếng cổ âm thầm, bền bỉ, chảy qua thời gian không bao giờ vơi cạn. Chính mạch ngầm yêu thương, tràn đầy sức sống mãnh liệt ấy sẽ tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho các thế hệ cư dân Pháp Kệ hôm nay quyết tâm phấn đấu xây dựng làng quê ngày càng giàu mạnh, văn minh để không hổ thẹn với công lao của các bậc tiên tổ đã dày công gây dựng. Để mai này, mỗi khi đi xa, dẫu cách trở muôn trùng, các thế hệ con cháu vẫn muốn tìm về với làng quê Pháp Kệ:
 
“Phong cảnh ấy, thanh kỳ 
                                             nhường ấy
Vận quả nhiên vô địa bất sinh tài
Nước non sang, văn vật cũng sang
Ấy thật là hữu quan vô thế quý”.
        (Trích Thúc ước làng Pháp Kệ)
Hữu Nhật

tin liên quan

Người Mày cúng thần Cu lôông Cờ tôốc

(QBĐT) - Một ngày đầu xuân 2024, chúng tôi ngược ngàn đến với dãy Giăng Màn để được chứng kiến đồng bào người Mày (dân tộc Chứt) bản K-Ai, xã Dân Hóa (Minh Hóa) tổ chức lễ cúng thần Cu lôông Cờ tôốc.

Mùa lễ hội bên bờ sông Gianh

(QBĐT) - Ba Đồn-địa danh gắn liền với sông Gianh lịch sử cùng nhiều trầm tích bể dâu và bề dày văn hóa truyền thống. 

Rau bún chua, món ăn dân dã của người Minh Hóa

(QBĐT) - Nhắc đến những món ăn của người Minh Hóa, nhiều người thường nghĩ ngay đến bồi, ốc, tằm, trứng kiến nấu canh chua... những món ăn dân dã, đậm đà đã tạo nên nét đặc trưng ẩm thực riêng có của người dân huyện miền núi. Và bún chua, một món ăn bình dân của người dân nơi đây mà ai đã ăn một lần cũng nhớ mãi.