Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Di tích lịch sử nhà thờ họ Trần Côi làng La Hà

  • 07:45 | Thứ Hai, 25/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Họ Trần Côi làng La Hà, xã Quảng Văn (TX. Ba Đồn) là dòng họ tiêu biểu có truyền thống học hành đỗ đạt khoa bảng, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. Theo gia phả dòng họ Trần Côi làng La Hà, ông tổ họ Trần Côi là Trần Khoát Đạt, một trong những ông tổ đầu tiên lập nên làng La Hà-làng học, làng văn hiến tiêu biểu của Quảng Bình.
 
Cội nguồn và truyền thống
 
Người khởi đầu cho việc học hành đỗ đạt của dòng họ là Trần Văn Hệ, nổi tiếng thông minh, ham học từ nhỏ. Năm 1850, Trần Văn Hệ tham gia kỳ thi hương và đậu cử nhân. Năm sau, ông tiếp tục tham gia thi hội và đậu đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Cùng với người thầy của mình là Phạm Nhật Tân, Trần Văn Hệ là một trong hai vị tiến sĩ phát khoa của làng học La Hà. Sau khi thi đỗ, ông được triều Nguyễn giao giữ nhiều chức vụ cao.
 
Dù ở chốn quan trường hay trở về quê hương, ông đều tỏ rõ phẩm chất của người trung trực, yêu nước, thương dân. Là người con ưu tú của dòng tộc họ Trần và người dân La Hà nói chung nên sau khi mất, ông được lập riêng gian thờ bên phải của đình làng La Hà và được dân làng tôn kính thờ phụng, sau này được rước về thờ tại nhà thờ dòng họ Trần Côi làng La Hà.
 
Vị đại khoa thứ hai của dòng họ là Trần Văn Thống. Năm 21 tuổi, ông thi đậu giải hương và đến năm 31 tuổi đỗ đồng tiến sĩ, được bổ làm Thừa biện Bộ Công rồi thăng làm Tri phủ hai phủ Điện Bàn và Thăng Bình. Về Trần Văn Thống, sách Quảng Bình nhân vật chí viết: “...Làm quan trải nhiều tỉnh, sau thăng Án sát, rồi Bố chính tỉnh Hà Tĩnh, cuối cùng bổ Tuần vũ tỉnh Quảng Trị và thăng Thượng thư về hưu”.
 
Khi còn ở làng cũng như làm quan, ông hay tự bỏ kinh phí để lo việc chung, như: Tu bổ đình, miếu, cung tiến các hạng mục đồ tế khí... Ông kêu gọi dân trong xã góp tiền mua nguyên liệu đắp đê, chống sụt lún phía Nam làng và trồng cây chắn sóng phía Bắc. Trước đó, khi đang làm quan trong triều, ông đã mời thầy địa lý về xem long mạch, thuê thợ đào giếng lấy nước uống cho dân trong làng nên từ đó giếng nước ngọt của làng La Hà mang tên ông-giếng Thống.
 
Ngoài hai vị đại khoa tiêu biểu có nhiều đóng góp cho đất nước, họ Trần Côi làng La Hà còn có nhiều người đỗ cử nhân, như: Trần Hữu Sứng (con trai Trần Văn Hệ) được bổ chức Hàn Lâm viện Điển tịch Hà Tĩnh; cử nhân Trần Văn Đình, Trần Đình Liễu, Trần Văn Hanh, Trần Đức Thưởng, Trần Văn Kinh…
 
Phát huy truyền thống của cha ông, các thế hệ kế tiếp có nhiều người thành danh, cống hiến trí tuệ, công sức cho đất nước. Tiêu biểu, như: PGS.TS. Trần Đình Trọng, giảng viên cao cấp, chuyên đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Ông là người đầu tiên đưa việc giảng dạy di truyền học Menden vào hệ thống giáo dục từ cấp phổ thông đến đại học.
 
GS.TS., NGƯT Trần Thế Tục là cây đại thụ có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển cây ăn quả với hơn 50 đầu sách chuyên môn cùng hàng trăm bài báo khoa học; tham gia đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, học viên; được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.
 
PGS.TS. Trần Việt Sơn là người thành công trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học và những vấn đề sáng tạo nghệ thuật, đào tạo mỹ thuật, với những đóng góp của mình, ông đã được giao giữ nhiều vị trí cao trong lĩnh vực mỹ thuật Việt Nam. PGS.TS. Trần Văn Con với nhiều đóng góp trong lĩnh vực lâm nghiệp. Ngoài ra, dòng họ Trần Côi còn có nhiều người thành danh khá sớm, như: TS. Trần Hạnh Mai, PGS.TS. Trần Thị Lan Hương (là các con của GS.TS. Trần Thế Tục)…
(Ảnh minh họa)
Toàn cảnh nhà thờ dòng họ Trần Côi làng La Hà.
Trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng quê hương, đất nước, con cháu dòng họ Trần Côi làng La Hà luôn phấn đấu phát triển kinh tế gia đình và xây dựng nông thôn mới cho quê hương. Dù ở đâu, họ vẫn luôn hướng về nguồn cội, tích cực đóng góp các nguồn quỹ phúc lợi để cùng địa phương bảo tồn, phát huy truyền thống học hành, khoa bảng của cha ông, góp phần làm rạng danh truyền thống của dòng họ và đóng góp trí tuệ, công sức vào công cuộc kiến thiết quê hương.
 
Bảo tồn giá trị lịch sử
 
Để ghi nhớ công ơn của tổ tiên và tri ân các vị đại khoa tiêu biểu của dòng họ, góp phần cùng các dòng họ đại tôn làm nên danh hương làng La Hà, dòng họ Trần Côi đã dựng nhà thờ để làm nơi thờ tự. Nhà thờ họ Trần Côi được dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIX.
 
Ban đầu, nhà thờ chỉ đơn sơ với tranh, tre, đến đầu thế kỷ XX được dựng lại khang trang hơn bằng gỗ, xây gạch, đá, cấu trúc ba gian hai chái theo kiểu truyền thống. Do vị trí nằm ở đầu làng nên các cụ cao niên trong dòng họ đặt tên nhà thờ Trần Côi để phân biệt với nhà thờ họ Trần Dưới. Trải qua thời gian và chiến tranh, nhà thờ họ Trần Côi nhiều lần được tôn tạo, tu sửa.
 
Năm 2014, con cháu dòng họ đã đóng góp xây lại nhà thờ trên nền cũ, đồng thời bảo tồn nguyên trạng hệ thống cổng và một phần hàng rào còn lại. Đây là lần tu bổ, tôn tạo nhà thờ quy mô nhất từ trước đến nay. Ngoài việc xây lại nhà thờ, con cháu dòng họ Trần Côi ở địa phương cũng như ở khắp mọi miền đã thống nhất tạo lập nguồn kinh phí để lo việc cúng bái tại nhà thờ cũng như tu bổ, tôn tạo nhà thờ khi cần thiết.
 
Với những sự kiện lịch sử tiêu biểu của dòng họ Trần Côi gắn với sự hình thành của mảnh đất cồn nổi La Hà, tháng 2/2024, nhà thờ dòng họ Trần Côi làng La Hà đã được UBND tỉnh Quảng Bình quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh. Di tích nhà thờ dòng họ Trần Côi là nơi bảo tồn, trao truyền và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của tổ tiên cho muôn đời sau.
 
Những di sản, vốn văn hóa của tổ tiên để lại là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của riêng dòng họ Trần Côi mà còn có giá trị giáo dục cao về truyền thống hiếu học và yêu quê hương, đất nước, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng cho các thế hệ trẻ ở Quảng Bình.
Hải Yến

tin liên quan

Người Mày cúng thần Cu lôông Cờ tôốc

(QBĐT) - Một ngày đầu xuân 2024, chúng tôi ngược ngàn đến với dãy Giăng Màn để được chứng kiến đồng bào người Mày (dân tộc Chứt) bản K-Ai, xã Dân Hóa (Minh Hóa) tổ chức lễ cúng thần Cu lôông Cờ tôốc.

Mùa lễ hội bên bờ sông Gianh

(QBĐT) - Ba Đồn-địa danh gắn liền với sông Gianh lịch sử cùng nhiều trầm tích bể dâu và bề dày văn hóa truyền thống. 

Làng Pháp Kệ qua những trang địa chí

(QBĐT) - Làng Pháp Kệ, xã Quảng Phương (Quảng Trạch) là nơi tiếp giáp giữa vùng trung du và vùng đồng bằng ven biển thuộc hạ lưu sông Gianh.