Quảng Bình-Hào khí 420 năm (1604-2024)

  • 09:46 | Thứ Ba, 16/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
2.3. Quảng Bình trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)
 
Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng (18/8/1954), quân và dân Quảng Bình cùng một lúc phải dồn sức giải quyết nhiều việc hết sức cấp bách. Xác định vị trí là tuyến đầu miền Bắc, mọi hoạt động của Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh có ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đối với cách mạng miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình bắt tay thực hiện công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế (KT), thúc đẩy sự phát triển toàn diện cả về KT, văn hóa, xã hội (XH) và quốc phòng, an ninh.
 
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, thực hiện chủ trương đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa cách mạng cả nước, Quảng Bình bước vào thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Lần đầu tiên ở Quảng Bình xuất hiện những xí nghiệp quốc doanh sản xuất và góp phần cung ứng hàng hóa tiêu dùng cho nhân dân. Các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục đều có sự phát triển. Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) ở Quảng Bình đang thực hiện có kết quả, thì ngày 4/8/1964 đế quốc Mỹ dựng nên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, cho máy bay ném bom bắn phá một số nơi trên miền Bắc. Đến ngày 7/2/1965, Mỹ chính thức gây ra cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân trên toàn bộ lãnh thổ miền Bắc nước ta. Từ đó, Quảng Bình phải chuyển hướng xây dựng và phát triển KT cho phù hợp với tình hình thời chiến. 
Chào mừng Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam TP. Đồng Hới lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024-2029
Ảnh minh hoạ.
Nắm được những hoạt động quân sự của ta trên địa bàn phía Bắc giới tuyến quân sự, Mỹ-Ngụy đã tiến hành những hoạt động gián điệp, biệt kích để dò la tình hình và phá hoại. Chỉ trong năm 1963, Mỹ-Ngụy tung ra Quảng Bình hơn 10 toán gián điệp, biệt kích. Tất cả những đợt tung gián điệp, biệt kích xuống địa bàn Quảng Bình đều bị nhân dân phát hiện và làm thất bại, nhưng Mỹ-Ngụy vẫn không chịu từ bỏ ý đồ xâm nhập, phá hoại miền Bắc. Từ ý đồ “tạo tiếng vang trong lòng đối phương’’ không thành, chúng chuyển sang bí mật bắt cóc cán bộ, nhân dân... và đưa máy bay trinh sát điện tử ra hoạt động trinh sát trên không phận của tỉnh. Đây là bước chuẩn bị leo thang cho việc đánh phá miền Bắc nói chung và Quảng Bình nói riêng sau này.
 
Tháng 2/1964, đế quốc Mỹ cho nhiều tốp máy bay tiếp tục đánh phá dữ dội vào TX. Đồng Hới và các vùng lân cận trong tỉnh. Phối hợp với lực lượng phòng không, quân và dân Quảng Bình đã đánh trả quyết liệt địch ngay từ đầu, bắn cháy, bắn rơi 13 máy bay. Chiến công oanh liệt của quân và dân Quảng Bình đã mở đầu hình thức chiến đấu hiệp đồng của lực lượng phòng không ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ).
 
Thực hiện ý đồ đưa cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, đêm 4/8/1964, Mỹ dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ’’. Ngày 5/8/1964, thực hiện kế hoạch “Mũi tên xuyên’’, Mỹ cho máy bay thực hiện 3 đợt tấn công vào Cửa Hội (Vinh) và căn cứ hải quân ở cảng sông Gianh. Trong trận đầu này, quân và dân Quảng Bình đã bắn rơi 3 chiếc máy bay và 1 chiếc khác bị hỏng.
 
Ngày 5/8/1964, Mỹ sử dụng hơn 60 máy bay trinh sát, máy bay tiêm kích, cường kích bất ngờ tấn công hầu hết các căn cứ, khu trú đậu và lực lượng tàu thuyền của hải quân trên tuyến ven biển miền Bắc từ Quảng Bình đến Hải Phòng, Quảng Ninh. Ở Quảng Bình, chúng đã đánh phá nhiều địa điểm, như: Cảng Gianh, cửa Roòn, đèo Ngang, Cự Nẫm, nhưng với tinh thần chiến đấu anh dũng, gan dạ, quân và dân Quảng Bình đã bắn rơi 2 chiếc máy bay Mỹ, chiến thắng đó mở đầu trang sử chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của quân dân Quảng Bình.
 
Ngày 16/10/1964, Mỹ cho máy bay trinh sát dọc tuyến đường chiến lược 12A, bắn phá địa bàn hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa. Ngày 26/10/1964, máy bay Mỹ ném bom, bắn rốc két xuống đồn Cha Lo. Ngày 18/11/1964, phát hiện ra phía Tây Quảng Bình có hai tuyến đường chi viện quan trọng (đường 12 và đường 16), Mỹ cho hàng trăm lượt máy bay trút bom dữ dội xuống miền Tây Quảng Bình. Trong bom đạn ác liệt của kẻ thù, tiếng hô vang vọng của Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 14 Nguyễn Viết Xuân: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn’’ đã trở thành khẩu hiệu bất tử, thể hiện tinh thần quyết đánh và quyết thắng của quân và dân ta trước cuộc chiến tranh phá hoại của kẻ thù.
 
Ngày 7/2/1965, lấy lý do “Trả đũa việc quân giải phóng miền Nam tiến công căn cứ Mỹ ở Pleiku”, đế quốc Mỹ cho 49 máy bay từ Đà Nẵng, tiến hành chiến dịch “Mũi lao lửa 1” đánh phá Quảng Bình, mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc. Địch tổ chức tập kích thành 2 đợt, nhưng đợt nào chúng cũng bị đánh trả quyết liệt. Trong trận đầu đọ sức với máy bay Mỹ đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng. Hình ảnh mẹ Suốt chèo đò chở bộ đội qua sông; chiến sĩ dân quân Nguyễn Văn Tối và các em bé Bảo Ninh phối hợp chiến đấu, tiếp đạn cho tàu hải quân đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần dũng cảm đánh địch của bộ đội...
 
Ngày 17/5/1965, Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay thứ 100, Bác Hồ đã gửi thư khen quân và dân Quảng Bình. Trong thư, Bác viết: “Bác vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình đã bắn rơi 100 máy bay giặc Mỹ, vừa qua lại thu hoạch vụ chiêm rất tốt. Như vậy là tỉnh nhà chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi. Các tỉnh khác hãy ra sức thi đua với Quảng Bình”. Lá thư động viên của Người đến với Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình trong thời khắc gian nan của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt, khi Tỉnh ủy Quảng Bình phát động phong trào thi đua “Hai giỏi” (chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi), quân và dân tỉnh nhà càng được tiếp thêm sức mạnh. Phong trào “Hai giỏi” đã trở thành một phong trào cách mạng mạnh mẽ, hiệu quả, có sức sống bền lâu với người Quảng Bình, đọng lại cho đến hôm nay.
 
Ngày 14/6/1966, Bác Hồ gửi thư khen Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay thứ 200. Ngày 9/4/1968, Bác gửi thư khen Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay thứ 400. Ngày 3/5/1968, Bác lại gửi thư khen Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay thứ 500 và bắn chìm 42 tàu chiến Mỹ. Hơn một tháng sau, ngày 27/6/1968, Bác lại gửi thư khen Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.000 trên miền Bắc...
 
Với tinh thần “Xe chưa qua nhà không tiếc”, “Đường chưa thông không tiếc máu xương”, các lực lượng công binh, các chiến sĩ lái ca nô, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, kể cả phụ nữ, thiếu niên đã dũng cảm phá bom, lấp hố, sửa đường, đưa phà, chèo đò cho bộ đội qua sông dưới làn bom đạn của địch. Trong hai lần chống chiến tranh phá hoại, quân và dân Quảng Bình đã bắn rơi 704 máy bay kể cả máy bay B52, F111, nhiều tên giặc lái bị bắt sống, 86 tàu chiến bị bắn chìm và bắn cháy.
 
Mặc cho chiến tranh tàn khốc nhưng người dân Quảng Bình vẫn kiên gan bám ruộng đồng, bám hố bom để sản xuất thâm canh. Nhiều “cánh đồng 5 tấn” xuất hiện. Hợp tác xã (HTX) Đại Phong trở thành lá cờ đầu miền Bắc, vinh dự được Bác Hồ viết bài khen ngợi và phát động để hơn 1.000 HTX miền Bắc thi đua học tập và vượt Đại Phong. HTX nông nghiệp Đại Phong, HTX nghề cá Quang Phú trở thành lá cờ đầu trong phong trào “3 nhất” toàn miền Bắc. Gương các anh hùng, như: Nguyễn Thị Kim Huế, Nguyễn Thị Suốt, Nguyễn Thị Khíu, Đinh Thị Thu Hiệp, Nguyễn Văn Số... mãi mãi là niềm tự hào về lòng quả cảm, tinh thần bất khuất của người dân Quảng Bình. Vườn hoa “Hai giỏi” đã nở rộ khắp muôn nơi; từ nông thôn đến thành thị, đủ các tầng lớp, lứa tuổi, ngành nghề trong xã hội. Đâu đâu cũng xuất hiện tấm gương chiến sĩ thi đua “Hai giỏi”.
 
Trong khi phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại vô cùng ác liệt của đế quốc Mỹ, vừa sản xuất vừa chiến đấu, nhân dân Quảng Bình vẫn làm tròn nghĩa vụ đối với cách mạng miền Nam. Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người’’ toàn tỉnh đã huy động đến mức tối đa mọi sức người, sức của cho tiền tuyến. Ngoài ra, Quảng Bình còn gửi hàng vạn người con ưu tú của quê hương tới khắp các mặt trận tham gia chiến đấu cùng với hơn 3.000 thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ tiếp vận tải thương.
 
Suốt trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại, Quảng Bình đã bảo đảm thông suốt con đường từ Bắc vào Nam để vận chuyển một khối lượng to lớn sức người, sức của cho chiến trường. Bên cạnh đó, mảnh đất Quảng Bình đã vinh dự được Quân ủy Trung ương chọn nơi để mở những con đường chiến lược quan trọng chi viện cho miền Nam. Thôn Phong Nha (Bố Trạch) là điểm xuất phát của con đường mòn Hồ Chí Minh “huyền thoại” trên bộ, cùng với các chi nhánh quan trọng, như tuyến đường 15 chạy dọc Trường Sơn, đường 12B từ miền Tây Tuyên Hóa qua Sê Pôn, đường 16 từ làng Ho huyện Lệ Thủy, đường 20 từ Phong Nha qua tỉnh Khăm Muồn... tạo thành một hệ thống đường chiến lược vĩ đại. Đây là tuyến vận tải quân sự chiến lược, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho các chiến trường. Đường Trường Sơn-Hồ Chí Minh và bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò to lớn chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia, góp phần to lớn vào thắng lợi ở các chiến trường.
 
Tháng 7/1959, Tiểu đoàn vận tải biển 603 được thành lập, đóng tại cửa biển sông Gianh với tên gọi là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Thuyền được ngụy trang giống thuyền đánh cá của ngư dân miền Nam. Thời kỳ ban đầu, đoàn tàu gồm các tàu vận tải cỡ nhỏ để thâm nhập vào miền Nam, mặc dù có số hiệu đầy đủ, song để giữ bí mật, các tàu này không sơn số hiệu lên thân tàu. Vì thế, những con tàu này được biết đến với tên gọi chung là “Đoàn tàu không số”. Bằng đường Hồ Chí Minh trên biển, “Đoàn tàu không số” đã kịp thời vận chuyển vũ khí, trang bị đến những địa bàn xa hậu phương, sâu trong vùng địch tạm chiếm, góp phần cho quân và dân miền Nam “đánh mạnh, thắng to”, lần lượt làm thất bại các kế hoạch chiến tranh của địch.
 
Trong những năm 1973-1974, nhân dân Quảng Bình đã nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển KT. Đặc biệt về giao thông vận tải, nhiều bến cảng, tuyến đường, cầu cống được phục hồi và xây dựng lại, bảo đảm tăng nhanh tổng khối lượng hàng vận chuyển phục vụ chiến trường. Sự chi viện về vật chất, cán bộ của Quảng Bình dồn dập trong hai năm đó đã góp phần tạo thêm sức mạnh cho Trị Thiên-Huế và miền Nam giành toàn thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình thực sự là vùng tuyến lửa của miền Bắc.
 
Trong hai lần thực hiện chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã sử dụng đầy đủ các loại máy bay, đánh vào Quảng Bình hơn 8 vạn lần (trong đó có 2.172 lần bằng máy bay chiến lược B.52), thả hơn 1,5 triệu tấn bom cùng hàng chục vạn quả rốc-két, tên lửa và tàu chiến đã bắn hơn 14 vạn quả pháo. Bom đạn Mỹ đã giết hại 12.330 người, làm bị thương 18.434 người. Đốt cháy và đánh sập hàng vạn nóc nhà. Trong khói lửa chiến tranh hủy diệt của kẻ thù, Quảng Bình đã rất xứng đáng với sứ mệnh mà cả nước giao phó. Vừa là tiền tuyến của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vừa là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam anh hùng.
 
Những chiến công xuất sắc của quân và dân Quảng Bình trên mặt trận sản xuất và chiến đấu đã được Đảng và Chính phủ tặng thưởng nhiều huân chương và nhiều danh hiệu cao quý. Có thể nói, mảnh đất, con người Quảng Bình trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước đã thu hút sự chú ý, lòng kính phục của nhân dân cả nước và bè bạn khắp năm châu, xứng đáng với tên gọi Quảng Bình “Hai giỏi”.
(Theo Tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
(Còn nữa)

tin liên quan

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn được bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Bố Trạch

(QBĐT) - Sáng nay, 16/4, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bố Trạch khóa XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức hội nghị lần thứ 37 để bầu chức danh Bí thư Huyện ủy.
 

Tuổi trẻ Đồng Hới đoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo, xung kích vì cuộc sống cộng đồng

(QBĐT) - Phát huy tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, thời gian qua, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. Đồng Hới đã chú trọng xây dựng tổ chức hội vững mạnh, tập hợp rộng rãi lực lượng TN, đẩy mạnh phong trào xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.
 

Đồng chí Phạm Trung Đông được bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh

(QBĐT) - Chiều 15/4, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quảng Ninh khóa XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức hội nghị lần thứ 24 (hội nghị bất thường) để bầu chức danh Bí thư Huyện ủy.