.

Giữ lấy hồn quê

Thứ Ba, 17/12/2013, 13:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Hôm trong bão số 10, giữa ngổn ngang, bộn bề của lo toan làm sao sớm an dân khi thiên tai vừa đi qua, Phó Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh Ngô Hồng Quân thảng thốt: "Cây đa làng Cổ Hiền bị bão xô đổ rồi chú ơi. Tiếc quá!". Tôi mường tượng về cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi sừng sững bên cạnh di tích lịch sử Hội trường của Đoàn 559- Bộ đội Trường Sơn ở xã Hiền Ninh. Cây đa trở thành linh thiêng trong tâm thức của những lớp người từng sống, chiến đấu, gắn bó với vùng nam Quảng Ninh một thời anh dũng, kiên cường.

 

Cây đa cổ thụ đã được phục dựng xong.
Cây đa cổ thụ đã được phục dựng xong.

Cây đa thiêng

Mười năm trước, khi tôi thực hiện loạt phóng sự dài kỳ "Bảo tàng cách mạng giữa lòng dân", cụ Nguyễn Hoan, lão thành cách mạng của huyện Quảng Ninh đã đưa tôi ra dưới gốc đa. Cụ bảo rằng: "Đất và người làng Cổ Hiền xưa, xã Hiền Ninh bây giờ chịu bao biến thiên, thăng trầm thời cuộc đều có sự chứng kiến của cây đa linh thiêng này. Người Cổ Hiền tứ tán, lập nghiệp trong nam, ngoài bắc... ai ai cũng đều nhớ đến gốc đa, cái biểu tượng khó phai trong tâm thức bao lớp người từ làng, từ gốc rạ, luống khoai mà đi. "Cây đa, giếng nước, sân đình mà!".

Tôi hỏi cụ: "Thế cội đa già ni có ai biết được mấy trăm tuổi?". Cụ  Nguyễn Hoan lắc đầu: "Từ thời khai hoang, lập làng thì đã thấy cây đa lớn xanh tươi, vững chắc nơi đất Cổ Hiền rồi. Không ai nhớ chính xác tuổi đời cội đa mô".

Sừng sững giữa đất trời... sừng sững giữa lòng người hàng trăm năm nay, cây đa Cổ Hiền như gom góp, hội tụ lại trong dáng đứng của mình một bề dày văn hoá, lịch sử, tâm linh. Trở thành hình ảnh rất đỗi thân thuộc, tự hào của cả một làng quê thuộc tứ danh hương huyện Quảng Ninh: "Văn, Võ, Cổ, Kim".

Ngoài di tích lịch sử Hội trường Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn sát dưới gốc đa thì không xa đó, trong hai dãy nhà cấp bốn, hiện đang trở thành một "bảo tàng cách mạng" của quân và dân xã Hiền Ninh, cả vùng nam huyện Quảng Ninh ghi dấu chiến công trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với hàng trăm hiện vật, tranh ảnh quý hiếm khó có thể tìm thấy lại nếu mỗi khi bị mất đi.

Trong tác phẩm: "Kể chuyện làng Cổ Hiền", cụ Nguyễn Hoan từng giới thiệu về những mốc lịch sử oai hùng diễn ra ngay tại nơi cây đa kiên cường bám đất, bám làng mặc cho bom đạn đế quốc Mỹ trút xuống làng. Cuối năm 1971 đến năm 1973, Bộ tư lệnh tiền phương Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn đặt đại bản doanh trên đất Cổ Hiền. Đường Hồ Chí Minh chi viện cho chiến trường miền Nam đi qua Hiền Ninh với bến phà Long Đại được mệnh danh "tọa độ lửa". Trong những tháng năm ác liệt đó, quân và dân Hiền Ninh được cây đa làng che chở, bình yên.

Đất Cổ Hiền, Hội trường Đoàn 559 từng đón Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm vào mùa xuân Quý Sửu 1973. Tháng 3-1973, Bộ tư lệnh Đoàn 559 tổ chức Đại hội mừng công sau 14 năm xây dựng tuyến vận chuyển chiến lược Trường Sơn chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam.

Cuối tháng 3- 1973, sau Đại hội mừng công, Bộ tư lệnh Đoàn 559 cùng Đảng bộ, nhân dân tỉnh Quảng Bình, huyện Quảng Ninh và Đảng bộ nhân dân xã Hiền Ninh nhận một nhiệm vụ đặc biệt được Chính phủ và Bộ Quốc phòng giao: tổ chức đón đoàn Quốc vương Campuchia Norodom Xihanuc cùng phu nhân từ Trung Quốc về Hà Nội, cắt đường Trường Sơn sang thăm vùng giải phóng Campuchia. Sau lễ đón tiếp và đưa Quốc vương Norodom Xihanuc về nước an toàn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng tiếp tục ở lại làm việc với Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn và nhân dân Quảng Bình.

Trong một lần về thăm chiến trường xưa, ghé lại di tích Hội trường Đoàn 559, nơi đặt đại bản doanh của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, chạm tay vào gốc đa xù xì, già theo năm tháng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên-Vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn một thời xúc động: "Chúng tôi hành quân vào nam, ra bắc, cứ gần đến nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh là biết ngay nhờ gốc đa này. Vươn lên giữa đất trời, không chút sứt mẻ vì bom đạn quân thù. Bộ đội Trường Sơn ghi nhớ, tri ân sự giúp đỡ về sức người, sức của, không quản ngại hy sinh của nhân dân Quảng Ninh, xã Hiền Ninh, làng Cổ Hiền trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cho đường Hồ Chí Minh mãi thông suốt vào nam".

Giữ lấy hồn quê

Chủ tịch xã Hiền Ninh Nguyễn Ngọc Hùng cho tôi biết: "Theo lời các cụ cao niên trong xã thì cội đa già có tuổi đời trên 300 năm. Còn xác định theo khoa học thì khi bị đổ, trước lúc xã quyết định cứu sống cây đa, một số cành lớn được tỉa bớt. Người ta đếm được mặt cắt của các cành lớn này có đến 270 vòng, tương ứng với 270 năm tuổi. Chúng tôi có thể tự hào rằng, huyện Quảng Ninh và cả tỉnh Quảng Bình, chỉ duy nhất cội đa làng Cổ Hiền là cao niên nhất".

Sau bão số 10, cây đa làng Cổ Hiền đổ sụp xuống sau hàng trăm năm đối mặt với thiên tai, bom đạn và cả thời gian, tuổi tác. Thật xúc động khi ngày ngày hàng trăm người dân đến ngồi thẩn thờ bên thân cây đa bị đổ. Các đồng chí lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh cũng đến thăm chia sẻ, động viên cùng bà con. Phương án cứu cội đa làng, giữ lấy hồn quê còn sót lại dù chưa định hình nhưng ai ai cũng đều quyết tâm. 300 tuổi, chiều cao ước tính trên 60m, đường kính gốc hơn 10m, khối lượng khoảng 50 tấn.

Trước một thân cây đồ sộ như vậy, việc cứu sống đa là một vấn đề cực kỳ khó khăn với chính quyền địa phương. Nhưng phải tiến hành gấp. Cứu sống cội đa làng là giữ lấy sự sống cho một di tích lịch sử, văn hoá, tâm linh lâu đời; giữ vững giá trị tinh thần to lớn cho người dân; gìn giữ một "tượng đài sống" cho văn hoá làng quê trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước, trước  ảnh hưởng của đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ.

Sau 9 ngày chuẩn bị từ họp hội nghị cốt cán ủy ban, xin ý kiến của lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh, tranh thủ ý kiến của các tầng lớp nhân dân rồi tiến hành cắt tỉa cành, tạo lại dáng cho cây, làm đường, liên hệ doanh nghiệp có đủ năng lực, phương tiện máy móc "cứu" cây..., đến ngày thứ 10 sau bão số 10 (Chủ tịch xã Nguyễn Ngọc Hùng nhớ đó là ngày 5- 9 âm lịch) công tác cứu hộ, phục dựng lại cội đa làng Cổ Hiền bắt đầu.

Trong tiếng máy gầm gào, hàng nghìn người dân Hiền  Ninh và các xã vùng nam Quảng Ninh tập trung chật kín cả khu vực Hội trường Đoàn 559 nín thở, hồi hộp dõi theo. Thời khắc cội đa già được cần cẩu vực đứng thẳng dậy, không gian như vỡ òa ra bởi tiếng reo hò. Mọi người ôm chầm lấy nhau, niềm vui rạng ngời trên từng gương mặt. Thành công ngoài sự mong đợi. Cây đa hàng trăm năm tuổi, nét văn hóa làng, hồn quê hương dung dị đã được cứu sống.

Giữa những người chờ đón tin vui, tôi bất chợt gặp cụ Nguyễn Hoan, dù ngoài 90 tuổi nhưng vẫn chống gậy đến xem. Ông cụ vui lắm, nụ cười móm mém... khi thời khắc cội đa già vững vàng, sừng sững tạc vào đất trời Hiền Ninh dáng đứng kiên trung như thuở nào. Anh Nguyễn Trung Chiến, người làng Cổ Hiền tâm sự: "Khi tôi lớn lên, đã thấy gốc đa to lớn như vậy rồi. Cây đa làng ôm ấp tình cảm bao người dân quê tôi, trở thành một phần máu thịt của những người con quê hương. Bão số 10 làm cây đổ, dân quê tôi buồn lắm. Nghe lãnh đạo xã quyết tâm bằng mọi cách cứu lấy cây đa, chúng tôi hy vọng tràn trề. Và hôm nay thì tôi cùng mọi người quá hạnh phúc".

Bây giờ mỗi lần có dịp công tác lên vùng nam huyện Quảng Ninh, tôi lại ghé thăm cội đa già, thấy sự hồi sinh của từng mầm non nhú ra từ trong thân cây xù xì, xám mốc, già cỗi. Cây đa già thực sự được cứu sống dù như lời chủ tịch xã Nguyễn Ngọc Hùng bảo là xã nhà đang còn nợ các đơn vị thi công đến gần 100 triệu đồng. Anh nói vậy rồi trấn an: "Nhưng nhà báo yên tâm đi nhá! Chủ trương hợp lòng dân, dân đồng tình và đang huy động sức dân đây!".

Ngô Thanh Long