.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản hò khoan Lệ Thủy

Thứ Hai, 09/12/2013, 15:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Mọi hình thức văn nghệ dân gian, đều thể hiện bản sắc văn hóa nơi nó sinh ra. Hò khoan Lệ Thủy cũng không nằm ngoài điều đó.

 

Nghệ sĩ hò khoan Hồng Hới và nhạc công.  Ảnh: P.V
Nghệ sĩ hò khoan Hồng Hới và nhạc công. Ảnh: P.V

Hò khoan Lệ Thủy là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, xuất hiện trong quá trình lao động sản xuất, mang tính tập thể rất cao. Thường thì một, hoặc một vài người lĩnh xướng còn đám đông đế, xố, phụ họa theo những cách thức riêng của từng làn điệu. Thông thường người đế, xố, phụ họa là đám đông có mặt, bao gồm già trẻ, gái trai hoặc những người cùng lao động, sản xuất, không có giới hạn số lượng, nên hiệu ứng đám đông hưng phấn rất mạnh.

Nhạc cụ của hò khoan, chỉ có trong các buổi diễn, thi thì mới dùng đến nhị, hồ, sáo, trống, sanh... (bộ dây và bộ gõ của dân ca) còn thông thường chỉ là những thứ đơn giản, gắn với công cụ lao động như chày giã gạo, mõ tre, sanh, gậy, mâm đồng, không có gì cả thì vỗ tay bắt nhịp... những thứ gì có thể tạo ra âm thanh cho "rập ràng" là được. Những câu hò, làn điệu của hò khoan thể hiện những giá trị nội dung cao đẹp của cuộc sống như: Tình yêu đất nước, quê hương sâu nặng bắt nguồn từ núi non, sông biển, cây đa, bến nước của nơi chôn nhau, cắt rốn.

Hò khoan Lệ Thủy luôn nhắc nhủ con người sống giữ trọn chữ hiếu, chữ trung, nghĩa nhân, chung thủy, mang tính nhân văn cao, sự bình đẳng gần đến như tuyệt đối. Đã vào hò là không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, chủ tớ, tuổi tác, nghề nghiệp, quê quán...  Tính chiến đấu bảo vệ quê hương trong hò khoan cũng được thể hiện rất sâu sắc.

Hò khoan Lệ Thủy gắn liền với đời sống của cư dân nông nghiệp với thôn xóm, nó là một thứ văn hóa đã ăn sâu vào tâm hồn người dân xứ Lệ. Mặc dù cư dân ở đây chủ yếu làm nghề lúa nước, cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn với khí hậu khắc nghiệt nhưng họ tìm đến với những làn điệu dân ca, hò khoan mộc mạc bằng tinh thần lớn, với ý chí quyết tâm cao, bỏ qua những trở ngại phía trước để vươn lên và mong muốn đạt được nhiều điều tốt lành trong cuộc sống hằng ngày, trong lao động cũng như trong giải trí.

Từ bao đời nay, hầu hết những câu hò đã được nâng niu, giữ gìn sau lũy tre xanh, trau chuốt thêm, sáng tạo thêm, ăn sâu vào máu thịt của bao nhiêu thế hệ người dân Quảng Bình. Sau một thời gian tưởng chừng mai một, hò khoan Lệ Thủy đang dần hồi sinh và hứa hẹn sẽ đưa dân ca tỉnh nhà phát triển mạnh.  Nhờ những con người lam lũ mà lại hiếu học, yêu đời, Lệ Thủy đã có cho riêng mình một di sản hò khoan vô cùng quý giá. Với người Lệ Thủy, dẫu có đi đâu, ở đâu, hai tiếng hò khoan vẫn vang vọng lên trong tâm hồn họ, lan truyền sang mọi người những cảm nhận về quê hương, về khát vọng sống tự do, về những buổi lao động nhọc nhằn của người nông dân lam lũ, một nắng hai sương. Dẫu trong khó khăn, cùng cực vẫn thuần hậu, mặn mà tình người.

Bên cạnh giá trị và sức sống đó thì hò khoan Lệ Thủy đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ.

Những người biết hát hò khoan ngày một ít đi, tuổi ngày càng cao, trong khi đó lớp trẻ lại không hào hứng và không có tâm huyết với các làn điệu hò khoan. Điều đó làm cho hò khoan khó có cơ hội được phát huy giá trị vốn có của nó. Sự xâm nhập và phát triển ngày càng mạnh mẽ của nhạc trẻ, của âm nhạc thị trường đã lấn át đi những làn điệu, những câu hò khoan thấm đẫm tình người, tình quê của quê hương vốn được ông cha ta sáng tạo nên.

Sự ra đời và hoạt động của các CLB hò khoan vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả, sự hoạt động không thường xuyên, kinh phí để hoạt động không nhiều và sự quan tâm của xã hội, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chưa cao, dẫn đến sự hoạt động không hiệu quả của các CLB hò khoan, chưa thu hút được lớp trẻ yêu thích hò khoan.

Để có cơ sở cho việc bảo tồn hò khoan Lệ Thủy, bước đầu Trung tâm Văn hóa Lệ Thủy đã sưu tầm, biên tập và xuất bản 2 tập hò khoan, làm cơ sở cho việc ghi âm dựng lại các làn điệu (mái hò) bằng giai điệu, âm thanh giọng hò Lệ Thủy. Một số nghệ nhân tích lũy vốn văn hóa hò khoan trong kho ký ức của mình đang âm thầm làm công việc bồi dưỡng "lực lượng hậu bị" cho hò khoan được nối dòng. Các nghệ nhân kia chính là vốn quý để dòng chảy hò khoan được tiếp nối liên tục, bền bỉ. Và chúng ta có thể hy vọng sự tiếp nối trường tồn của hò khoan khi nhìn thấy ngọn lửa đam mê đang được những thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau âm thầm, bình dị mà kiên trì.

Thời gian qua, một số trường học đã mở các buổi giao lưu, thi hát hò khoan giữa các trường với nhau, tạo nên không khí vui tươi, giúp các em ngày càng nhận thức được sâu sắc hơn giá trị của các làn điệu hò khoan và có ý thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản quê hương. Hàng tháng, mời các nghệ nhân hát hò khoan đến để kể chuyện, biểu diễn cho các em xem, giúp các em tìm hiểu sâu hơn về hát hò khoan.

Hò khoan Lệ Thủy là di sản văn hóa quý báu mà bao thế hệ người Lệ Thủy đã tích lũy, sáng tạo và chắt chiu gìn giữ. Bảo tồn là một nhiệm vụ cần thiết để các thế hệ con cháu chúng ta còn biết đến và còn được tận hưởng những giá trị tinh thần đó trong tương lai.

Hoàng Trọng Thủy