.

Tuyên Hoá với việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá

Thứ Tư, 11/12/2013, 16:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Tuyên Hóa là huyện miền núi, có diện tích tự nhiên 114.941ha, có 19 xã và một thị trấn. Địa hình nhiều đồi núi, khe suối, nhiều dãy núi đá vôi hùng vĩ, có nhiều truyền thuyết huyền thoại như: Lèn Tiên Giới (Đức Hoá); dãy đá vôi Lệ Sơn 99 chóp...

Đặc biệt trong những núi đá vôi lại có nhiều hang động kỳ vĩ mà trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã trở thành những căn cứ địa vững chắc, những công binh xưởng sản xuất vũ khí, sản xuất diêm, kho tàng, bệnh viện, trạm phẫu; nơi cất giấu vũ khí, tiền bạc, lương thực thực phẩm của Nhà nước và là nơi trú ẩn an toàn cho nhân dân...

Ngoài ra còn có nhiều hang động kỳ vĩ khác có thể khai thác làm du lịch như hang động Minh Cầm (Phong Hoá), hang Tiên (Cao Quảng), động Chân Linh (Văn Hoá)...Qua khảo sát của đoàn nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học năm 2007, đã phát hiện nhiều hang động trên địa bàn còn lưu giữ trầm tích, có khả năng tiến hành khai quật phục vụ nghiên cứu cổ sinh học.

Nhà thờ Đề đốc Lê Trực.
Nhà thờ Đề đốc Lê Trực.

Con người huyện Tuyên cần cù, thông minh, hiếu học. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này nhiều phong cảnh sơn thủy hữu tình với  hương đồng, gió núi tạo nên nguồn cảm hứng cho nhiều nhạc sỹ, nhà thơ sáng tác, khắc hoạ đậm nét về cuộc sống và con người Tuyên Hóa. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều tên đất, tên làng đã đi vào lịch sử như Lệ Sơn, Kinh Châu, Minh Cầm, chợ Gát, Thiết Sơn, Đồng Lào, Đồng Lê, Tân Ấp, Thanh Lạng...

Trong quá trình hình thành và phát triển, đến nay trên quê hương Tuyên Hóa còn để  lại nhiều di tích lịch sử, văn hóa qua các thời kỳ trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đã có  10 di tích lịch sử - văn hóa được công nhận, trong đó có 3 di tích lịch sử cấp Quốc gia (Mộ, nhà thờ Đề đốc Lê Trực thuộc xã Tiến Hóa; hang Lèn Hà thuộc xã Thanh Hóa và cầu Ka Tang thuộc xã Lâm Hóa), 7 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ngoài ra còn nhiều di tích lịch sử và danh thắng khác chưa được công nhận.           

Quán triệt Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII của BCH Trung ương Đảng  “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội, trong những năm qua, sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã được cấp uỷ chính quyền quan tâm. Có nhiều hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần tích cực xây dựng nền tảng tinh thần cho nhân dân, giữ gìn truyền thống và tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trên quê hương Tuyên Hóa.

Nhà lưu niệm khu di tích Lèn Hà
Nhà lưu niệm khu di tích Lèn Hà

Năm 2007, UBND huyện đã khởi công xây dựng Nhà truyền thống huyện,  khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2010 với tổng diện tích xây dựng 453m2, tổng vốn đầu tư  hơn 1,5 tỷ đồng, với hơn 500 hiện vật, chưa kể các loại tranh ảnh tư liệu khác phục vụ cho hàng nghìn lượt người xem.

Một số công trình văn hoá khác đã được huyện quan tâm xây dựng mới, tôn tạo và nâng cấp, như nghĩa trang liệt sỹ huyện, các nhà bia ghi tên liệt sỹ tại các xã. xây dựng Nhà bia di tích lịch sử Bãi Đức (nơi chi bộ Đảng đầu tiên ra đời); bia di tích nơi thành lập Trung đoàn 18 (làng Còi, xã Đồng Hoá) và bia di tích Hang lèn Đại Hòa (nơi khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất). Tôn tạo lại các di tích lịch sử đã được công nhận: mộ và nhà thờ Đề đốc Lê Trực; cùng với Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, phối hợp với Công ty Viễn thông liên tỉnh xây dựng mới nhiều hạng mục của khu di tích lịch sử hang Lèn Hà (nơi Trạm thông tin A69 được phong tặng đơn vị anh hùng LLVTND). Trong tương lai khu di tích này sẽ trở thành một điểm du lịch tâm linh cho khách thập phương.       

Về văn hóa phi vật thể, Tuyên Hóa có lễ hội đua thuyền hàng năm được tổ chức vào dịp Quốc khánh 2-9. Đặc biệt là hoạt động của câu lạc bộ ca trù Phong Châu thuộc xã Châu Hóa. Từ khi ca trù Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thì công tác bảo tồn và phát huy ngày càng hiệu quả, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó, hàng năm ngành Văn hóa và Thông tin huyện đã phối hợp với các cơ quan liên quan  tổ chức các hội diễn văn nghệ quần chúng và mở các lớp tập huấn hát dân ca cho các hạt nhân của các làng văn hóa, đơn vị văn hóa cũng như lứa tuổi thanh, thiếu niên trong huyện.

Về văn hoá ẩm thực, Tuyên Hoá có nhiều món ăn đặc sản ở nhiều miền quê khác nhau trên địa bàn như: bánh gai, bánh ít, nem chua với lá nem truyền thống, trước đây chỉ có trong dịp lễ Tết nhưng nay đều có quanh năm trên các chợ. Và còn nhiều  món ăn đặc sản khác như: canh chắt chắt nấu mít non, thịt bò kho lá lốt, cua đồng nấu khế, canh măng nấu với lá thuốc, chè xanh uống với mật ong, cơm gà Lạc Sơn (Châu Hoá)...

Năm 2012, Hội Di sản văn hoá Việt Nam huyện đã được thành lập. Tin chắc rằng trong thời gian tới, công tác gìn giữ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn ngày một được quan tâm, góp phần tạo nên sự khởi sắc mạnh mẽ trong đời sống xã hội về một môi trường văn hoá lành mạnh trên quê hương Tuyên Hoá anh hùng.

Hồ Duy Thiện