.

Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa của quê hương

Thứ Năm, 18/04/2013, 07:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Cụm di tích lịch sử chùa Phật Bà, miếu thờ Thành Hoàng làng, miếu thờ Cao Các Mạc Sơn ở thôn Phúc Kiều (Quảng Tùng) là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp về văn hóa truyền thống của Đảng bộ và nhân dân Quảng Tùng. Cụm di tích này mới đây vừa được UBND tỉnh công nhận danh hiệu di tích lịch sử cấp tỉnh.

Niềm tự hào của người dân Quảng Tùng

Quảng Tùng nằm giữa hữu ngạn sông Roòn, xưa kia nơi đây đã từng diễn ra nhiều cuộc chiến tranh giành lãnh thổ giữa các quốc gia Đại Việt-Chiêm Thành và chiến tranh Trịnh-Nguyễn. Đây là nơi hứng chịu nhiều đau thương mất mát và cũng là nơi tiếp cận, giao thoa nhiều luồng dân cư, nhiều nét sinh hoạt văn hóa Bắc-Nam, văn hóa Chăm Pa, Đại Việt. Cụm di tích lịch sử chùa Phật Bà, miếu Thành Hoàng làng, miếu Cao Các Mạc Sơn đã phản ánh đầy đủ, rõ nét văn hóa tâm linh của một làng quê Việt Nam.

Tương  truyền tại đây, người xưa đi làm ruộng đào đươc một tảng đá hình người, vô tình làm vỡ phía bên trái tảng đá, thấy có máu trong đá chảy ra nên dân làng cho rằng Phật Bà giáng thế để cứu độ chúng sinh, phù hộ độ trì cho dân làng. Vì vậy người dân dựng một ngôi nhà giữa cánh đồng để thờ Phật Bà, gọi là nhà Che (hiện nay, cánh đồng này vẫn được gọi là đồng Nhà Che). Sau đó, dân làng dựng chùa ở một núi nhỏ gần làng và thỉnh Phật Bà về thờ ở gian chính diện. Chùa Phật Bà có 3 gian được xây bằng đá, gạch, vôi, mái được lợp bằng ngói liệt, hai trụ hai bên của gian chính diện có biểu tượng cây bút và cuốn thư, trên trụ biểu có hai câu đối.

Dân làng kể lại rằng, từ khi thờ Phật Bà, dân làng luôn gặp nhiều may mắn, làm nông thì được mùa, làm ngư thì đánh bắt được nhiều tôm cá, gia đình đầm ấm, xóm làng yên vui. Dân làng đã hiến 6 sào ruộng gọi là ruộng Chùa để sản xuất phục vụ lễ, hội. Tiếng lành đồn xa, dân các làng phụ cận đều đến chùa dâng hương lễ Phật. Hàng năm, cứ đến ngày 10 tháng giêng là ngày lễ Phật Bà. Trước đây, vào ngày này, từ sáng sớm, ông sãi giữ chùa lấy nước ở Giếng Chùa tắm tượng Phật Bà, dân làng tập trung ở đình làng lấy gạo nếp của ruộng Chùa nấu xôi, đem đến làm lễ ở Chùa. Bà con trong xã và các vùng lân cận đều đội mâm cỗ đến chùa lễ Phật, cầu an. Văn hóa tâm linh ấy vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Chính quyền và nhân dân xã Quảng Tùng thường xuyên đến dâng hương tại cụm di tích lịch sử văn hóa chùa Phật Bà-miếu Thành Hoàng-miếu Cao Các Mạc Sơn.
Chính quyền và nhân dân xã Quảng Tùng thường xuyên đến dâng hương tại cụm di tích lịch sử văn hóa chùa Phật Bà-miếu Thành Hoàng-miếu Cao Các Mạc Sơn.

Trải qua thời gian dài, do lụt bão cũng như chiến tranh tàn phá, chùa chỉ còn lại gian chính điện không có mái che, nhưng chùa Phật Bà vẫn là nơi lễ phật tu tâm, tích đức của người dân trong vùng.

Cùng với việc thờ cúng tổ tiên thì tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng thể hiện ý thức về cội nguồn, về quê cha đất tổ trong tâm thức người Việt, Thành Hoàng làng là vị thần tối cao, chứng kiến toàn bộ đời sống của dân làng, bảo vệ và che chở cho dân làng làm ăn phát đạt, khỏe mạnh. Vì vậy, việc thờ Thành Hoàng làng là sợi dây vô hình giúp dân làng đoàn kết, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, bảo tồn nét đặc trưng riêng biệt của quê hương. Miếu Thành Hoàng làng nằm cao so với mặt đất 3,5m, được xây dựng theo lối kiến trúc dân gian bằng chất liệu đá tổ ong và vôi, có chiều cao gần 4m, rộng gần 2,5m.

Miếu Cao Các Mạc Sơn thờ vị thần Núi, thần chủ quản và bảo trợ một vùng rừng núi rộng lớn. Miếu có khuôn viên rộng, gồm có 3 miếu với kiến trúc giống nhau, đều có 3 tầng mái, trước các miếu có bình phong, trước 3 bình phong của từng miếu là bình phong chung của khu miếu. Do đời sống của nhân dân phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, đất và nước nên tập tục thờ thần Núi của dân làng nằm chung trong cộng đồng thờ thần núi của cư dân người Việt.

Cả ba di tích tạo thành quần thể di tích văn hóa lịch sử không thể tách rời của người dân địa phương và là niềm tự hào của người dân Quảng Tùng hàng trăm năm nay.

Chung sức bảo vệ di tích

Không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa tâm linh, cụm di tích lịch sử chùa Phật Bà, miếu thờ Thành Hoàng, miếu Cao Các Mạc Sơn còn mang đậm giá trị lịch sử. Nơi đây đã gắn liền với những sự kiện lịch sử tiêu biểu của quê hương. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là nơi cất giấu vũ khí, lương thực, nơi hội họp của Đảng bộ địa phương, của huyện, tỉnh mỗi lần mở chiến dịch chống Pháp. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đây là nơi đóng quân của các lực lượng bộ đội, pháo cao xạ làm nhiệm vụ bảo vệ đường, bảo vệ các bến Phà Ròon và là nơi cất giấu vũ khí, đạn được...

Nhận thức được những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn của cụm di tích, chính quyền địa phương và nhân dân trong xã đã cùng nhau chung sức góp công, góp của để tôn tạo lại khu di tích. Năm 2011, chùa Phật Bà đã được xây dựng lại khang trang, bề thế trên nền móng cũ. Các miếu cũng đã được trùng tu và tôn tạo.

Chính quyền địa phương luôn chú trọng đến việc tuyên truyền, gìn giữ và bảo tồn di tích thông qua các hoạt động của đoàn thanh niên trong xã. Bên cạnh đó, nhân dân trong xã còn thay nhau dọn dẹp vệ sinh cũng như trông nom và bảo vệ khu di tích.

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 15 âm lịch hàng tháng, bà con dân làng từ  khắp nơi đổ về dâng hương lễ chùa cầu an. Còn dân làng trong xã thì hầu như ngày nào cũng có người tới thắp hương. Đó như là nét tri ân đáng quý của người dân với quần thể di tích này.

Nằm trong tuyến du lịch Đèo Ngang-đền Công chúa Liễu Hạnh-Đá Nhảy, cụm di tích này sẽ là điểm đến lý tưởng của du khách tham quan, du lịch tâm linh nhằm góp phần phát triển kinh tế du lịch của tỉnh nhà.

                                                                         Phạm Thái Bình
                                                          Chủ tịch UBND xã Quảng Tùng