Chuyện những người "giữ lửa" ngôi đền thiêng...

Cập nhật lúc 14:01, Thứ Ba, 01/01/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Nằm ẩn mình giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết Thắng được ví như một biểu tượng cao đẹp về ý chí, niềm tin và sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Chính vì vậy, đối với những cán bộ đang ngày đêm quản lý, chăm nom khu di tích này, đây không chỉ là công việc thường nhật của họ, mà còn là niềm yêu thương, hãnh diện và tự hào.

Trang lưu niệm xúc động của một bạn trẻ.
Trang lưu niệm xúc động của một bạn trẻ.

...Sáng mùa đông ở vùng núi lạnh và buốt hơn so với ở dưới xuôi. Đặc biệt, càng tiến gần đến tiết xuân, khí trời lại càng bàng bạc, se sắt. Dù vậy, một ngày mới của anh Lê Thanh Lương, Trưởng ban quản lý Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết Thắng, cũng như 5 cán bộ khác đều bắt đầu bằng những việc làm không tên giản dị: đầu tiên là việc quét dọn, làm vệ sinh sạch sẽ toàn bộ khu đền.

Từng việc, từng việc một được các anh thực hiện chỉnh chu, nghiêm trang, lặng lẽ. Những nhát chổi đưa nhẹ nhàng như không muốn phá vỡ vẻ tĩnh mịch buổi sáng. Thậm chí, tiếng rót nước vào mỗi bình hoa trên bệ thờ cũng khẽ đến kỳ lạ. Sau một ngày đón tiếp nhiều đoàn khách đến dâng hương, nhất là về dịp cuối năm, lượng khách lại ngày một thêm đông, công việc mỗi sáng của những cán bộ nơi đây cũng vì thế mà nhiều hơn. Nhưng dù tất bật đến mấy, mọi thứ vẫn luôn theo trật tự lặng lẽ vốn có thường ngày của nó. Anh Lương cũng không quên nhắc nhở anh em đồng nghiệp hái thêm một ít hoa dại ven suối, hay ít lá rừng thơm mát để lên ban thờ các anh hùng liệt sĩ đường 20, như một lời tri ân của lịch sử.

Anh Lê Văn Lương gắn bó với công việc này đã được mấy năm. Người đàn ông có giọng nói khàn đanh này như hiểu rành rọt từng ngã rẽ, hang hốc dọc tuyến đường 20 huyền thoại. Quê ở xã An Thủy (Lệ Thủy), con cái ở cũng với bà ngoại tại thị trấn Kiến Giang (Lệ Thủy), vợ lại ở Sơn Trạch (Bố Trạch), anh Lương thường đùa: “Anh còn gắn bó nơi đây nhiều hơn ở nhà”.

Mà không chỉ riêng anh Lương, nhiều anh em trẻ khác cũng trong tình cảnh “một chốn bốn quê” tương tự như vậy. Anh Phạm Văn Duật có nhà ở tận thị trấn Bến Quan (Vĩnh Linh, Quảng Trị); gia đình anh Cao Thanh Nguyên, anh Trần Khánh Hòa đều ở huyện Minh Hóa; anh Nguyễn Sĩ Nam quê ở xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh), nhưng vợ con lại ở TP.Đồng Hới.

Mỗi tháng, mỗi người có 8 ngày phép, các anh chia nhau: người ở xa được “ưu ái” ngày về, người chưa lập gia đình lại “nhường” cho người đã yên bề gia thất. Cứ như vậy để ai cũng có thể gần hơn một chút với quê nhà, nhất là những dịp Tết đến xuân về.

Sáu anh em ở với nhau, thiếu bóng dáng đảm đang của người phụ nữ, nhưng cũng không vì thế mọi thứ trở nên bề bộn. Mà ngược lại, sự chu toàn, tỉ mỉ lại không hề kém cạnh là bao, cũng vườn rau xanh mướt, cũng đàn gà tăng gia, cũng cá khô phơi ngày mưa lũ...

Cái thiếu ở đây “chỉ” là điện, nước và sóng điện thoại để vơi bớt nỗi nhớ nhà. Nguồn điện chủ yếu nhờ vào máy phát, nên rất chập chờn và thường xuyên thiếu. Nguồn nước bơm từ suối lên, nên cứ vào mùa khô cạn nước hoặc mùa lũ nước đục, khiến các anh lại thêm lo lắng. Còn nhớ đợt mưa lũ lịch sử năm 2010, nước từ mọi nơi đổ về vùng lòng chảo này, khu di tích còn đón thêm nhiều đồng bào dân tộc, Bộ đội Biên phòng về tránh lũ, nên việc thiếu nước sinh hoạt cũng khá nan giải. Thiếu nước, thiếu điện, các anh động viên cố gắng vượt qua, riêng thiếu sóng điện thoại thì thật khó nói. Nhiều đoàn công tác muốn liên hệ để chủ động trong việc viếng thăm cũng khó, mà anh em muốn liên lạc với gia đình cũng gặp rất nhiều trở ngại.

Những công việc hàng ngày của các cán bộ Ban quản lý Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết Thắng đều diễn ra trong sự thành kính và trang nghiêm.
Những công việc hàng ngày của các cán bộ Ban quản lý Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết Thắng đều diễn ra trong sự thành kính và trang nghiêm.

Anh Cao Thanh Nguyên tâm sự mỗi lần có việc gấp hay nhớ nhà quá, anh em phải chạy xe máy đến nơi có sóng để gọi điện thoại. Anh Lê Thanh Lương còn day dứt nhớ mãi chuyện vì bận bịu công việc, anh đã quên một đám giỗ quan trọng ở quê nhà, trong khi, gia đình muốn gọi lên nhắc nhở lại không thể được. Có trường hợp trước đây một đồng chí trong Ban quản lý có người thân qua đời nhưng gia đình lại không thể liên lạc. Tại thời điểm đó, anh Lương đang nghỉ phép ở Lệ Thủy phải lên tận nơi để thông báo. Nhờ vậy, đồng chí đó đã về kịp quê nhà làm tròn chữ hiếu... Sắp tới, anh Lương cho biết đời sống tinh thần của anh em sẽ được cải thiện đáng kể khi một trạm thu phát sóng di động sẽ được xây dựng, “nối” những ngôi nhà dưới xuôi gần hơn vào vùng núi xa tắp.

Tuy vậy, những thiếu thốn thường nhật không hề làm phôi pha sự gắn bó trong công việc của mỗi cán bộ, khi hằng ngày họ đón nhiều đoàn khách thập phương về dâng hương tại Đền tưởng niệm và hang Tám TNXP. Từng chứng kiến nhiều giọt nước mắt rơi, nhưng anh Lương vẫn nhớ mãi hình ảnh các bạn trẻ đến đây đã khóc và để lại những lời tri ân sẽ quyết tâm noi theo tấm gương hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ trên con đường 20 huyền thoại.

Những người bạn nước ngoài cũng đã rơi lệ trước sự gan góc, quả cảm của người dân Việt Nam và mong ước cho một thế giới hòa bình, không chiến tranh. Họ đã vượt qua hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây số đến đây chỉ để thắp một nén hương tri ân cho các anh, các chị. Nhưng có lẽ, đối với những người “giữ lửa” nơi đây, dấu ấn đậm nét nhất là mỗi lần đồng đội năm xưa về thăm lại chiến trường – nơi lưu giữ ký ức của một thời mãi mãi không thể nào quên.

Những người lính cũng “hành quân” cầm theo những cây đàn ghi ta gỗ bạc màu, những chiếc võng Trường Sơn nhiều chỗ vá và cả những câu chuyện về một thời hoa lửa ngày xưa. Họ quây quần bên anh linh đồng đội, cùng đàn, cùng hát, cùng kể chuyện về những năm tháng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Đợt lễ truy niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường 20 Quyết Thắng nhân 40 năm ngày mất của các liệt sĩ tại hang Tám TNXP do UBND tỉnh tổ chức vừa qua, đã có rất nhiều đồng đội như thế trở về đây thăm các anh, các chị và cả hàng trăm những đoàn khách thập phương dừng chân ghé lại. Và đặc biệt, còn có cả thân nhân của một số anh hùng liệt sĩ chưa từng đặt chân đến nơi cha ông, anh em mình hy sinh, đã có dịp về lại, thắp một nén hương thành kính tưởng nhớ. Nhiều đoàn khách đã rất tin tưởng, gửi gắm cho anh em quản lý nơi đây để mỗi dịp mồng một, ngày rằm, các anh sẽ thay mặt họ dâng hương hoa cho vong linh các anh hùng liệt sĩ đường 20. Và có lẽ, đó là món quà niềm tin vô giá nhất mà anh em nhận được khi làm việc ở chốn linh thiêng này.

Anh Lương cho biết sắp tới công việc chắc chắn sẽ nhiều hơn bởi khu di tích sẽ mở rộng thêm những hạng mục như phòng trưng bày, phòng chiếu phim... Các anh cũng mong muốn có thêm cơ hội để nâng cao trình độ nghiệp vụ về thuyết minh... để không chỉ là những người “giữ lửa” mà còn góp phần một phần rất nhỏ là người “truyền lửa” đến các đoàn khách đến dâng hương, nhất là đối với bạn trẻ và người nước ngoài.

                                                                       Mai Nhân










 

,
.
.
.