Chùa Linh Quang

Cập nhật lúc 15:26, Thứ Bảy, 08/12/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Linh Quang tự (Chùa Linh Quang) còn gọi là "Động Hải tự", ở làng Động Hải xưa, nay là phường Hải Đình, TP. Đồng Hới, nằm ở tả ngạn sông Nhật Lệ, phía nam chợ Đồng Hới, tuy rằng đây là vùng bằng phẳng, thấp nhưng chùa ở vị trí một gò hơi cao hơn xung quanh một ít.

Chùa Linh Quang quay mặt về phía nam, hướng "Bát nhã". "Tả thanh long" là sông Nhật Lệ, "hữu bạch hổ" là đồi Diêm Điền, "tiền chu tước" là sông Luỹ (rào Lệ Kỳ), "hậu huyền vũ" là động Bùi Dùi ở Đồng Thành. Linh Quang tự được xây dựng năm 1776, cách đây hơn 200 năm. Lúc đầu, chùa làm bằng gỗ, lợp tranh, đến năm 1942 mới được xây dựng lại bằng gạch ngói to đẹp, đàng hoàng.

Linh Quang tự là ngôi chùa lớn, kiến trúc kiểu dọc. Ở cổng Tam quan có ba chữ Hán lớn "Linh Quang tự", vào trong sân khá rộng, có tường bao quanh, hai bên có những hàng cây hoa trúc đào nở đỏ quanh năm xen với những cây cảnh khác muôn màu muôn sắc, tạo nên một khung cảnh tĩnh mịch và thanh thoát. Tại tiền sảnh, sau bức rèm lớn là tượng Hộ pháp (bảo vệ Phật) trong tư thế quỳ vào trong, thanh gươm gác trên hai cánh tay chắp lại. Hai bên có chuông đồng lớn và trống đại.

Trong hậu điện, sau lớp cửa bàn khoa bằng lim là khoảng trống khá rộng cho các sư và phật tử hành lễ. Bậc thờ cao nhất là ba tượng Tam Thế, tiếp đến là bậc thờ các tượng Phật khác và Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát, tiếp đến là một hương án chạm trổ uy nghi thờ Ngọc Hoàng Thượng đế và hai vị Nam Tào và Bắc Đẩu đứng chầu hai bên. Trước hương án này là bàn tụng kinh. Trên cao bên trong có bức chạm gỗ dài cả gian: "Cửu Long", tức là chín con rồng lúc Đức Phật Thích Ca đản sinh đã phun nước tắm cho Ngài.

Hai bên hành lang bàn thờ Phật là hai dãy thờ "Thập điện" tức là 10 vị Minh Vương trong kinh Phật và các vị La Hán. Phía sau chính điện là bàn thờ tổ thờ các vị sư của chùa đã viên mãn, thờ tổ tiên, ông bà của các đệ tử đã quy y ở chùa. Phía trước hậu điện có hai tượng Thiên La (Ông Ác) và Địa Thần (Ông Thiện) cao đến 5 mét.

Chùa có quả chuông nặng 70kg. Trên chuông có 4 chữ Hán lớn "Động Hải tự chung" và những dòng chữ: "... Hoàng Văn Trong, thất trung Nguyễn Thị Hai tạo mãi thử chung chí Giáp Tuất niên nhị nguyệt thành tâm phụng cúng tại bổn thôn Phật tự. Gia Long tam thập niên nhị nguyệt nhị thập lục nhật". Như vậy, chuông chùa được cúng năm 1814 (năm Giáp Tuất). Hiện nay, quả chuông này để ở đình làng Đồng Hải, phường Hải Thành, do năm 1965, chùa bị bom Mỹ phá hủy, dân làng đem cất chuông và sau đó, họ sơ tán ra Hải Thành, xây đình và đem quả chuông này để trong đình.

Cứ mỗi buổi tối, một chú tiểu (còn gọi là "điệu"), mang theo cái khay đựng bộ thẻ tre láng bóng ngồi bên chuông lớn, đánh chuông. Cứ sau một tiếng chuông và câu niệm Phật, chú lấy ra một chiếc thẻ cho đến khi hết thẻ thì cũng là đến khuya mới thôi. Trước năm 1965, chùa do các nhà sư trụ trì là: Tiêu Vật, Trần Đình Huy pháp danh Vĩnh Ân (đệ tử của Hoà thượng Phổ Minh).

Vào dịp các ngày lễ lớn, tại chùa này, làng Động Hải đã tổ chức các lễ rất long trọng. Mỗi lần lễ, chùa cử hành chuông trống Bát Nhã. Cứ sáu năm một lần, năm tiếp sau lễ hội bơi trải "Lục niên cạnh độ", thì đến lễ Vu Lan, làng tổ chức trong ba ngày ba đêm, dân gian gọi là "đám chay" vì cúng toàn đồ chay, ngày thứ ba mới cúng mặn. Đàn chẩn tế có hai tượng Quan Âm Bồ Tát và Tiêu Diện Đại Vương làm bằng đồ mã (Ông Tiêu, là hoá thân của Quan Âm Bồ Tát thành quỷ mặt đen rất dữ tướng để cảm hoá bọn cướp trở lại dân lành).

Buổi sáng ngày khai mạc lễ hội là lễ Thượng Đại trường phan (lá phan bằng vải vàng dài có dán giấy các màu viết chữ Hán, treo cao trên ngọn cây tre còn ngọn nội dung là mời các cô hồn, những người đã mất về dự lễ siêu độ), sau đó khai kinh và lễ rước tượng Quan Âm và Ông Tiêu từ nơi các thợ mã lành nghề của làng đã làm sẵn, rất long trọng. Buổi tối là lễ lên đàn Chẩn tế. Sau khi khai lễ là lễ "Phóng sinh phóng đăng" trên sông Nhật Lệ với vô vàn đèn hoa đăng và chim bồ câu, chim sẻ, chim én.

Tại đại lễ này, tất cả các nhà sư trong vùng Động Hải và có mời một số sư ở Huế ra hành lễ. Nhân dân, các phật tử Đồng Hới và các vùng lân cận đến dự rất đông. Họ quỳ trước bàn Phật vái lạy và nghe các vi sư tụng kinh rất thành kính. Bộ phận các đệ tử phục vụ lễ vật, nấu nướng cũng rất đông, tất bật, tất cả cho cuộc lễ.

Tết Trung thu năm 1953, tại chùa đã tổ chức cuộc thi đèn trung thu cho thiếu nhi và dân làng tham gia với rất nhiều kiểu đèn rất đẹp, nhất là những chiếc đèn kéo quân. Giải nhất là một chiếc đèn kéo quân lớn.  
Trong kháng chiến chống Mỹ, Linh Quang tự đã bị máy bay Mỹ huỷ diệt, hiện nay, tại vị trí này là Công ty kinh doanh thuỷ sản Quảng Bình, cho nên không thể xây dựng lại chùa Linh Quang ở đây, thật đáng tiếc.

Vừa qua, các cụ cao tuổi hai phường Hải Đình, Hải Thành  đã thống nhất xin lãnh đạo thành phố, tỉnh cho xây lại chùa Linh Quang ở đồi cát Hải Thành, vốn do chùa Hoằng Pháp ở TP. Hồ Chí Minh tài trợ để thỏa mãn tâm linh người dân Đồng Hới vì đây vốn là một ngôi chùa lớn của Đồng Hới.

                                                                Ngọc Hiên Hiên
 

,
.
.
.