Vui buồn Hạc Hải

Cập nhật lúc 14:10, Thứ Ba, 06/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - “Bể Cạn, tên gọi Bình Hồ, thuộc huyện Lệ Thủy, từ các nguồn An Sinh, Cẩm Lý dồn về, trăm sông đổ đến, muôn mạch rót vào, gọi là Hạc Hải. Phía đông bắc thì bể xanh bát ngát cồn cát chập chùng. Phía tây nam thì nghìn núi thẳng như bình phong, trăm non dựng như ngọn giáo, mênh mông bể hạc- leo lẻo dòng trong, cá tôm sinh sản- le vịt lội bơi. Chài ngư thuyền củi đi về, dật khách du nhân lui tới. Hồ sơn một cảnh trăng gió lưng bầu, coi hệt thế giới ngũ hồ vậy...” (Ô Châu Cận Lục- 1555- Dương Văn An).

Hơn hai trăm năm sau, nhà bác học Lê Quý Đôn lại viết về Hạc Hải: “Thiển Hải ở huyện Lệ Thủy. Nước từ nguồn An Sinh, Cẩm Lý đổ về, trăm dòng tụ lại gọi là Hạc Hải. Phía đông bắc là động cát trùng điệp, phía tây Nam bức núi chắn ngang. Biển lớn muôn khoảnh mông mênh, chỗ sâu chỗ nông, giữa có một đường rất sâu cho thuyền ghe đi lại...” (Phủ Biên Tạp Lục- 1776).

Lại non hai trăm năm nữa, tôi đến Hạc Hải trong thân phận thằng bé cắt cỏ cho trâu vào kỳ đông giá. Ba tôi chèo lái, tôi chèo phất (chèo đẩy). Thuyền ra giữa mênh mông, cây cỏ nước non mây trời ngợp mắt, chim kêu cá quẫy xôn xao. Ông cụ đã cầm liềm bước xuống mà tôi còn luýnh quýnh:
- Cắt cỏ chỗ sâu ni hả ba? Răng không chọn chỗ nào cạn cạn?
- Không có chỗ cạn hơn đâu con!

Một cái gì như phản xạ tự nhiên kéo giật đôi chân tôi lên khỏi mặt nước:
- Lạnh quá ba ơi!
- Làm mạnh cho người nóng lên đi con!

Tôi vung liềm vì biết đoạn đối thoại đã hết. Sau lưng lít nhít bảy đứa con đến trường, ba tôi, chân giáo học bỏ ngang làm ruộng đã không còn đủ sức giảng giải. Dạo ấy, tôi cao chừng mét hai. Phần trên được hâm nóng bởi động tác cắt cỏ thật lực, nhưng phần dưới ngâm nước lạnh tím tái. Ngọc hoàn “thăn” lại như hạt tiêu, đau buốt. Ôi, Hạc Hải! Biển cạn!

Rồi, đò cũng đầy cỏ. Hai cha con mở mo cơm. Tôi đói ngấu hăng hái ăn những phần cơm không dính sắn. Ba tôi lặng lẽ và kiên nhẫn nhai những lát sắn khô và cứng, không mùi không vị. Lúc chèo đò về, ba tôi kể cho nghe về cái mà ngày nay chúng ta gọi là “Địa văn hóa”. Ông chỉ lên ngọn núi nhọn hoắt trên dãy Trường Sơn tên gọi Đầu Mâu, lại hướng ra triền cát ven biển có tên Đại Trường Sa mà lý giải câu ngạn ngữ: “Mâu Sơn vi bút- Hạc Hải vi nghiên- Trường Sa vi bản”, rằng thì là, núi Đầu Mâu là ngọn bút chấm xuống nghiên mực Hạc Hải viết lên trang giấy Trường Sa, mà đúc nên truyền thống hiếu học của quê hương. Trong tiếng gió ù ù tôi còn nghe ông ngâm hai câu thơ cổ:

Bể Hạc ai mài xanh sắc nước
Non Mâu tô điểm vẻ da trời

Nhìn xa lắc có một cánh buồm trôi man mác về phía đường chân trời. Có lẽ đó là lần hiếm hoi trong quãng đời trung niên làm việc như tự sát ba tôi có giây phút thăng hoa.

Chiến tranh! Tôi nhập ngũ. Lần về phép ngắn ngủi để đi B (bê), tôi gặp nàng, mười sáu tuổi, da ngăm mắt đen nụ cười xôn xao như gió Hạc Hải. Nàng bứt cây lác trên phá, chẻ đôi, phơi khô, dệt thành chiếu. Mặt phá vắng huơ, người lính mười tám tuổi đời đã liều mạng ghì chặt tấm thân thiếu nữ, nặng lời thề thốt, hẹn ngày về khi đất nước bình yên. Nàng khóc. Mùa hè bảy lăm, từ đô thành Sài Gòn giải phóng, tôi chạy về tìm. Không có tên em trong danh sách xã viên hợp tác xã chiếu cói. Con sáo sang sông, nghe nói, đã tay bế tay bồng, đầy sân hòe quế. Tôi chèo một chiếc thuyền ra Hạc Hải, nhìn suôt đáy “leo lẻo dòng trong” mà như còn thấy em mười sáu “mắt đen, da ngăm, nụ cười xôn xao...” ngày nọ. Nhưng mặt phá, bốn nghìn mẫu vuông, mênh mông mặt nước, hoang vắng và lạnh.

Rồi nữa, những cơn đói kinh niên thời hậu chiến cho người ta chặn dòng lấp phá, lấn dần mặt nước lợ với nguồn thủy sản quý giá tự nhiên bao đời nay giúp ngưới nghèo mưu sống. Mùa hè năm ấy, tôi tháp tùng đoàn du khảo của Giáo sư-Tiến sĩ Võ Hồng Anh đi thuyền ra mặt phá.

Giáo sư kể: “- Biết tôi về quê, ba tôi dặn phải đi thăm Hạc Hải. Tôi đang vội nghe loáng thoáng bèn hỏi lại, bạn của ba hả ba? Ba tôi cười cười không nói gì...”. Ông là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm ấy đã qua đại thọ chín mươi vẫn tha thiết với việc bảo tồn hệ sinh thái nước lợ. Chín giờ sáng, gặp một người phụ nữ ngâm mình dưới nước, trước mặt nổi lềnh bềnh cái chậu thau. Lúc lúc chị lại bỏ vào chậu một nắm hến ngao vừa mò dưới đáy phá. Cái thau đã lưng lửng đầy. Tôi ướm thử: “Chừng này bán ở chợ được khoảng bao nhiêu tiền hả chị?” – “Dạ, khoảng ba chục”. Ba chục! nhẩm tính ra gạo cũng được mươi loong, sống!

Hè năm nay, về quê Lệ Thủy không phải đi xe ngoằn ngoèo vòng vo nữa, cứ dọc ngang trên mặt phá mà kéo ga. Cữ đầu hè, đang vào vụ thu hoạch lúa chiêm. Sóng lúa bời bời vàng óng ả. Dọc đê quai dựng vô số xe gắn máy, chắc là có đoàn cán bộ tỉnh huyện gì đây về thăm đồng định sản!?. Lại gặp môt chiếc công nông đầu ngang chở đầy lúa đang chạy phành phạch. Một chiếc xe gắn máy trờ tới, đôi vợ chồng tuổi trung niên bước xuống, tay cầm liềm. Hóa ra, số xe máy dựng hàng hàng trên bờ là của bà con đi gặt lúa. Hiện đại quá và hoàn chỉnh quá như thể đang dung chứa một điều gì bất ổn. Nhìn ra hai bên bờ ruộng tịnh không nghe thấy tiếng chim kêu cá quẫy. Một hai gã đeo bình acquy xung điện cần mẫn dí “mỏ hàn” vào từng hang hốc, tận diệt. Bỗng vang lên một tiếng súng, tiếng nổ của đạn ghém. Một vài cánh chim hốt hoảng đập cánh bay lên, nghe vẳng xa gần có tiếng người cười hỉ hả. Phá kia rày đã nên đồng.

Ven lộ, người ta tải cát vào lấp ruộng lấy mặt bằng xây dựng, đấu thầu từng lô. Ngọn bút  Đâu Mâu vẫn thanh thoát trên Trường Sơn, chiều muộn, bóng đổ, chấm xuống nghiên Hạc Hải cạn mực, viết gì bây giờ?

Chừ đây Bình Hồ- Hạc Hải ơi! Không biết nên vui hay buồn, cứ thấy lòng hoang hoải như đang ngồi  trước mâm cỗ tú ụ thịt mỡ mà không thấy món tương cà dân dã.

                                                            Đồng Hới 10-2012
                                                          Nguyễn Thế Tường

 

,
.
.
.