Cự Nẫm đất anh hùng!

Cập nhật lúc 20:52, Thứ Bảy, 01/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Một chiều tháng Tám, tôi được ông giáo già Nguyễn Hữu Phi, người chắp bút cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Cự Nẫm” giai đoạn 1945 – 2005, đưa đi thăm những địa danh nổi tiếng trong lịch sử của “Làng chiến đấu kiểu mẫu” thuở xưa. Tôi ngắm nhìn những lũy tre trù phú ôm lấy làng quê, như thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng người dân Cự Nẫm với giáo mác, gậy gộc... vùng lên chiến đấu giữ đất, giữ làng thuở trước. Nói về Cự Nẫm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng khẳng đinh, đây là đỉnh cao phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh...

Ông Mai Văn Giá, chứng nhân của một thời lịch sử
Ông Mai Văn Giá, chứng nhân của một thời lịch sử

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Cự Nẫm là một vị trí chiến lược quan trọng. Không chỉ nằm trên điểm giao cắt của các con đường liên lạc bí mật của tỉnh từ vùng địch tạm chiếm nam Quân khu 4 ra vùng tự do Minh Hóa, Tuyên Hóa đến các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Cự Nẫm còn là tiền đồn phía đông, là chiếc áo giáp của vùng tự do Bố Trạch, đồng thời là vựa lúa, cung cấp lương thực, thực phẩm cho kháng chiến.

Vì vậy mà thực dân Pháp luôn âm mưu đánh chiếm Cự Nẫm. Hiểu rõ âm mưu của kẻ thù và thấy rõ tầm quan trọng của làng Cự Nẫm, chủ trương xây dựng “làng chiến đấu Cự Nẫm” ra đời.

Dù năm nay đã gần trăm tuổi, nhưng ông Mai Văn Giá (sinh năm 1916), một trong những người lính đầu tiên có mặt tại Cự Nẫm vào tháng 4-1947, sát cánh cùng nhân dân nơi đây rào làng chiến đấu, vẫn nhớ như in những năm tháng sục sôi khí thế cách mạng. “Hồi đó vũ khí thô sơ lắm, chỉ có giáo mác, gậy gộc. Và hầu hết “chiến sĩ” chỉ mới rời ruộng đồng, cày cuốc, vẫn còn ngỡ ngàng khi cầm vũ khí. Chỉ tinh thần chiến đấu giữ đất quê hương là ngùn ngụt dâng cao. Khi chủ trương rào làng chiến đấu được triển khai, Cự Nẫm bỗng chốc trở thành thao trường để những “chiến sĩ nông dân” hăng say luyện tập. Hết luyện tập lại lên núi chặt tre ri (một loại tre bản địa với mắt và gai sắc nhọn – P.V) để rào làng. Không khí chiến đấu rộn ràng và khẩn trương hơn bao giờ hết!”, ông Giá bồi hồi nhớ lại.

Để rào làng chiến đấu, Ủy ban kháng chiến Cự Nẫm đã huy động trên 7.000 lượt người, chặt 3 vạn cây tre, đào đắp hơn 10.000m3 đất đá và làm việc không quản ngày đêm trong nửa tháng. Hệ thống tường rào đã hoàn thành với 3 tuyến, mỗi tuyến cách nhau 20 – 30m, giữa các tuyến có bố trí trận địa chiến đấu, hầm trú ẩn, hào giao thông nối các trận địa và các tuyến với nhau. Đặc biệt là ở tuyến 3, ngoài hệ thống trận địa chiến đấu, hầm, hào giao thông được nối với trung tâm chỉ huy chiến đấu và đi về các thôn, xóm, gia đình. Trên các cây cổ thụ, dân quân đặt vọng gác, luôn có du kích canh gác suốt ngày đêm. Nếu có địch vào làng, lập tức sẽ phát tín hiệu báo cho các trạm gác ở mặt đất, tin báo sẽ tiếp tục được báo lên trung tâm chỉ huy...

Kể từ khi đánh chiếm được vùng đồng bằng ven biển Bố Trạch (tháng 3-1947 đến cuối năm 1947), giặc Pháp đã tổ chức 25 đợt hành quân lớn đánh chiếm Cự Nẫm nhưng chúng đều chuộc lấy thất bại thảm hại và phải rút lui trước sức mạnh của quân dân Cự Nẫm. Chiến lũy bằng tre ri và hệ thống hầm hào giao thông, vọng gác, đặc biệt là quyết tâm giữ đất, giữ làng của quân và dân Cự Nẫm đã đẩy lùi nhiều lần tấn công của địch. Vừa chiến đấu vừa chăm lo sản xuất để bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm. Nhưng quan trọng hơn cả là việc củng cố hệ thống chiến lũy, sẵn sàng đón đợi những cuộc tấn công của kẻ thù...

Trong những năm tháng đáng nhớ ấy, người Cự Nẫm không bao giờ quên những địa danh lịch sử như Rú Nguốn, Cồn Tro, Cồn Nàn, Đôộng Dôn, đồi Tăng Xê, đồi Vải Chết..., nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Hàng trăm tên giặc Pháp đã bị tiêu diệt, nhưng chúng ta cũng đã có nhiều hy sinh, mất mát. Đó là tấm gương chiến đấu và hi sinh của đồng chí trung đội trưởng dân quân Hoàng Trúc, của liên lạc viên Nguyễn Thị Lê, của các đồng chí Doãn Xuy, Phan Rớt, Nguyễn Giá. Họ đã làm tỏa sáng phẩm chất anh hùng cách mạng của quân dân Cự Nẫm.

Cự Nẫm hôm nay.
Cự Nẫm hôm nay.

Quyết tâm chiếm được Cự Nẫm, năm 1948, giặc Pháp đã nhiều lần tấn công nơi đây với vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại. Các cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt, nhưng cuối cùng địch đều chuốc lấy thất bại thảm hại. Sau những thất bại này, tên quan năm ở Đồng Hới đã gửi cho tên quan ba Su Séc Tơ, chỉ huy quân đội Pháp ở Hoàn Lão một bức thư mà chúng ta thu được sau ngày Hoàn Lão giải phóng, với những lời cay đắng: “Tôi lấy làm xấu hổ cho ngài, cho danh dự của một sĩ quan quân đội đại Pháp, khi nghe tin một toán dân quê mọi rợ đã đánh gãy cánh quân do ngài chỉ huy. Phải chăng đó là một thử thách đối với tài thao lược của ngài? Nếu ngày mai số phận hẩm hiu vẫn đến với binh sĩ, và cái làng Cự Nẫm ấy vẫn không bị dẫm nát dưới gót giày của đội quân viễn chinh Pháp, thì tôi tin rằng, vâng, tôi tin thế, lịch sử của ngài, một sĩ quan đã lừng danh ở châu Phi, sẽ ghi thêm một vết nhơ không bao giờ rửa sạch!”.

Và thực tế, gót giày của quân đội viễn chinh Pháp hùng mạnh đã không dẫm nát được làng Cự Nẫm. Ngược lại, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Cự Nẫm đã trở thành “làng chiến đấu kiểu mẫu”. Với việc xây dựng thành công làng chiến đấu, Cự Nẫm đã góp phần bảo vệ vững chắc vùng tự do phía tây của huyện Bố Trạch và của tỉnh; giữ vững đường dây thông tin liên lạc giữa các tỉnh phía nam Quân khu 4. Quân và dân Cự Nẫm đã chứng minh  rằng, làng chiến đấu là mô hình đánh giặc độc đáo của  nghệ thuật quân sự Việt Nam. Nó còn thể hiện tư tưởng quyết tâm bám làng, bám dân chiến đấu, một tấc không đi, một ly không rời vì thắng lợi chung của cuộc kháng chiến...

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua. Những lũy tre ri ngày xưa đã tiếp tục vươn cao, tỏa bóng, ôm lấy xóm làng Cự Nẫm. Những Cồn Tro, Cồn Nàn, đồi Tăng Xê, đồi Vải Chết... giờ đã xanh mát bóng cây. Cự Nẫm thanh bình như chưa từng trải qua những tháng năm lửa đạn. Nhưng trong ký ức của bao người dân nơi đây, dư âm những năm tháng hào hùng ấy vẫn còn mãi, và là động lực, là niềm tin để họ tiếp tục vươn lên, chung tay xây quê hương trong ngày mới. Lửa niềm tin vẫn cháy sáng trong bao thế hệ người dân Cự Nẫm. Tôi nhìn thấy điều đó trong ánh nhìn của ông Mai Văn Giá, chứng nhân của những năm tháng ác liệt; trong niềm tự hào của ông giáo già Nguyễn Hữu Phi khi tặng tôi cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Cự Nẫm, do ông chắp bút. Và tôi cũng nhìn thấy đIều đó trong từng ánh mắt trẻ thơ đang tung tăng đến trường, trong nụ cười hồn hậu của bác nông dân đang đắp đập, be bờ cho ruộng lúa...

Cự Nẫm, làng chiến đấu kiểu mẫu thuở xưa, đã và đang tiếp tục tỏa sáng phẩm chất của miền quê anh hùng trong thời đại mới!

                                                                         Ngọc Mai







 

,
.
.
.