Chuyện bên hai mái Trường Sơn

Cập nhật lúc 09:47, Thứ Tư, 03/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Hơn 20 năm nay, cán bộ, chiến sĩ Đội 589 (thuộc Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh), luồn rừng vượt suối để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên chiến trường Lào, cất bốc đưa về đất mẹ an táng. Chiến tranh đã lùi xa, kèm theo đó là vạn vật chuyển dời, trong khi thông tin về những chiến binh quả cảm năm xưa còn lại rất ít ỏi, nhưng với tình yêu đồng đội và sự trợ giúp của các bộ tộc Lào anh em, Đội 589 đã lật giở những ký ức mà cha anh họ đã từng đi qua trong cuộc trường chinh vệ quốc…

"Đội công tác đặc biệt"

Thượng tá Phan Đức Quý  đang kể về hành trình 20 năm tìm kiếm ba liệt sĩ Cúc, Phú và Đạo.
Thượng tá Phan Đức Quý đang kể về hành trình 20 năm tìm kiếm ba liệt sĩ Cúc, Phú và Đạo.

Đó là cách gọi thân thương, trìu mến nhưng không kém phần trân trọng mà người dân các bộ tộc Lào dành tặng cho cán bộ, chiến sĩ Đội 589 mỗi khi anh em trở lại đất Lào làm nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã hy sinh trong những năm tháng chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Hơn 20 năm qua, cứ đến tháng 10 là những cán bộ, chiến sĩ Đội 589 lại lên đường trở lại chính nơi những con đường, những mảnh đất mà cha anh họ đã từng đi qua trong cuộc vạn lý trường chinh bảo vệ Tổ quốc. Những địa danh ở các tỉnh Khăm Muộn, Bôly khămxay đã trở nên quen thuộc, và những người anh em bộ tộc Lào lại đón họ bằng tấm lòng yêu thương ruột thịt. Bởi, người Lào biết cán bộ, chiến sĩ Đội 589 là hiện thân của truyền thống, tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào đã được Bác Hồ và Chủ tịch Cayson Phomvihan xây đắp bền vững trong 50 năm qua: “Việt-Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Đây là lần thứ hai chúng tôi tiếp xúc với những con người làm nhiệm vụ đặc biệt của Đội 589. May mắn là trong lần này, người kể chuyện về “đội công tác đặc biệt” là thượng tá Phan Đức Quý, nguyên là Đội trưởng Đội 589 khi ông mới xuống tàu sau khi dự hội nghị về công tác tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ tại Hà Nội. Dự định ban đầu, cuộc gặp gỡ chỉ gói gọn trong vòng 30 phút, nhưng thượng tá Phan Đức Qúy đã ưu ái dành cho chúng tôi trọn một buổi sáng ngày hôm đó.

Ông kể, Đội 589 được thành lập vào năm 1989, từ đó đến nay, Đội đã tìm kiếm cất bốc được 2.115 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên chiến trường Lào, và 1.578 hài cốt liệt sĩ ở chiến trường trong nước. Nguồn thông tin chủ yếu để đi tìm liệt sĩ được Đội xây dựng và xử lý dựa trên sơ đồ mộ chí, thân nhân gia đình liệt sĩ, đồng đội, cán bộ và nhân dân Lào... cung cấp.

Trên cơ sở đó, sau khi đã phối kiểm thông tin Đội 589 xác định “tọa độ” có hài cốt liệt sĩ rồi bắt đầu xuất quân tìm kiếm. Như những nhà khảo cổ, phương tiện tìm kiếm của Đội 589 là các dụng cụ thô sơ và đào bới bằng sức người là chính. Để tìm được một ngôi mộ có hài cốt, các anh phải sàng lọc từng lớp đất, có trường hợp diện tích tìm kiếm rộng hơn 500m2.

Trải qua thời gian, phần lớn xương cốt của các liệt sĩ đã hòa vào với đất dưới những tán rừng hoặc dọc theo triền sông, triền suối nên di vật tìm được có khi chỉ là những chiếc nút, đôi dép cao su, mảnh xương nhỏ... Nhưng đó cũng là niềm hạnh phúc không dễ gì có được của cán bộ, chiến sĩ Đội 589, bởi vì "có những liệt sĩ chúng tôi phải ròng rã 20 năm mới tìm thấy", thượng tá Phan Đức Qúy nói.

Tìm kiếm liệt sĩ qua những lá thư

Nhấp chén trà xanh nóng hổi, thượng tá Phan Đức Qúy cho chúng tôi xem bức thư viết về cuộc chiến đấu, hy sinh của liệt sĩ Hoàng Văn Quán (quê ở Cẩm Yên, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), do đồng đội của đồng chí Quán ghi lại (ông Lê Xuân Tạo ở thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh-NV).

Theo bức thư này, thì liệt sĩ Hoàng Văn Quán nhập ngũ vào tháng 6-1968, chức vụ Trung đội trưởng pháo binh thuộc biên chế của đơn vị B2, C441,D22, mặt trận 972, QK4. Vào đêm 22 rạng sáng ngày 23-12-1972, đồng chí Hoàng Văn Quán cùng với đồng đội được lệnh pháo kích vào cụm cứ điểm của địch phía nam sông Xê băng pai (thuộc tỉnh Savannakhet) để hợp đồng tác chiến với các đơn vị bạn.

Đến đêm 27-12-1972, trên đường rút quân về hậu cứ, đơn vị của liệt sĩ Hoàng Văn Quán bị máy bay địch chặn đánh, xe pháo bị rơi xuống một chiếc cầu cách sông Xê băng pai khoảng 5km (trên đường 13 thuộc tỉnh Khăm Muộn). Khoảng 8 giờ 30 phút sáng 28-12-1972, một đại đội bộ binh địch kéo đến nổ súng đánh chiếm xe pháo của ta, đồng chí Quán đang nổ súng đánh trả thì trúng đạn hy sinh, các chiến sĩ còn lại của khẩu đội vội rút vào rừng mà không mang được anh theo.

Từ sơ đồ này, Đội 589 đã tìm kiếm  được liệt sĩ Nguyễn Xuân Long.
Từ sơ đồ này, Đội 589 đã tìm kiếm được liệt sĩ Nguyễn Xuân Long.

Ngoài bức thư ghi lại hoàn cảnh chiến đấu, đặc điểm địa hình, đồng đội của liệt sĩ Hoàng Văn Quán còn vẽ sơ đồ khu vực đồng chí Quán hy sinh. Căn cứ vào những tài liệu này, Đội 589 tuy chưa tìm thấy hài cốt liệt sĩ Hoàng Văn Quán nhưng lại tìm thấy liệt sĩ Nguyễn Xuân Long (quê Hà Tĩnh) cũng bị hy sinh trong trận chiến đấu đó.

Cũng từ nguồn thông tin do đồng đội của liệt sĩ cung cấp, năm 2011, Đội 589 đã tìm thấy di vật của liệt sĩ Ngô Đức Chí (quê ở Đại Phong, Phong Thủy, Lệ Thủy). Hiện những di vật này đã được chuyển cho Bảo tàng tổng hợp tỉnh để ghi lại một thời “Mãi mãi tuổi hai mươi” của những người con quê hương “Hai giỏi” đã từng sống, chiến đấu và hy sinh trên đất bạn Lào.

Thượng tá Phan Đức Quý tâm sự, trường hợp mà Đội 589 trọn vẹn 20 năm tìm kiếm là ba liệt sĩ Cúc, Phú, Đạo. Từ câu chuyện kể của ông Chan Xon, nguyên là Bí thư Huyện ủy Hin Bun vào năm 1990, Đội 589 đã xác định được vị trí cần tìm kiếm nhưng mất rất nhiều công sức, rất nhiều lần đào bới vẫn không phát hiện được nơi chôn cất của ba liệt sĩ này.

Thu thập thêm thông tin, đến năm 2011, Đội 589 trở lại chốn cũ sục tìm từng eo suối, bạt đồi mở lối, và rồi tất cả vỡ òa niềm vui khi tìm thấy hài cốt của ba liệt sĩ Cúc, Phú, Đạo dù vị trí cách điểm xác định ban đầu khoảng 5km. Nhưng như vậy vẫn chưa hẳn là kết thúc vì sắp tới phải sử dụng phương pháp xét nghiệm ADN mới xác định được thông tin cụ thể về các liệt sĩ này.

Nói về tình cảm của cán bộ và người dân các bộ tộc Lào, thượng tá Phan Đức Quý cho hay, nhờ dân vận khéo và đặc biệt là mối quan hệ truyền thống, thủy chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam-Lào nói chung, giữa tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn nói riêng nên cán bộ, chiến sĩ Đội 589 luôn được sự đùm bọc, giúp đỡ của cán bộ và nhân dân các bộ tộc Lào trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Từ trẻ em cho đến những cụ già tuổi cao sức yếu nhưng vẫn sẵn sàng cung cấp thông tin về các trường hợp cán bộ, chiến sĩ và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên chiến trường Lào để Đội 589 xác minh tìm kiếm.

Về những nhiệm vụ trong thời gian sắp tới, thượng tá Nguyễn Văn Chính, Đội trưởng Đội 589 cho biết, đơn vị đang tiến hành công tác chuẩn bị về phương tiện, quân số theo quy định, đồng thời xác định phương châm “ba cùng” với nhân dân Lào để làm tốt nghĩa cử “uống nước nhớ nguồn” đối với lớp cha anh đã vun đắp nên tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào.

                                                                                            Minh Văn





 

,
.
.
.