Hi sinh này cần ghi nhận xứng đáng

Cập nhật lúc 09:29, Thứ Sáu, 28/12/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Với sự kiện bi thương 13-1-1973 ở thôn Quyết Thắng (Thanh Trạch, Bố Trạch) chúng ta cần lưu ý thời điểm xảy ra. Chỉ 2 ngày sau đó, 15-1-1973, chính phủ Mỹ tuyên bố ngừng ném bom hoàn toàn miền Bắc để chuẩn bị cho việc ký tắt Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Paris ngày 23-1973 và tiến tới ký chính thức Hiệp định này vào ngày 27-1-1973. 14 ngày sau vụ thảm sát của máy bay Mỹ ở thôn Quyết Thắng, 14 ngày sau khi 156 chiến sĩ TNXP, cán bộ công nhân GTVT và người dân hy sinh thì toàn miền Bắc không còn tiếng bom rơi đạn nổ.

Đi từ Bắc vào Nam, trên muôn dặm đường xa ấy, ta sẽ thấy trùng trùng điệp điệp các mộ bia liệt sỹ, bằng chứng thiêng liêng và sinh động của tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Làm sao kể hết bao nhiêu máu của lớp lớp con dân đất Việt đã thấm xuống dải đất cong hình chữ S nhìn ra bao la biển Đông này. Cái giá của chiến thắng vĩ đại, của những huyền thoại kỳ tích không ai định được, không làm sao định được vì nó là vô lượng, là vô cùng, là sự thiêng liêng nhất của dân tộc này.

Sau mấy thập kỷ chiến tranh chống Mỹ kết thúc rồi, chúng ta vẫn đau đáu nỗi niềm đi tìm đồng đội, chúng ta vẫn không yên lòng khi nghĩ tới đâu đó còn có những sự hiến dâng hy sinh chưa được soi sáng, tôn vinh xứng đáng. Thế mới có huyền thoại mười cô gái ngã ba Đồng Lộc, hang Tám TNXP, Mười ba chiến sĩ thanh niên xung phong Truông Bồn...được tôn vinh xứng đáng làm xúc động hàng chục triệu, hàng trăm triệu con tim trong và ngoài nước.

Chất men yêu nước được khơi dậy hừng hực ở những sự kiện tri ân như thế và nó không bao giờ thừa dư đối với công cuộc dựng nước và giữ nước còn muôn vàn thử thách lớn lao đối với đất nước ta hôm nay. Đội ngũ thanh niên xung phong (TNXP) thật sự oanh liệt với sự đóng góp và hy sinh to lớn của họ vào các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc. Chuyện tôi kể sau đây là một ví dụ...

Dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại bia tưởng niệm ở thôn Quyết Thắng, Thanh Trạch.
Dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại bia tưởng niệm ở thôn Quyết Thắng, Thanh Trạch.

Thôn Quyết Thắng thuộc xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch có chiều dài khoảng 1,5 km, chiều rộng chừng 0,52 km chạy theo quốc lộ 1A. Thời chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc (1964-1973), dọc đoạn đường này có những trọng điểm giao thông mà máy bay, tàu chiến địch thường xuyên ném bom bắn phá rất ác liệt như Cống Bốn, Cống Mười, cầu Khe Nước và cảng Gianh cũng chỉ cách thôn Quyết Thắng khoảng 2 cây số. cảng Gianh, một trong ít bến xuất phát đầu tiên của những con tàu không số huyền thoại mang danh Tập đoàn đánh cá sông Gianh và đây là nơi tập kết, phân tán hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam.

Bất chấp bom đạn Mỹ, từ đôi vai, bàn tay chai sần bốc dỡ vận chuyển của hàng trăm cô gái chàng trai TNXP trẻ tuổi, của dân quân và nhân dân xã Thanh Trạch anh hùng, hàng hóa từ Cảng Gianh theo đường sông lặng lẽ đi đến Bến Mới (xã Liên Trạch), Khương Hà (xã Hưng Trạch), bến phà Xuân Sơn (xã Sơn Trạch), bến chợ Cuồi, chợ Vang, Minh Cầm (huyện Tuyên Hóa) để sau đó vượt vạn lý Trường Sơn vào miền Nam...

Là một thôn của xã Thanh Trạch vốn được mệnh danh lũy thép nam sông Gianh nổi tiếng với câu khẩu hiệu viết bằng thơ lục bát Hết nhà ta lại phá tường/ Không để xe tắc và đường ta hư, Quyết Thắng cũng phải gồng mình chịu đựng nhiều mất mát đau thương. Đầu tháng 9 năm 1967, máy bay Mỹ ném bom vào thôn tàn phá gần hết ruộng vườn cây cối, làm sập hàng chục hầm trú ẩn của dân thường, giết chết gần 100 người. Thế nhưng, trong sự bao bọc của nhân dân, các đơn vị TNXP C283 của Hải Hưng, Cù Chính Lan của Nghệ An, tiểu đoàn pháo cao xạ 214, đơn vị ra đa pháo 37 của tiểu đoàn Sông Gianh, đại đội 48, đại đội 54 vẫn bám trụ làm nhiệm vụ ở đây. Những mái nhà tranh ngấm bao mưa nắng, dựng đi dựng lại nhiều lần, những căn hầm chữ A không mấy rộng rãi được người dân nơi đây san sớt cho bộ đội, TNXP. Quân dân một lòng gắn bó với tinh thần Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Quyết tâm đánh Mỹ cực chừ sướng sau...

Trong những ngày tháng 4 năm 1972, xã Thanh Trạch, trong đó có thôn Quyết Thắng, trở thành mục tiêu đánh phá rất ác liệt của máy bay tàu chiến Mỹ. Người ta tính được có trên 100 vụ oanh kích với hơn 200 loạt bom các loại của máy bay Mỹ vào các cụm dân cư, kho tàng, bến bãi ở đây. Lần đầu tiên những quả bom lade (bom thông minh) được ném xuống Thanh Trạch.

Bom đạn chồng lên bom đạn, tàn phá nối tiếp tàn phá, nhưng bộ đội, TNXP, công nhân cảng và nhân dân không ai nản lòng nhụt chí. Mỗi kilogam  hàng hóa, vũ khí cho miền Nam lúc này quý giá, cần thiết đến bao nhiêu. Vì thế, hàng vẫn đến, vẫn đi trong nhịp chuyển động hối hả ngày đêm không chấm dứt, không ngưng nghỉ.

Sáng ngày 13-1-1973, các đơn vị TNXP Cù Chính Lan (Nghệ An), C283 (Hải Hưng), cán bộ công nhân đoàn 309 cảng Gianh cùng một số dân quân làm nhiệm vụ bốc vác, vận chuyển hàng hóa từ các tàu thuyền vào kho chuẩn bị cho đợt vận chuyển hàng hóa vào Nam bằng ô tô trong dịp đình chiến sắp tới. Mới tờ mờ sáng, máy bay trinh sát A3J, F101 của giặc đã quần đảo trên bầu trời để tìm mục tiêu.

Những đụn khói pháo mù bốc lên. Lũ máy bay F4H, F105, AD6 thay nhau bổ nhào ném bom, bắn rốc két, đạn 20 ly xuống Cảng Gianh, quân cảng Hải quân, bến phà, đồn biên phòng... 8 giờ sáng, các tốp F4H, F105 tập trung ném bom vào Cống Bốn, Cống Mười nhằm cắt đứt con đường giao thông từ Bắc vào Nam qua xã Thanh Trạch. Một loạt bom cắt từ hướng biển vào rơi vào thôn Quyết Thắng. Cuộc oanh tạc kéo dài đến 4 giờ, gây ra không ít tổn thất về người và của cải.

Những kỷ vật của các liệt sĩ đang được lưu giữ tại Chi hội CCB thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch. Ảnh: Cảnh Giang
Những kỷ vật của các liệt sĩ đang được lưu giữ tại Chi hội CCB thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch. Ảnh: Cảnh Giang

Trưa. Dù đã ngớt tiếng máy bay quần đảo rú rít nhưng trên nhiều nẻo đường xã Thanh Trạch vẫn sặc mùi bom đạn. Anh chị em TNXP, công nhân Cảng, bộ đội xăng dầu Binh trạm 16 tranh thủ về thôn Quyết Thắng ăn cơm, số thương vong được chuyển đến bệnh xá dã chiến để cấp cứu, người già trẻ em hối hả sơ tán đề phòng B52 đến ném bom rải thảm. Bát cơm chưa được xới ra, người bị thương đang băng bó giữa chừng, cụ già trẻ em đang dắt díu nhau chạy trên đường thì đùng đùng, mấy quả pháo mù của hai chiếc trinh sát đã được ném xuống Cống Mười và thôn Quyết Thắng. Tức thì, mấy tốp máy bay F4H vẫn thường được gọi là Con ma lao xuống cắt bom. Bom tạ, bom sát thương nổ chát chúa, chớp lửa nhoáng nhoàng, mảnh sắt bay vun vút rào rào.

Thôn Quyết Thắng bị nhấn chìm trong biển khói lửa mịt mù, cây cối bị tàn phá tan hoang, xác người chết rải ra khắp nơi. Suốt cả buổi chiều và đêm hôm ấy dân Thanh Trạch, dân Quyết Thắng gạt nước mắt tìm kiếm, khâm liệm, chôn cất 156 người hi sinh trong cuộc oanh tạc mang tính thảm sát của máy bay Mỹ. Quan tài không đủ, nhân dân phải dùng đến chăn chiếu, vỏ bao gạo bằng ni lon để gói thi hài không còn mấy nguyên vẹn của các liệt sĩ và người thân.

Trong số 156 người bị giết hại trong trận oanh kích của máy bay Mỹ tại thôn Quyết Thắng có rất nhiều TNXP ở các đơn vị Cù Chính Lan (Nghệ An) và C283 (Hải Hưng). Trong 32 người dân ở thôn Quyết Thắng bị giết hại có 12 trẻ em. Riêng C283 TNXP đã có 35 chiến sĩ hy sinh trong đó có 12 nữ.
Nói bao nhiêu, viết bao nhiêu cũng không hết nỗi đau thương và lòng kính trọng với những con người hy sinh vì Tổ quốc khi tuổi đời còn rất trẻ như thế.

156 người (trong đó phần lớn là TNXP) ra đi trong ngày 13-1-1973 là biểu tượng của sự HY SINH VÌ TỔ QUỐC trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của chúng ta. Đó cũng là bằng chứng vạch trần tội ác chiến tranh tàn bạo do đế quốc Mỹ gây nên cho nhân dân Việt Nam. Đó cũng là tổn thất, đau thương vô cùng lớn của nhân dân ta trong các cuộc chiến tranh yêu nước bi tráng. Thôn Quyết Thắng cùng với những Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Hang Tám TNXP...là những sự tích bi tráng cần được khắc ghi, cần được tôn vinh xứng đáng.

Ngày 30 tháng 10 năm 2011, UBND tỉnh Quảng Bình ra quyết định công nhận xếp hạng di tích lịch sử đối với sự kiện 13-1-1973 ở thôn Quyết Thắng với tên gọi vụ thảm sát thôn Quyết Thắng. Như vậy, phải chờ đến 38 năm sau sự kiện bi tráng ở thôn Quyết Thắng mới được xếp hạng di tích lịch sử ở cấp tỉnh. Cho đến bây giờ, ở nước ta rất ít người biết đến sự hy sinh của gần 100 chiến sỹ TNXP ở thôn Quyết Thắng trong ngày 13-1-1973.

Thiết nghĩ, Nhà nước cần sớm công nhận vụ thảm sát thôn Quyết Thắng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Nên có một công trình tưởng niệm tương xứng với sự hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của gần 100 TNXP trong ngày 13-1973 ở thôn Quyết Thắng.

                                                                           Nguyễn Hữu Qúy






 

,
.
.
.