Địa đạo Văn La: Tìm lại dấu xưa...

Cập nhật lúc 07:15, Thứ Ba, 11/12/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo Quốc lộ 1A, cách thành phố Đồng Hới về phía nam khoảng 6km có địa đạo Văn La thuộc thôn Văn La, xã Lương Ninh (Quảng Ninh).  Địa đạo Văn La là địa đạo đầu tiên và duy nhất ở Quảng Bình đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Bia di tích vinh danh:
Bia di tích vinh danh: “Đây là công trình
địa đạo đầu tiên và duy nhất ở Quảng Bình”.

Địa đạo độc nhất ở Quảng Bình

Khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc cũng là lúc Quảng Bình phải oằn mình gánh chịu những trận mưa bom đạn suốt ngày đêm.

Từ năm 1966, làng Văn La (xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh), nơi có địa bàn tiếp giáp với phà Quán Hàu, Quốc lộ 1A, được mệnh danh là vùng “cán soong”, là “yết hầu” của cầu nối giao thông giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, trở thành một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Các hầm, hào trú ẩn tại nhà không còn đủ an toàn với những quả bom có sức công phá lớn.

Ông Hoàng Minh Luyên (76 tuổi), nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Lương Ninh nhớ lại: “Ngay từ chiều ngày 29-6-1966, địch đã ném bom bắn phá dữ dội bến phà Quán Hàu để cắt đường. Cấp trên chỉ thị bằng mọi giá phải thông đường để bộ đội qua. Hằng trăm người dân và dân quân du kích xã Lương Ninh được huy động để làm đường. Dưới làn mưa bom đạn đêm hôm đó, 2 dân quân đã hi sinh và mười mấy người cũng bị thương.

Trước tình hình đó, với quyết tâm “mỗi người dân là một chiến sĩ kiên cường, mỗi thôn xóm là một pháo đài vững chắc”, kiên quyết “bám đất, bám làng, bám hố bom, một tấc không đi, một ly không rời, vừa sản xuất vừa chiến đấu”, Đảng uỷ xã Lương Ninh đã tổ chức cho nhân dân Văn La đào địa đạo làm nơi trú ẩn.
Đồi Hoàn Vũ thuộc làng Văn La, nơi có địa thế cao, cây cối rậm rạp vừa gần với khu dân cư và cánh đồng, thuận lợi cho nhân dân trú ẩn mỗi khi địch ném bom, được chọn làm nơi đào địa đạo.

Ông Luyên kể: “Tháng 6-1966, địa đạo được khởi công. Sau hơn một năm mới hoàn thành được đoạn 1 (khoảng 100m), do cấu tạo địa chất vùng đồi Hoàn Vũ chủ yếu là đá giăng, rất cứng và khó đào. Dụng cụ để đào lúc đó rất thô sơ, chỉ là cúp, nỏ (loại xà-beng ngắn), búa và đục. Nói là đào nhưng chủ yếu là đục đá. Trong khi đời sống thời chiến vô cùng khó khăn, cơm gạo không đủ ăn, bữa sắn bữa khoai. Để đào thông được địa đạo này, không những mồ hôi và nước mắt mà cả máu của nhân dân đã đổ xuống đây. Đồng chí Nguyễn Thựu, Trung đội phó dân quân xã bị trúng bom hi sinh trên đường đi đào địa đạo trở về”.

“Địa đạo được đấu nối với một hệ thống giao thông hào tỏa ra khắp thôn xóm, đến tận từng nhà dân, đến tận cánh đồng gần đó. Gặp lúc nguy cấp, ai cũng có thể vào đây trú ẩn an toàn. Sau khi đào xong đoạn 1, trường học, trạm y tế của xã đều được sơ tán về đây. Các đơn vị bộ đội, lực lượng bảo vệ bến phà Quán Hàu bị thương cũng được đưa vào địa đạo. Những chiến sĩ lái xe chở hàng vào miền Nam, các em nhỏ sơ tán từ miền Nam ra, đi ngang qua đây, gặp lúc máy bay thả bom, pháo địch bắn từ biển vào cũng vào đây trú ẩn”, ông Luyên tự hào.

Lãng quên và xuống cấp

“Khi đoạn 2 (khoảng 100m) đào được khoảng hơn 50m thì có đình chiến, do đó không đào tiếp nữa. Nhưng địa đạo vẫn là nơi che chở an toàn cho nhân dân cho đến khi Hiệp định Pa ri được ký kết (1973). Từ đó đến nay, hệ thống giao thông hào đã bị vùi lấp, còn địa đạo thì dường như đã bị lãng quên và ngày càng xuống cấp, hư hỏng”, ông Luyên nói.

Cỏ mọc um tùm che khuất cửa ra  vào địa đạo.
Cỏ mọc um tùm che khuất cửa ra vào địa đạo.

Nếu không có người chỉ dẫn, chắc tôi không thể biết được địa đạo nằm ở chỗ nào dù cách đó vài bước chân có một tấm bia đá có ghi  “Di tích lịch sử địa đạo Văn La”. Tấm bia đá vinh danh: “Đây là công trình đầu tiên, duy nhất ở Quảng Bình - thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, kịp thời của Đảng bộ huyện Quảng Ninh. Sự đoàn kết, gắn bó của Đảng bộ và nhân dân xã Lương Ninh vượt qua gian khổ, khó khăn, tạo cơ sở vững chắc để nhân dân bám đất, bám làng sản xuất, chiến đấu, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Ở cửa chính, cỏ mọc um tùm che khuất cả lối vào. Chúng tôi phải dọn sạch đám cây bụi mới tiếp cận được địa đạo. Ông Lê Xuân Hồng, Trưởng thôn Văn La cho biết: “Vào mùa hè, lũ trẻ ở đây thường rủ nhau vào địa đạo bắt dơi, còn mùa này thì trong lòng địa đạo ẩm ướt do nước mưa đọng lại, không thoát ra ngoài được nên không ai vào. Sau khi được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử, năm 2010, địa đạo Văn La mới được đầu tư xây dựng một con đường dẫn vào đây và xây dựng cống thoát nước cho địa đạo”.

Nhưng khốn nỗi, nền cống thoát nước cao hơn nền địa đạo nên nước không thể thoát ra ngoài. Chúng tôi muốn vào trong nhưng không thể vào được. Tìm đến 2 cửa còn lại nhưng chúng chỉ còn là dấu tích. Bởi, hiện nay 2 cửa này đã bị người dân vùi lấp để trồng cây. “Chẳng những thế, trong lòng địa đạo đã có 2 chỗ bị sập”, ông Hồng cho biết thêm.

Vậy, từ đó đến nay, có ai vào tham quan không? Ông Hồng trả lời: “Không. Mà nếu có người đến tham quan thì làm sao vào trong đó được. Có vào cũng chỉ vào được 1 đoạn thôi vì 2 cửa kia bị lấp khiến không khí không lưu thông được”.

Địa đạo Văn La được đào trong thời gian hơn 1 năm, từ tháng 6-1966 đến cuối năm 1967. Địa đạo được thiết kế hình chữ L, dài 150m nằm sâu dưới lòng đất 5m, chiều rộng 1,5m, cao 1,8m, có 3 cửa ra vào, với sức chứa trên 300 người.

Năm 2005, địa đạo Văn La được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

                                                                  Dương Công Hợp


 

,
.
.
.