Hồi sinh làng chiếu cói An Xá

Cập nhật lúc 13:31, Thứ Sáu, 28/12/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Nép mình bên dòng sông Kiến Giang thơ mộng, làng An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy) được người dân khắp cả nước biết đến không chỉ là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ở đây còn là nơi lưu giữ và phát triển có hiệu quả nghề dệt chiếu cói truyền thống nổi tiếng khắp vùng.

Theo các cao niên trong làng, nghề làm chiếu cói xuất hiện tại An Xá cách đây khoảng 600 năm về trước. Lúc này, An Xá là vùng hạ lưu sông Bình Giang, phía hữu ngạn là một doi đất phù sa bồi tích.

Hàng năm, doi đất ấy cứ dài ra và cao thêm, tôm cá nhiều, chim muông lắm. Hình thế doi đất đẹp tựa Vĩ Long, người dân An Xá Hạ đến đây đánh bắt chim, cá trú ngụ qua đêm rồi dần dà dựng lên lều trại sinh sống. Khi đã đủ mặt 12 dòng họ, ngoài 2 nghề chính là nông và ngư, người dân nơi đây đã phát triển nghề dệt chiếu cói được mang theo từ miền Bắc vào. Cụ Ngô Khai, người có công lập làng khai đất An Xá hồi đó đã đứng ra khuyến khích người dân tham gia nghề dệt chiếu cói nhằm có thêm thu nhập lúc nông nhàn và nghề này đã sớm lan truyền ra 70% hộ dân trong làng.

Ông Bùi Hữu Sơn, Trưởng thôn An Xá cho biết: An Xá hiện có 107 hộ với 1.780 nhân khẩu, trong đó có 83 hộ tham gia nghề sản xuất chiếu cói. Cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác, nghề chiếu cói An Xá trải qua bao thăng trầm của lịch sử, có lúc bị mai một và cũng có thời điểm được xem là “thịnh vượng”.

Từ năm 2000, nghề chiếu cói bắt đầu phát triển ổn định với tổng giá trị thu nhập toàn thôn đạt khoảng 1,6 tỷ đồng/năm. Xác định nghề chiếu cói là khâu đột phá trong hướng giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân, lãnh đạo xã Lộc Thủy và thôn An Xá đã rất quan tâm đến việc xây dựng làng nghề chiếu cói. Năm 2010, thôn đã tạo điều kiện chuyển toàn bộ cơ sở vật chất trường tiểu học khu vực An Xá cho ông Trần Hữu Trung thuê làm mặt bằng thành lập HTX làng nghề chiếu cói An Xá.

Xã viên HTX làng nghề chiếu cói An Xá đang dệt chiếu bằng máy công nghiệp.
Xã viên HTX làng nghề chiếu cói An Xá đang dệt chiếu bằng máy công nghiệp.

Với diện tích khuôn viên 2.000 m2 và khu nhà gồm 7 phòng dùng làm xưởng sản xuất, HTX đã mạnh dạn đầu tư mua 3 máy dệt chiếu công nghiệp với giá trị trên 300 triệu đồng để nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm. Hiện tại, HTX đã thu hút 29 xã viên (bình quân thu nhập từ 1,8 đến 2 triệu đồng/người/tháng), sản xuất quanh năm với số lượng bình quân 30 sản phẩm/ngày.

Sản phẩm chiếu An Xá sản xuất được bao nhiêu tiêu thụ hết đến đó với giá bán ra thị trường từ 50.000 đến 130.000 đồng/chiếc, tùy theo kích cỡ và chất lượng sản phẩm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chiếu cói An Xá chủ yếu là các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Người An Xá xưa vốn cần cù, chăm chỉ, thông minh và trí tuệ, biết khai thác và giữ gìn đồng cói ven bờ Hạc Hải, nguồn tài nguyên vô tận trời cho làm của riêng mình để dệt thành những chiếc chiếu đẹp, bền, bán phục vụ mọi tầng lớp nhân dân trong vùng.

Còn ngày nay, người An Xá đã biết chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ sản xuất quanh năm bằng việc tự tay mình trồng lên cây cói. Hiện An Xá đã có diện tích vùng cói nguyên liệu 7 ha, diện tích cây đay là 2 ha và con số này sẽ còn tăng lên trong những năm tiếp theo nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đối với với người dân An Xá, nghề chiếu cói có bản sắc độc đáo và mang tính riêng biệt, nó gắn bó và rất gần với đời sống sinh hoạt của người nông dân Việt Nam.

Chị Võ Thị Thu, xóm 3, thôn An Xá khi được hỏi theo nghề dệt chiếu cói bao lâu rồi, chị cười giòn, bàn tay vẫn thoăn thoắt đan những sợi cói: dân trong làng đều xem nghề này là nghề cha truyền con nối. Chưa đến 10 tuổi, bọn trẻ trong làng đã biết dệt chiếu và chị cũng không ngoại lệ. Rồi chị giải thích thêm, nguyên liệu để làm nên một chiếc chiếu gồm cói và đay. Nghề này ít vốn, có thể làm vào những lúc nông nhàn, rảnh rỗi việc nhà.

Sản phẩm chiếu làm ra để tại nhà có các đầu mối đến thu mua, hoặc mang đi bán tại các chợ trong vùng và địa phương lân cận. Trung bình mỗi ngày 2 người có thể dệt được 4 chiếc chiếu, với thu nhập khoảng 300.000 đồng. Gia đình chị Thu còn là nhà đầu mối thu mua chiếu dệt thô từ các hộ dân khác về in hoa và hoàn thiện sản phẩm để bán ra thị trường.

Trước đây, người dân An Xá chỉ biết sản xuất một loại chiếu trắng duy nhất từ nguyên liệu cói nguyên chất, hiện nay thương hiệu chiếu cói An Xá đã được người dân khắp các địa phương biết đến với 3 mẫu mã: chiếu trắng, chiếu hoa và chiếu kẻ.

Chị Võ Thị Thu thực hiện công đoạn in hoa trên sản phẩm chiếu cói.
Chị Võ Thị Thu thực hiện công đoạn in hoa trên sản phẩm chiếu cói.

Ông Trần Hữu Trung, Chủ nhiệm HTX làng nghề chiếu cói An Xá chia sẻ với chúng tôi: Để hình ảnh và màu sắc sản phẩm chiếu sắc sảo khó phai, phải mất rất nhiều công đoạn. Trước tiên là chọn sợi cói về nhuộm phẩm với đủ loại màu xanh, đỏ, tím, vàng...

Công đoạn nhuộm màu cũng cần phải có kinh nghiệm và kỷ năng chính xác, sau khi nấu phẩm màu xong, tùy theo độ đậm nhạt mà có thể nhúng từng chùm nhỏ vào từ 2-3 lần trở lên. Cói nhuộm phẩm xong phải phơi cho đủ nắng, nhưng không quá gắt vì dễ giòn gãy và không để dịu vì dễ ẩm mốc. Nguyên liệu cói dùng để dệt chiếu phải ửng màu xanh, dệt xong đem phơi sẽ cho ra màu trắng sáng. Sợi lác phải dài mà nhỏ, đều cả hai đầu và không chắp nối thì sẽ dệt nên những chiếc chiếu mịn màng và bền bỉ, giá bán ra thị trường cũng cao hơn rất nhiều.

Còn chị Võ Thị Phương, một trong những người làm chiếu chuyên nghiệp và có tay nghề cao ở thôn An Xá thì cho chúng tôi biết thêm:  Để dệt một chiếc chiếu thường cần có hai người, một người dệt chiếu và một người đưa cói vào khung để dệt. Tùy theo hình dáng hoa văn mà người dệt chiếu sẽ điều khiển mắc cửi đơn hoặc kép cho phù hợp. Bàn tay phải khéo léo điều khiển sợi đay lúc nâng lên, lúc chìm xuống để tạo ra các hình dáng hoa văn thật ăn khớp nhau.

Chia tay những người làm chiếu cói thuần hậu, chúng tôi rời làng An Xá và mang theo âm hưởng của những tiếng “lạch cạch” đã trở nên thân thuộc. Mặc dù An Xá hôm nay chưa giàu về kinh tế nhưng so với những năm trước đây, đời sống vật chất và tinh thân của người dân được nâng lên rất nhiều. An Xá hiện đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5%, mức thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 14 triệu đồng/người/năm. Hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn thôn đã được đầu tư hoàn chỉnh, bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.

Thêm một mùa xuân mới nữa lại về với làng nghề chiếu cói An Xá, chúng tôi cảm nhận được rằng, thành quả mà An Xá có được hôm nay là nhờ sự đóng góp không nhỏ của những người làm chiếu cói trong làng. Và có lẽ, ước nguyện lớn nhất của tôi lúc này là cầu mong lòng yêu nghề, quyết tâm gắn bó và duy trì phát triển nghề truyền thống mà ông cha truyền lại sẽ trường tồn trong tâm hồn những người làm chiếu nơi đây. Họ sẽ tiếp tục cùng với nhân dân địa phương phát huy hết sức lực và trí tuệ của mình xây dựng quê hương An Xá mỗi ngày thêm khởi sắc.    

                                                                              Hiền Chi








 

,
.
.
.