Côi cút giữa dòng đời

  • 08:13 | Thứ Bảy, 05/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Gần một năm, hầu như đêm nào Long cũng thút thít khóc gọi tên mẹ đến lả người rồi mới thiếp đi trong vòng tay của bà ngoại tuổi đã xế chiều. Vừa đón xong sinh nhật lần thứ 6, Long ngơ ngác bên linh cữu của người mẹ trẻ ra đi trong bệnh tật và đến nay vẫn tin lời bà ngoại "mẹ đi làm rồi sẽ sớm về".
 
Người mẹ "tý hon" của Long, chị Hoàng Thị Hiền (SN 1991), thôn Bắc Minh Lệ, xã Quảng Minh (TX. Ba Đồn) bị bệnh tim bẩm sinh, mang thai chỉ nặng 25kg. Long được sinh non 7 tháng cũng chỉ có 1,2kg và lớn lên từng ngày nhờ từng hộp sữa của các nhà hảo tâm gửi tặng sau trận lũ lịch sử tháng 10/2016. Cuối năm 2022, sau nhiều ngày chống chọi với bệnh tật hành hạ, chị Hiền ra đi để lại Long côi cút giữa dòng đời...
Cháu Hoàng Phi Long mồ côi mẹ khi vừa tròn 6 tuổi.
Cháu Hoàng Phi Long mồ côi mẹ khi vừa tròn 6 tuổi.
Những mảnh đời vá víu
 
Mẹ mất, Long ở cùng bà ngoại trong căn nhà nhỏ, nằm cuối ngõ cụt hướng mặt ra cánh đồng lúa của thôn Bắc Minh Lệ. Căn nhà chắp vá cả tường xây chưa trát vữa và quây tôn sắt lại để tránh gió lùa. Bà ngoại Hoàng Thị Hảo (SN 1960) trước đây đi ở đợ giúp việc cho một gia đình ở chợ Ba Đồn nay nghỉ ở nhà để chăm 3 đứa cháu nhỏ. Hoàng Phi Long cháu ngoại 7 tuổi, 2 đứa cháu nội lần lượt 2 và 4 tuổi. Dáng người nhỏ thó, khuôn mặt khắc khổ, lưng bà Hảo như còng thêm sau sự ra đi của chị Hiền.
 
Bà Hảo không rõ cha mẹ, từ nhỏ bà được một người phụ nữ góa nhận làm con nuôi. Lớn lên, bà cũng không có chồng nhưng "ăn ra" được hai người con, chị Hiền đầu và sau còn một người con trai cũng theo họ mẹ. Khổ cực, thiệt thòi từ nhỏ, hai người con của bà Hảo cũng không được mạnh khỏe như bạn bè cùng trang lứa, riêng chị Hiền đã bị bệnh tim bẩm sinh sớm đau mai ốm.
 
Gia đình 4 người, 3 thế hệ bấu víu nhau sống qua ngày. Độ hơn chục năm trước, được hỗ trợ diện hộ nghèo và vay mượn thêm bà con lối xóm, gia đình rời túp lều cũ vào ở nhà xây thô khoảng 40m2. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, người mẹ nuôi dặn bà Hảo để lại căn nhà cho chị Hiền, còn anh con trai có sức khỏe hơn thì gắng kiếm tiền làm nhà mới.
 
Gia cảnh khó khăn, lại ốm yếu chị Hiền nghỉ học từ cấp tiểu học và quanh quẩn việc vặt trong nhà. Năm 2015, qua mạng xã hội chị Hiền quen được một người đàn ông ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Sau 4 năm hẹn hò trên mạng ảo, hai người quyết định đến với nhau nhưng phía gia đình nhà nam phản đối kịch liệt vì thể chất ốm yếu của chị Hiền. Mấy tháng sau, chị Hiền mang thai và một mình vượt cạn. Chị sinh non con 7 tháng, hai mẹ con sống sót thần kỳ trong sự kinh ngạc của nhiều người, bố thì bỏ đi, cháu Hoàng Phi Long được khai sinh theo họ mẹ.
Hoàng Phi Long cùng mẹ Lan thắp hương cho mẹ đẻ, cháu còn quá nhỏ để cảm nhận được sự mất mát lớn lao.
Hoàng Phi Long cùng mẹ Lan thắp hương cho mẹ đẻ, cháu còn quá nhỏ để cảm nhận được sự mất mát lớn lao.
Bà Hảo vừa đón cháu từ lồng ấp bệnh viện về nhà được một tháng thì trận lũ lịch sử năm đó tràn về. Hai mẹ con bà Hảo chuyền tay nhau bế Long còn đỏ hỏn ngâm trong nước lũ đợi người tới cứu. Sau trận lũ ấy, nhiều người biết đến hoàn cảnh mẹ con chị Hiền, Long lớn lên nhờ từng hộp sữa được nhà hảo tâm hỗ trợ.
 
Người em trai của chị Hiền cũng nghỉ học giữa chừng, lăn lộn khắp nơi kiếm tiền nuôi mẹ, nuôi chị, nuôi cháu. Sau đó cũng lấy một cô gái miền Tây, không có việc làm ổn định và dắt nhau về quê khi dịch Covid-19 bùng phát. Vay mượn khắp nơi, bà Hảo cũng cất được một gian nhà xây chung vách nhà cũ cho vợ chồng người con trai, còn mình đi ở giúp việc cho nhà khác. Chị Hiền làm lụng quanh vườn, chịu khó chăn nuôi kiếm thêm thu nhập.
 
Cháu Long lớn lên từng ngày trong niềm yêu thương vô bờ của bà, của mẹ nhưng sức khỏe chị Hiền ngày càng kém đi, với nhiều biến chứng từ bệnh tim phải thường xuyên nhập viện. Đến khi bệnh viện trả về, chị Hiền dần mất ý thức vì những cơn đau hành hạ, mỗi lần tỉnh dậy đều gọi tên con. Ngày chị mất, gia đình không đủ tiền mua áo quan, may nhờ có người hàng xóm tốt bụng hỗ trợ. Mưa gió, đám tang lác đác vài người, bà Hảo nuốt nước mắt dỗ dành trong sự ngơ ngác của Long: "Mẹ Hiền đi làm rồi sẽ về"...
 
Chới với giữa đời
 
Hôm chúng tôi tới nhà, Long cùng 2 đứa em đang nghịch cát quanh vườn, bà Hảo tranh thủ dọn mấy luống cỏ. Những ngày thường, vợ chồng người cậu làm thợ đụng ở xa, bà Hảo phải thức Long dậy sớm để đưa đi học. Long đạp xe đi trước, bà Hảo không biết đạp xe đi bộ theo sau qua cánh đồng làng khoảng 2km thì đến trường. Rồi lại đi bộ về nhà đẩy hai đứa cháu còn lại trên chiếc xe cút kít đến trường mẫu giáo.
 
Cảm thương hoàn cảnh của Hoàng Phi Long, Chi đoàn Báo Quảng Bình sẽ nhận đỡ đầu em theo chương trình "Em nuôi của Đoàn" do Trung ương Đoàn phát động. Mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng trong vòng 3 năm, bắt đầu từ tháng 8/2023-tháng 8/2026. Kinh phí hỗ trợ được huy động từ nguồn đóng góp của các đoàn viên trong Chi đoàn Báo Quảng Bình.
Long nhận ra những người khách tới nhà, chạy ra cổng quấn quýt chị Trần Thị Tuyết Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TX. Ba Đồn. Nói chị Lan là người mẹ thứ 2 nuôi Long lớn thì cũng không quá, thời điểm sau trận lũ năm 2016, chị là người kêu gọi, kết nối các nhà hảo tâm dành nhiều sự hỗ trợ cho mẹ con Long. Những năm sau đó, chị thường xuyên quan tâm mua áo quần, bánh kẹo cho Long, thậm chí có những lần đi viện, bà Hảo hết đường đành điện thoại nhờ chị Lan thanh toán viện phí cho con gái.
 
Tin nhắn cuối cùng chị Hiền nhắn cho chị Lan là "nhờ chị chăm sóc cho cháu Long khôn lớn nếu lỡ đợt này không qua khỏi...". Chị Lan cho hay, giữa năm ngoái khi chương trình "Mẹ đỡ đầu-kết nối yêu thương" được triển khai rộng rãi trên địa bàn thị xã, chị cũng cố gắng kết nối để hỗ trợ mẹ con Long, tuy nhiên thời điểm đó chị Hiền còn sống dù đang bệnh tật trong khi các cháu thuộc diện được hỗ trợ phải là trẻ mồ côi.
Từ khi mẹ mất, Long sống nương tựa cùng bà ngoại.
Từ khi mẹ mất, Long sống nương tựa cùng bà ngoại.
Có lẽ do sinh thiếu tháng hay di truyền từ mẹ, sức khỏe Long cũng không được tốt. Người cháu mảnh khảnh và hay ốm vặt, bà Hảo cũng lo lắm nhưng chưa có điều kiện đưa đi khám. May mắn là Long rất ngoan, vâng lời bà ngoại, ngày nghỉ vẫn thường ra đồng bắt ốc, phụ giúp bà hái rau. Bà Hảo tâm sự, từ khi con gái mất, đêm nào Long cũng nằm trong lòng bà khóc gọi mẹ đến khi thiếp đi.
 
Gần cả năm, Long luôn tin lời bà "mẹ đi làm rồi sẽ sớm về" nhưng cũng có lúc bướng lên, gào khóc đòi mẹ bằng được. Bà quát to, cháu nín khóc nhưng rồi bà lại khóc. Cháu ngủ, tiếng thở dài của người bà vẫn thườn thượt trong đêm vắng. Bà Hảo lo lắm, bà cảm nhận được sức khỏe ngày càng yếu, trong khi Long còn quá nhỏ, đến tận bây giờ còn chưa biết mẹ nó đã ra đi mãi mãi.
 
Trước khi nhắm mắt, chị Hiền nắm lấy tay và dặn bà Hảo: "Cố gắng nuôi thằng Long lớn thêm chút nữa nghe mạ...!", người mẹ nuốt nước mắt vào trong nhớ mãi lời trăn trối của con gái.
X.Phú
 

Mọi sự hỗ trợ, chia sẻ của bạn đọc hảo tâm với em Hoàng Phi Long, xin vui lòng gửi về số tài khoản của anh Hoàng Tiến Hùng (cậu ruột em Long): 53210001288693-BIDV-Chi nhánh Bắc Quảng Bình hoặc liên hệ với bà Hoàng Thị Hảo (bà ngoại Long) qua số điện thoại: 0976064138.

Hoặc tài khoản hoạt động từ thiện của Báo Quảng Bình, số TK: 128000000559-Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Bình.

 

tin liên quan

Tuyên Hóa: Thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững

(QBĐT) - Để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo, hạn chế tình trạng tái nghèo, thời gian qua, huyện Tuyên Hóa đã tích cực triển khai các giải pháp, chương trình, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Giữ nghề đan lát truyền thống

(QBĐT) - Nhiều năm qua, ông Lê Viết Sơn, ở thôn Kim Trung, xã Kim Hóa (Tuyên Hóa) luôn gìn giữ, phát triển nghề mây tre đan truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã phong phú, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Trao tiền hỗ trợ cho nhân vật trong chuyên mục "Cảnh đời"

(QBĐT) - Sáng 4/8, đại diện lãnh đạo Báo Quảng Bình, Đảng ủy xã Hải Ninh (Quảng Ninh), CLB Giọt hồng Quảng Bình đã đến thăm, trao tiền hỗ trợ cho gia đình ông Trương Tâm ở thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh.