Khi vốn ưu đãi là "cú hích" cho kinh tế vùng cao

Cập nhật lúc 15:18, Thứ Năm, 28/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Tại hội nghị biểu dương điển hình phong trào “Đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” năm 2012, ở tỉnh ta đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các tộc người như: Mày, Sách, Rục, A rem, Mã liềng Vân kiều, Ma coong, Khùa... Trước đây họ thuộc diện hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, nhưng với sự trợ giúp bằng các nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), họ đã vươn lên thoát nghèo và phát triển kinh tế gia đình bền vững.

Vùng miền núi tỉnh ta hiện có 64 xã, thị trấn với diện tích tự nhiên 6.649 km2, chiếm trên 3/4 diện tích tự nhiên của tỉnh. Dân số vùng miền núi có 65.653 hộ, 275.213 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 5.152 hộ với 22.496 khẩu (chiếm 2.5% dân số toàn tỉnh và chiếm 8.2% dân số vùng miền núi).

Theo kết quả rà soát của các địa phương, từ năm 2007-2010, tổng số hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn là 2.670 hộ. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và các địa phương liên quan, đặc biệt là sự phối hợp có hiệu quả của NHCSXH tỉnh trong triển khai kế hoạch cho vay vốn, đến nay tổng dư nợ đồng bào DTTS toàn tỉnh được hưởng là 11.745 triệu đồng với 2.376 hộ còn dư nợ, bình quân mỗi hộ dư nợ 4,9 triệu đồng...

Qua gần 10 năm triển khai, nguồn vốn của chính sách đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS. Từ nguồn vốn vay, hầu hết các hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn đã đầu tư vào sản xuất, trong đó có 790 hộ đầu tư vào trồng trọt, chủ yếu là mua giống cây lâm nghiệp để trồng rừng kinh tế, 1.586 hộ mua giống gia súc như: bò, lợn... Nhiều hộ đã biết phát huy hiệu quả của đồng vốn vay, bước đầu có thu nhập, góp phần ổn định kinh tế gia đình, tạo việc làm ổn định.

Nhờ có nguồn vốn ưu đãi bà con dân tộc thiểu số yên tâm phát triển sản xuất.
Nhờ có nguồn vốn ưu đãi bà con dân tộc thiểu số yên tâm phát triển sản xuất.

Ngoài vốn vay theo Quyết định 32/2007/QĐ-TTg và Quyết định 126/2008/QĐ-TTg, các hộ DTTS đặc biệt khó khăn, hộ nghèo DTTS còn được vay bằng nhiều nguồn vốn khác từ NHCSXH tỉnh, như: cho vay hộ nghèo, cho vay vùng khó khăn, vay giải quyết việc làm, vay xuất khẩu lao động... Từ các nguồn vốn vay trên, nhiều hộ đồng bào DTTS đã vươn lên trong phong trào thi đua sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo.

Theo số liệu thống kê từ năm 2007 đến năm 2012, bình quân mỗi năm số hộ làm ăn khá, giỏi trong đồng bào DTTS đều tăng. Toàn tỉnh có 472 hộ đồng bào DTTS có thu nhập từ 30-50 triệu đồng/năm, 187 hộ có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, chiếm 0,12% tổng số hộ.

Có thể nói, các nguồn vốn vay từ NHCSXH tỉnh thực sự là cú hích, là một trong những nguồn lực cơ bản thúc đẩy sự phát triển sản xuất của đồng bào DTTS. Điều dễ nhận thấy trước hết, đó là đồng bào DTTS đã chuyển đổi được nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu từ độc canh “phát, đốt, cốt, trỉa”,  sản xuất “tự cung, tự cấp” sang thâm canh tăng vụ, kết hợp chăn nuôi đại gia súc, gia cầm với cải tạo vườn đồi, vườn rừng, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp có năng suất, giá trị kinh tế cao, tạo nên các mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, đa dạng. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều hộ gia đình biết cách tổ chức sản xuất, làm ăn có hiệu quả, vươn lên xoá đói, giảm nghèo và có kinh tế phát triển.

Chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn là chính sách phù hợp với nguyện vọng của đồng bào DTTS, nhất là những vùng còn khó khăn, nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao; cũng như các chính sách vay vốn khác là những chính sách hợp với lòng dân, vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện đã nhận được sự đồng thuận cao của cấp uỷ, chính quyền địa phương và nhân dân. Công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện và sự phối hợp của các đơn vị và địa phương có liên quan có nhiều thuận lợi; việc bình xét, lập danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách được thực hiện công khai, dân chủ. Phần lớn các hộ gia đình được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả của vốn vay, góp phần thực hiện tốt chính sách xóa đói, giảm nghèo.

Tuy nhiên, theo kết quả rà soát hộ nghèo đầu năm 2012, vùng dân tộc miền núi còn có 25.918 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 39,47% so với tổng số hộ vùng dân tộc miền núi; một số xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: Dân Hoá, Trọng Hoá (Minh Hoá) tỷ lệ hộ nghèo trên 80%; Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch) tỷ lệ hộ nghèo trên 90%...

Ông Hoàng Văn Tân, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới, Ban Dân tộc miền núi sẽ tăng cường chỉ đạo phối kết hợp chặt chẽ với các ban, ngành, các tổ chức chính trị- xã hội trên địa bàn tỉnh trong việc nâng cao chất lượng và các mặt hoạt động tín dụng NHCSXH. Tăng cường kiểm tra, giám sát đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của hộ nghèo, hộ DTTS đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn vùng dân tộc-miền núi. Chính quyền địa phương các cấp tiếp tục hỗ trợ, tạo thuận lợi cho mọi mặt hoạt động của NHCSXH, đặc biệt là các xã nơi ngân hàng đặt điểm giao dịch; đồng thời tăng cường công tác quản lý, giám sát các tổ chức trong màng lưới hoạt động NHCSXH để nguồn vốn tín dụng xóa đói, giảm nghèo không bị mất mát, lãng phí và được bảo toàn.

                                                                       Hoàng Phương






 

,
.
.
.