Tích cực phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn

Cập nhật lúc 08:43, Thứ Năm, 28/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Do nhận định sớm tình hình, ngay từ đầu vụ đông-xuân 2012-2013, UBND tỉnh, Sở NN và PTNT, chính quyền các địa phương trong tỉnh... đã sớm ban hành nhiều văn bản và triển khai các biện pháp chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó tại thời điểm này, hạn hán và xâm nhập mặn vẫn chưa gây ra những thiệt hại đáng kể đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta...

Tỉnh ta có hệ thống sông, suối tương đối nhiều, với 5 con sông chính, gồm: sông Roòn, sông Gianh, sông Lý Hòa, sông Dinh và sông Nhật Lệ. Đặc điểm các dòng sông ở tỉnh ta thường ngắn và dốc, do đó vào mùa mưa nước tập trung nhanh nên rất dễ gây ra lũ lớn, lũ quét; mùa khô nước sông xuống thấp nên tại các vùng núi cao thường xảy ra khô hạn, vùng đồng bằng mặn xâm nhập sâu dọc theo các sông. Vì vậy, giải pháp lấy nước từ các con sông chính ở hạ nguồn để tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp gần như không có (chỉ có một số diện tích khá ít ỏi ở phía thượng nguồn như Châu Hóa, Phong Hóa thuộc huyện Tuyên Hóa)...

Theo dự báo thời tiết của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia và dựa vào tình hình thực tế nguồn nước hiện có tại các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh ta, trong năm 2013, nguy cơ xảy ra hạn hán trên diện rộng sẽ rất cao, đặc biệt là vào thời điểm những tháng mùa khô. Tổng hợp của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quảng Bình từ các trạm đo mưa trên địa bàn toàn tỉnh mới đây cho biết, lượng mưa trong năm 2012 thấp hơn nhiều so với trung bình các năm trước từ 20-30%, riêng mùa mưa lũ hụt khoảng 40-60%.

Cụ thể, lượng mưa đo được tại trạm Đồng Hới: 1.778mm (bằng 81,8% mức trung bình nhiều năm cộng lại); tương tự, trạm Tân Mỹ: 1.418mm (66,57%); Ba Đồn: 1.471,4mm (73,85%); Mai Hóa: 1.567mm (74,51%); Đồng Tâm: 1.803,5mm (74,52%)... Báo cáo về tình hình nguồn nước ở các hồ chứa, sông suối... của Sở NN và PTNT cũng cho biết thêm, Quảng Bình hiện có 159 hồ chứa nước, 215 đập dâng và 310 trạm bơm. Tổng dung tích của các hồ chứa nước nói trên là 562 triệu m3.

Thời gian qua, các hồ, đập chứa nước này đã phối hợp với dòng chảy cơ bản của các sông, suối, ao, đầm..., góp phần bảo đảm chủ động tưới tương đối ổn định cho khoảng 54 nghìn ha diện tích gieo trồng của tỉnh ta. Tính đến thời điểm đầu tháng 3-2013, mực nước tại các hồ chứa trong tỉnh hầu hết đều thấp hơn so với mực nước thiết kế; lượng nước trong các hồ này chỉ đạt từ 50-70% dung tích thiết kế, có nhiều hồ dưới 50% (tập trung chủ yếu ở các địa phương phía bắc, tính từ thành phố Đồng Hới trở ra)...

Công trình thủy lợi Thượng Mỹ Trung góp phần ngăn mặn rất hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp ở hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy.
Công trình thủy lợi Thượng Mỹ Trung góp phần ngăn mặn rất hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp ở hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy.

Nguồn nước tại các hồ, đập trong tỉnh bị sụt giảm so với bình quân nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo nhận định và đánh giá về tình hình hạn hán của Sở NN và PTNT thì khả năng xảy ra hạn hán đối với vụ đông-xuân 2012-2013 là rất ít (nếu có thì chỉ xảy ra cục bộ đối với các diện tích do các hồ chứa nhỏ). Thế nhưng, đối với vụ hè-thu, nguy cơ xảy ra hạn hán tại các địa phương nằm ở phía bắc của tỉnh là rất cao, cụ thể: huyện Bố Trạch tập trung ở vùng nằm giữa lưu vực sông Dinh, sông Son và sông Lý Hòa; huyện Quảng Trạch tập trung ở xã Quảng Hợp, Quảng Tiến, Quảng Lưu, Quảng Phương, Quảng Thạch; huyện Tuyên Hóa tập trung ở xã Tiến Hóa, Mai Hóa; huyện Minh Hóa tập trung ở xã Minh Hóa, Yên Hóa, Xuân Hóa...

Tại thời điểm này (21-3-2013) hạn hán và xâm nhập mặn vẫn chưa gây ra những thiệt hại đáng kể cho sản xuất nông nghiệp. Để có được kết quả này, thời gian qua, các cơ quan chức năng và các địa phương trong tỉnh đã triển khai khá nhiều biện pháp để phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp, chẳng hạn: yêu cầu các địa phương, đơn vị... thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, nguồn nước tại các công trình thủy lợi để vận hành hợp lý, bảo đảm cấp nước tưới cho cây trồng, nước uống cho gia súc, gia cầm, đặc biệt ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho nhân dân; kiểm tra các cống lấy nước để chỉ đạo bảo quản, duy tu, sửa chữa..., hạn chế tối đa việc để thất thoát nguồn nước; lập kế hoạch cấp nước tưới theo các thời kỳ sinh trưởng của cây trồng; tận dụng, khai thác tối đa nguồn nước trong các khe, suối tự nhiên; đắp chặn các hói, lạch tiêu nội đồng nhằm tận dụng lượng nước có sẵn, lượng nước hồi quy, để dành nước trong các hồ chứa dự phòng chống hạn cuối vụ đông-xuân...

Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện quy trình tưới tiết kiệm nước theo hình thức tưới luân phiên, vùng xa tưới trước, vùng gần tưới sau nhằm tránh lãng phí nước và gây ngập úng tại vùng đầu kênh, khô hạn cuối kênh; kiểm tra chặt chẽ việc lấy nước vào ao nuôi trồng thủy sản, kiên quyết xử lý những trường hợp lấy nước tự do, lãng phí...; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương có công trình thủy lợi cân đối lại lượng nước thực có, nhu cầu dùng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp để từ đó đưa ra kế hoạch tưới tiêu hợp lý, bảo đảm “ăn chắc” vụ đông-xuân; kiên quyết chỉ đạo chuyển đổi những diện tích lúa có nguy cơ thiếu nước bằng các giống cây trồng thích hợp, chịu hạn cao...

Trong điều kiện thời tiết ngày càng có sự biến đổi bất thường và khó lường, ngoài việc đưa ra các giải pháp trước mắt, Sở NN và PTNT  vẫn đang tiếp tục chú trọng nghiên cứu để tìm ra những giải pháp nhằm đối phó, khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn một cách có hiệu quả hơn. Chẳng hạn như hỗ trợ nguồn nước tưới từ lưu vực này sang lưu vực khác (lấy nước từ hồ Thác Chuối hỗ trợ chống hạn cho đuôi hồ Vực Nồi và vùng phụ cận; hồ Vực Tròn hỗ trợ chống hạn bổ sung cho các hồ Tiên Lang, Bàu Sen, Trung Thuần... thuộc lưu vực sông Gianh).

Thiết nghĩ, nếu các địa phương, đơn vị, nhân dân trong tỉnh nghiêm túc thực hiện theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng thì sẽ giảm thiểu tối đa những thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây nên...

                                                                           Văn Minh   






 

,
.
.
.