Phấn đấu đến năm 2020, đưa huyện Quảng Ninh phát triển mạnh, toàn diện về kinh tế- xã hội

Cập nhật lúc 13:49, Thứ Tư, 27/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày 22- 2, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 406/QĐ-UBND về việc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội huyện Quảng Ninh đến năm 2020. Có thể nói rằng Quyết định số 406/QĐ-UBND tạo cho huyện Quảng Ninh những thuận lợi căn bản nhằm phát triển mạnh, toàn diện về kinh tế- xã hội. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây, với khoảng thời gian không dài,  huyện Quảng Ninh sẽ chọn cho mình lộ trình thực hiện như thế nào? Phóng viên Báo Quảng Bình đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh xung quanh vấn đề này.

- Phóng viên (PV): Phấn đấu đến năm 2020, đưa huyện Quảng Ninh phát triển mạnh, toàn diện về kinh tế- xã hội, trong đó chúng ta ưu tiên đến những mục tiêu cụ thể nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Viết Ánh: Trong đề án được UBND tỉnh phê duyệt khẳng định: đến năm 2020, huyện Quảng Ninh sẽ phát triển mạnh mẽ và toàn diện về kinh tế-xã hội; tăng trưởng kinh tế hài hòa, nhanh và bền vững. Xây dựng kinh tế hợp lý theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp- xây dựng; thương mại- dịch vụ; giảm tỷ trọng nông-lâm-ngư nghiệp. Phát triển mạnh nguồn lực con người; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; bảo vệ tốt môi trường sinh thái; tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội.

Phát triển chăn nuôi trâu, bò là một thế mạnh của huyện Quảng Ninh
Phát triển chăn nuôi trâu, bò là một thế mạnh của huyện Quảng Ninh

Mục tiêu cụ thể, về kinh tế: tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 tăng từ 13,5 đến 14%; cơ cấu nông-lâm-ngư nghiệp chiếm 27%; công nghiệp, xây dựng chiếm 48%; dịch vụ 25%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 26 triệu đồng/năm và đến năm 2020 đạt 36 triệu đồng/năm. Sản lượng lương thực đến năm 2020 đạt 50,2 nghìn tấn.

Về xã hội: dân số đến năm 2020 là 91.210 người; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 3 đến 4%; giải quyết việc làm hàng năm cho 4.000 lao động; 100% trạm y tế có bác sỹ; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia; phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS; 15/15 xã được phủ sóng truyền hình; 100% thôn bản có nhà văn hóa; các xã, thị trấn đều có sân vận động...

- PV: Phát triển kinh tế đồng thời với bảo đảm an sinh, công bằng xã hội và nhân tố con người cũng như vấn đề môi trường sinh thái... Quan điểm của huyện Quảng Ninh đối với những vấn đề này như thế nào?

- Ông Nguyễn Viết Ánh: Huyện Quảng Ninh xác định phát triển phải mạnh, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tuy nhiên sự phát triển này phải mang tính bền vững. Quan điểm được đặt ra là: phát huy nội lực, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để xây dựng các cốt vật chất, hạ tầng toàn diện, hiện đại; gắn tăng trưởng với thực hiện công bằng xã hội, giảm bớt sự chênh lệch về mức sống giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các vùng miền. Lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế- xã hội với xây dựng nông thôn mới.

Hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần trên cơ sở đẩy mạnh, phát triển lực lượng sản xuất, không ngừng củng cố quan hệ sản xuất, tạo động lực cho phát triển bền vững. Xem trọng nhân tố con người. Gắn giáo dục-đào tạo với thị trường lao động. Đẩy mạnh, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt; cán bộ khoa học, kỹ thuật; công nhân lành nghề.

Nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành nhà nước; coi trọng cải cách hành chính; phát huy sức mạnh các thành phần kinh tế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thân thiện với doanh nghiệp và những thành phần kinh tế khác. Gắn phát triển kinh tế- xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng- an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Chú trọng bảo vệ môi trường, tạo nền tảng cho việc phát triển lâu dài, bền vững.

- PV: Như đã đề cập, thời gian từ đây đến năm 2020 không còn nhiều, vậy huyện Quảng Ninh lựa chọn phát triển đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế- văn hóa- xã hội hay lựa chọn một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, thưa ông?

- Ông Nguyễn Viết Ánh: Tất nhiên phải ưu tiên cho phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng phục vụ kinh tế nhưng đồng thời cũng chú trọng đến các vấn đề xã hội như: dân số, cơ cấu lao động; giáo dục-đào tạo; khoa học, công nghệ; y tế, thể thao, văn hóa; vấn đề giải quyết việc làm, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo...

Trong nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng đề án tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, hình thành nên nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp giai đoạn 2016-2020 tăng 4,5%. Sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng. Chuyển đổi một số diện tích rừng nghèo kiệt sang trồng cao su và các loại cây có giá trị kinh tế cao. Đến năm 2020, toàn huyện Quảng Ninh sẽ có khoảng 1.200ha cao su; 400 ha lạc; 350ha cây ăn quả và 50ha tiêu. Về thủy sản, phấn đấu đưa giá trị sản xuất hàng năm tăng bình quân 9,9%; đến năm 2020, tổng sản lượng đạt 5.648 tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản 2.050 ha.

Về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ: tập trung vào các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; khai khoáng; chế biến nông- lâm- thủy sản. Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa; khôi phục, mở rộng những làng nghề truyền thống, làng nghề nông thôn. Tốc độ phát triển ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011-2020 là 18,56%. Đến năm 2020, sản lượng một số sản phẩm chủ yếu như: xi măng đạt 1.200.000 tấn; đá hộc 2.000m3; gạch 20 triệu viên...

Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, mở rộng mạng lưới thương mại dịch vụ; xây dựng các trung tâm thương mại. Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ giai đoạn 2011-2020 đạt 12,8%; tổng mức bán lẻ tăng 8,7%. Xây dựng, hình thành nên các chợ đầu mối nông sản, chợ nông thôn phục vụ cho nhu cầu nhân dân...

Tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế, quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới.

- PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

                                                                    Thanh Long (thực hiện)

,
.
.
.