Kiên Trinh ngày mới

Cập nhật lúc 07:30, Thứ Tư, 27/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Thôn Kiên Trinh, xã Hóa Phúc, huyện Minh Hóa nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng và những dãy núi đá vôi sừng sững. Trước đây, muốn vào thôn phải băng rừng, lội suối cuốc bộ hàng giờ đồng hồ. Vì vậy, đời sống của bà con nơi đây hết sức khó khăn, vất vả... Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hưởng lợi từ Chương trình 135, Chương trình 30a, thôn đã được đầu tư xây dựng một con đường dài gần 5km. Năm 2010, con đường đã hoàn thành, ước mơ có đường bao đời nay của người dân Kiên Trinh đã trở thành hiện thực. Và những ngày mới tươi đẹp đã đến với bà con nơi đây...

Về Kiên Trinh gùi lạc thuê

Hơn 6 năm về trước, tôi đang là sinh viên về quê nghỉ hè. Trong thời gian rảnh rỗi, tôi cũng theo những người bạn ở quê đi làm thuê để có thêm tiền chuẩn bị cho năm học mới. "Mày có muốn đi gùi lạc thuê với tao ở Hóa Phúc không, mỗi ngày được khoảng 60 đến 100 ngàn đồng", một anh bạn nói với tôi như thế. Dù biết là sẽ vất vả, nhưng tôi muốn được đi một chuyến để trải nghiệm cuộc sống cùng với bà con nơi đây. Không đắn đo suy nghĩ, tôi đã gật đầu và ngày hôm sau cùng với anh bạn vào xã Hóa Phúc gùi lạc thuê. Thôn Kiên Trinh lâu nay vẫn được xem là "vựa" lạc của xã Hóa Phúc nói riêng và cả của huyện Minh Hóa. Do khó khăn trong việc vận chuyển nên người trồng lạc nơi đây phải bán rẻ tại chỗ cho các thương lái. Mua lạc xong, thương lái phải thuê người gùi ra đường xuyên Á tập kết mới cho xe chở đi.

Thôn Kiên Trinh nhìn từ trên cao xuống
Thôn Kiên Trinh nhìn từ trên cao xuống

Để gùi lạc thuê, chúng tôi cùng với những người dân địa phương phải gùi trên lưng những bao lạc nặng trên 40 kg, đi dưới cái nắng oi bức của mùa hè. Đường vào thôn Kiên Trinh lúc đó đi người không cũng đã mệt rồi đừng nói đến chuyện phải gùi thêm lạc. Đi từ thôn ra tới đường xuyên Á dài hơn 4km nhưng phải vượt qua 3 khe nước và 3 ngọn núi. Đoàn gùi lạc lúc đó khoảng 20 người lần lượt phải chinh phục từng ngọn núi, khe nước. Từ trong thôn Kiên Trinh đi ra, ngọn núi đầu tiên chúng tôi phải vượt qua là núi Đất Đỏ. Đây cũng là ngọn núi cao và dài nhất trong cuộc hành trình của chúng tôi. Từng đoạn dốc lên núi dựng đứng nên mỗi người chúng tôi phải mang theo một cái gậy. Lên đến lưng chừng núi, dốc càng dựng đứng, người đi trước tưởng chừng sẽ đạp chân lên đầu của người đi sau. Dù mệt đến bở hơi tai nhưng cả đoàn gùi lạc vẫn không thể bỏ gùi xuống để nghỉ vì sợ bao lạc lại lăn xuống núi. Anh em trong đoàn cứ hì hục nhích từng bước một. Gần một giờ đồng hồ, chúng tôi mới chinh phục được ngọn núi đầu tiên.

Qua ngọn núi thứ nhất, chúng tôi lội qua một khe nước, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, rồi tiếp tục cuộc hành trình đầy khổ ải. Sau hơn 2 giờ đồng hồ, tất cả mọi người mới tới được nơi tập kết hàng. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi chỉ gùi được khoảng 4 chuyến hàng. Và cứ mỗi chuyến, thương lái trả cho 20 nghìn đồng. Qua một tuần gùi lạc thuê, tôi đã hiểu được phần nào nỗi khổ của người dân thôn Kiên Trinh. Vì không có đường giao thông nên đã kìm hãm sự phát triển kinh tế của thôn, mọi sinh hoạt của bà con gặp muôn vàn khó khăn... Và khát khao có một con đường với họ luôn cháy bỏng.

Mở đường, mở hướng làm ăn

Với đặc thù là xã vùng sâu còn gặp nhiều khó khăn nên xã Hóa Phúc được hưởng lợi từ Chương trình 135 và Chương trình 30a cùng một số chương trình khác. Năm 2008, xã đã lồng ghép hai nguồn vốn từ Chương trình 135 và 30a để xây dựng con đường bê tông từ trung tâm xã vào thôn Kiên Trinh. Năm 2010, công trình được hoàn thành với chiều dài 4,5km, rộng 4m trong niềm vui hạnh phúc của bà con. Đường như một sợi chỉ đỏ chạy qua các khe suối, núi đồi nối liền hai thôn (thôn Kiên Trinh và thôn Sy). Hơn 6 năm trôi qua, tôi có dịp trở lại thôn Kiên Trinh. Đường về thôn không phải leo núi lội suối như những ngày trước, Kiên Trinh giờ đây xe máy, xe ô tô đã về tới mọi nơi.

Gặp lại tôi, anh Đinh Xuân Liên- một người dân từng gùi lạc thuê ngày đó không thể giấu được niềm vui, anh thốt lên. "Chú Vương! Vào nhà tôi uống ly nước cái đã". Nhìn căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi của anh khiến tôi bất ngờ... Anh nói: "Ơn Đảng, ơn Nhà nước đã quan tâm đầu tư nên thôn mới có đường vào. Giờ đây, bà con phấn khởi lắm. Lạc và các mặt hàng nông sản khác được bán tại chỗ, lại được giá chứ không phải vất vả gùi như ngày trước nữa. Tôi cũng sắm thêm hai chiếc xe máy nữa để đi lại, làm ăn cho tiện". Trở lại nhà anh Đinh Xuân Báo, tôi cũng không khỏi bỡ ngỡ. Qua 6 năm, cơ ngơi của anh đã khấm khá hơn rất nhiều. Mỗi vụ lạc, nhà anh cũng kiếm được khoảng 40 đến 50 triệu đồng. Ba năm trở lại đây, anh đã tích cực phát triển chăn nuôi nhím. Đến nay, mô hình nhím của anh đã có hàng chục con. Trung bình mỗi cân nhím hơi bán giá thương phẩm đạt từ 250 đến 300 nghìn đồng. Nếu bán hết toàn bộ nhím trong chuồng, anh cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Khi giao thông thuận tiện, người dân thôn Kiên Trinh đã tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, các hoạt động văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng được quan tâm. Nếu như trước đây, bà con chỉ tập trung trồng lúa cạn để lo cho cái ăn hàng ngày thì nay bà con đã chuyển sang trồng lạc, cao su, trồng rừng và phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Dù thôn chỉ có 34 hộ dân nhưng lại có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế với 1.500ha đất trồng rừng và trồng lạc, 30ha đất trồng cao su. Đến nay, cả thôn đã trồng được 7 ha cao su, 8 mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả, người dân đã trồng được hàng chục ha rừng kinh tế. Trong vụ đông- xuân năm vừa rồi, cả thôn đã xuất bán được gần 150 tấn lạc, 100 ste gỗ keo, tràm, đạt doanh thu hàng tỷ đồng. Nhờ vậy mà đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của bà con ngày càng nâng lên, số hộ nghèo đã giảm đáng kể, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới.

Ông Đinh Thanh Có, Chủ tịch UBND xã Hóa Phúc cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo bà con thôn Kiên Trinh tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi như: tận dụng quỹ đất để trồng rừng kinh tế, phát triển cây cao su, đầu tư để mở rộng các mô hình chăn nuôi, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, quan tâm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tích cực xây dựng nông thôn mới kịp với lộ trình của xã".

                                                                             Xuân Vương

,
.
.
.